“Địa đạo – Mặt trời trong bóng tối”. Lời khen cũng nhiều, lời chê cũng lắm, và đây là những lời chê…

Trương Thanh Thuận: Từ “Huyền thoại địa đạo Củ Chi” đến “Huyền thoại truyền thông”
(Xem phim “Địa đạo – Mặt trời trong bóng tối” – Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên)
Xem xong bộ phim “bom tấn” này, tôi thấy hoang mang quá chừng, vì những gì tôi cảm nhận được từ đầu phim cho đến dòng chữ cuối cùng hầu như khác xa với những sự khen vống khen đua theo kiểu “quá lời nguyện hết thành hoàng thổ công” trên báo chí & mạng xã hội suốt tuần qua – những lời ca ngợi tạo nên một “huyền thoại” về truyền thông chưa từng có đối với phim Việt Nam nói chung, phim đề tài lịch sử Cách mạng nói riêng… Tôi có tham khảo ý kiến một số nhà điện ảnh “biết xem phim” và công tâm, kết hợp với cảm nhận cá nhân để viết mấy dòng này, trong khi chờ đợi tiếng nói chính thức của những nhà phê bình phim chuyên nghiệp mà hiện giờ hình như họ đang e dè nể nang điều gì đó…
Trước hết, cần công bằng mà khẳng định đây là một bộ phim nghiêm túc làm về đề tài chiến tranh, coi như thoát được cái bản chất “phim Cúng cụ” hơn nửa thế kỷ nay đã in hằn trong ấn tượng công chúng về một kiểu phim hoành tráng thực hiện bằng Ngân sách Nhà nước phục vụ các ngày Lễ lớn xong rồi nhét vào kho! Phim không đi theo motif truyền thống “Ta thắng Địch thua” và kết phim là tiếng reo mừng chiến thắng cùng ngọn cờ bay phấp phới… Ở “Địa đạo…”, kết phim là các hầm địa đạo bị đánh sập, và hai chiến sĩ Địa đạo còn lại phải ngậm ống tre lặn dưới nước tránh truy sát của kẻ thù… Tất cả các cảnh quay được dàn dựng hết sức công phu, và tạo hiệu quả chân thực một cách tối đa nhằm miêu tả cuộc sống & cuộc chiến đấu trong lòng đất của quân dân Củ Chi “những năm tháng không thể quên” ấy… Nếu đem so với những phim làm về chiến tranh của điện ảnh Phương Tây nhiều năm qua, về mặt hình thức phim – gồm bối cảnh phim, đạo cụ phim, cảnh quay khói lửa, kỹ xảo, v.v, thì “Địa đạo…” của điện ảnh Việt có thể không xấu hổ!
Thế nhưng, một bộ phim có giá trị thật sự có khả năng đi vào Lịch sử điện ảnh thế giới, hoặc đủ tiêu chuẩn như những phim đã được Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ chọn lưu trữ vào Viện lưu trữ phim Quốc gia vì sự “quan trọng trong lĩnh vực văn hóa, Lịch sử, hay thẩm mỹ” của nó, thì cái “đì zai” (vỏ bọc, hình thức) nói trên của “Địa đạo…” quả là không đáng kể; và cái điều phim muốn gửi gắm, muốn nói với người xem hôm nay – dù rất nhân văn, tích cực, cần thiết – đã bị chính cái “hình thức” hoành tráng kia đè bẹp, và không được triển khai qua một cấu trúc phim nhà nghề theo quy luật điện ảnh Fiction (hư cấu) đòi hỏi!
