Cù Mai Công: Dân Ông Tạ

“LỜI CẢM ƠN” ĐÊM GIÃ TỪ CỦA MỘT NGƯỜI ÔNG TẠ

(Một nhân vật “nhạy cảm” vẫn có mặt trong “Sài Gòn một thuở – Dân Ông Tạ đó!” tập 2 đã phát hành – trích đăng)

Nhà văn – MC Nguyễn Ngọc Ngạn thời trẻ và hiện nay – Ảnh tư liệu

Giữa tháng 10-2022, nhà văn – MC Nguyễn Ngọc Ngạn đã có show diễn giã từ sân khấu ở Bangkok (Thái Lan) trong chương trình “Paris by night 134 – Nguyễn Ngọc Ngạn – Lời cảm ơn”. Gần 10.000 khán giả đã tràn ngập đêm diễn khá hoành tráng này. Nhiều người Bangkok ngạc nhiên về hình ảnh khán giả đông đảo, đa số từ Việt Nam mua vé sang coi.

Những chương trình Paris by night trước đây luôn thu hút, hấp dẫn khán giả Việt vì lúc ấy, đó là một nguồn thông tin văn nghệ nghiêm túc, hấp dẫn của bà con trong nước về nhịp sống, sinh hoạt của người Việt ở nước ngoài. Với phong thái vừa trầm tĩnh, lịch thiệp của một trí thức – nhà giáo, vừa hài duyên dáng một cách chừng mực kiểu Bắc 54, MC Nguyễn Ngọc Ngạn đã thổi hồn cho các chương trình này – từ khi ông tham gia năm 1992, lúc ông 47 tuổi, với Paris by night 17. Đến nay đã 30 năm, một thời gian có lẽ cũng đủ để ngưng, cả về tuổi tác của ông (năm 2022, ông đã 77 tuổi) lẫn độ thu hút của chương trình này thực tế đã giảm ít nhiều trong bối cảnh nguồn thông tin hải ngoại tràn ngập hiện nay. 

Nhà văn – MC nổi tiếng này là dân Bắc 54 Công giáo Sơn Tây (nay thuộc Hà Nội), sinh đúng ngày Nhật đảo chính Pháp 9-3-1945. Vào Nam, thoạt đầu gia đình ông ở một trại định cư toàn Bắc 54 Công giáo vùng Củ Chi. Nơi này làm ăn có lẽ khó khăn nên ở vài năm bố mẹ ông dắt díu đàn con về đường 16, sau đổi là Thoại Ngọc Hầu (nay là Phạm Văn Hai) khu ngã ba Ông Tạ từ năm 1957. Nhà ông mặt tiền đường vì lúc đó là khu vực tường rào mặt ngoài của một nghĩa địa. Lúc ấy ông mới 12 tuổi và ông ở vùng trung tâm Ông Tạ cho tới khi đi nước ngoài, năm 1978, 33 tuổi.

Phía sau khu nhà ông xưa có một nghĩa địa khá lớn của giáo xứ Chí Hòa vốn có cả trăm năm, dân gọi là nghĩa địa Ông Tạ, nghĩa địa Thái Hòa. Trước 1954, đây là nơi chôn cất giáo dân người Nam khu vực giáo xứ Chí Hòa; khi bà con Bắc 54 di cư tới, chôn cất cả giáo dân người Bắc. Mở cửa sau nhà là thấy mồ mả nên có lẽ đó là nguồn tư liệu quan trọng để sau này nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn viết “Xóm đạo” và nhiều truyện ma.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn ký tặng sách – Ảnh tư liệu

Có một con hẻm trong nghĩa địa này chạy dài từ sau nhà lồng chợ Ông Tạ ra đường Lê Văn Duyệt nối dài, sau đổi là Phạm Hồng Thái (nay là Cách Mạng Tháng Tám) tên Tám Thơm. Xưa, hôm nào khu vực chợ Ông Tạ trên đường Thoại Ngọc Hầu (nay là Phạm Văn Hai) đông quá, tôi đi học lớp Bốn, lớp Năm trường Mai Khôi (nay là trường Bành Văn Trân) phải đi bộ vô ngõ Cổng Bom/hẻm Chùa Khuông Việt (nay là hẻm 202 Phạm Văn Hai) bọc ra hẻm Tám Thơm. Lối bọc này lúc ấy đường chưa trải nhựa, mưa xuống, đất lớp nhớp. Thỉnh thoảng tôi phải ghé qua một cái giếng lớn trong nghĩa địa để rửa chân. 

