Đào Trung Đạo: Đọc UNDERWORLD (THẾ GIỚI NGẦM) của Don DeLillo

Don DeLillos thuộc vào những tên tuổi lớn của tiểu thuyết Mỹ nửa sau thế kỷ 20 như Thomas Pynchon, William Gaddis, Tony Morrison…Vào tháng 5 năm 2006, tạp chí The New York Times Book Review trong cuộc bầu chọn quyển tiểu thuyết hay nhất trong vòng 25 năm trở lại đây thì Underworld/Thế Giới Ngầm của Don DeLillo được chọn là tác phẩm chỉ đứng sau quyển Beloved của nhà văn nữ da đen Toni Morrison, người được trao giải Nobel Văn Chương năm 1993.

Trong số hàng chục tiểu thuyết của Don DeLillo, quyển Underworld được coi là tác phẩm quan trọng nhất. Đây là một quyển sách khá đồ sộ, trên 800 trang, mô tả những biến cố ở Mỹ trải dài gần nửa thế kỷ suốt trong thời gian cuộc chiến tranh lạnh. Theo tác giả cho biết tựa đề quyển sách Underworld/Thế Giới Ngầm đến với ông khi ông nghĩ về những chất thải phóng xạ được đem chôn sâu dưới đất và về thần chết Pluto.

Don DeLillo sinh ngày 20 tháng 11 năm 1936 ở New York City, cha là người gốc Ý di dân đến Mỹ. Don DeLillo tốt nghiệp cử nhân ở đại học Fordham năm 1958, nhưng sau đó lại làm việc trong ngành quảng cáo khuyến mãi ở New York. Underworld là quyển tiểu thuyết thứ tư của Don DeLillo, ba quyển sách trước của ông tuy được chú ý nhưng chỉ cho tới khi Underworld  ra mắt ông mới được nhìn nhận là nhà văn Mỹ hiện đại tầm cỡ hàng đầu. Các nhà phê bình văn học cho rằng Don DeLillo là một nhà văn hậu-hiện-đại tiêu biểu căn cứ trên kỹ thuật viết tiểu thuyết và quan niệm thẩm mỹ cũng như thế giới quan của ông. Không thể nói tới Don DeLillo mà không nhắc tới Underworld.

Quyển sách này rất đồ sộ nên chúng tôi chỉ xin tóm lược những điểm chính. Thực ra muốn thưởng thức tiểu thuyết Mỹ hiện đại thì đọc Underworld hay Against the Day của Thomas Pinchon sẽ không cảm thấy uổng thì giờ. Những nhà văn Mỹ thế hệ sau Don DeLillo như David Foster Wallace, William T. Volmann, Jonathan Safran Foer…cũng như nhiều nhà văn trẻ viết bằng Anh văn khắp thế giới đã không ngần ngại tuyên bố họ chịu ảnh hưởng của Don DeLillo qua quyển này nhiều nhất.

Giòng tự sự trong Underworld không theo đường thẳng. Tác giả dành phần “Vào truyện’ kể lại sự kiện lịch sử về bóng chày (baseball) ở Mỹ vào ngày 3 tháng 10 năm 1951: trong cuộc đấu giữa hai đội vô địch Brooklyn Doggers và N.Y. Giants, đến phiên quất banh lần thứ chín, một khoảnh khắc tưởng chừng trận đấu sẽ bất phân thắng bại thì tuy Ralph Branka của đội Doggers liệng banh rất hiểm hóc nhưng Bobby Thomson của đội Giants đã quất trúng trái banh đi xa tuốt đến tận khán đài, giúp cho Giants đoạt vinh quang với tỷ số 5-4. Trong lịch sử bóng chày Mỹ, huyền thoại về tiếng động của cú quất banh này được cho là “Cả Thế Giới Đều Nghe Thấy”. Và trái banh quí báu văng lên khán đài này lại lọt vào tay một thanh niên tên Cotter Martin, anh này đã giằng được trái banh từ tay một thanh niên khác mà Cotter Martin vừa làm quen. Được trái banh vô giá này cu cậu chạy biến về nhà đem dấu kỹ nhưng sau đó lại bị ông bố vô trách nhiệm tên là Manx ăn cắp đem bán với giá chỉ có 32 dollars 45 cents.

Thời điểm xảy ra biến cố banh chày này ở Mỹ cũng đúng vào lúc Lỉên-xô thành công trong việc chế tạo trái bom nguyên tử đầu tiên: Tiếng đập banh chày xảy ra đồng thời với tiếng nổ bom nguyên tử. Cũng có mặt trong đám khán giả hôm đó là J. Edgar Hoover (sau này là trùm tình báo Mỹ) đang ngồi với bạn là Jackie Gleason say bí tỉ nôn thốc tháo lên đôi giày của ca sĩ đang lên Frank Sinatra. Người mua được trái banh báu vật bị cha đánh cắp của Cotter Martin chính là Marvin Lundy, một kẻ say mê sưu tập những trái banh chày lịch sử.

Trong phần sau của quyển truyện tác giả cho biết trái banh lại một lần đổi chủ nữa: Marvin đã bán lại cho Nick Shay, nhân vật chính trong truyện. Thoáng trong chương đầu chúng ta được biết Nick Shay khi 17 tuổi bị nhốt vào một trung tâm cải huấn vì tội giết người, sau đó được chuyển về một trường cải huấn của các cha giòng Chúa-Cứu-Thế ở phía Bắc Minnesota, nhưng hiện nay đang là giám đốc điều hành một công ty thầu chôn cất chất thải phóng xạ nguyên tử. Nick Shay là điển hình cho một loại người Mỹ có một cuộc sống không định hướng trong thế kỷ 20. Giàu có nhưng Nick bị ám ảnh về lý do tại sao cha anh biệt tích khi anh còn nhỏ. Vợ Nick là Marian ngoại tình với đồng nghiệp của anh tên Brian Glassic, Nick biết chuyện nhưng lờ đi và hai người tiếp tục chung sống.