Ấn tượng bao trùm tôi khi dòng chữ Hết phim hiện lên: đây là một phim kiểu Ký sự Lịch sử (non fiction – không hư cấu) bằng hình ảnh, trộn lẫn với phim fiction (hư cấu); như thế các nhà làm phim đã phạm phải một sai lầm nghiêm trọng trong nghệ thuật điện ảnh mà nhiều nhà làm phim thế giới có kinh nghiệm từng cảnh báo: Chớ được lẫn lộn về thể loại, vì khán giả sẽ cho rằng người làm phim đánh lừa họ! Thực ra, không ít phim đoạt giải cao tại các Liên Hoan Phim quốc tế đã đưa chất “tài liệu” (document) khá đậm đặc vào phim truyện, song chất “tài liệu” đó được cài cắm một cách tự nhiên, đầy nghệ thuật, trên cơ sở một hệ thống nhân vật có sức thuyết phục, một cấu trúc kịch tính hết sức chặt chẽ. Còn ở phim “Địa đạo…”, chất truyện, chất fiction rất yếu ớt, nhạt nhẽo, các nhân vật dù được diễn viên dày công thể hiện, song đều là những hình nhân mờ nhạt, lộ rõ sự minh họa thô thiển cho nội dung phim! Cuộc hãm hiếp dẫn đến có chửa của một cô du kích địa đạo được ném ra chẳng gắn bó gì với xung đột kịch tính- tư tưởng phim, để làm gì vậy, câu khách đơn thuần chăng?
Ngoài ra, cái gọi là “yếu tố truyện” tương đối rõ nét trong phim này còn bị các nhà làm phim khai thác thành hai tuyến tình tiết quan trọng với mục đích xây dựng “biểu tượng”, song thái quá, đậm chủ quan nên gây phản cảm khá nặng: 1. Mấy cuộc làm tình (và hãm hiếp) dữ dội dưới xích xắt xe tăng và đạn pháo địch: Không hiểu khán giả khác thế nào, ở mấy đoạn phim đó, tôi thấy gai gai người kinh sợ, bởi nó hết sức phản tự nhiên, thế nhưng nhà làm phim đã muốn minh chứng bản năng sinh tồn của con người mạnh hơn sự hủy diệt bằng ý đồ cực đoan – y như trong phim “Sống trong sợ hãi” mà có người nói đùa vui rằng nó làm nên “thương hiệu làm tình kiểu Bùi Thạc Chuyên”! 2. Trường đoạn ông cán bộ cấp cao tên là Sáu rơi vào tay địch: Ông này bình tĩnh nhận điếu thuốc do địch châm cho là được, khá tự nhiên, song khi tác giả để ông lên lớp dạy dỗ mấy sĩ quan binh lính Mỹ về Lịch sử dưới ống kính của nhà quay phim chiến trường thì không ít khán giả chợt phì cười! Rồi tới khi ông này chẳng biết giấu ở đâu và từ lúc nào quả lựu đạn để lôi ra giết bọn lính Mỹ và tự sát, thì bàn tay xếp sắp bố trí của tác giả lộ rõ sự vụng về, cố tình!
Sau cùng, xin bộc bạch một tâm sự, đúng hơn, một khao khát của cá nhân tôi về không chỉ riêng bộ phim “Địa đạo…” mà còn về các bộ phim Việt Nam sẽ làm về đề tài Chiến tranh: Phải chăng, đã đến lúc màn ảnh lớn nhỏ của ta nên chấm dứt việc thực hiện những cảnh quay giết chóc rùng rợn không kém thời Trung cổ như trong phim này – dù có là của chiến tranh chính nghĩa đi nữa – đặc biệt là cảnh quay dùng đòn sóc dưới địa đạo đâm xuyên người viên sĩ quan Mỹ (Tới cảnh này, trong rạp, mấy bà mấy chị ngồi hàng ghế trước tôi phải lấy tay ôm mặt, còn nhà điện ảnh đi xem cùng tôi như rùng cả mình và cúi gầm đầu xuống). Mấy chục năm trước, điện ảnh ta có phim “Thủ lĩnh áo nâu” diễn tả lại cảnh nghĩa quân Đề Thám tổ chức đầu độc binh lính Pháp ở Hà thành, đã chẳng dấy lên sự phản đối của khán giả trong nước và nước ngoài đó thôi! Không phải sự thật nào cũng có thể đưa lên màn ảnh “giữa Thanh thiên bạch nhật” một cách trần trụi và sống sít, nhất là trong thời chiến tranh tàn khốc đang diễn ra nhiều nơi trên trái đất thì chủ nghĩa nhân văn toàn cầu càng cần được khôi phục và phát triển… Theo ý kiến của một số nhà phê bình điện ảnh, ngay cả những phim về chiến tranh ghê rợn nhất của thế giới cũng không “đẩy” người xem vào cái không khí ngột ngạt đầy đe dọa một cách cực đoan như “Địa đạo…” đã tạo ra. Và một vài cựu chiến binh cũ thời chống Mỹ đã cho biết: cán bộ chiến sĩ ở “Củ Chi đất thép” thời ấy đâu phải bị “nhốt” trong địa đạo làm “chuột chũi” như một thứ định mệnh như thế, họ vẫn sinh hoạt bình thường ở làng xóm ngoài lúc chiến đấu trong Địa đạo… Thế mà, yếu tố giải trí cần thiết, và như một phẩm chất quan trọng của Nghệ thuật thứ Bảy – đã vắng bóng trong hai tiếng phim ngột ngạt nặng nề đế nghẹt thở của “Địa đạo…”!
