Đặng Sơn Duân: Một cuộc chiến tranh thế giới mới không còn là viễn cảnh xa vời?

Hình: 1. Các tòa nhà dân cư tại Pivnichne (vùng Donetsk của Ukraine) sau vụ đánh bom của Nga vào sáng ngày 6 tháng 1 năm 2023;
2. Thành phố Gaza đổ nát vì những đợt không kích của Israel, tháng 10.2023;
3.Tập Cận Bình và Putin tại Moscow, 2023;
4.Putin và Lãnh đạo tối cao Iran Ali Khamenei tại Tehran, Iran, 2022.

Tình hình Trung Đông đang chứng kiến một giai đoạn căng thẳng hiếm thấy sau vụ tấn công bằng máy bay không người lái tại Jordan, làm ba quân nhân Mỹ thiệt mạng. 

Sự kiện này không chỉ là một diễn biến địa chính trị đơn lẻ mà còn phản ánh một mô hình xung đột lớn hơn, khiến khu vực này ở vào tình thế nguy hiểm nhất kể từ năm 1973 hoặc thậm chí xa hơn nữa, như nhận định của Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken, ám chỉ đến cuộc chiến lần thứ tư giữa Israel và liên quân Ả Rập.

Trong năm bầu cử, Tổng thống Joe Biden đối mặt với áp lực gia tăng đáng kể về việc đáp trả Iran, quốc gia bị nghi ngờ là chịu trách nhiệm vụ tấn công dù chưa có bằng chứng dứt khoát nào được đưa ra. Truyền thông Mỹ cho hay ông Biden chuẩn bị phê chuẩn một hành động quân sự trả đũa, dù mức độ cụ thể của hành động này vẫn chưa được xác định. 

Các lựa chọn đáp trả có thể bao gồm tấn công vào các nhóm vũ trang liên kết với Iran ở Syria và Iraq, tấn công các tài sản hải quân Iran ở vịnh Ba Tư và Biển Ả Rập, hoặc thậm chí là tấn công trực tiếp vào lãnh thổ Iran.

Tình thế lưỡng nan của ông Biden là phải đảm bảo đòn tấn công đủ mạnh và dứt khoát để tái thiết lập sự răn đe, nhưng không kích động một cuộc chiến tranh khu vực. Việc chỉ tập trung vào các nhóm vũ trang là cánh tay nối dài của Iran có thể không đủ sức nặng, trong khi các hành động quyết liệt hơn có nguy cơ dẫn đến một cuộc đối đầu toàn diện với Iran.

Không ít người chỉ ra tình hình thế giới hiện tại có những nét tương đồng đáng ngại với những năm 1930, giai đoạn trước Đệ nhị Thế chiến. Khi đó, thế giới chứng kiến sự trỗi dậy của các cường quốc xét lại như Đức, Ý và Nhật Bản, với tham vọng bá chủ của Đức ở châu Âu, Ý ở châu Phi và Địa Trung Hải, và Nhật Bản ở Đông Á.

Hiện nay, một “Trục Ác” mới đang được hình thành với những cái tên: Nga, Iran và Trung Quốc. Ở Đông Âu, Nga tỏ rõ ý định thiết lập lại địa vị thống trị khu vực phên dậu, thể hiện qua việc gây chiến với Ukraine. Hiện nay, các chiến lược gia ở châu Âu cũng bắt đầu cân nhắc các kịch bản Nga tấn công các căn cứ nằm trên lãnh thổ của NATO trong những năm tới. 

Trung Đông vẫn là một bãi chiến trường với cuộc xung đột tại Gaza và hoạt động của các nhóm ủy nhiệm của Iran. Tình hình hiện nay đặt ra nguy cơ của một cuộc chiến khu vực rộng lớn hơn.

Tại châu Á – Thái Bình Dương, Trung Quốc và Mỹ cũng lâm vào tình thế đối đầu. Tất cả những gì còn cần để mở màn một cuộc đại chiến thế giới mới là một mồi lửa chạm trán giữa hai cường quốc này, ở Biển Đông hoặc eo biển Đài Loan.

Tất nhiên, nguy cơ nổ ra xung đột ở các điểm nóng này vẫn thấp và nhận thức về hậu quả của một cuộc đối đầu giữa các cường quốc đã được nâng cao đáng kể kể từ thời Đệ nhị Thế chiến. Tuy nhiên, một cuộc chiến tranh thế giới mới không còn là viễn cảnh xa vời như trước đây.

Đặng Sơn Duân