Nhà ông Ngạn ở gần nhà lồng chợ Ông Tạ, mở tiệm tạp hóa Thanh Dung. Nhà ông cách nhà ca sĩ Giang Tử ở đầu hẻm Gà (nay là hẻm 264 Phạm Văn Hai) ít căn, cũng bán tạp hóa, tên Phước Hải. Chợ Ông Tạ dù có nhà lồng chợ (nay là trường tiểu học Phạm Văn Hai) nhưng thực tế bà con buôn bán tràn ngập hai bên đường xung quanh. Hồi đầu thập niên 1970, khi học tiểu học, tôi đi bộ qua nhà hai ông hàng ngày. Lúc đó, ông Ngạn ít ai biết, còn ca sĩ Giang Tử đã nổi tiếng lắm. Chị tôi mê tít giọng ca của ca sĩ Giang Tử, thỉnh thoảng dắt tôi đi chợ đều chỉ nhà ca sĩ cho tôi, nói thì thầm: “Nhà ca sĩ Giang Tử đó”. Tôi lúc ấy bảy, tám tuổi, nghe vậy biết vậy chứ có biết ông Giang Tử là ai, ca sĩ Giang Tử hát thế nào. 

Trong mấy anh em trai của ông Ngạn có anh Trọng sinh hoạt trong trong ca đoàn giáo xứ Nam Thái, sau này là nhạc sĩ – ca sĩ Ngọc Trọng của “Buồn vương màu áo”. Thời trung học, ông Ngạn học trường Nguyễn Bá Tòng (nay là Trường Trung học phổ thông Bùi Thị Xuân, TP.HCM) và trường Chu Văn An (Sài Gòn) cùng với bạn thân cùng xóm Chợ, ấp Chợ (Ông Tạ) là Giang Tử. Khi ca sĩ Giang Tử định cư ở Mỹ, ông Ngạn giới thiệu bạn cũ vào ca ở Paris by night. Ca sĩ Chế Linh không ở Ông Tạ nhưng cũng là bạn học thân của ông.

Sau này, gia đình ông Ngạn lẫn ông Giang Tử cùng dời nhà về hẻm An Lạc (nay là hẻm 686 Cách Mạng Tháng Tám, cũng khu trung tâm Ông Tạ). Em ông Ngạn sau 1975 có mở quán cà phê ở nhà này. Có những mối quan hệ ngẫu nhiên nhưng thú vị: Gia đình bố mẹ ca sĩ Giang Tử cũng dời về đó. Em trai ca sĩ Giang Tử là anh Thế Sơn học với Sang, em ông Ngạn. Ngoài Ông Tạ cũng là hàng xóm, nhà vào trong An Lạc cũng là hàng xóm. Bố mẹ ông Ngạn lẫn ca sĩ Giang Tử đều về với Chúa ở Ông Tạ. Các cụ thân sinh của ca sĩ Giang Tử và nhà văn – MC Nguyễn Ngọc Ngạn sau khi mất đều gửi tro cốt ở Nhà chờ Phục sinh của giáo xứ An Lạc. Các cụ sống bên nhau, mất cũng “hàng xóm” của nhau.

Nói thêm: gần đầu ngõ Con Mắt xứ An Lạc xưa (nay là hẻm 766 Cách Mạng Tháng Tám) có hai quán cà phê. Bên phải là quán Ngự Uyển (nay vẫn còn), bên trái ban đầu là quán cà phê đầu tiên Thăng Long (sau quán này dời về đường Thánh Mẫu, nay là Bành Văn Trân), sau là cà phê Thanh Hoài của gia đình anh Đỗ Trung Quân. Khi đó, nó là một ngôi nhà trệt, mái ngói kiểu Nam bộ nằm trong một cái sân rộng. Khoảng 1972, mẹ anh Quân bán ngôi nhà ấy. Chủ mới phá bỏ toàn bộ nhà cũ, xây nhà mới. Nhà mới, chủ mới nhưng nghề vẫn cũ: cà phê Mây Chiều.

Chủ mới tên Huy, anh bà con của các anh Ngạn, Dũng, Sang, Trọng… Các cô con gái nhà này đều tên Hằng, chỉ khác tên đệm. Sau 1975, ông Huy đi cải tạo, con gái bán một thời gian rồi nghỉ bán. Gia đình xuất cảnh, nhà sang chủ mới, không bán cà phê nữa.