Tôi thiển nghĩ, trong giai đoạn Hòa hợp hòa giải dân tộc đã chín muồi và cần tạo ra mối quan hệ bang giao hữu hảo với cả thế lực đối kháng xưa kia, bộ phim “Địa đạo…” không khác gì việc khơi gợi cố tình sự thù địch đáng lẽ phải quên đi từ lâu, kích động sự thù hận kiểu “Thù muôn đời muôn kiếp không tan”! Bộ phim thật ra vẫn chưa thoát khỏi bóng dáng của loại phim “Cúng cụ” nhằm lên án tội ác giặc Mỹ xâm lược và ca ngợi chiến công của quân dân ta, khi mà nhận thức về Địa – Chính trị của xã hội đã được nâng lên rất nhiều, và thị hiếu của người xem phim hôm nay đã không còn đơn giản như trước…
Hơn nữa, trong bài viết “Hai ngàn ngày trấn thủ Củ Chi” của Thiếu tá Dương Đình Lôi, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Quyết Thắng ở Củ Chi, ông khẳng định không ai có thể “chiến đấu suốt 10 năm trong địa đạo” như tuyên truyền, Địa đạo chỉ là nơi tạm lánh lúc nguy cấp, và sau năm 1967 đã trở thành tử địa. Bản đồ và báo cáo từ Lữ đoàn 25 Bộ binh Hoa Kỳ (25th Infantry Division), đóng tại Đồng Dù, xác nhận các trận càn lớn năm 1966–1968 đã san bằng gần như toàn bộ khu vực Củ Chi, và không phát hiện hệ thống địa đạo quy mô như tuyên truyền. Các phóng viên chiến trường như Peter Arnett, David Halberstam đều mô tả Củ Chi là vùng “nội bất xuất ngoại bất nhập”, nơi bất kỳ hầm hố nào lộ diện đều bị pháo bầy, napalm hoặc bom 7 tấn ném xuống…(bài của Bút Thép, ghi chú của DĐTK)
Như thế là, từ sau 1975 đến nay, Địa đạo Củ Chi được tô vẽ thành một biểu tượng chiến thắng và kích động lòng yêu nước trong nhân dân bằng văn chương, phim ảnh, mô hình, du lịch… nhằm mục đích tuyên truyền; và phim “Địa đạo…” có thể nói là một đỉnh cao của chiến dịch tuyền truyền đó góp phần tạo ra “Huyền thoại Địa đạo” ít có sự thật lịch sử, và đồng thời cũng tạo ra “cơn sốt” truyền thông” ghê gớm, tựa một “huyền thoại truyền thông” chưa từng có trong lịch sử điện ảnh Việt… Có thể nói, đó là điều đáng tiếc đáng kể đối với một bộ phim “bom tấn” được thực hiện nhằm chào mừng ngày 30 tháng 4 và 50 năm thống nhất đất nước.
