Đặng Đình Mạnh: Đóa hồng nào cho Stumpy sau điệu nhảy cuối cùng

Những cây hoa anh đào ở bờ hồ Tidal Basin

Vào tháng ba, khi trời vào tiết xuân cũng là lúc hoa anh đào bắt đầu nở rộ khắp vùng thủ đô Hoa Thịnh Đốn và các bang lân cận. 

Hoa anh đào nở trong các khu dân cư, trước những trung tâm thương mại, dọc theo những con phố, lên cả lề đường cao tốc… Thế nhưng, nơi du khách mong muốn đến ngắm hoa anh đào nhất phải kể đến là bờ hồ Tidal Basin, thuộc khu vực National Mall, nơi tựa như trái tim của thủ đô. Tidal Basin vốn là một hồ lớn thuộc sông Potomac, con sông lớn, đẹp lung linh như dải lụa vàng nằm vắt ngang vùng DC. 

Thật dễ hiểu, khi quanh bờ hồ Tidal Basin ước tính có đến 2500 cây hoa anh đào. Ngoại trừ một cây ở gần ngôi đền tưởng niệm Thomas Jefferson lúc nào cũng nở hoa sớm như báo hiệu, thì y như rằng, khoảng hai tuần lễ sau, 2500 cây còn lại đều đồng loạt nở hàng triệu triệu cánh hoa anh đào trắng muốt hoặc chen nhẹ nhàng vào đấy phơn phớt những cánh hồng phai. Chúng rập rờn khoe sắc như mây trời lãng đãng phủ trắng cả bờ hồ trong cơn gió se lạnh.

Đài tưởng niệm Jefferson trong mùa hoa anh đào nở

Mỗi cây mỗi dáng vẻ. Có những cây già đến cả hàng trăm năm tuổi, thân xù xì trầm mặc, vốn là món quà tặng từ Nhật Bản. Lại có cây vươn cành chi chít hoa sà sát mặt nước hồ đầy nghịch ngợm. Thế nhưng, trong số hàng nghìn cây hoa anh đào, công chúng lại thường dành sự quan tâm đặc biệt hơn cho cây hoa anh đào còm cõi, nhưng rất nổi tiếng và thậm chí, có hẳn một danh tính riêng: Stumpy.

Stumpy chỉ cao độ 2 thước. Nhưng đáng nói nhất là thân cây đã bị mục rỗng ruột hoàn toàn. Stumpy còn đứng được là dựa vào lớp vỏ mong manh bên ngoài, nhưng cũng chỉ còn độ non nửa mà thôi. Nên đã phơi bày trọn vẹn cái ruột mục rỗng bên trong. Chưa kể rằng, Stumpy tọa lạc ngay vùng đất trũng, một ngày hai lần, khi nước thủy triều lên là gốc cây lại bị ngập hoàn toàn trong nước. Bất chấp khả năng cây có thể ngã đổ bất kỳ lúc nào, cứ vào tháng ba hàng năm, khi hàng nghìn cây anh đào đua nhau nở rộ khoe sắc, thì Stumpy còm cõi cũng lại điềm nhiên trổ hoa sắc hồng rất riêng để đua sắc. 

Kiên cường. Thế nên, hơn cả hoa, mà chính vì giá trị kiên cường mà Stumpy đã dành trọn sự quý mến của du khách mỗi năm đến đây thưởng thức hoa. 

Nhưng năm nay, Stumpy bước vào “Last dance – Điệu nhảy cuối”[1] của đời mình khi chính quyền địa phương quyết định cho đốn hạ cùng với 157 cây khác để xây dựng lại đoạn bờ kè bị ngập nước thủy triều.

Trước đây vài ngày, khi đến đây thưởng hoa, đứng trước Stumpy, chúng tôi đã thấy ai đó đặt một bó hồng đỏ thắm dưới gốc như lời cảm ơn và tiễn biệt Stumpy. Người Mỹ tử tế tặng Stumpy bó hồng không chỉ vì hoa, mà vì giá trị tinh thần mà Stumpy mang đến cho họ.

Stumpy với bó hồng đỏ dưới gốc. Ảnh: Đặng Đình Mạnh

Lạ, nếu tin vào câu “Ngũ thập tri thiên mệnh”, nôm na là tuổi 50 có thể hiểu được mệnh trời thì tôi đã nghĩ mình không cần phải học thêm điều gì nữa. Nhưng ở đây, người Mỹ đã chứng minh tôi nhầm như thế nào khi lên lớp cho tôi những bài học vỡ lòng, bắt đầu từ hoa, rằng: Hoa không chỉ để tặng cho người, mà hoa còn dành để tặng cho… cây. 

Xứ ta cũng đã từng có lúc, có người tử tế như vậy khi cảm ơn hoa trong lời thơ của mình: “Cảm ơn hoa đã vì ta mà nở”, là thi sỹ Tô Thùy Yên [2]. Nhưng thời đó đã qua lâu lắm rồi, và người thi sỹ tử tế đó cũng trở nên người thiên cổ. Nay ngẫm lại, người Việt chẳng biết còn mấy ai tử tế với hoa như thi sỹ họ Tô ấy nữa không?

Khẽ nghiêng mình như lời tiễn biệt Stumpy, gì mà vừa hạnh ngộ đã vội chia xa?

Tidal Basin, những ngày hoa anh đào tháng ba

LS Đặng Đình Mạnh

——-//——-

[1] “Stumpy’s last dance” – Tên đặt từ trang Visit Washington DC

[2] “Cảm ơn hoa đã vì ta mà nở” – Trích từ thi phẩm “Ta về” của thi sỹ Tô Thùy Yên (1938 – 2019)