Cù Mai Công: Văn phòng kiến trúc Hoa-Thâng-Nhạc thời hoàng kim kiến trúc hiện đại miền Nam
Thật ra trước khi “kỳ quan” khách sạn Caravelle có mặt (tháng 12-1959), kiến trúc sư Nguyễn Văn Hoa thuộc Văn phòng kiến trúc Hoa – Thâng – Nhạc năm 1958 đã cho ra mắt một thiết kế rất đẹp: tòa nhà Ngân hàng Thương mại và Công nghiệp Quốc gia (BNCI) ở số 36 Tôn Thất Đạm, quận 1.
Tòa cao ốc hiện đại này có vẻ còn “lạ” hơn Caravelle khi thiết kế lam gió (brise – soleil) với các thanh bê tông mảnh, nhẹ, dựng thẳng đứng bên ngoài và dọc mặt tiền nhà trước tầng 1, 2. Đó là cấu trúc hai lớp hiện đại phổ biến thập niên 1950, 1960 ở miền Nam. Hệ thống lam gió ở sàn mái trên cùng cũng chặn hiệu quả nắng trưa Sài Gòn. Tầng trệt và cả khu vực dọc cửa chính tòa nhà cũng lui vô trong như mái đình, hàng hiên Việt xưa. Tòa nhà này cho tới nay vẫn là dáng vẻ rất hiện đại. Ai vô đều thấy nó rất mát.
Giữa thập niên 1960, kiến trúc sư Phạm Văn Thâng thuộc Văn phòng kiến trúc Hoa – Thâng – Nhạc cũng thiết kế tòa nhà SEAMEO (35 Lê Thánh Tôn, quận 1) với các dầm ngang, lam dọc ở mặt tiền tòa nhà và cửa sổ lùi vô trong để giảm nắng ngăn mưa.
Thiết kế lam đứng, lam ngang tạo cho mặt tiền công trình có cấu trúc hai lớp, vỏ kép này là phong cách hiện đại ở hàng triệu ngôi nhà, công trình xây dựng ở Sài Gòn và miền Nam trước 1975. Đâu đâu cũng có. Đó là sự khác biệt cơ bản giữa hệ thống kiến trúc miền Nam và miền Bắc trước 1975.
Thiết kế hiện đại nhưng rất Việt này cực kỳ phong phú, đa dạng và phải có nhiều chuyên đề, tập sách của các nhà chuyên môn, kiến trúc sư. Ở đây, chỉ xin nói gọn: tất cả đều nằm một mục đích giảm nắng nhưng gió vẫn qua lại bình thường; phù hợp với thời tiết mưa tạt nắng gắt ở miền Nam cũng như nắng – gió Sài Gòn.
Có nhiều phong cách kiến trúc hiện đại ở miền Nam giai đoạn 1945-1975: Art deco, lam gió, vỏ kép, hai lớp, trừu tượng, biểu hiện, ngắt/chia khoang, phá cách… Nhưng phổ biến có hai cách thể hiện cụ thể. Một, tạo cả một bức tường bông gió trước công trình; hai, dùng những thanh bê tông mỏng, nhẹ (lam đứng, lam ngang) che chắn một phần công trình. Cả hai cách đều đã tạo ra những kiến trúc tuyệt đẹp, ít nhất ở Sài Gòn, trước 1975.
Ở hướng bông gió, hiện nay vẫn còn khá nhiều những bức tường bông gió “khổng lồ” ở một số công trình lớn giữa Sài Gòn, không ai không từng nhìn ngắm và chiêm ngưỡng, trầm trồ: Dinh Độc Lập của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, Thư viện Quốc gia (nay là Thư viện Khoa học tổng hợp) của hai kiến trúc sư Bùi Quang Hanh – Lê Văn Lắm, Đại học Y Dược (217 Hồng Bàng, quận 5) của nhóm năm kiến trúc sư, trong đó có Ngô Viết Thụ, Đài phát thanh Sài Gòn (nay là Đài Phát thanh Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh) và tòa nhà văn phòng số 9 Nguyễn Công Trứ, quận 1 của kiến trúc sư Lê Văn Lắm, Bệnh viện An Bình, tòa nhà 148 Cống Quỳnh, quận 1…
Ở hướng hai (lam đứng, lam ngang), có thể nói đây là thiết kế chính của hầu hết hàng trăm công trình xây dựng của Văn phòng Hoa – Thâng – Nhạc khắp Sài Gòn – Gia Định – Chợ Lớn tới giờ vẫn còn khá nguyên vẹn và vẫn toát ra nét hiện đại dù đã trên dưới 60 năm. Và đây cũng là nét kiến trúc chủ yếu của vô số nhà cửa ở Sài Gòn và miền Nam trước 1975.
