Cù Mai Công: “Kỳ quan” Caravelle từ văn phòng kiến trúc bậc nhất Sài Gòn trước 1975
“Kỳ quan” là từ mà hai tác giả Trần Nhật Vy – Nguyễn Văn Nhật dùng khi nói về khách sạn Caravelle (19 – 23 Công trường Lam Sơn, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh) cuối thập niên 1950, trên báo Tuổi Trẻ ngày 11-2-2016.
Đó không phải là một nhận định tùy hứng, không có cơ sở. Trước năm 1959, khu vực trung tâm Đô thành Sài Gòn vẫn là trung tâm kiến trúc thời thuộc Pháp với hàng trăm dinh thự, biệt thự, khách sạn, nhà cửa… lớn, đẹp cho tới tận hôm nay, với đủ kiểu dáng kiến trúc thời Pháp thuộc: Baroque, Art Nouveau, Art Deco, Beaux art, Gothic, Hy Lạp, Cổ điển, Tân cổ điển…
Caravelle: cánh buồm, một từ dễ đọc, dễ nhớ và gợi thanh âm ngọt ngào, có nguồn cảm hứng từ chiếc thuyền buồm hạng nhẹ, chạy nhanh của người Jamaica xưa mà người Pháp gọi là là caravelle. Con thuyền ấy giương buồm, khám phá và chinh phục đại dương, tìm kiếm cơ hội giao thương, thám hiểm chân trời mới; điều mà bây giờ chúng ra hay nói là “ra biển lớn”.
Đó cùng là tên một loại máy bay phản lực mới của Hãng hàng không Air France, một trong những pháp nhân hùn vốn xây dựng khách sạn: Công ty Catinat Foncier (Pháp), Hãng hàng không Air France, Phái bộ ngoại giao Úc, Giáo hội Công giáo Sài Gòn.
Đêm trước Giáng sinh 1959, một khối nhà “lạ”, cao sừng sững, đến lúc đó là cao nhất Sài Gòn mọc lên, không giống bất kỳ một kiến trúc nào xung quanh nó: Nhà hát lớn Thành phố bên cạnh nó, khách sạn Continental bốn tầng (cao nhất Sài Gòn lúc mới ra đời) đối diện nó…: khách sạn Caravelle cao mười tầng (tính cả tầng trệt, tầng thượng).
Khách sạn này “lạ” đến mức vài năm sau vẫn là tranh luận, như một cuộc hội thảo phong cảnh đô thị dành cho các kiến trúc sư và các nhà quy hoạch tại Sở Quy hoạch và Phát triển đô thị Sài Gòn; tranh luận giữa kiến trúc cổ điển thời Pháp thuộc và kiến trúc hiện đại phá vỡ cảnh quan đô thị vùng trung tâm Sài Gòn.
Cuộc tranh luận này âm ỉ từ khi Caravelle đang xây dựng và bùng lên ba năm sau, khi tháng 7-1962, tờ Times of Vietnam thông tin: Tập đoàn khách sạn Hilton ký với nhóm chủ đầu tư khách sạn Caravelle về việc mở rộng khách sạn Caravelle lên 350 phòng và sẽ có hồ bơi trên sân thượng (thực tế không thành do tình hình chính trị lúc ấy có vẻ không ổn).
Caravelle được xây dựng trên nền khuôn viên 775 m2 của một công trình kiến trúc khá nổi tiếng thời Pháp thuộc, rất hài hòa với các khối xây dựng xung quanh như Nhà hát lớn: tiệm Grand Cafe de la Terrasse ba tầng; chức năng khá giống khách sạn Continental đối diện nó với tầng trệt bán cà phê với bàn ghế rải ra vỉa hè như Continental, hai tầng trên là phòng ở và văn phòng cho thuê.
Khách sạn Caravelle xây dựng xong cũng có chức năng đó, nhưng tiệm cà phê tầng trệt được đưa lên tầng thượng để tận dụng ưu thế cao nhất Sài Gòn lúc đó của nó: ngắm cảnh quan toàn bộ vùng trung tâm Sài Gòn và sông Sài Gòn phía xa xa. Thay cho quán cà phê, một phần tầng trệt được Hãng Air France dùng làm văn phòng giao dịch, bán vé máy bay của hãng.