***

HOÀNG HẢI THỦY, NHÀ VĂN NỔI TIẾNG TRƯỚC 1975 YÊU SÀI GÒN, YÊU ÔNG TẠ ĐẾN “VỠ TIM, XÉ GAN, CHÁY LÒNG, ĐỨT RUỘT…”

(Một cây bút “nhạy cảm” – Trích “Sài Gòn một thuở – Dân Ông Tạ đó!” tập 2 – đã phát hành)

Nhà văn, nhà thơ Hoàng Hải Thủy ở Pleiku năm 1971 – Ảnh gia đình

Một buổi chiều cuối năm 2020, Hoàng Hải Triều, bạn thân cùng lớp Bốn, Năm trường Mai Khôi (nay là Bành Văn Trân) và học cùng khối trường Tân Bình (nay là Nguyễn Thượng Hiền) trước 1975 với tôi buông một tiếng nấc: “Bố tôi đã không còn nữa”.

“Bố tôi” của bạn tôi là nhà văn, nhà thơ, nhà báo Hoàng Hải Thủy đã ra đi lúc 23g20 tối chủ nhật, 6-12-2020, tại bệnh viện Virnia Hospital Center, tiểu bang Virginia (Mỹ), hưởng thọ 87 tuổi (1933-2020).

Bố của Triều nổi danh miền Nam trước 1975, với một loạt tác phẩm lừng lẫy: Vũ nữ Sài Gòn, Tây đực Tây cái, Chiếc hôn tử biệt, Bạn và vợ, Đỉnh gió hú (phóng tác từ Wuthering Heights), Điệp viên 007 (phóng tác)… Trong đó, tác phẩm phóng tác Jane Eyre của Charlotte Bronte lấy tên người con gái của ông mà ông vô cùng yêu thương: Kiều Giang…

Nhà văn Hoàng Hải Thủy tên thật là Dương Trọng Hải, quê Hà Đông (nay thuộc Hà Nội). Ông không phải Bắc 54 mà vào Nam từ 1951. Sống ở đường Mayer/Hiền Vương (nay là Võ Thị Sáu) vài năm, năm 1958, ông về Ông Tạ sống cho tới ngày định cư ở nước ngoài 1994.

Sau 1975, ông bị bắt giam hai lần: tháng 11-1977 và tháng 5-1984. Ra tòa cùng với Doãn Quốc Sỹ, Dương Hùng Cường, Lý Thụy Ý, Nguyễn Thị Nhạn, Hiếu Chân Nguyễn Hoạt, Khuất Duy Trác, Trần Ngọc Tự. Riêng ông ở tù tổng cộng tám năm.

Ông có thói quen “nghiện” lấy ráy tai từ khi ở Hà Nội và hay lấy ráy tai ở một tiệm hớt tóc gần nhà tôi, đối diện hẻm vào cư xá Thoại Ngọc Hầu trên đường Thoại Ngọc Hầu (nay là Phạm Văn Hai); gần nhà nhạc sĩ “Kỷ niệm nào buồn” Hoài An. Tiệm này hồi ấy có ông thợ ráy tai vừa ý ông.

Trước khi ra đi, ông đã đọc một số bài viết của tôi về Ông Tạ. Chị Kiều Giang, con gái ông nói ông bảo với chị: “Cái thằng Công, bạn thằng Triều ngày xưa vậy mà được”. Chị nhắn tin tôi: “Cù Mai Công, cảm ơn em về những hồi ức về gia đình chị. Chị mong sẽ được đọc thêm nhiều bài độc đáo của em về đất Ông Tạ. Bố chị cũng rất ngạc nhiên và thích thú được biết về những chi tiết về vùng đất này”.

Triều là con trai út của ông. Từ hồi lớp Bốn, lớp Năm, Triều đã vẽ rất đẹp và đặc biệt kỳ lạ là vẽ từ chân nhân vật lên. Triều dạy tôi vẽ và dẫn tôi về nhà chơi nhiều lần: một căn nhà trệt “mái ngói xanh rêu” nho nhỏ trong cư xá Tự Do. Trong nhà rất nhiều sách. Tôi thích nhất là những bộ truyện tranh Tây du ký của họa sĩ Hồng Kông vẽ rất đẹp. Ông bảo Triều: “Công nó thích thì lấy cho Công xem đi”.

