Cao Vị Khanh: Chuyện thời chạng vạng của những niềm tin
– chạng vạng của những niềm tin bao giờ cũng buồn-HÀ THÚC SINH
“Người sống trong khu dưỡng lão đường 75 nhìn ông Hòa Thanh như một kẻ bệnh tật khó tính. Ông sống ở phòng 304, ít ai thăm hỏi, trừ người đàn bà Mễ trong chương trình workfare được sở xã hội cắt cử tuần đôi ba lần đến dọn dẹp vệ sinh giúp ông, nhưng hai người không trò chuyện vì ông không biết tiếng Tây Ban Nha còn bà ta thì không thạo tiếng Anh. Có ai tò mò nhìn qua cửa sổ chỉ thấy ông Hòa Thanh luôn ngồi lặng trên chiếc ghế bành cũ, trước mặt có chiếc TV đen trắng, gần cạnh có cái bàn sách báo xếp ngay ngắn, có chồng đĩa hát nhưng không thấy máy hát; ngoài ra, trong một góc phòng còn có chiếc giá gỗ đặt hai cây kèn, một cây clairon và cây kia clarinette. Cả hai đều mốc meo như không từng được chủ nhân rớ tới.”*
Đó là đoạn mở đầu một truyện ngắn của HÀ THÚC SINH, có tựa là NGƯỜI LÍNH KÈN VÀ VIÊN ĐẠI ÚY, trích trong tập TỐNG BIỆT HAI MƯƠI do nhà xuất bản Xuân Thu ấn hành năm 1999.
Và sau đây là câu kết :
“ Tôi có tìm hỏi một cụ Việt Nam ở đây, cụ bảo đồng bào cụ đều buồn và sợ tiếng kèn ấy; đó là tiếng tiễn đưa một chiến hữu đã chết dù trong trường hợp nào, và người ta gọi nó là khúc Chiêu Hồn Tử Sĩ.”*
Truyện viết đã lâu, gần hai mươi năm sau mới có dịp đọc. Vậy mà vẫn nguyên cái cảm giác của gần hai mươi năm trước, khi tình cờ tôi đọc được câu viết của ông trích ra từ đâu đó. Câu viết như sau : “chạng vạng của những niềm tin bao giờ cũng buồn ”. Rồi nhớ hoài. Câu viết như một vết cắt trên da, mà nhiều năm sau mãi không mờ vết sẹo. Còn đó như chứng tích của một thời kỳ xao động cùng cực giữa niềm tin và sự bội tín, của hy vọng và thất vọng và cuối cùng … của tuyệt vọng !
Những năm 80 của thế kỷ trước, xứ lạ xa quê, dù xa không tính bằng thiên lý mà xa chính tự lòng người, sao lòng tôi vẫn cứ mãi không yên. Tôi sống, chân thì chạy theo trối chết những thúc bách của cuộc đời mà hồn thì vật vờ như chiếc bóng. Xứ người rộn rịp, đường lộ phẳng phiu, xe cộ đuổi nhau như chơi cướp bắt. Phố xá dập dìu người qua lại, dáng thẳng, mặt ngẩng cao và những bước chân chắc nịch. Đặc biệt trên mặt ai cũng toát ra một vẻ tự tin, chực sẵn một nỗi vui hồn nhiên như chưa từng phiền muộn. Và tôi và những người đồng chủng đồng cảnh ngộ và … những hoang mang!
Bất kể cái nghề lao động chân tay cả ngày cứ trì trì thân xác, đầu óc tôi cứ lơ mơ tận đâu đâu. Làm như sống tạm, sống hờ. Làm như chỉ chờ dịp là lộn về cố xứ. Cha mẹ tôi đã quá bảy mươi, còn ở đó bữa cháo bữa rau. Anh em tôi còn ở đó, người đày ngoài Bắc, người tù trong Nam. Mồ mả ông bà còn nằm chơ vơ bên bờ kinh Giáp Nước. Và xứ sở tôi, và bạn bè quyến thuộc tôi, kẻ thân người sơ, hàng xóm láng giềng, phố phường làng mạc, nếp sống thói quen, nề nếp văn hóa từ muôn đời tổ tiên tôi đã dày công vun bồi và truyền tụng… Mọi người, mọi thứ đang giẫy giụa mà đã chừng tuyệt vọng như đàn cá bị mắc lưới. Tôi bỏ trốn mà lòng không yên. Ngay cả khi đã đặt chân lên được mảnh đất lành, mà lòng tôi vẫn cứ mãi băn khoăn. Tôi bỏ đi như một người trốn nợ, bỏ lại hết cho thân yêu mình gánh nợ cho mình. Vài ba năm sau, vẫn hiu hắt hoài trong tôi cặp mắt của ba tôi đêm từ biệt, cặp môi mím chặt mà đã nghe ra lời vĩnh quyết. Và sâu kín hơn nữa, mập mờ hình ảnh những nấm đất phủ cờ nằm chật kín trong một góc nghĩa trang thành phố … Những người trẻ mà tuổi tác hẳn chừng cùng tôi trang lứa … ! Một người nằm đó là bao nhiêu nỗi mất mát đếm lên theo cấp số nhân, mà trước khi bỏ đi tôi đã thấy người thân xúm lại bốc dở. Những núm đất vô thừa nhận thì người ta san bằng.
