Dân lại tiếp tục góp ý nghị định 168!
Cù Mai Công: Đề nghị ba giải pháp cấp bách dễ làm, khả thi!
Ngày 13-1-2025, một số báo đưa tin: sáng đầu tuần, TP.HCM “kẹt không lối thoát”, “kẹt ngộp thở”. Nếu không có giải pháp tháo gỡ gấp, cuối tuần này trở đi sẽ là “kẹt hết đường binh”.
*
Thực trạng kẹt xe ở thành phố, đô thị lớn nhất nước này, tới giờ có lẽ không ai, kể cả chính quyền có thể dám quả quyết được bao giờ sẽ được giải quyết căn cơ và bền vững. Vì vậy, người dân chỉ mong bớt kẹt chút nào hay chút đó. Những ngày giáp tết này, đường sá ở TP.HCM có khả năng kẹt dính chưa từng thấy.
Xin bỏ qua những biện pháp (mà những nhà quy hoạch, chuyên gia, lý thuyết gia… cho là căn cơ) như mở rộng đường, thêm xe buýt, Metro phủ khắp thành phố, đưa xí nghiệp, trường đại học ra vùng ven… này nọ vì không khả thi trong lúc này. Ít nhất trong thời gian gần một, hai, ba… 10, 20 năm tới.
Mạo muội đề xuất ba giải pháp dễ làm, khả thi:
1. TP.HCM hiện có cả ngàn giao lộ gắn đèn xanh đèn đỏ. Mấy ngày qua (đến hết 13-1-2025) gắn 131 đèn tín hiệu cho quẹo phải, đường sá thoáng được chút chút. Ai cũng thấy rõ. Riêng cơ quan chức năng quản lý, thực hiện chuyện này nói sẽ khảo sát, họp hành, nghiên cứu nữa để coi có gắn tiếp hay không.
Cha mẹ ơi, tình hình xe cộ ở TP.HCM đang “nước sôi lửa bỏng”, và chuyện này đâu có mới, đã thành thói quen của người Sài Gòn bao nhiêu năm nay, giờ tái lập, hiệu quả thấy ngay, có trầy sướt gì cho người đi bộ đâu mà tà tà khảo sát, nghiên cứu, họp hành… này nọ rườm rà.
Nếu chỉ số đèn này, không chỉ cá nhân tôi mà nhiều người có cảm giác như trong truyện Nam Cao: “Đập bàn đòi cho được năm đồng, sau đó quăng trả lại hai hào vì thương anh túng quá”.
THAY VÌ GẮN LẺ TẺ VÀI CHỤC TÍN HIỆU CHO PHÉP QUẸO PHẢI KHI ĐÈN ĐỎ NHƯ NHỮNG NGÀY VỪA QUA THÌ CHỈ CẦN GẮN VÀI CHỤC TÍN HIỆU/BẢNG CẤM QUẸO PHẢI KHI ĐÈN ĐỎ Ở MỘT SỐ GIAO LỘ có thể gây kẹt, nguy hiểm khi quẹo. Dễ làm, làm nhanh và đỡ tốn tiền thuế của dân.
Dù rằng xưa nay, tai nạn giao thông khi quẹo phải – đèn đỏ là rất hiếm hoi. Khoa học xã hội là luôn có ngoại lệ, cá biệt. Không nên lấy cái cá biệt nhân rộng thành phổ biến.
2. Xê dịch dải phân cách/con lươn, tạo luồng mới tạm thời ở những con đường sáng – chiều có lưu lượng xe đối nghịch nhau. Để tránh một bên ngập kín xe, bên kia vắng vẻ.
Nếu đường nào có dải phân cách/con lươn là bê tông cố định, giải quyết dễ thôi: giăng băng nhựa mỏng tạm sang phần mở rộng, hoặc CSGT đứng hai đầu từ xa điều tiết.
Cách làm này không mới và TP.HCM đã từng làm một thời gian, rất hiệu quả, được lòng dân. Không hiểu sao những lúc căng thẳng, số lượng xe nhiều trong tháng giáp tết như hiện nay lại không làm.
3. LẬP BIÊN BẢN, PHẠT NGAY NHỮNG XE HƠI, XE TẢI ĐẬU CẢ TIẾNG, MẤY TIẾNG Ở LÒNG ĐƯỜNG SÁT VỈA HÈ NHỮNG CON ĐƯỜNG CẤM ĐẬU, nhất là những con đường khu trung tâm thành phố mà ai cũng thấy sờ sờ, từng giờ, mỗi ngày. Nhiều xe bật đèn nháy liên tục (một dạng lách kiểu dừng xe) để đối phó lực lượng chức năng.
Những chiếc xe này thu hẹp nặng nề lòng đường vốn rất chật hiện nay, đẩy vô số xe máy buộc phải lách sang trái, dạt sang làn đường xe bốn bánh. Việc này còn nguy hiểm gấp nhiều lần xe máy quẹo phải khi đèn đỏ.