Ông quê Hà Đông nên còn ký bút danh Công Tử Hà Đông, một bút danh đúng như con người ông: một nhà văn nổi tiếng, đẹp trai, hào hoa phong nhã. 

Cây bút hào hoa ấy yêu thương vợ con đến tận cùng. Ông và bà thành thân đúng ngày chia đôi đất nước 20-7-1954. Hơn 60 năm bên nhau, ông chưa hề có phút giây nào vơi tình yêu dành cho vợ mình: Đỗ Thị Thủy. Ông tên Dương Trọng Hải. Theo Hoàng Hải Triều, con út ông, ông đổi tên họ thành Hoàng Hải Thủy. Hoàng là họ một nhà văn ông ngưỡng mộ và Thủy là tên vợ ông. Tên ông chỉ là tên đệm. Ông thường gọi vợ là Alice (Elise).

Vợ chồng nhà văn, nhà thơ Hoàng Hải Thủy – Ảnh gia đình

Hai vợ chồng cùng ba con: Hoàng Hải Nguyên, Hoàng Kiều Giang, Hoàng Hải Triều chắc chắn đã có những ngày tháng êm đềm, đẹp đẽ ở Ông Tạ. Khi đã định cư nước ngoài, Ông Tạ vẫn luôn là một cái gì đó ám ảnh ông.

Ông viết: “Ngày mới đến Hoa Kỳ tôi nói: “Tôi mang Sài Gòn trong trái tim tôi…” Tôi muốn nói tôi yêu Sài Gòn, tôi đã sống đến bốn mươi năm trong lòng thành phố Sài Gòn thương yêu, tôi đã vui buồn, đã đau khổ với Sài Gòn. Nay phải đi xa, tôi mang Sài Gòn theo tôi nên tôi sẽ không thấy nhớ Sài Gòn!

Sự thật không như tôi nói, không như tôi tưởng.

(…) Dù tôi có yêu thương Sài Gòn đến chừng nào đi nữa – là Công Tử Hà Đông bên hông Hà Nội, Bắc kỳ chính cống Bà Lang Trọc nhưng tôi yêu Sài Gòn hơn tôi yêu Hà Nội. Dù tôi có sống với Sài Gòn lâu đến chừng nào đi nữa, khi phải xa Sài Gòn tôi vẫn nhớ thương Sài Gòn. Nhớ thương vỡ tim, xé gan, cháy lòng, đứt ruột như nhớ thương người đàn bà mình yêu, người đàn bà đa tình yêu mình cực kỳ, cho mình hưởng tất cả, mình từng sống hạnh phúc bên nàng mà mình phải xa nàng.

Đêm cuối năm, mưa rơi suốt đêm trên Rừng Phong.

Nhà văn, nhà thơ Hoàng Hải Thủy (trái) ở tư gia nhà báo Nguyễn Vi Túy khi ông đến Úc. Nhà báo Nguyễn Vi Túy cũng dân Nghĩa Hòa – Ông Tạ, nhà trong hẻm cả phê Thăng Long trên đường Thánh Mẫu (nay là Bành Văn Trân) – Ảnh: NGUYỄN VI TÚY

Canh khuya trằn trọc nằm nghe tiếng mưa đập vào khung kính cửa sổ, tưởng như đang nằm nghe mưa rơi trên mái ngói xanh rêu trong căn nhà nhỏ ở cư xá Tự Do, ngã ba Ông Tạ – Sài Gòn”.

Năm 1977, viết bài thơ “Áo vàng hoa” về vợ mình, ông ghi rõ cuối bài thơ: 

“Tháng 7, 1977

Nhà 259/29 A Phạm Hồng Thái,

Cư Xá Tự Do, Ngã Ba Ông Tạ, Sài Gòn”.

(Trích) Em yêu dấu, Em ơi, đừng ngại

Mặc cho đời tháng lại, ngày qua

Trong xương thịt ta còn giữ mãi

Những cái gì riêng của đôi ta.

Khi Em nằm xuống, khi tàn lửa

Trong hào quang của những tiên nga

Khi xe hạc vàng nhung tới cửa

Đón Em về xa cõi trời xa

Anh sẽ mở hồn Anh lấy áo

Mặc cho Em chiếc áo vàng hoa.