Với bộ phim “Địa đạo…”, những điều đáng tiếc nói trên cũng là sự thất vọng cho tài năng của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, đồng thời gửi gắm hy vọng anh sẽ có những sáng tạo nghệ thuật xứng đáng với nguồn lực khổng lồ mà nhân dân và quân đội dành cho những bộ phim lịch sử lớn mà anh đang ấp ủ!
Trương Thanh Thuận
Châu Hồng Thủy: Một bộ phim khủng khiếp!
Đó là ấn tượng bao trùm trong tôi trong và sau khi xem phim “Địa đạo – Mặt trời trong bóng tối” của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, bộ phim tạo ra không khí nghẹt thở của những du kích Củ Chi dưới bom đạn hủy diệt và trong bản năng sinh tồn tính dục của chính đồng đội họ. Những cảnh chém giết kinh sợ, cảnh nước ngập hầm địa đạo dìm chết các chiến sĩ Củ Chi… được miêu tả kỹ lưỡng, chân thật đến ghê người với mục đích rõ ràng là lên án Mỹ xâm lược làm ra để làm gì đây, giữa khi Việt Nam và Mỹ đang tìm mọi cách gắn kết mối bang giao, sau nhiều năm hàn gắn vết thương chiến tranh, xóa bỏ hận thù? Những nhà chính trị, kinh tế, ngoại giao, cựu binh sĩ Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam sẽ có ấn tượng gì, suy nghĩ gì trước cảnh người lính Mỹ bị cây tre đâm xuyên qua người như một con thú săn trong lòng địa đạo?
Và điều khủng khiếp không kém là suốt tuần nay, hệ thống truyền thông chính thống và không chính thống đã quảng bá rầm rộ cho một bộ phim đầy bạo lực nặng tuyên truyền “chống Mỹ” có nguy cơ phá tan chủ trương “Hòa hợp – Hòa giải” dân tộc và với đối phương cũ trên con đường Hợp tác – Cộng tác phát triển thịnh vượng và bồi đắp thêm chủ nghĩa Nhân văn toàn cầu! Thực khó hiểu trước sự im lặng của những người có trách nhiệm, những nhà chuyên môn, và không ít những nhân vật có tiếng tăm trong giới văn nghệ sĩ đã “ăng bi” bộ phim này lên trời xanh một cách điệu nghệ, coi đó là một “siêu phẩm” điện ảnh sánh ngang với những kiệt tác điện ảnh thế giới làm về chiến tranh!
Tôi là người ngoại đạo điện ảnh, xin phép được hỏi: các “Bố già” đứng sau bộ phim này và chiến dịch truyền thông này là những ai?
***
Bút Thép: Bóc trần sự thật về địa đạo Cù Chi – Câu chuyện phản biện dựa trên tài liệu, nhân chứng và sự thật lịch sử
Nếu bạn chưa đọc ‘Hai ngàn ngày trấn thủ Củ Chi’ của Thiếu Tá Dương Đình Lôi, nguyên sĩ quan pháo binh Bắc Việt, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Quyết Thắng của phe Cộng sản ở Củ Chi, mời bạn đọc bài tóm lược này. Ông Lôi là con trai của một Hương Quản ở Tân Bửu giáp Tân Túc, cách Chợ Đệm 3km, cách nhà tôi 4km. Ông là người duy nhất cầm quân đánh trực diện căn cứ Đồng Dù, bắn cháy gần chục tank thiết giáp bên ngoài căn cứ.
….
Trong nhiều thập niên qua, địa đạo Củ Chi đã được Hà Nội tô vẽ như một biểu tượng bất khả chiến bại của “lòng yêu nước, ý chí cách mạng và sự sáng tạo thần kỳ”. Các phái đoàn quốc tế, du khách, sinh viên, học sinh được đưa tới tham quan như một “bằng chứng sống” về chiến thắng của du kích cộng sản trước quân đội Hoa Kỳ. Tuy nhiên, những ai từng chiến đấu tại chiến trường này, những người từng đổ máu, đổ mồ hôi giữa vùng đất Củ Chi, lại mang một ký ức rất khác – một ký ức không phải được kể bằng ống kính quay phim tuyên truyền, mà bằng mảnh đạn, bằng khói B52 và xác người vùi trong đất đỏ.