Sao tôi cứ lẩn tha lẩn thẩn …
Tuy nhiên, tôi biết không phải mình tôi, trên khắp mặt đất này, chỗ năm ba ngàn, chỗ vài triệu hẳn cũng có những người như tôi. Họ vẫn hằng ngày cày cục để trám vừa đủ năm ba miệng ăn, vừa vẫn mong mỏi… một ngày về. Những năm 80, lòng ai cũng âm ỉ một đóm lửa, dù lắm khi hắt hiu, vẫn là một đóm lửa. Có khi phừng lên, bắn tung ra như hoa đăng làm nóng hổi lòng người. Người quen, kẻ lạ tụm nhau năm ba, hợp nhau thành đoàn thành nhóm, bàn cải, tính toán, so đo, sắp xếp, tuyên cáo, tuyên ngôn… Hẳn ai cũng sốt ruột, cũng thiệt lòng mong mỏi… Kẻ ít người nhiều, người của cải, kẻ công sức… Và hơn hết, chất keo sơn lý tưởng. Vâng, đã có một thời, thời hừng đông của những niềm tin. Tôi biết có những người công nhân gốc lính, ngày tám tiếng trong xưởng thợ mù bụi, cuối tuần “ đi cày ” thêm để lấy đồng lương tính một rưỡi, cho được rộng rãi góp phần. Tôi biết người giáo già làm công cho một tiệm buôn, suốt ngày chui rúc dưới hầm để cân đo đong đếm… mà hở ra là cầm biểu ngữ đi đầu những cuộc tuần hành biểu dương cho khát vọng giành lại quê hương. Tôi biết những người đàn bà, sớm chiều quần quật trong những xưởng may, về tới nhà là chợ búa giặt giụa cơm nước cho chồng con mà không sót một lần hội họp. Mà làm sao kể hết. Nhiều lắm, nhiều lắm những tấm lòng…
Có một lúc, ai nấy như trẻ lại, như sống lại từ những niềm tin… Sẽ có một ngày. Sẽ đến một ngày.
Những niềm tin! Ôi những niềm tin! Người ta chấp nhận hiện tại, thứ hiện tại trái cựa, lộn dòng lộn giống như một thứ bản lề. Người ta ẩn nhẩn sống, chấp nhận mọi bó buộc hiện tại như một cái giá phải trả cho cái lần sẩy đàn tan nghé. Hơn vậy nữa, cho cái lối sống thờ ơ, xao lãng trách nhiệm của một quá khứ chưa xa. Bây giờ, nếu được quày trở lạ … Dưng không, rồi ai nấy như muốn giữ lấy một lời nguyền …
Đã có một thời như vậy. Một thời mà niềm tin sáng lán như ngọn đuốc trong đêm. Đêm thì mịt mù mà hề gì, đã có ngọn lửa dẫu âm ỉ vẫn là ngọn lửa, không sớm thì muộn, lửa sẽ bốc lên thành ngọn, màn đêm sẽ bị xé ra thành muôn mảnh, từng mảnh sẽ là từng ngõ đi lối về… và quê hương đang quằn quại sẽ trỗi dậy dang tay đón đàn con thất lạc.