Bà đã đi một ngày cuối tháng 12-2018. Hai năm sau, ông đã gặp lại bà bên kia thế giới, cũng tháng 12; cũng thượng thọ 88 tuổi (ta).

Hồi đó, sau 1975, cả hai lần bị bắt, ông đều đủng đỉnh, từ tốn đúng phong cách Hà Nội thanh lịch xưa: sắp xếp ít quần áo, đồ dùng cá nhân để “lên đường”. Ra đến cửa, ông quay lại từ biệt vợ bằng câu nói bình thản nhưng đầy âu yếm: “Vậy là anh lại phải xa em rồi”. 

Giờ thì ông bà đã gặp nhau, sẽ không bao giờ xa nhau nữa.

(Hoàng Hải Thủy là một nhà văn, nhà thơ miền Nam nổi tiếng trước 1975. Sau 1975, ông bị xếp vào danh sách “Những tên biệt kích cầm bút”)

***

XÓM ĐẠI LỢI CỦA TÔI CÓ SÁU NHẠC SĨ, NHÂN SĨ, HỌA SĨ, NHÀ VĂN VÀ NHIẾP ẢNH GIA TÊN TUỔI 

(Chỉ một xóm nhỏ ở vùng Ông Tạ cũng nhiều nhân vật như rau muống nên bài này xin kể một “rổ”, Trích “Sài Gòn một thuở – Dân Ông Tạ đó!” tập 2 – đã phát hành)

Xóm Đại Lợi của tôi giữa thập niên 1960 nhìn từ rạp Đại Lợi lên cầu Ông Tạ. Nhà tôi bên phải ảnh, sau cột điện, có xe hơi trước nhà. Số 9 góc phải ảnh xưa có xe cháo huyết do một ông bán, gọi là “ông số 9” – Ảnh tư liệu

Qua bên kia cầu Ông Tạ trước 1973 là khu vực giáo xứ Tân Chí Linh, cả hai bên đường. Năm 1960, xứ Tân Chí Linh lập thêm đền thánh Vinh Sơn. Tên ấp cũng Vinh Sơn, dù mãi năm 1973, đền thánh này mới tách khỏi giáo xứ Tân Chí Linh, thành một giáo xứ riêng. Khúc đường giữa hai giáo xứ này là xóm Đại Lợi của tôi.

Bên trái và ngay ở cổng Tân Chí Linh (nay là hẻm 107 Phạm Văn Hai) có xe nước mía của bà Tám, người Nam cố cựu, có lẽ là một trong những xe nước mía xưa nhất Sài Gòn – Gia Định, tính đến 2022 gần 60 năm. Hầu như dân Ông Tạ nào cũng biết xe nước mía này. Bà Tám lớn tuổi, cháu bà kế thừa bán, vài năm gần đây mới sang lại cho người khác. Nhà bà Tám xưa trong hẻm Tân Chí Linh, cách khu nhà bà Sáu Giếng một căn, cũng người Nam cố cựu, xưa có nhà đất dài dài trong hẻm. 

Đối diện và xéo bên nhà bà Sáu xưa là nhà họa sĩ Bùi Đức Lâm. Anh này lạ lắm, sống luôn tươi vui, hồn nhiên như tranh của mình: những nét dí dỏm, nghịch ngầm. Phải chăng vì vậy nên bộ truyện tranh Đôrêmon lừng lẫy một thời qua tay anh, với giọng điệu Bắc 54 Ông Tạ trở nên gần gũi, sống động trong hàng triệu bạn đọc nhí Việt Nam. Bà xã anh tên Thiên Nga – anh gọi thuần Việt là Ngỗng – vốn là Chị Mê Ly của báo Nhi Đồng TP.HCM, được bao nhiêu ngàn nhi đồng cả nước thần tượng. Chị Thiên Nga và tôi cũng là đồng nghiệp báo Khăn Quàng Đỏ – Mực Tím – Nhi Đồng ngày xưa. 