Không thể kế hết những công trình kiến trúc của nhóm kiến trúc sư văn phòng này ở Sài Gòn lẫn các tỉnh. Ví dụ, ngoài những địa chỉ đã nêu ở trên, đó còn là:
– Hội Việt Mỹ, đường Mạc Đĩnh Chi, quận 1
– Ngân hàng Việt Nam Thương Tín, đại lộ Hàm Nghi, quận 1
– Nhà máy giấy Cogido, Biên Hoà
– Nhà máy Vinatefinco, Gò Vấp
– Nhà máy dệt Vinatexco, Gò Vấp
– Nhà bào chế thuốc Roussel, đại lộ Nguyễn Huệ, quận 1
– Nhà bào chế thuốc OPV, đại lộ Nguyễn Huệ, quận 1
– Nhà bào chế thuốc La Thành Trung (29 Duy Tân, nay là Phạm Ngọc Thạch, quận 3)
– Tòa Đại sứ Anh tại Sài Gòn, đường Thống Nhất (nay là Lê Duẩn, quận 1)
– Viện Đại học Cần Thơ
– Viện Đại học Duyên Hải, Nha Trang
– Viện Đại học Tiền Giang, Mỹ Tho
– Trường Hành chánh Quy Nhơn
– Trường Kỹ thuật Quy Nhơn
– Trường Kỹ thuật Đà Nẵng…
Ở hầu hết những thiết kế này, những thanh, tấm lam gió đều được “bào” rất mỏng, tạo vẻ thanh thoát cho toàn khối. Kiến trúc sư Huỳnh Kim Mãng khi cộng tác với văn phòng này (Văn phòng kiến trúc Hoa – Thâng – Nhạc – Mãng cũng đã thiết kế khối nhà École Taberd (53 Nguyễn Du, nay là Trường trung học phổ thông chuyên Trần Đại Nghĩa, quận 1). Khối nhà này, theo kiến trúc sư Mỹ Mel Schenck là “minh chứng mạnh mẽ cho kỹ thuật vỏ kép được phát triển bởi các kiến trúc sư Việt Nam”. Nhìn bên ngoài, không ai không thấy rõ vẻ đẹp hiện đại của những tấm lam gió mặt tiền công trình. Khối nhà này hướng đông bắc, chủ yếu nắng sáng nên hệ thông lam gió được bố trí từng mảng không đều, nhìn rất ấn tượng, nhẹ nhõm và gọn ghẽ.
