Cù Mai Công: Văn phòng kiến trúc sư Hoa-Thâng-Nhạc: Giấc mơ dang dở giữa Đô thành Sài Gòn

… Hơn 40 năm sinh hoạt, làm việc ở khu vực trung tâm Sài Gòn, không biết bao nhiêu lần tôi ngẩn ngơ và kinh ngạc trước vô vàn cao ốc, dinh thự, biệt thự, nhà dân… có kiến trúc hiện đại cho tới tận hôm nay. Nhưng tất cả lại rất Việt, thoát ly hoàn toàn với những công trình xây dựng thời thuộc Pháp.

Ngân hàng Việt Nam Thương Tín (nay là Vietinbank) trên đường Hàm Nghi do KTS Nguyễn Văn Hoa thiết kế – Ảnh Cù Mai Công (CMC)

Chỉ trong vòng 20 năm (1955 – 1975), số lượng công trình xây dựng giai đoạn “cột mốc thứ sáu” của Sài Gòn có lẽ gấp trăm lần 90 năm “cột mốc thứ năm” (1865 –1955) thời Pháp thuộc. Những cột mốc này do nhà nghiên cứu Sài Gòn xưa Phúc Tiến, một bạn thân, chơi với tôi từ thuở thiếu niên cho tới nay, nhận định trong bài viết “Sài Gòn – TP.HCM 7 cột mốc lịch sử và phát triển” trên tập san Xưa Và Nay số 550 (tháng 4-2023), chuyên đề “Sài Gòn – TP Hồ Chí Minh 325 năm (1698 – 2023).

Ở “cột mốc thứ sáu” này với vị trí chính thức “đô thành”, theo anh, Sài Gòn “phát triển vũ bão”, “cơ sở hạ tầng và trình độ quản trị thành phố được mở rộng, bắt kịp các đô thị mới trỗi dậy ở châu Á sau chiến tranh”. Xin được nhấn mạnh ý của anh: châu Á chứ không chỉ dừng lại ở Đông Nam Á.

Cơ sở hạ tầng, bao gồm kiến trúc Sài Gòn của nhiều kiến trúc sư Sài Gòn những năm đó là cả một khối lượng nghiên cứu lớn tầm cỡ quốc gia, chắc chắn quá sức, quá tầm và quá khả năng một người, một nhóm tác giả, trong đó có tôi. “Lực bất tòng tâm”.

“Với số lượng khổng lồ và chất lượng đỉnh cao của các công trình hiện đại được xây dựng trên khắp miền Nam Việt Nam sau Thế chiến II, đất nước này đã trở thành trung tâm kiến trúc hiện đại tuy chưa được công nhận trên thế giới” (Mel Schenck, kiến trúc sư Mỹ).

Tiếc thay, khối kiến trúc này tới giờ hầu như không được dạy trong các khoa, trường kiến trúc ở Việt Nam hiện nay. Dù vậy, ảnh hưởng của nó tới nay vẫn còn rất rõ nét, ít nhất ở thành phố Hồ Chí Minh.

Như từ ban đầu, tôi chỉ xin khoanh lại ở Văn phòng Kiến trúc sư tư vụ Hoa – Thâng – Nhạc ở số 12 Duy Tân (nay là 12 Phạm Ngọc Thạch) bậc nhất Sài Gòn, miền Nam trước 1975. Trước đó, là Kruze – Hoa, rồi thêm Kruze – Hoa – Tải, sau có lúc là Hoa – Thâng – Nhạc – Mãng. Một điều thú vị: cả sáu vị kiến trúc bậc thầy này đều từng là giáo sư giảng dạy, giám đốc/khoa trưởng/hiệu trưởng ở những trường kiến trúc lớn nhất Việt Nam, miền Nam: Mỹ thuật Đông Dương/Hà Nội, khoa Kiến trúc thuộc Viện đại học Sài Gòn; cho ra bao thế hệ kiến trúc sư mang ảnh hưởng kiến trúc hiện đại của họ.

