Đặng Đình Mạnh: Không đăng ký tu hành tại các cơ sở tôn giáo thuộc GHPGVN thì không phải là “tu sĩ Phật giáo” hoặc “nhà sư”?
Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam vừa ban hành văn bản số 151/HĐTS-VP1, ngày 16/05/2024 có nội dung phủ nhận tư cách tu sĩ Phật giáo của nhà sư Thích Minh Tuệ, người đang đi bộ dọc theo con đường quốc lộ thu hút sự quan tâm đặc biệt của công chúng.
Để phủ nhận, GHPGVN đã căn cứ vào việc sư Minh Tuệ đã không đăng ký tu hành tại các cơ sở tôn giáo thuộc GHPGVN như chùa hoặc tự viện, cho nên, sư không phải là “tu sĩ Phật giáo” hoặc “nhà sư”?!
Chưa đủ, GHPGVN còn cho rằng sự Minh Tuệ còn là nguyên nhân khiến cho công chúng có những bình luận tiêu cực, xúc phạm đối với giáo hội và kêu gọi nhân dân liên hệ với chính quyền địa phương để xử lý.
Thật ra, nếu chỉ căn cứ vào việc không đăng ký tu hành tại các cơ sở tôn giáo thuộc GHPGVN như chùa hoặc tự viện, thì chính bản thân vị tổ nhà Phật là Tất Đạt Đa cũng không hội đủ tiêu chuẩn để xác định từng là “tu sĩ Phật giáo” hoặc “nhà sư”?! Cũng thế, GHPGVN cũng loại bỏ hàng loạt người tu hành Phật pháp từ khắp nơi trên thế giới ra khỏi khái niệm “tu sĩ Phật giáo” hoặc “nhà sư”!? Vì tất cả họ và vị tổ Tất Đạt Đa đều chưa từng đăng ký tu hành với GHPGVN (?!)
Rõ ràng, GHPGVN đã hoàn toàn ngộ nhận khi cho rằng mình có thẩm quyền xác nhận một người có tư cách là “tu sĩ Phật giáo” hoặc “nhà sư” hay không? Tư cách đó phải do chính người tu hành xác định hoặc công chúng thừa nhận. Đối với GHPGVN, lẽ ra, họ chỉ có thể xác nhận một người có là “tu sĩ Phật giáo” hoặc “nhà sư” thuộc GHPGVN hay không? Và chỉ trong phạm vi đó mà thôi.
Việc tự cho mình có thẩm quyền rộng như là người độc quyền về Phật giáo toàn cầu đã chứng tỏ sự thiển cận, kém cỏi và hẹp hòi của những người điều hành Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam.
Chả thế, mà khi tòa án thắc mắc “Tại sao không tham gia vào GHPGVN?”, thì ông Lê Tùng Vân, người sáng lập cơ sở tu tại gia Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ đã thẳng thắn trả lời không do dự ngay tại tòa “Vì họ không xứng đáng”.
Quả thật, cứ nhìn vào các hành xử hiện nay của GHPGVN và các thành viên của họ, công chúng không hề thấy những giá trị nền tảng của giáo lý nhà Phật như từ bi, trí tuệ hiện hữu. Ở cửa thiền, công chúng nghe tiếng sột soạt của những tờ polyme hơn là lời kinh kệ. Cũng vậy, giữa chốn tu hành, phật tử phải nghe đầy tai những lời chiêu dụ cúng dường như là những giá trị đạo đức mới, hứa hẹn những quyền lợi vật chất hoặc những danh hiệu hão huyền cho đời sau. Những khuôn mặt Thích Nhật Từ, Thích Chân Quang, Thích Trúc Thái Minh, Thích Thanh Quyết, Thích Thanh Cường… được chính quyền dung dưỡng mặc cho những hành xử và phát ngôn bất xứng của họ không chỉ trái với từ bi, trí tuệ mà còn khiến công chúng ghê sợ, chán ghét, đến mức ghét lây cả Phật giáo.
Thật ra, Phật giáo vẫn vậy, từ những ngày du nhập vào Việt Nam rồi trở thành quốc giáo vào thời Lý, Phật giáo vẫn luôn luôn có chỗ đứng vững chắc trong đời sống tâm linh và giữ gìn nền tảng đạo đức người Việt.
Cho nên, nhìn vào pháp nạn ngày nay, thay vì hỏi “Phật giáo đã làm gì?” thì hãy hỏi “Ai đã làm gì Phật giáo?”. Bản chất vấn đề nằm ở đó và chỉ ở đó mà thôi.
Lúc này, để chấn hưng Phật giáo, một trong những việc đầu tiên cần làm ngay là giải tán Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, một tổ chức đang được điều hành bởi những kẻ giả sư. Họ hủy hoại Phật giáo nhiều hơn cả bao nhiêu thế hệ cộng lại. Không chỉ thế, họ hủy hoại cả nền tảng đạo đức xã hội. Bởi lẽ, Phật giáo không chỉ là tôn giáo, mà còn là nền tảng cho đạo đức xã hội.
NY, ngày 16/05/2024
Đặng Đình Mạnh