Khách hàng của khu cà phê tầng thượng cũng khá đặc biệt: chủ yếu là các nhà báo trong và ngoài nước, trí thức, chính trị gia… Một số khách hàng này sau hình thành “Nhóm Caravelle” (gồm 18 người – “Nhóm nhân sĩ tự do tiến bộ”) có lúc ra hẳn Tuyên cáo Caravelle (ngày 26-4-1960) đòi Tổng thống Ngô Ðình Diệm cải tổ chính trị để mở rộng dân chủ; ít nhiều rung chuyển chính trường miền Nam. Thậm chí, có ý kiến cho rằng cuộc đảo chính Ngô Đình Diệm năm 1963 bắt đầu từ những cuộc bàn luận ở khách sạn Caravelle.
Toàn bộ khối công trình Caravelle nhẹ nhõm hẳn so với các công trình thời Pháp thuộc. Nó mang nét kiến trúc hiện đại, táo bạo của Sài Gòn, miền Nam lúc đó. Nhưng lại rất Việt, như những ngôi nhà Việt xưa: thanh thoát, có khoảng đệm nhiệt độ trước các phòng, bớt nắng mà không cản gió…
Khách sạn Caravelle vừa ra đời đã ít nhiều lấn át vị thế của khách sạn Majestic Saigon xa hoa, lộng lẫy gần đó của siêu đại gia Hui Bon Hoa xây từ thời Pháp, nhìn ra sông Sài Gòn. Giá một đêm ở Caravelle 17 USD (giá vàng chính thức lúc này là 35 USD/ounce). Toà Ðại sứ Úc, New Zealand lấy trọn tầng 7 làm trụ sở, nơi ở ngoại giao đoàn. Sau đó, một số hãng tin lớn của Mỹ (CBS, ABC và New York Times, Washington Post…) cũng đặt văn phòng ở đây.
Khách sạn chính thức do kiến trúc sư Nguyễn Văn Hoa của Văn phòng Kiến trúc sư tư vụ Nguyễn Văn Hoa – Phạm Văn Thâng – Nguyễn Quang Nhạc thiết kế. Thoạt đầu, trước đó, một kiến trúc sư Pháp cũng tham gia thiết kế khách sạn với kiến trúc sư Nguyễn Văn Hoa, nhưng sau đó ông ta đã về nước.
Caravelle có điện thoại từng phòng; có hệ thống thang máy vận chuyển hàng hóa; có hệ thống máy lạnh với trung tâm điều hành đầu tiên của Sài Gòn (và máy phát điện dự phòng Berliet hiện đại bậc nhất lúc ấy. Trước đó, Sài Gòn đã có khách sạn gắn máy lạnh một số phòng, nhưng chưa có hệ thống trung tâm).
Dù vậy, thiết kế ban đầu của nó là cấu trúc vỏ kép để giảm nóng: tường phòng lùi sau lan can ban công; ngoài ban công là hệ thống lam gió treo trên các dầm sàn.
Người thiết kế Caravelle là kiến trúc sư Nguyễn Văn Hoa, con một điền chủ trung lưu ở Sóc Trăng, nhưng ông sanh ngày 1-1-1916 ở Cần Thơ. Thuở nhỏ, ông học trường Pétrus Ký ở Sài Gòn trước khi vào học trường Mỹ Thuật Hà Nội dưới hướng dẫn của giáo sư Arthur Kruze. Ông Kruze là một vị thầy – linh hồn khoa Kiến trúc Trường Mỹ Thuật Đông Dương, sau là Trường Mỹ Thuật Hà Nội. Vị giáo sư tài năng, tác giả nhiều công trình tiền hiện đại Art Deco ở Hà Nội, Sài Gòn (hiện vẫn còn) này luôn yêu cầu sinh viên mình phân tích từng phương án thiết kế và phản đối suy nghĩ, quan điểm của nhiều người Pháp lẫn Việt đương thời: không tin bản sắc truyền thống kiến trúc, nhà cửa… dân tộc Việt có thể áp dụng trong kiến trúc hiện đại.