Đôi vợ chồng họa sĩ Bùi Đức Lâm – Thiên Nga – Ảnh gia đình cung cấp

Trai tài, gái cũng tài, lại còn sắc nữa bảo sao mấy chục năm trời họ vẫn cứ mê ly nhau như thuở ban đầu. Hạnh phúc này không dễ có. Không từ trái tim mình, đừng mơ lấy trái tim người khác. Với bạn bè, hai anh chị đều lấy chân tình chia sẻ. Ai ảnh cũng thật thà tôn trọng, quý mến, trừ… tôi ra. Chả là xưa anh bị đám trẻ xóm Đại Lợi chặn “trấn lột” mấy con dế đầu bự của ảnh. Có phải tôi đâu vì lúc đó tôi lứa đàn em ảnh. Chỉ có vài con dế đá thôi mà tới giờ, hơn nửa thế kỷ rồi mà ảnh vẫn gào lên trên facebook: “Ê, trả tao con dế lửa đầu bự nha Công!”. Lớn rồi, tên tuổi lừng lẫy rồi mà vậy, kỳ thí mồ, haizzz…

Sau 50 năm, hai cựu thù chỉ vì một con dế “đầu bự” trong xóm Đại Lợi đã thành “đối tác chiến lươc toàn diện” – Ảnh CMC 

Qua nhà cũ của họa sĩ Bùi Đức Lâm, có nhà nhiếp ảnh gia Vũ Hân nổi tiếng một thời, gần nhà thờ Tân Chí Linh. Người anh Bắc 54 Hưng Yên này có ý chí đáng kính trọng: từ bán báo, thợ sửa morat của báo Xây Dựng đầu đường Thánh Mẫu (nay là Bành Văn Trân), anh học viết báo, chụp ảnh; đoạt nhiều giải thưởng nhiếp ảnh trong và ngoài nước. Rất nhiều nhiếp ảnh gia hiện nay từng học chụp ảnh với nghệ sĩ nhiếp ảnh “Sếu đầu đỏ” này.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Hân – Ảnh tư liêu

Cạnh nhà tôi là trường dạy may mà người dạy là mẹ các cô Lan sau này về khu An Lạc mở cà phê Ngự Uyển, cho tới giờ, đối diện nhà cũ của anh Đỗ Trung Quân. Ông bà người Hà Nội gốc, nói tiếng Pháp như nói tiếng Việt, rất Tây và sang trọng. Hồi ở đây, ông là chủ tịch Hội Nghiên cứu Văn hóa Dân tộc, được Thủ tướng Phan Khắc Sửu ủng hộ. Nhưng gia đình ông bà rất gần gũi với bà con lối xóm chứ không ra vẻ gì. 

Năm 1969, nhà này có chủ mới, cũng sang trọng như vậy, nhưng sang trọng kiểu Huế: gia đình bác Giảng, có năm sáu con là anh Thức, chị Diệu Thư, Hùng, Lộc… Bác Giảng là nhạc sĩ Văn Giảng của “Ai về sông Tương”, Thông Đạt của “Mẹ Việt Nam mắt ngời sáng quắc..” (Hoa cài mái tóc)…

Bác Trịnh Quang Tường, chủ tịch Hội Nghiên cứu Văn hóa Dân tộc VNCH, cạnh nhà tôi – Ảnh gia đình      

Cách nhà tôi bốn căn là nhà cụ lang Chánh; sau này chủ mới là nhà sách Ân Phú. Bác trai tên Nguyễn Gia Ân, gốc Hải Phòng, từng là Trưởng ty Quan thuế trước 1975 ở Huế. Bác gái gốc Phủ Lý, Nam Định. Trưởng nữ là chị Ái, hiền, đảm đang; chồng là trung tá, có hai con là Quang và Nhã, trắng trẻo, dễ thương, ngoan. Rồi tới anh Khánh cũng là sĩ quan, chị Dung, chị Thanh, anh Hiệp, chị Nga, anh Cường và Việt là út. Thằng Việt trong nhà gọi là Tí, xóm gọi là Tí “bú sữa” vì bác gái rất thương con trai út. Nhờ vậy, tôi được thương… lây vì cùng tuổi, chơi với con bác và hai đứa khá giống nhau. Có lúc bác gái còn nhầm hai đứa.