Ở đây, tôi xin nói thiết kế của khối kiến trúc ở ngay chính trường Đại học Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh hiện nay vốn là đồ án tốt nghiệp của sinh viên kiến trúc Trương Văn Long. Giáo sư Phạm Văn Thâng lúc đó là khoa trưởng/giám đốc (tức hiệu trưởng) khoa Kiến trúc Sài Gòn đã cùng học trò mình hoàn chỉnh, phát triển, xây dựng đồ án này vào năm 1972. Đó là một công trình kiến trúc tới giờ vẫn không hề lỗi thời với những lam gió cản mưa chắn nắng bằng bê tông đi ngang, sổ dọc toàn bộ mặt trước, sau công trình. Hệ thống lam này chia khoang khối kiến trúc và cách tường bao các phòng bằng một dãy hành lang qua lại, tạo ra kết cấu vỏ kép hiện đại và sang trọng cho tòa nhà.

Kiểu cách thiết kế lam dọc lam ngang, chia khoang ấy có lẽ tòa nhà 36 Tôn Thất Đạm (BNCI – 1958), trụ sở Việt Nam Thương Tín (nay là Vietinbank trên đường Hàm Nghị), tòa nhà SEAMEO (35 Lê Thánh Tôn, quận 1)… của kiến trúc sư Nguyễn Văn Hoa, Phạm Văn Thâng… là một số những công trình kiến trúc dạng này phổ biến ở Sài Gòn – Gia Định trước 1975. Ở ngã ba Ông Tạ, Tân Bình xưa có tiệm bánh Quang Minh xây dựng từ giữa thập niên 1960 cũng mang dáng vẻ này.

Tiệm bánh Quang Minh ở ngã ba Ông Tạ, Tân Bình xây dựng giữa thập niên 1960 – Ảnh tư liệu
Biệt thự xưa của bác sĩ Nguyễn Văn Út trên đường Pasteur do KTS Nguyễn Văn Hoa thiết kế – Ảnh CMC

Thậm chí một chung cư ở Campuchia xây dựng trước 1975 cũng có lối thiết kế ấy, như “sinh đôi” với ngôi nhà ở ngã ba Ông Tạ. Cho tới tận hôm nay, trên các nẻo đường Sài Gòn, chúng ta vẫn thấy vô số những tòa nhà đã và đang xây dựng có lam dọc lam ngang, chỉ khác là khung sắt, cửa kính kín mít thay lam bê tông thoáng rộng.

Cũng như vậy, mỗi lần đi ngang một nhà hàng của Mc Donald’s mới xây dựng vài năm nay; có thiết kế đơn giản nhưng đẹp và hiện đại ở bùng binh gần cầu Điện Biên Phủ, tôi lại nhớ đến kiểu cách những biệt thự trên đường Nguyễn Đình Chiểu, Pasteur, Trần Quốc Thảo… mà kiến trúc Nguyễn Văn Hoa vẽ: đơn giản, vuông vức, thoáng rộng, không chi tiết thừa. Tôi hoàn toàn không có ý nói đó là sự sao chép. Có lẽ chỉ là ngẫu nhiên. Tôi chỉ muốn nói đến nét hiện đại vượt thời gian của những ngôi biệt thự xưa mà không hề cũ ấy.

Nhà hàng Mc Donald’s gần cầu Điện Biên Phủ thiết kế hiện đại hiện nay – Ảnh CMC

Anh Nguyễn Duy Thanh, đứa con trai út được kiến trúc sư Nguyễn Văn Hoa cưng, mỗi lần ông đi công trường, thường chở Duy Thanh theo. Hồi xây biệt thự giám đốc ngân hàng Việt Nam Thương Tín trên đường Phan Đình Phùng (nay là Nguyễn Đình Chiểu), anh Duy Thanh theo ba tới đây nhiều lần, nghe ông nói về mục đích, công năng từng chi tiết thiết kế.

KTS Nguyễn Văn Hoa và con trai út Nguyễn Duy Thanh (nay là kỹ sư ở Mỹ) – Ảnh gia đình cung cấp

Anh bảo: “Với tôi, style (phong cách) hiện đại thì không bao giờ bị lỗi thời”.

“Ước mơ của ba anh về kiến trúc Sài Gòn, miền Nam khi mở văn phòng?” – tôi hỏi.

Anh Duy Thanh, hiện là kỹ sư xây dựng bên Mỹ trả lời ngay: “Ba muốn giúp xây dựng quê hương, đất nước về lãnh vực kiến trúc: thiết kế cơ xưởng, nhà máy, trường học, bệnh viện, phi cảng, chung cư…”.