Những niềm tin không khác gì những tia sáng lúc hừng đông, xóa tan bóng tối, đánh thức những cơn mê, gọi dậy những giấc ngủ. Và giục người ta lên đường. Lên đường. Ôi còn âm thanh nào háo hức hơn nữa. Lên đường. Sẽ có những tiếng chuông vô thanh rộn rã trong đầu. Sẽ có những tiếng trống bập bùng vỗ nhịp trong tim. Con đường sẽ nhiêu khê. Nhưng mặc. Đã có những tấm lòng với những niềm tin. Người ta sẽ tụ hết về một điểm hẹn với chuông reo và trống vỗ mở đầu cho bản trường ca quang phục. Người ta sẽ rủ nhau về như người Do Thái, dẫu lưu lạc đâu đâu cũng đã có hồi kéo nhau về Đất Hứa. Niềm tin. Niềm tin như vì sao Bắc Đẩu mà những người đi biển, giữa mênh mông cứ nhắm lấy mà dong thuyền. Niềm tin còn như cơn mưa đầu hạ, rưới cam lồ lên đầu ngọn cỏ dại làm trỗi dậy sức sống giữa cơn nắng lửa. Và con người, con người lưu lạc giữa cơn thất quốc, đã bám lấy niềm tin như thần dược chữa thứ bệnh trầm cảm từ một buổi tha hương.
Vậy đó, nhưng rồi mọi chuyện không đâu vào đâu. Những hy vọng rộn ràng rồi vỡ tan như bóng nước. Chuyện mới trên dưới hai mươi năm, một phần tư đời người, vậy mà nhắc lại ai nấy nghe ra đã xa như là cổ tích.
Như vậy rồi khi không có hôm đọc lại truyện ngắn của HÀ THÚC SINH mà thấy … ngậm ngùi. Truyện NGƯỜI LÍNH KÈN VÀ VIÊN ĐẠI ÚY.
Không khí của truyện là thứ không khí của trời chiều vừa khi chạng vạng dù xảy ra bất cứ lúc nào trong ngày. Người văn chương gọi là hoàng hôn, tiếng bình dân kêu là chạng vạng. Chiều là khoảng thời gian giữa trưa và tối. Chạng vạng là lúc chiều đã gấp gáp mà đêm chưa vội. Nắng còn đó mà hoi hóp. Bóng tối muốn sụm xuống mà ngần ngừ. Không gian rỗng và thời gian sựng lại. Khí trời đùng đục. Năm ba giây. Vài mươi phút. Lâu bao lâu ai biết bao lâu vì như có như không. Mà lắm khi lại tính bằng độ nhạy của tâm hồn nên làm sao mà nói chắc. Lúc đó đó, người quê tôi hay nói là chạng vạng. Ông HÀ THÚC SINH cũng gọi là chạng vạng. Tôi nghe rồi … ngẫm ra sao mà buồn quá đỗi.
Truyện xoay quanh những cuộc thăm viếng giữa hai người đàn ông, một già sụm vì bệnh tật và một mới quá trung niên. Và lẩn khuất đâu đó, một nhân vật thứ ba, khi có khi không. Dù vậy, dường như là mấu chốt của chuyện. Không gian, không rõ địa danh, tuy nhiên có thể xảy ra ở bất cứ nơi đâu, một phố lớn sầm uất hay một góc xóm vắng hoe, ở bất cứ nơi đâu trên mặt địa cầu, nơi có những người tị nạn Việt Nam, sau khi cuộc chiến tranh ở đó chấm dứt từ những bội phản. Những cuộc thăm viếng tuy không thường xuyên nhưng cũng không thưa thớt, những cuộc thăm viếng không nồng nã nhưng cũng không quá lợt lạt. Có một cái gì đó lẩn khuất ở đằng sau những cuộc trò chuyện lấp lửng, những đối đáp không đầu không đuôi với giọng điệu vừa lãnh đạm vừa nấn níu, giữa người chủ nhà kín miệng, và người khách cũng ít lời. Mối liên hệ mù mờ giữa hai người càng làm tình cảnh thêm lạ. Họ không phải cha con tuy sự cách biệt tuổi tác dễ làm người ta ngộ nhận. Bạn vong niên ? Cũng không. Cách xưng hô tỏ ra không có gì là thân thiết. Ông và tôi. Chuyện trò không tỏ ra gì là thân thiện. Họ nói với nhau bằng cái giọng xẵng lè, những câu cụt ngủn cụt ngẳn, chẳng đâu vào đâu, lắm khi còn nghe ra thoang thoáng những móc méo, xỏ xiên… kể