Xe bốn bánh, xe tải cấm đi vô làn đường xe hai bánh, còn đậu luôn lẽ nào được?
Cù Mai Công
***
***
Hoàng Thị Bích Hà: Thấy gì sau hơn 10 ngày chấp hành Nghị định 168
Tình hình giao thông đã đi vào nề nếp, người dân di chuyển chậm, có ý thức hơn, không có tình trạng phóng nhanh, vượt ẩu, vượt đèn đỏ, leo lên lề đường, số vụ vi phạm giao thông giảm đáng kể.
Biết rằng, tình hình giao thông ở Việt Nam đặc biệt là các thành phố lớn có mật độ dân số đông đã đến lúc báo động, đã đến lúc cần thay đổi. Tuy nhiên, sự thay đổi khi hạ tầng giao thông còn nhiều bất cập, tăng mức tiền phạt, cấm vượt đèn đỏ không cho rẽ phải, bỏ đèn đếm giây… đã gây ra những hệ lụy không mong muốn, đó là tình trạng kẹt xe càng kẹt xe hơn.
Theo quan sát thực tế và trên thông tin, hình ảnh trên không gian mạng, tôi nhận thấy ở TP HCM những con đường huyết mạch tình trạng kẹt xe nay không chỉ giờ cao điểm, tan tầm, học sinh tan học,…mà kẹt xe bất cứ giờ nào kể cả thứ Bảy, Chủ nhật. Có những đoạn đường kẹt hàng cây số. Đèn đỏ không rẽ phải ứ lại, không thể nhường đường cho xe cấp cứu vì xe cộ dày đặc nhích từng chút vậy tránh đi đâu, vượt đèn đỏ thì không dám. Như vậy sẽ hệ lụy kéo theo nhiều mạng người không thể cứu khi lỡ mất giờ vàng.
Ngày 12/01/2025 ở hơn 50 nút giao thông ở TP HCM đã được lắp đèn có biểu tượng xe máy cho rẽ phải. Tình trạng có cải thiện nhưng vẫn chưa nhiều. Người lưu thông trên đường sau nghị định thời gian tăng di chuyển gấp đôi, có khi gấp ba so với trước. Tôi đi làm từ quận Bình Thạnh qua quận 2 trước đây đi 30 phút, nay phải đi 1 h. Có đồng nghiêp đi từ Bình Dương qua quận 2 bình thường đi 1 h, nay phải di chuyển hơn 2 h. Tốn thời gian di chuyển hơn trước làm hao tổn năng lượng, sức khỏe, tốn xăng, thiệt hại kinh tế, tăng ô nhiễm khói bụi không tốt cho môi trường. Chất lượng làm việc có ảnh hưởng. Áp lực, lo lắng cũng ảnh hưởng không nhỏ cho sức khỏe.
Suy ra nếu thấy nhân viên đi làm trễ không đúng giờ, thời gian di chuyển tiêu hao năng lượng các chủ đầu tư, nhất là chủ đầu tư ở nước ngoài liệu có đủ nhiệt huyết để trụ lại khi thấy tình trạng nhân viên mệt mỏi, ảnh hưởng năng suất lao động. Sức khỏe người lao động đã bị bào mòn, mệt mỏi khi di chuyển thời gian dài gấp đôi gấp ba bình thường.
Những người làm nghề lái xe vận chuyển hàng hóa, hay xe du lịch khi được phỏng vấn đều tỏ ra chán nản và áp lực. Một số chủ phương tiện có ý định bán xe và nghỉ việc vì lo sợ ra đường không đủ tiền nộp phạt.
Có doanh nghiệp vận tải án binh bất động, cho xe tập kết về bến bãi “ngủ đông”,…
Khi các phương tiện vận chuyển khó khăn, sẽ tăng giá thành hàng hóa lên và người lại phải đối mặt với giá cả tăng, lo ngại trượt giá.
Nhìn chung tình hình kinh tế của người dân từ sau dịch Covid đi xuống, và chưa có dấu hiệu phục hồi.
Các mặt bằng cho thuê bị trả hàng loạt, quán xá đóng cửa nhiều.
Tôi có cô bạn hay làm sự kiện, lúc thì đặt ở quán ăn, cà phê, nhạc sống này, lúc quán khác. Cô bảo: – Dạo này em đi quán nào rồi trở lại lần 2 thì quán ấy đều đã đóng cửa, trả mặt bằng.
Chưa làm thống kê nhưng người dân bình thường như chúng tôi đều thấy rất rõ khi quan sát ở các hàng quán, chợ truyền thống, kể cả siêu thị, khách có giảm. Chợ không đông đúc nhưng bình thường kể cả dịp gần tết như thế này. Có những khu chợ vắng, chỉ có lác đác khách mua, người bán hàng củ quả thở dài nói với tôi rằng:
– Chị xem chợ kìa, thế này sao bán đủ tiền mà ăn tết?