Một loạt biệt thự tới giờ vẫn còn cũng từ bản vẽ của văn phòng này: biệt thự bác sĩ Nguyễn Văn Út (153 Pasteur, quận 3), biệt thự giám đốc Shell Oil (178 Phan Đình Phùng, nay là Nguyễn Đình Chiểu), biệt thự Chartered bank, biệt thự giám đốc Việt Nam Thương Tín (41 Phan Đình Phùng, nay là Nguyễn Đình Chiểu, quận 3), biệt thự ông Nguyễn Cao Thăng (174-176 Phan Thanh Giản, nay là Điện Biên Phủ, quận 3), biệt thự chuẩn tướng – đô trưởng Đô thành Sài Gòn Đỗ Kiến Nhiễu, gần trường đua ngựa Phú Thọ), hai biệt thự của công ty Shell ở Đà Lạt…
Kiến trúc sư Nguyễn Văn Hoa trực tiếp thiết kế một loạt công trình: tòa nhà SUFO/Pittman (22 Lý Tự Trọng, quận 1 – nơi sau này có tấm ảnh di tản nổi tiếng chụp ngày 29-4-1975) có khả năng co dãn thiết kế tùy người sử dụng, chung cư nay ở số 12 đại lộ Võ Văn Kiệt, quận 1…
Điều thú vị là văn phòng này cũng mở rộng phạm vi hoạt động của mình tới tận… vùng Ông Tạ, Gia Định của tôi với thiết kế cư xá Việt Nam Thương Tín đối diện trường Ngô Sĩ Liên tôi học (nay là khu nhà số 9 Phạm Văn Hai, quận Tân Bình), biệt thự bác sĩ Phạm Kim Tương (249 Võ Tánh, nay là Hoàng Văn Thụ, quận Tân Bình), cạnh Bệnh viện Dã chiến số 3 (nay là Bảo tàng Lực lương vũ trang Đông Nam bộ)…
Biệt thư của bác sĩ Phạm Kim Tương do kiến trúc sư Nguyễn Văn Hoa thiết kế. Dù vẫn dáng vẻ hiện đại nhưng khác biệt hoàn toàn với các biệt thự khác cũng do ông vẽ ra. Nhìn chung, cả biệt thự như một khối, nhưng lô gia tầng hai (trên tầng trệt) lại như một thiết kế hoàn chỉnh, độc lập với tầng trệt. Thậm chí, các khung cửa hai tầng chiếu dọc xuống không khớp với nhau. Ô cửa kim loại tầng trệt thay lam gió cũng để đảm bảo an ninh…
Đó có thể nói là khả năng biến hóa với kiến trúc hiện đại trong các bản vẽ của kiến trúc sư Nguyễn Văn Hoa. Nét biến hóa này cũng xuất hiện ở tòa nhà 147 Pasteur (trường Couvent des Oiseaux, nay là trường Lê Thị Hồng Gấm, quận 3): công trình năm tầng này không phải là lam đứng lam ngang mà bức vách ngoài là những mảng tường lớn chủ lực, ngăn hoàn toàn mưa nắng. Phần phụ mới là lam đứng lam ngang. Tuy nhiên cả khối nhà vẫn thanh thoát hơn nhiều kiến trúc hiện đại khác. Tòa nhà này có thể coi là một ví dụ tiêu biểu trong thiết kế hai lớp vỏ (vỏ kép) cho một khối nhà.
Nét biến hóa ấy của ông Hoa cũng có ở khách sạn Arc-En-Ciel (Thiên Hồng) trên đường Tản Đà, quận 5 với hệ thống bông gió che chắn mặt ngoài ba tầng trên tầng trệt. Bên trên là công sôn/mái hắt chạy dọc chiều ngang giảm nắng bớt mưa trên cửa sổ, tường bao các phòng và tạo phương vị ngang cân đối, vững chãi cho công trình…
“Góp sức nhiều trong việc sáng tạo một phong cách hiện đại ở phía Nam là nhóm Văn phòng kiến trúc của ba kiến trúc sư Nguyễn Văn Hoa – Phạm Văn Thâng – Nguyễn Quang Nhạc, cùng với các kiến trúc sư Bùi Quang Hanh, Lê Văn Lắm, Trần Văn Tải, Huỳnh Kim Mãng, Tô Công Văn…” (Viện Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam).
Tất cả đều là những công trình kiến trúc hiện đại, sang trọng cho tới bây giờ, sau trên dưới 60 năm. Một hệ thống công trình kiến trúc miền Nam trước 1975 đồ sộ, rực rỡ thời hoàng kim.
Phòng họa viên ở số 12 Duy Tân, nay là Phạm Ngọc Thạch, nơi cho ra những bản vẽ kiến trúc của Văn phòng Kiến trúc Hoa – Thâng – Nhạc. Sau 1975 là hội trường, phòng họp của báo Tuổi Trẻ, Khăn Quàng Đỏ (hiện đã bị phá bỏ) – Ảnh: Gia đình cung cấp