cả có khi lên giọng thách thức. Người chủ đón khách với thái độ dửng dưng mà lạ đời, người đọc có cảm tưởng nếu khách không đến hẳn là ông ta sẽ buồn tủi lắm. Còn khách thì đến như miễn cưỡng mà kỳ cục, người đọc lại nghĩ anh ta sẽ khổ tâm vô cùng nếu anh ta không thể ghé thăm. Tại vậy mà không khí những lần gặp gỡ đó, chẳng những không rộn ràng mà ngược lại, dù sáng trưa chiều tối, cứ là cái không khí đùng đục của những cơn chạng vạng cuối ngày. Làm như giữa hai người có một nỗi uất ức gì mà không giải tỏa được. Cứ nhùng nhằng như sợi giây thừng căng thẳng giữa hai đầu, khi căng quá có cơ đứt nên lại được bên này lỏng tay, rồi lại căng thì bên kia lại giãn tay… Cứ vậy mà ngày này qua ngày khác, lần thăm viếng này qua lần thăm viếng khác giữa Hoàng Thiệp, người trẻ tuổi hơn, vốn là sĩ quan chỉ huy đơn vị của ông Hòa Thanh, người đàn ông lớn tuổi, bệnh hoạn đã có thời là lính kèn, người lính theo truyền thống chỉ có hai nhiệm vụ chính : một là thổi kèn thúc quân khi xung trận và hai là thổi một trích đoạn của bản El Silencio khi làm lễ hạ huyệt những người lính tử trận. (À, điệu kèn truy hồn tử sĩ mà những người miền Nam trước năm 1975 vẫn nghe đến nằm lòng trong những buổi lễ an táng hay tưởng niệm chiến sĩ trận vong!) À thì ra, tình huynh đệ chi binh. “ Vì tình xưa nghĩa cũ? Vì đồng hội đồng thuyền? Vì hai người từng sát cánh trong những hoạt động đấu tranh tìm con đường về ngày ông Hòa Thanh chưa lâm trọng bệnh?”*.
Nhưng dường như cũng không hẳn vậy.
“ Đôi ba dấu hiệu cho họ thấy hai người như hai kẻ đồng hành, bị hoàn cảnh bức bách chi đó, phải đi chung trên cây cầu dài, hẹp, chênh vênh, và còn đi lộn giày nhau nữa chưa chừng. Nhưng họ không thể đẩy nhau ra khỏi đời nhau. Họ phải chịu đựng nhau để sống còn. Mãi rồi họ biến thành cái bóng của nhau. Ông già bà cả nhìn trời tháng mười đoán được giờ giấc cơn tê thấp trở lại, hay trời tháng ba chứng nhảy mũi tái hồi, nhưng khó đoán cho chính xác mối liên hệ giữa ông Hoà Thanh và Hoàng Thiệp”.
“ Thiệp đến, lặng lẽ mở cửa như biết chắc cửa không bao giờ khóa. Anh ta bước vào với cái hỉnh mũi khinh thị kín đáo, hờ hững một câu hỏi, “Anh khoẻ,” rồi đi thẳng vào bếp.
Ông Hòa Thanh cũng lặng lẽ không kém, khác nhau là thỉnh thoảng ông tằng hắng như cố nhận sâu một chút đàm trong cổ…”*
Rõ ràng, người đàn ông đã quá tuổi 60, thân xác bệnh hoạn mà dường như tinh thần chưa bao giờ sa sút dẫu cũng đã lắm gian lao. Từ vị trí người lính kèn của đơn vị, ông đã sống trọn đời mình cho vinh nhục của kiếp lính. Và từ đó, ông hãnh diện với sự có mặt của mình trong suốt những dặm dài khói lửa.
“ Sự cất tiếng của ông chỉ có hai ý nghĩa: kẻ còn nghe sẽ là kẻ được truyền cho cái khí thế xung trận, ngược lại kẻ ấy cầm bằng đã nằm trong quan tài.”*
Kiểu giao tình không lấy gì làm thuận thảo. Lạ vậy mà cứ ghé lại tìm nhau. Lạ như mọi thứ lạ lùng đã xảy ra từ cơn thất tán. Thử đọc tiếp một đoạn đối thoại giữa hai người.
“ Thiệp lại hỏi:
“Anh khoẻ?”
“Hỏi tôi khoẻ thì có khác gì hỏi ông có yếu không. Nhưng yên tâm. Tôi chưa mất tinh thần.”
Hai người lại yên lặng. Thiệp nhâm nhi hết lon bia, đứng lên ưỡn vai, giọng dửng dưng:
“Anh ăn gì chưa, chưa thì ăn đi nhá, tôi về đây.”