Tài liệu “2000 Ngày Đêm Trấn Thủ Củ Chi” của Dương Đình Lôi và hồi ký Xuân Vũ là một trong những tiếng nói hiếm hoi từ chính những người đã từng sống trong lòng địa đạo và trên chiến trường này. Trong đó, tác giả thẳng thắn vạch trần những chiêu trò tuyên truyền sai lệch của Hà Nội.
1. Địa đạo không phải là mạng lưới kỳ vĩ và bất khả xâm phạm như tuyên truyền.
Các tài liệu tuyên truyền của Hà Nội thường tuyên bố địa đạo dài tới 200 dặm (tương đương 320km), thông suốt các xã, tạo thành “vòng đai thép” quanh căn cứ Đồng Dù. Tuy nhiên, chính Dương Đình Lôi – người từng trấn thủ Củ Chi suốt 2000 ngày đêm – khẳng định địa đạo chỉ tồn tại được ở một vài xã có nền đất cao như Phú Mỹ Hưng, An Phú, An Nhơn, Nhuận Đức và Phú Hòa Đông. Những khu vực còn lại là đồng ruộng ngập nước không thể nào đào địa đạo.
Danh sách các đoạn địa đạo còn ghi nhận được chỉ ngắn vài trăm mét, như Bến Dược (200m), Hố Bò (200m), Bến Mương (100m), Góc Chàng (500m)… chứ không có hệ thống nào dài hàng trăm cây số. Không hề có tuyến địa đạo nào “bao vây Đồng Dù”, càng không thể nghe nhạc Bob Hope từ dưới lòng đất như các tài liệu tuyên truyền từng bịa đặt.
2. Điều kiện sinh tồn trong địa đạo cực kỳ khắc nghiệt.
Các miệng địa đạo chỉ vừa đủ một người chui lọt, thiếu không khí, ẩm thấp, nhiều loài bò sát, rắn rết, chuột bọ. Một người khoẻ mạnh chỉ cần ở dưới đó vài giờ là choáng váng vì thiếu oxy, chứ đừng nói đến việc giải phẫu thương binh như tài liệu Hà Nội từng tuyên bố. Dương Đình Lôi kể lại rằng, chỉ cần một người phụ nữ có kinh nguyệt ở dưới địa đạo cũng có thể khiến cả hầm ngộp vì mùi hôi. Việc vệ sinh, phóng uế, xử lý vết thương… dưới địa đạo là điều gần như không thể.
3. Địa đạo từng là mồ chôn tập thể khi bị B52 cày nát.
Các tài liệu quân sự Hoa Kỳ như trong chiến dịch Cedar Falls (1967) và Junction City (1967) đã ghi rõ việc sử dụng bom B52 rải thảm xuống vùng Tam Giác Sắt, trong đó có Củ Chi. Một trái bom B52 có thể tạo hố sâu tới 11 thước, hoàn toàn phá huỷ bất kỳ hệ thống hầm ngầm nào bên dưới. Trong một trận pháo kích, một đoạn địa đạo tại An Nhơn bị sập, vùi chết nguyên ban tham mưu quận – không ai cứu nổi. Sau đó, Quân khu ủy IV ra lệnh cấm cán bộ chui xuống địa đạo vì “xuống đó là chết”.
Tài liệu từ Quân sử Hoa Kỳ và báo cáo chiến dịch của Bộ chỉ huy MACV (Military Assistance Command, Vietnam) đã xác nhận hiệu quả tàn phá của B52 tại vùng Củ Chi. Lính Mỹ mô tả vùng này là “chảo bom”, nơi mọi gốc cây đều bị san bằng, không có nơi nào đủ an toàn để lẩn trốn.
4. Nhiều nhân vật được tuyên dương là anh hùng chiến đấu trong địa đạo thực chất không hề có mặt hoặc không hề chiến đấu như thế.