Gia đình ông Nguyễn Văn Hoa trước biệt thự, Văn phòng Kiến trúc Hoa – Thâng – Nhạc, 12 Duy Tân (nay là Phạm Ngọc Thạch) – Ảnh gia đình cung cấp

Thực tế các vị thầy kiến trúc của Văn phòng Hoa – Thâng – Nhạc đã thực hiện rất nhiều công trình hạ tầng ở miền Nam trước 1975: Phi cảng Liên Khàng (Liên Khương) – Đà Lạt, Phi cảng hành khách Tân Sơn Nhất, Viện đại học Cần Thơ, Tòa đại sứ Anh ở Sài Gòn, Viện đại học Duyên Hải – Nha Trang, Viện đại học Tiền Giang – Mỹ Tho, Trường Hành chánh Quy Nhơn, Trường Kỹ thuật Quy Nhơn, Trường Kỹ thuật Đà Nẵng…

Khi dời văn phòng từ Đà Lạt về Sài Gòn năm 1953, ít ai biết khi hai ông Kruze – Hoa mở văn phòng ở 12 Duy Tân (nay là Phạm Ngọc Thạch), ngoài việc Sài Gòn lúc đó, công trình xây dựng mới nhiều gấp bội Đà Lạt còn có một lý do, theo anh Duy Thanh là tìm được một permanent location (địa điểm thường trú) ở khu vực đường Pasteur cho trường Cao đẳng Kiến trúc (tiền thân khoa Kiến trúc Viện đại học Sài Gòn, nay là Trường đại học Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh). Giáo sư, kiến trúc sư Arthur Kruze lúc ấy là giám đốc của trường. Mấy năm đầu, ông Hoa cũng là giáo sư dạy ở đó hai môn: toán học và vẽ perspective (phối cảnh).

VP kiến trúc Hoa – Thâng – Nhạc ở 12 Duy Tân (nay là Phạm Ngọc Thạch) năm 1992 còn khá nguyên vẹn. Dãy nhà bên phải xây sau 1975 – Ảnh gia đình cung cấp…

Ngày 24-4-1975, kiến trúc sư Nguyễn Văn Hoa cùng gia đình lên phi cơ rời Sài Gòn. “Bừng mắt dậy trên sạp tạm trú ở Guam, nghe đài BBC mới biết chuyến đi là vĩnh viễn”.

Hai kiến trúc sư Nguyễn Quang Nhạc, Phạm Văn Thâng ở lại. Ở Guam, ông Hoa viết thư cho ông Nhạc: “Chúng mình đã ở hai thế giới khác biệt”. Lá thư nhắc tới những bản vẽ dang dở trong phòng Họa viên ở số 12 Duy Tân, hẹn ngày trở về. Lá thư không đến tay giáo sư Nhạc trong những ngày Sài Gòn rung chuyển. 17 năm sau, họ mới nhận được tin nhau qua những lá thơ tay đầy cảm xúc: “Công suốt đời gầy dựng từ con số 0 nay như dã tràng xe cát!…”.

Cá nhân tôi không nghĩ như vậy khi ngày ngày vẫn đi qua hàng loạt công trình thiết kế tới giờ vẫn rất hiện đại, theo kiểu Việt Nam, kiểu Sài Gòn của văn phòng kiến trúc bậc nhất miền Nam, Sài Gòn này. Và tôi càng thấm hơn khi từng làm việc ở văn phòng này, họp hành ở gian phòng xưa là phòng Họa viên suốt tám năm, trước khi nó bị phá bỏ toàn bộ để xây mới… Nhìn ngôi phòng Họa viên có thiết kế phần kính chiếm toàn bộ mảng tường nhìn ra ngoài, cửa sập, gắn máy lạnh… rất hiện đại ấy khó ai nghĩ nó được xây dựng từ cuối thập niên 1950.

“Để xây nhà có người đã đốn mất cây ngọc lan.
Buổi tối đi qua anh chỉ còn tìm hương trong tâm tưởng
Họ sẽ chẳng còn nhớ gì khi ngôi nhà đã mọc lên tráng lệ
Họ sẽ quên như mùi hương chưa hề có bao giờ.
Nhưng anh đã có lần cùng em đi qua đó
Hoa đã có lần thổi hương vào mái tóc ngây thơ…
Bây giờ em đã xa xôi và đến phiên ngọc lan xuống đất.
Thôi, hoa cũ không còn thì còn lại chút hương xưa…”

(Đỗ Trung Quân 1986 – Tuyển tập “Cỏ hoa cần gặp”, 2004)

Cù Mai Công