Ông Hòa Thanh ít khi đáp. Thiệp nhìn ông lần nữa như nhìn hai cây kèn câm quen thuộc, rồi anh lập lại, “Tôi về đây,” và lặng lẽ mở cửa, lặng lẽ đi ra.”*
Cứ vậy đó mà lần này sang lần khác. Kể ra có gì vui đâu mà lặn lội thăm nhau. Vậy mà người đến thì cứ đến. Người chờ thì cứ chờ. Lần này sang lần khác. Và bên ngoài, dòng đời cứ tiếp tục theo cái lẽ phải có. Chẳng hạn Hoàng Thiệp, viên cựu đại úy, bỏ xứ chạ̣y qua xứ người, sau những bở ngỡ ban đầu rồi cũng xông xáo lao vào cuộc tranh sống mới. Và kể ra cũng thành công. Vậy mà có lần bạn bè em út giục cưới vợ lại cứ lần xần nấn ná. Đàn ông ai mà không thích đàn bà, nhất là sau khi đã trần thân trải qua bao nhiêu là khổ nạn gần như chết đi sống lại. À cái chuyện sống chết. Lứa tuổi của ông nếu là người Việt thì ai mà không từng trải qua thứ kinh nghiệm hỏa ngục đó. Vậy thì có gì mà đến nỗi phải ngại ngùng, một khi đã chạy chết rồi thành công được ở xứ người.
Nhưng không, đây mới là nỗi đoạn trường bậc nhất, đến nỗi đã trở thành một thứ bệnh tâm lý gần như bất trị của người cựu sĩ quan đã từng vào sinh ra tử. Từ lần bị vỡ trận cuối, ông đã trải qua một kinh nghiệm quá sức bi thương đến nỗi cứ bị ám ảnh không nguôi.
“ Thiệp bảo anh bị chứng ám ảnh, không luôn luôn, chỉ thỉnh thoảng, là khi vừa khỏa thân một người đàn bà anh sợ hãi đậy ngay mọi thứ lại. Anh thấy người đối diện không ai khác hơn là người yêu cũ. Cô ta ướt sũng, mặt nhợt nhạt, một bên mắt mở thao láo, một bên vú nát bấy, máu nhuộm lên tới mặt và cổ, hình như gãy thêm mấy ngón tay. Đó là lúc anh đem đơn vị tháo chạy khỏi hậu cứ ở một tỉnh nào đó mãi miền Trung. Mặt đất nhầy nhụa tanh tưởi. Bầu trời đỏ ráng và khét. Tiếng thiết giáp hung hãn cày trên quốc lộ. Đạn pháo. Những tiếng hô xung phong. Những tràng súng liên thanh. Tiếng lựu đạn nổ. Tiếng kèn man rợ trộn với tiếng gào la đau đớn. Tất cả rối mù đến nỗi giàu kinh nghiệm chiến trường như anh cũng không phân biệt nổi đâu bạn đâu thù. Thế rồi Hoàng Thiệp hực lên với tiếng khóc trong cổ của người đàn ông. Anh bảo chính lúc ấy cô gái cứu mạng anh và nhiều đồng đội bằng một hành động liều lĩnh. Tới đó anh ngưng, không nói nữa.”*
Thì ra vậy ! (Người cựu chiến binh của cuộc chiến tự-vệ-và-bị-bán-đứng đó cũng như không ít những bạn đồng ngũ khác đã có cùng tình trạng chấn thương tâm lý, đã âm thầm mang thương tích hoặc trong các trại tù cải tạo rồi vùi nông thân xác đâu đó giữa rừng già, hoặc may mắn thoát thân sang bên nầy biển lớn, hoặc còn đang lê lết đâu đó trong sự bạc đãi của chính quê hương mình, những người cựu chiến binh đó, đã và đang âm thầm gánh chịu sự đục ruỗng âm ỉ mà dai dẳng của thứ kinh nghiệm máu xương. Thử nhớ lại chuyện những người lính Mỹ trở về sau cuộc chiến tranh Vùng Vịnh đã la hoáng lên về những vết thương tinh thần mà họ gánh chịu rồi nghĩ đến những người lính miền Nam đã chịu đựng trong sự quên lãng suốt cả phần đời còn lại!)
Thì ra là vậy. Mà còn hơn vậy nữa “cô gái cứu mạng anh và nhiều đồng đội bằng một hành động liều lĩnh”* đó chính là con gái của người lính già, vốn đã nhiều phen thổi kèn truy điệu những đồng đội tử thương. Điệu kèn El Silencio với những nốt nhạc như từng giọt nước mắt khóc người, lặng lẽ.