Một số người như “thiếu tá Năm Thuận”, “thiếu tá Quợt” hay thậm chí ông Võ Văn Kiệt được tuyên truyền là từng chỉ huy chiến đấu trong địa đạo. Tuy nhiên, theo lời kể của người trong cuộc, họ chỉ nương náu vài ngày, hoặc như Năm Thuận chỉ làm lính lãi, còn Quợt thì nổi tiếng… són ra quần mỗi khi xuống hầm.
Các nhân chứng như Dương Đình Lôi, từng chỉ huy Tiểu đoàn Quyết Thắng, khẳng định không ai có thể “chiến đấu suốt 10 năm trong địa đạo” như lời tuyên truyền. Địa đạo không phải là hầm lầu có máy lạnh, mà là nơi tạm lánh lúc nguy cấp, và sau năm 1967 đã trở thành tử địa.
5. Địa đạo được khai thác thành phim ảnh, du lịch để tô vẽ lịch sử.
Từ năm 1985, theo lời kể, nhiều đoạn hầm đã được đào lại bằng máy cày, được làm rộng ra để phục vụ quay phim và đón du khách. Báo cáo của phái đoàn du lịch Hoa Kỳ, các bài viết của ký giả phương Tây (như Neil Sheehan, Stanley Karnow) và cả các đoạn video của CNN đã ghi lại việc một số khu địa đạo được tái thiết để phục vụ mục đích tham quan, không còn giữ nguyên bản chất ban đầu.
6. Chính Hà Nội cũng từng dùng địa đạo để tuyên truyền nội bộ.
Trong các báo cáo nội bộ, như tài liệu của Ban Tuyên giáo Trung ương năm 1979, đã thừa nhận việc “huy động truyền thông, hình ảnh địa đạo Củ Chi để làm biểu tượng chiến thắng và kích động lòng yêu nước trong nhân dân”. Nghĩa là ngay cả phía cộng sản cũng hiểu rằng địa đạo là công cụ tuyên truyền chứ không hẳn là phương tiện chiến đấu thực sự.
7. Ghi nhận từ phía Mỹ và nhân chứng độc lập.
Bản đồ và báo cáo từ Lữ đoàn 25 Bộ binh Hoa Kỳ (25th Infantry Division), đóng tại Đồng Dù, xác nhận các trận càn lớn năm 1966–1968 đã san bằng gần như toàn bộ khu vực Củ Chi, và không phát hiện hệ thống địa đạo quy mô như tuyên truyền.
Phóng viên chiến trường như Peter Arnett, David Halberstam đều mô tả Củ Chi là vùng “nội bất xuất ngoại bất nhập”, nơi bất kỳ hầm hố nào lộ diện đều bị pháo bầy, napalm hoặc bom 7 tấn ném xuống.
Cựu phóng viên Wilfred Burchett, mặc dù thân cộng, từng bị Hà Nội từ chối cho xuống hầm vì… quá to, và sau đó bị trì hoãn mãi không được xem địa đạo thực. Một dấu hiệu rõ rệt rằng địa đạo lúc ấy không còn tồn tại đúng như lời tuyên truyền.
Địa đạo Củ Chi từng là một biện pháp trú ẩn chiến thuật trong giai đoạn đầu của chiến tranh, tại một vài khu vực có địa hình phù hợp. Tuy nhiên, từ sau năm 1966–1967, khi không quân Hoa Kỳ triển khai chiến thuật rải thảm B52, địa đạo đã mất hoàn toàn hiệu quả và trở thành nấm mồ tập thể cho hàng trăm cán binh.
Việc Hà Nội tiếp tục khai thác địa đạo như một biểu tượng tuyên truyền không chỉ bóp méo sự thật lịch sử mà còn xúc phạm đến hàng ngàn người đã chết oan trong lòng đất đỏ. Đã đến lúc cần nhìn lại và đối diện với sự thật. Không phải để bôi nhọ ai, mà để lịch sử Việt Nam được viết lại bằng sự thật, chứ không bằng khói pháo và phim ảnh dựng lại sau chiến tranh.
