Đào Như: “Mùa Xuân đầu tiên”

Thân gửi Phạm Hữu Đạo 
& Trương Vũ

Nhạc sĩ Văn Cao. Ảnh: nhiếp ảnh gia Lê Quang Châu

Vào một sớm mai thức sớm, ông già ngâm nga câu hát “Rồi dìu dặt mùa Xuân theo én về, mùa bình thường mùa vui nay đã về…” Nhìn qua khung cửa, mặt hồ Michigan mênh mông băng giá, gió và tuyết, ông già nói một mình, mới đó mà đã gần năm mươi năm, mùa Xuân trong suốt 49 năm đã lặng lẽ qua khung cửa này. Tại thành phố Chicago này, hơn 49 cái Tết đã đi qua cõi lòng ông. Dù ở xa quê hương ngàn vạn dậm hơn nửa vòng trái đất, mỗi khi Tết về ông lại tha thiết nhớ đến bài hát: “Mùa Xuân Đầu Tiên” của Văn Cao. Năm 1976, trong buổi lễ khai mạc Tết năm Bính Thìn, tốp ca khoa ngoại của bịnh viên đa khoa Hậu Giang, đã chọn bài hát này để chào mừng cách mạng, năm mới. Ông không ngạc nhiên sau đó tốp ca khoa ngoại bị lãnh đạo bịnh viện phê bình đã chọn bài hát tiêu cực để chào mừng cách mạng.  

 Rồi ông lại ngâm nga một mình“…Mùa Xuân mơ ước ấy xưa có về đâu/ Với khói bay trên sông/ Gà gáy trưa bên sông/ Một trưa nắng thôi hôm nay mênh mông…Nghe có gì cô đơn quanh quẽ. Giữa không khí “Mùa Xuân Đại Thắng”, Văn Cao cúi xuống lòng mình, và buồn nỗi buồn thế sự. Nỗi buồn dân tộc. Nỗi buồn về “môt mùa Xuân không ai mong đợi đã đến”. Nỗi buồn vận nước còn nhiều nổi trôi, còn nhiều đấu tranh: ” Người mẹ nhìn đàn con nay đã về…Nước mắt trên vai anh, giọt sưởi ấm đôi vai anh…/ Từ đây người biết quê người/…Từ đây người biết thương người/ Từ đây người biết yêu người/…Mùa Xuân mơ ước ấy xưa nay có về đâu./…Một trưa nắng thôi hôm nay mênh mông….”

Không ngờ qua mấy thập niên vừa được quyền cầm bút trở lại sáng tác, Văn Cao vẫn là nguyên ngọc sáng ngời. Văn và nhạc của Văn Cao vẫn giữ nguyên chất thép như thuở nào…

Hôm nay, chính từ bệ cửa này ông nhìn ra hồ Michigan bao la, ông nhớ Văn Cao chi lạ!. Ông xúc động viết nên bài thơ: 

NGẬM NGÙI VĂN CAO

Ngày Xuân luân lạc lại nhớ anh

Nhìn xuống trang thơ 

Lửa cháy

Nhìn ra hồ

Tiếng hát Trương Chi vời vợi

Ngàn trùng

Tiếng ai réo gọi

Bản tình ca bất diệt

“Cho độc lập

Cho tự do

Cho mọi trái tim

Cho mỗi con người

Văn Cao

Anh vội ra đi

Chưa hề gặp anh

Sao tôi vẫn nhớ

Chưa ai hề găp Trương Chi

Sao vẫn có Trương Chi trong cõi đời mình..

Mùa Xuân tới ông chín mươi. Tâm hồn ông luôn bị thúc đẩy hãy trở về sống với quê hương. Sự thật lý do thúc đẩy ông xem ra rất trừu tượng và mơ hồ, nhưng cũng rất mãnh liệt. Với ông quê hương là bến đợi và đời người là những chuyến đò đi. Những chuyến đò luôn thao thức ngày trở về bến đợi. Dù sao đi nữa ở quê nhà ông vẫn cảm thấy ấm cúng và hạnh phúc hơn bất cứ nơi nào của hơn nửa vòng trái đất ông đã từng ghé qua…/.

Đào Như