Thì ra vậy mới có những cuộc viếng thăm gần như máy móc, thành ra mới có những lần trò chuyện dấm dẳng, lạt lẽo và lắm khi khích bác… giữa hai người đàn ông sống sót sau cuộc tan vỡ kinh hoàng cuối tháng 4 năm đó. Nhưng rồi dẫu là vậy, nhưng chưa đủ. Còn nữa. Còn một điều bí ẩn mà dường như ngoài hai nhân vật chính, chắc chỉ có nhân vật thứ ba, cô gái, nếu còn có một cõi linh thiêng nào đó, mới biết. Điều bí ẩn được giấu kín vốn là cốt lõi của truyện, làm nên ý nghĩa của những dòng chữ bưng đầu viết ra, hàng hàng từ nét thứ nhất. Chuyện tới đó đã đủ là một bi kịch. Loại bi kịch xảy ra hằng hà sa số trong suốt cuộc chiến 20 năm vừa qua. Nếu muốn, người ta có thể viết thành trường thiên tiểu thuyết. Riêng phần mình, ông HÀ THÚC SINH còn thắt thêm một cái gút, chặt tới nỗi cũng khó mà gỡ ra. Sao tôi nghĩ, chắc ông cũng không muốn gỡ ra. Vì nếu gở ra chắc chính ông sẽ là người khổ tâm trước nhất. Tập sách ĐẠI HỌC MÁU của ông đã nói trước điều đó.
Tuy nhiên, như mọi cốt truyện đều phải có thắt, mở rồi kết. Dù muốn hay không. Dù vui hay buồn.
Và rồi … truyện kết thúc với sự xóa bỏ một lời thề. Lời thề?
Vâng một lời thề. “ Phải như Trần Hưng Đạo đã chỉ xuống sông Hoá mà nói, ‘Trận này không phá được giặc thề không trở lại khúc sông này nữa?”*
Không, không trang trọng và cũng không xa xưa như vậy. Gần đây thôi, đôi mươi năm trở lại đây thôi … trên xà lan ấy có người sĩ quan nói rằng, “Đi rồi về, về chiến đấu không về đầu hàng!”* sau khi sống sót trong lần tan hàng thảm hại ấy, nhờ vào sự hy sinh của cô gái con của người lính thuộc hạ.
Thử hồi tượng lại một chút. Đã có một mối tình chân thành đến đỗi sắp đi tới hôn nhân rồi xảy ra thảm cảnh. Cô dâu chưa kịp may áo cưới đã đổi mạng sống mình cho sự an toàn của người yêu và những người đồng đội. Trận chiến tàn. Đám người sống sót thoát chạy trên một chiếc xà lan. Và chính trong lần thoát hiểm đó, khi mặt mày còn nám khói đạn bom, người đàn ông, người tình, người sĩ quan thất trận đã nói rằng : “Đi rồi về, về chiến đấu không về đầu hàng!”*
Câu nói giản dị mà nghe ra lời khẳng quyết. Nhất là người nghe là người lính thuộc quyền và là cha của người con gái vừa mới hy sinh. Cái gút là chỗ đó. Thảm trạng là chỗ đó. Giao tình là chỗ đó. Mà hận tình cũng là chỗ đó.
Có những chuyện khó nhớ. Và cũng có những chuyện người ta không thể quên. Nhất đó lại là người cha của người con gái bạc phận. Ông đã chứng kiến tận mắt sự hy sinh phi thường của con gái cho người chồng tương lai của mình. Phi thường tới nỗi, sau cơn hãi hùng, những người còn lành lặn đã xúc động tột cùng để khăng khăng một lời thề. “Đi rồi về, về chiến đấu không về đầu hàng!”*
Có điều dù không phải người ta đã dễ dàng chối bỏ, viên đại úy và nhiều nhiều người khác nữa… sau những chạy vạy, những toan tính, những hợp quần rồi tan ra … đến một lúc, một lời thề hay vạn lời thề, rồi ra… đến lúc… cũng đành!