Tôi hỏi chị láng giềng, người sinh ra và lớn lên tại thành phố này, làm ở bệnh viện Hùng Vương.
– Chẳng lẽ mới đầu tháng Chạp mà họ về quê hết rồi hay sao mà chợ vắng vậy chị?
Chị Liễu trả lời:
– Về đâu mà về, ở đó nhưng làm không ra tiền, dè sẻn, cắt giảm chi tiêu đó.
Mức phạt cao cũng bên cạnh phần lợi có tính răn đe nhưng người lao động có thu nhập thấp, làm ăn đắp đổi qua ngày nếu bị phạt cao sẽ lao đao về kinh tế gia đình và càng lâm vào cảnh kiệt quệ hơn và đời sống họ cũng lao đao hơn! Nên chăng, cho nộp phạt theo khả năng, phần còn lại đi lao động công ích để trừ nợ, tuỳ hoàn cảnh mà có giải pháp linh động!
Hiện nay, cơ sở hạ tầng giao thông phần lớn chưa đảm bảo, đường hẹp, có nơi vỉa hè bị trưng dụng, không có chỗ cho người đi bộ. Các phương tiện công cộng chưa vận hành đủ đáp ứng nơi có nhiều người cần như nhà máy, cơ quan, bệnh viện, siêu thị,… thời gian di chuyển cũng không tránh khỏi kẹt xe như bao phương tiện cá nhân khác.
Đèn tín hiệu giao thông chưa hợp lý, theo người dân phản ảnh trên youtube có những chỗ đèn đỏ 100 giây, đèn xanh 20 giây, chỉ đi được số ít, trong hàng dài kẹt xe ấy có người phải chờ 3-4 nhịp đèn xanh mới đến lượt mình qua.
Kiến nghị:
– Lắp thêm đèn cho rẽ phải nhiều hơn nút giao thông đã được lắp trong ngày 12/01/2025.
-Hạ tầng cơ sở còn cần phải xây dựng thêm. Thí dụ như cầu vượt.
Tất cá các giao lộ cho phép quẹo phải khi đèn đỏ, ít nhất cũng tránh được kẹt xe một phần, không cần có bảng “cho phép quẹo phải đi đèn đỏ”; ở ngả ba, cho phép các xe 2 bánh, chủ yếu là xe gắn máy được đi thẳng khi đèn đỏ,…
-Để đèn tín hiệu tính giây để người tham gia giao thông định liệu cho hợp lý.
-Để lại bùng binh (vòng xuyến) ở một số nút giao thông. Ví dụ nút giao thông đại lộ Phạm Văn Đồng giao nhau với đường Lê Quang Định và đường Nguyên Hồng. Đoạn này lúc trước có bùng binh, di chuyển theo chiều dễ hơn. Nay không có bùng binh. Khi có đèn xanh nếu đi từ phía Lê Quang Định cua ra rẽ trái lên hướng Phú Nhuận rất khó tránh xe cộ hướng ngược lại từ phía chợ Gò Vấp lên.
Hoặc như hai đầu cầu Giã Viên (Huế) trước đây có bùng binh, đi theo mũi tên vòng xuyến dễ di chuyển và ít tai nạn hơn!
Phạt người dân vi phạm sai luật cũng nên phạt nặng người, cơ quan chịu trách nhiệm lắp đặt, bảo trì, kiểm tra hệ thống đèn tín hiệu, cần quy trách nhiệm rõ ràng và nhìn thẳng vào thiệt hại, ảnh hưởng đến xã hội nếu đèn tín hiệu mất điện hoặc lỗi nếu không có người kịp thời ra điều tiết giao thông.
Khi tiền phạt cần minh bạch, tiền phạt đó có quay lại phục vụ an sinh xã hội, cải tạo nâng cấp đường sá, bệnh viện, trường học, chăm sóc sức khỏe,…?. Các chính sách đưa ra hợp tình hợp lý, hỗ trợ người dân để người dân an tâm sống lao động, nộp thuế xây dựng đất nước.
Tôi tin rằng trong quá trình thực thi, thấy chỗ nào chưa hợp lý, cơ quan chức năng sẽ nghiên cứu, trải nghiệm, kiểm tra thực tế để có hướng xử lý trên tinh thần cầu thị vì dân. Quy luật muôn thuở: Dân giàu thì nước mới mạnh!
Mong rằng cơ quan chức năng sẽ lắng nghe ý kiến người dân, sớm điều chỉnh quy định, chế tài cho phù hợp.
Tp HCM, ngày 13/01/2025
Hoàng Thị Bích Hà