Jimmy cha của Nick đi biệt tích khi anh mới 11 tuổi. Cha anh thời trước là một tay đầu nậu cá độ thể thao và được nhiều người biết vì tật không bao giờ chịu ghi chép tiền cá độ của các thân chủ. Nghe đâu một hôm Jimmy ra phố để mua một bao thuốc lá Lucky Strike rồi biệt tăm luôn. Nhiều người cho rằng Jimmy bị bọn du thủ du thực giết chết, và từ lâu nay Nick cũng tin như vậy. Nhưng cuối cùng sau nhiều tìm tòi truy cứu Nick đi tới kết luận cha anh bỏ đi biệt tích đơn giản chỉ vì ông không muốn trở về với gia đình.

Tất cả những nhân vật tưởng chừng rời rạc trong Underworld đều có những liên hệ chằng chịt với nhau trong một giai đoạn lịch sử rối bời. Qua những nhân vật và những biến cố tác giả muốn nêu ra chủ đề: những biến cố lịch sử thời đại ghi hằn dấu ấn trên cuộc đời mỗi cá nhân, như lời tác giả ở cuối quyển truyện “Cuối cùng thì mọi sự đều được kết nối với nhau” (Underworld, trang 826).

   Giòng tự sự nhảy vọt sang năm 1992 với Nick nay là giám đốc công ty chôn phế thải phóng xạ đến tìm gặp Klara Sax, người tình cũ hiện có mặt ở vùng sa mạc Nevada. Kara Sax, nữ họa sĩ, là tình nhân thoáng qua của Nick 40 năm trước khi anh mới 17 tuổi lúc Klara đã ngoài 30. Họ tái hợp trong thời điểm Nick đang cố tách mình ra khỏi kỷ niệm mất mát trong quá khứ và Klara đang điều khiển một công trình hội họa chống bom nguyên tử.

Klara hiện độc thân, đã trải qua ba đời chồng. Người chồng cuối của Klara là Albert Bronzini hóa ra lại là sư phụ cờ chess của Matty, đứa em út của Nick. Klara và Albert có một người con gái. Matty có thể nói là một thần đồng cờ chess nhưng sau bỏ chơi cờ, nhập ngũ và một thời đã phục vụ ở Việt Nam, nhưng sau khi ra khỏi quân đội, trở về nước làm việc cho chính phủ Mỹ chuyên nghiên cứu phát huy võ khí nguyên tử. Chẳng bao lâu cảm thấy mình không thích hợp với công việc này nên Matty chuyển qua làm cho một viện nghiên cứu tư nhân chuyên cố vấn các kế họach chính trị cho chính quyền. Cuộc sống của Nick và Klara được mô tả tận tường trên cái nền văn hóa đại chúng Mỹ với những nhân vật và những biến cố lịch sử khó quên trong đó không thể thiếu những cuộc dội bom khủng khiếp của máy bay B52 xuống chiến trường Việt Nam, cuộc khủng hoảng Vịnh Con Heo dưới thời Kennedy và Krushchev vân vân…

 Và cuối cùng là thế giới ảo của Internet hiện nay. Don DeLillo viết: Có phải thế giới ảo là một cái gì đó nằm trong thế giới hay ngược lại thế giới nằm trong thế giới ảo? Làm sao ta có thể nói chắc cái nào nằm trong cái nào? Câu cuối của quyển tiểu thuyết viết về thế giới ảo này dài hơn nửa trang sách, chỉ có dấu phảy  không có dấu chấm câu và khi tác giả chấm câu xuống giòng đã kết thúc bằng một chữ “Hòa Bình”. Qua những chuyển động chuyền tay giống như trong môn thể thao bóng chày Don DeLillo để cho những biến cố lịch sử và những cuộc đời các nhân vật xoáy trộn vào nhau. Những nhân vật trong truyện đều đã trải qua kinh nghiệm thời đại của cuộc Chiến Tranh Lạnh. Tác giả cuối cùng phóng tầm nhìn về một tương lai bếp bênh không xa trong đó chủ nghĩa tư bản đổi mới, thế giới Internet, cộng với một niềm tin thầm lặng đang thay chỗ cho sự kinh hoàng của thời chiến tranh lạnh.

Có thể nói Underworld là một điển hình của “quyển tiêu thuyết Mỹ” (The American Novel) truyền thống nói lên tinh thần thời đại. Trong chương cuối “Das Kapital/Tư Bản Luận” Don DeLillo đưa người đọc trở về thời hiện tại với Nick và Brian trên một chuyến bay đến một vùng bí mật ở Kazakhstan để gặp gỡ hợp tác làm ăn với một tay tỉ phú buôn bán chất liệu chế võ khí nguyên tử phế thải Nga tên là Viktor Maltsev. Nick sau khi cho Brian hay anh biết rõ việc ngoại tình của vợ mình với Brian đã đập cho người bạn phản bội này một trận cho biết tay, nhưng sau đó cả hai đều ngầm hiểu họ phải bỏ lại chuyện quá khứ sau lưng để tiếp tục sống.

Đào Trung Đạo