“ Thời thế đã thay đổi anh ạ. Với lại mình cũng cần sống.”*
Một câu giải thích hay biện hộ ngắn, gọn. Đúng ra, đó cũng chỉ là một nhận định công bằng và dễ chịu cho hết thảy ai ai. Thời thế đã thay đổi. Năm chữ thôi. Kể ra đã đủ. Nhưng làm sao đủ hết cho hằng hằng uẩn khúc còn trong lòng của bao nhiêu kẻ đã buông súng vì một lệnh đầu hàng tức tưởi, vì một tính toán sai lầm, vì một sự bội phản trắng trợn, vì đã hết dạ hy sinh… Làm sao đủ hết cho mênh mông nước mắt, cho trùng trùng oan khuất mà triệu triệu người vô tội đã gánh chịu từ sau cơn đại nạn. Nhưng thôi. Đã bao nhiêu dâu bể được lấp đầy bằng hai chữ “ thời thế ”. Và lần này cũng vậy. Chỉ hai chữ đơn giản đủ để xóa đi những lời thề. Nhưng thật ra có xóa sạch được hết không, những tàn phá sau cơn địa chấn. Biết vậy, nhưng sự chịu đựng rồi cũng có lúc nặng quá sức người. Con đường trước mắt, có lúc bỗng dài tới … vô tận. Mà lời thề rồi trở thành viên thuốc đắng khi đường xa mấp mé tới bên bờ ảo vọng. Người ta còn một phần đời phải sống! Dù vinh hay nhục. Dù gian truân hay thanh thản. Số phận con người là phải đi cho hết con đường mà định mạng đã vạch ra.
………………
“Thiệp lấy giọng bồi hồi:
“Mười chín năm nhưng Thoả – tên cô gái – vẫn bên tôi. Rõ như thảm kịch và lời thề. Tôi như kẻ bị đeo đuổi. Làm sao anh giúp gỡ hộ tôi lời thề.”*
………………….
“ Hoàng Thiệp đành im. Anh ngồi nghe từng tiếng kim đồng hồ treo tường khá lâu thì giọng ông Hòa Thanh mới trở lại, y như mấy giọt nước đục:
“Thôi được…”
Ông ngập ngừng. Hoàng Thiệp nhìn ông chìm trong khoảng tối. Bất ngờ anh ta ngỡ ngàng. Ông Hòa Thanh chầm chậm giơ cao một bàn tay run rẩy chào anh theo quân cách, rồi nửa lạnh lùng, nửa thổn thức, ông lập lại : “Thôi được, từ hôm nay coi như sòng phẳng. Tôi liều gỡ lời thề cho đại úy vậy. Tôi hứa giùm con tôi coi như nó chưa từng thấy nơi bờ duyên hải ấy có một nấm mộ vùi nhanh, chưa từng nghe trên xà lan ấy có người sĩ quan nói rằng, “Đi rồi về, về chiến đấu không về đầu hàng!”*
………………….
Kết truyện buồn lắm. Buồn như hai câu đối đáp sau đây.
Một người nói :
“ Chạng vạng lúc nào cũng buồn.”*
Người kia dậm thêm :
“ Phải nói chạng vạng của một niềm tin lúc nào cũng buồn.”*
Câu viết, với tôi là một tuyệt xảo của chữ nghĩa. Chạng vạng của một niềm tin cũng là quãng cuối của một đời người. Vì thật ra, con người với niềm tin của họ chỉ là một. Sau lần chẳng đặng đừng giải oan cho lời thề cũ, người cha già bệnh hoạn, người lính kèn ngày xưa bỏ đi mất. Chỗ trống để lại như để thú nhận về sự thất bại của một niềm tin. Y như sau khi chạng vạng thì đêm tới mịt mù. Mọi hình thù đều lẫn mất vào bóng tối. Mọi chuyện được xóa sạch như chưa từng xảy ra. Y như chính ông đã có lần kiêu hãnh xác nhận giá trị tiếng kèn của mình trong đời sống quân ngũ. Người nghe hoặc sống để xung trận hoặc đã chết. Lý tưởng không thành thì mọi thứ đều là vô nghĩa :
“Ít ngày sau các cụ già trong khu dưỡng lão đường 75 khám phá ra người đàn ông bị chứng Parkinson đã âm thầm dọn đi. Nhưng điều người ta bàn tán nhiều hơn cả, đặc biệt những cụ già bản xứ, là những bài kèn tuyệt vời lần đầu cũng là lần cuối họ được nghe vọng ra từ phòng 304 vào rất khuya đêm ấy.”*
Điệu kèn chót của người lính già dường như chỉ là tiếng vọng của từng nỗi oan khuất ông giữ lại cho riêng ông. Và lẫn lẫn trong những nốt âm thanh trầm bỗng, ngân dài hay hụt hẩng dường như chỉ là tiếng động của những giọt nước mắt ứa ra từ đôi mắt vốn đã khô ran. Lối xóm ai nấy đều ngẩn ngơ rồi ngớ ngẩn.
“ Tôi có tìm hỏi một cụ Việt Nam ở đây, cụ bảo đồng bào cụ đều buồn và sợ tiếng kèn ấy; đó là tiếng tiễn đưa một chiến hữu đã chết dù trong trường hợp nào, và người ta gọi nó là khúc Chiêu Hồn Tử Sĩ.”