Chị Dung là nhà văn viết về lứa tuổi mới lớn, giới trẻ với bút danh Dung Sài Gòn rất nổi tiếng trước 1975. Chồng chị cũng vậy, bút danh Võ Hà Anh. Hai vợ chồng viết chung nhiều tập truyện có lẽ đến giờ vẫn nhiều người chưa quên: “Dễ Thương”, “Dễ Ghét”, “Người đã trở về”, “Trong vô số buổi chiều”, “Cho người tình mong manh”, “Quà cưới cho cô bé”…

Nữ văn sĩ Dung Sài Gòn năm 20 tuổi và bạn trai nhà văn Võ Hà Anh năm 24 tuổi – 1969. Hai năm sau hai người thành thân và sống trọn vẹn tới giờ – Ảnh gia đình

Võ Hà Anh tên thật là Vũ Quốc Anh, Bắc 54 Ninh Bình; nhà văn chuyên viết truyện tình giới trẻ; phóng viên, biên tập nhiều báo Sài Gòn trước 1975: Ngày Nay, Tiền Tuyến, Sóng Thần, Sống… Anh gặp chị vốn Bắc 45 Hải Phòng, từ bạn thơ văn trở thành bạn đời. Đôi vợ chồng nhà văn này trước 1975 viết rất khỏe, chắc đang yêu nên người ta sung sức: chỉ trong 10 năm, ra 50 tập truyện; tái bản nhiều lần. Sách đắt như tôm tươi, ra cuốn nào hết cuốn đó. Chị Dung những năm đó đương tuổi đôi mươi, viết giới trẻ khác nào đi guốc trong bụng họ.

Anh bút danh Võ Hà Anh, chị lấy bút danh Dung Sài Gòn. Hai vợ chồng nhà văn Ông Tạ này tới giờ vẫn gắn bó nhau như hồi viết sách, ký tên chung. Quả hạnh phúc. 

Ngôi nhà này, diễn biến mấy đời chủ nhà có trùng hợp khá ngẫu nhiên: thoạt đầu khá giả, sau làm ăn thất bát, phải bán nhà. Bác Ân Phú bán nhà năm 1972. Chủ mới làm quan thuế, sau mở tiệm tạp hóa Lợi Phát, giàu nhất xóm. Con cái có vẻ lai Tây, ai cũng đẹp. Sau khi bán nhà, khoảng thập niên 1980, tôi đi ngang qua đường Trương Định ở quận 3, thấy gia đình bán bánh cuốn. 

Hàng xóm xì xào “oan hồn”. Oan hồn có hay không thì chưa ai thấy, nhưng ma sống thì có. Lúc chủ mới là ông Lợi Phát mua nhưng chưa ở, nhà để trống, có vẻ âm u. Một hôm, đám con nít trong xóm bày trò phá. Bắt đầu là thằng Tí “bú sữa” về lại xóm cũ chơi, mẹ mới mất vài tháng, buồn tình thế nào rủ anh Tiến, nhà phở Hương Lan leo từ sân thượng nhà anh Tiến sang nhà này, la “hùm… ùm…” vài tiếng. Tôi và mấy đứa trong xóm bên ngoài phụ họa: “Ma kêu…”, chỉ chỏ lên sân thượng. 

Nghĩ đùa chút cho vui, dè đâu, thoạt đầu là hàng xóm, sau tới thiên hạ khắp chốn đổ về, chen chúc coi cả ngàn người đến quá nửa đêm. Thằng Tí bằng tuổi tôi, năm đó 10 tuổi, tạt một sô nước từ trên sân thượng xuống. Thiên hạ la rùm trời: “Ma quỷ lộng hành, tạt nước”. Ba tôi lúc ấy là liên gia trưởng (như tổ trưởng dân phố hiện nay) ra ổn định trật tự, gào thét khản họng đề nghị giải tán, nhưng không ăn thua. Tình hình rõ ràng đã vượt tầm kiểm soát của đám con nít, cầm đầu là anh Tiến, thằng Tí. Mấy đứa lâu la, trong đó có tôi “múa phụ họa”. Song le đứa nào cũng im thin thít, chỉ rủ rỉ trong nhóm không dám nói ra, kẻo lại chết đòn bố mẹ.

Hôm sau trên báo Trắng Đen xuất hiện một bản tin mà tôi còn nhớ tựa tin mồn một: “Ma xuất hiện trên đường Thoại Ngọc Hầu”. Viết tán… tè le: “Bà chủ đi Đà Lạt chơi, chết oan ở đó nên về nhà cũ than khóc…”. Thật ra sau khi bán nhà, dọn vô xóm Vinh Sơn ở, bà Ân Phú mất sau đó vài tháng vì bịnh… Nửa thế kỷ sau (1972-2022) tôi mới dám tự thú chuyện này.

Cù Mai Công