***
Lâm Bình Duy Nhiên: Tuyên truyền và hận thù
“Giải phóng” 50 năm rồi nhưng vẫn một căn bệnh là phải hênh hoang, ngông cuồng, tự sướng để tuyên truyền cho chiến thắng, cố tình quên đi vết thương của cả dân tộc.
“Địa đạo: mặt trời trong bóng tối” là một minh chứng cho sự tuyên truyền và tẩy não của hệ thống truyền thông, của tuyên giáo và chế độ sau nửa thế kỷ. Một bộ “phim chiến tranh không kể chuyện chiến tranh”, mang ý nghĩa nhân văn, “nói về con người chứ không về mục tiêu để kể về chiến thắng hay vinh quang”. Đó là bức thông điệp tưởng chừng rất nhân đạo nhưng rất khéo được sử dụng cho mục đích tuyên truyền văn hoá và lịch sử!
Tung ra một bộ phim như thế vào một thời điểm nhạy cảm, đau buồn, phải có sự toan tính và chủ đích nhằm khơi dậy sự hận thù trong một bộ phận người dân, nhất là thế hệ “Gen Z”.
Vẫn một chiêu thức cũ mèm, vẫn một luận điệu thái quá thậm chí thêu dệt và bóp méo sự thật để cố tình ca ngợi và nâng bốc kết cục thảm khốc của một cuộc chiến tàn bạo. Cứ như đảng cộng sản và chề độ này bằng mọi giá phải biện minh cho tính chính danh của cuộc chiến và nhất là tính chính danh của sự độc quyền lãnh đạo đất nước, bất chấp khát vọng dân chủ và tự do của dân tộc.
Nửa thế kỷ chấm dứt chiến tranh nhưng ngoài sự phồn thịnh giả tạo, điểm mấu chốt của một xã hội tiến bộ là tự do ngôn luận, tự do báo chí, tín ngưỡng vẫn bị chà đạp và bức bách. Mọi sự đối lập chính trị hay phản biện xã hội đều bị khủng bố. Bắt bớ, tù đày và đàn áp mọi khát vọng dân chủ vẫn xảy ra sau 50 năm “thống nhất”. Tham nhũng, phe cánh, tranh giành ảnh hưởng và quyền lực chính trị tại thượng tầng chế độ vẫn khốc liệt diễn ra. Chênh lệch giàu nghèo gia tăng một cách trầm trọng và khủng khiếp. Người dân nghèo đổ xô về các đô thị lớn làm thuê, thậm chí phải đi làm công tại các nước láng giềng. Vẫn còn những cuộc di dân bất hợp pháp, xuyên quốc gia để mưu sinh, bất chấp mọi hiểm nguy, đôi khi để lại những kết cục thảm thương làm chấn động dư luận quốc tế!
Tất cả không chỉ gói ghém trong những con số tăng trưởng kinh tế GNP hay GDP. Một xã hội nhân bản, nơi người dân có quyền tự quyết về tương lai và vận mệnh của dân tộc mới là mục tiêu phải đạt đến. Độc tài toàn trị với mạng lưới công an trị chưa bao giờ mang lại tự do, dân chủ và phồn thịnh cho một dân tộc.
Vì vậy, chừng nào vẫn còn tuyên truyền dối trá, duyệt binh rầm rộ, pháo bông rợp trời và chửi bới miệt thị phân biệt nửa đất nước, “tay sai Mỹ nguỵ”, thì sẽ chẳng bao giờ vết thương chiến tranh, hận thù Nằm-Bắc được hàn gắn một cách thiết thực!
Ngạo mạn trên nỗi thống khổ của hàng chục triệu người, của xương máu nhuộm đỏ cả đất nước từ sự hy sinh của người dân vô tội và quân nhân cả hai bên là một thái độ nhỏ mọn, hèn hạ và phi nhân tính, phi nhân bản của “Bên thắng cuộc”!