Có phải không, tiếng kèn đêm đó của người lính già còn là để hạ huyệt một niềm tin đã lỗi, cùng lúc để truy điệu hồn chiến binh nơi ông, thêm một lần bỏ súng.
Truyện không biết viết từ lúc nào mà làm xúc động như mới hôm qua hôm kia. Và sẽ còn làm xúc động tới năm sau, năm sau, năm sau nữa… tới khi nào còn những người Việt đã có lúc chiến đấu cô đơn cho sự sống còn của miền Nam, rồi phải bỏ nước ra đi, xứ lạ, rồi vẫn còn tiếp tục cuộc chiến đấu bị bỏ dở. Sự xúc động đó, sẽ còn đó, cho đến khi… lớp người đó lần lượt ra đi, cho tới lượt sau cùng, người cuối. Những lời thề, rồi sẽ được tẩn liệm theo. Ngày, tháng, nắng, mưa, vòng quay vật vã của đời sống và sự quên lãng thường tình của lòng người sẽ làm phai mờ hết dấu vết. Thế giới còn lại sẽ phơi phới, hồn nhiên như chưa từng có gì đã xảy ra.
Truyện chấm hết mà hồn truyện cứ chờn vờn như muốn vượt ra ngoài giới hạn của chữ nghĩa… Y như người lính kèn bỏ đi rồi mà vọng lại không thôi những hồi kèn ứ nghẹn uất hờn. Giọng văn thản nhiên, trung tính, chữ nghĩa khít khao, chắc nịch, không thừa không thiếu. Chuyện được kể lại như tự nó là vậy, như thị, làm như không có sự can thiệp của tác giả. Bi kịch ở đó và nghệ thuật cũng ở đó. Sự việc diển tiến theo một trật tự tự thân, lạnh lùng đến vô cảm. Từ đó làm người đọc mủi lòng. Nói vậy có nghịch lý không ? Không ! Chính vì cung cách rạch ròi, dứt khoát, vô tính của sự việc được “liệt kê” gần như dửng dưng càng làm người đọc cảm ra cái vô tình đến bất nhân của lịch sử! Tác giả viết truyện bằng lối văn khô mà tạo chấn động, chữ thô nhám như đục đẽo từ đá núi, cứa đau tới tận những nỗi niềm. Chắc tại vậy, đọc xong rồi thấy sao ngồi bất động, đáy con mắt cay cay. Chợt nghĩ đến những người lính già, anh em tôi, bạn bè tôi, lứa tuổi đã sống chết trọn tình trọn nghĩa với cuộc chiến tranh ám muội mà hậu quả còn mãi đến bây giờ. Những người còn may mắn sống sót, giờ lay lắt cuối đời mình trong những góc phòng chung cư hẹp té, những nhà dưỡng lão om xòm tiếng nói lạ hoắc lạ huơ… lơ ngơ trên một góc giường xô lệch, lọt thỏm trong chiếc ghế bành quá cỡ, loay hoay với những viên thuốc tim thuốc suyễn… ở đâu đó, trong góc đời lẻ loi, trên xứ người lạc lõng… Đã có khi nào, một sớm mai nhợt nhạt, một chiều hôm lặng lẽ, một khuya im chập chờn… quanh đi quẩn lại trống trơn… bỗng nhớ, bỗng tiếc, bỗng hận … bỗng buồn!
Ngày tháng tiêu hao …
Họ đã sống quá đời họ, sống hơn những đòi hỏi của bổn phận và trách nhiệm thường tình, sống thay cho thế hệ mình để cố lội ngược dòng những cơn lũ. Tuổi trẻ họ dìm trong lửa đạn, chết chóc, tù đà … Họ đã trần thân đi suốt con đường thập giá của chính mình và của quê hương. Để sau rốt, trong cơn hấp hối của niềm tin, còn cố vớt vát vá víu từng mảnh rời hy vọng cho dẫu nhỏ nhoi, dẫu mong manh hơn bọt bèo đi nữa.
Rồi đến lúc, niềm tin cũng chỉ còn là ảo ảnh của những thề nguyền.
Rồi đến lúc, ngay chính họ cũng chỉ còn là cái bóng của chính họ, xiêu vẹo, nhạt nhòe khi trời chiều trở mặt sang đêm.
Đâu có gì buồn hơn khi ngày đến hồi … chạng vạng.
Cao Vị khanh
* Kính tặng những người anh …
* trích từ truyện Người lính kèn và viên đại úy của Hà Thúc Sinh.