Nguyễn Văn Hoa là một sinh viên giỏi, được giáo sư Kruze rất tin tưởng. Đến mức sau khi Nhật đảo chính Pháp năm 1945, hiệu trưởng Trường Mỹ Thuật Hà Nội Kruze khi chuyển trường vào Đà Lạt, đã đưa sinh viên Hoa làm một thành viên của Văn phòng kiến trúc sư Kruze – Nguyễn Văn Hoa ở ở số 10 đường Glaieuls (nay là đường Nguyễn Viết Xuân), Đà Lạt. Đây vốn là nhà ba vợ của ông Hoa. Gia đình ông Hoa thuê nhà ở số 3, đối diện văn phòng.
Tại đây, Văn phòng kiến trúc sư Kruze – Nguyễn Văn Hoa đã thiết kế một số công trình: nhà săn bắn ở Ban Mê Thuột, trang trí du thuyền Hương Giang… của Hoàng đế Bảo Đại, phi cảng Liên Khàng (Liên Khương), vài biệt thự…
Tuy nhiên, vùng đất này lúc ấy khá hoang sơ, ít dân, không nhiều nhà cửa… , rõ ràng khó thỏa chí hai thầy trò. Năm 1953, Văn phòng kiến trúc sư Kruze – Nguyễn Văn Hoa chuyển về Sài Gòn, ở số 4 Garcerie (nay là số 12 Phạm Ngọc Thạch: Khối ấn phẩm Khăn Quàng Đỏ – Mực Tím… thuộc báo Tuổi Trẻ). Đây là ngôi biệt thự kiểu cổ điển Pháp mà kiến trúc sư Nguyễn Văn Hoa mới mua.
Năm 1954, sau chiến tranh Việt Pháp và Hiệp định Geneve, nhiều người Pháp về nước. Kiến trúc sư Kruze cũng vĩnh biệt Việt Nam, hồi cố hương khi Nguyễn Văn Hoa đã là một kiến trúc sư vững vàng. Ông Hoa lập Văn phòng kiến trúc Nguyễn Văn Hoa – Phạm Văn Thâng. Sau đó nhận thêm một kiến trúc sư tốt nghiệp ở Pháp trở về năm 1958 là Nguyễn Quang Nhạc (trước 1975, kiến trúc sư Nguyễn Quang Nhạc và Phạm Văn Thâng từng là khoa trưởng, tức hiệu trưởng, khoa Kiến trúc, Viện đại học Sài Gòn). Ông Thâng và ông Nhạc vốn học chung khoá (1943) ở Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, Hà Nội; sau lại học chung Trường Quốc gia Mỹ Thuật Paris (Pháp). Tốt nghiệp, ông Thâng về Việt Nam, ông Nhạc làm ở Pháp một thời gian. Có lúc, kiến trúc sư Huỳnh Kim Mãng nổi tiếng cũng là thành viên của văn phòng này.
Rất nhanh chóng, cho đến năm 1975, Văn phòng kiến trúc Hoa – Thâng – Nhạc đã trở thành văn phòng kiến trúc lớn nhất, nổi tiếng nhất tại miền Nam Việt Nam, đặc biệt sau khi hoàn thành khách sạn Caravelle.
Theo nhận xét mới nhất (năm 2017) của Viện Kiến trúc, thuộc Hội Kiến trúc sư Việt Nam, “vào khoảng các năm 1950 và đầu các năm 1960, nhóm kiến trúc sư Nguyễn Văn Hoa – Phạm Văn Thâng – Nguyễn Quang Nhạc nổi tiếng với hàng loạt công trình theo xu hướng hiện đại như khách sạn Caravelle, xưởng dệt Vinatexco, nhà máy giấy Cogido ở Biên Hòa, ngân hàng Việt Nam Thương Tín… Văn phòng kiến trúc uy tín bậc nhất Sài Gòn này được xem là mẫu mực về một công ty thiết kế kiến trúc có hệ thống tổ chức tốt đã đảm nhận xây dựng nhiều công trình quy mô lớn ở Sài Gòn và khắp miền Nam trước 1975”.