Đinh Quang Anh Thái: Trần Văn Bá, ‘chí lớn chưa về bàn tay không’

Trần Văn Bá (14/5/1945-8/1/1985). Ảnh: Trang nhà Trần Văn Bá

CÁCH ĐÂY ĐÚNG 38 NĂM VÀO NGÀY 8 THÁNG GIÊNG 1985, NGƯỜI CHIẾN SĨ CÁCH MẠNG TRẦN VĂN BÁ BỊ CSVN XỬ TỬ HÌNH VÌ TỘI PHỤC QUỐC

ĐỂ TƯỞNG NHỚ MỘT ANH HÙNG VỊ QUỐC VONG THẦN, XIN ĐĂNG LẠI BÀI DƯỚI ĐÂY CỦA Đinh Quang Anh Thái viết năm 1993.

***

Đón tôi tại cửa máy bay phi trường Dallas, Texas, đêm Tám Tháng Giêng 1985 là anh Thanh Hùng.

Chưa kịp một lời hỏi thăm nhau sau 10 năm chia tay ở Sài Gòn, anh ôm tôi, òa khóc: “Sáng nay chúng nó bắn Trần Văn Bá rồi chú ơi!”

Tôi lặng người. 

Cả đêm hôm đó, hai anh em chỉ nói với nhau về Trần Văn Bá và những kỷ niệm với anh trong mùa Hè anh về Việt Nam trước 1975, tham gia Trại Nối Vòng Tay Lớn do Văn Phòng Liên Lạc Sinh Viên Quốc Nội và Hải Ngoại tổ chức. 

Trần Văn Bá sinh năm 1945 tại Sa Ðéc. Anh lớn lên với ruộng đồng miền Nam và được un đúc, thừa hưởng tinh thần bất khuất của cha ông. Năm 1966, thân phụ anh, Dân Biểu Trần Văn Văn, bị sát hại. Sau năm 1975, chính báo chí Cộng Sản viết về tổ đặc công nội thành đã ra tay hạ sát vị dân biểu rất có uy tín này. 

Lúc xảy ra vụ ám sát, một số người cho rằng Dân Biểu Trần Văn Văn bị Tướng Nguyễn Cao Kỳ cho người giết, vì ông Văn thuộc Nhóm Liên Trường của những người miền Nam làm chính trị muốn chống lại nhóm miền Bắc mà tiêu biểu là ông Kỳ.

Tôi từng nêu câu hỏi này với anh Bá, anh bảo, “nếu ông già moa bị đám Bắc Kỳ giết thì sức mấy moa thân với các toa.  Toa có thấy bạn moa rất nhiều người Bắc không? Có thấy moa rất khoái anh Thanh Hùng không?’

Trong suốt ba tháng Hè và các chuyến công tác xã hội năm 1973, từ Huế, Quảng Trị, Đà Nẵng, Đà Lạt xuống các tỉnh miền Tây Vĩnh Long, Châu Đốc…, anh Bá cặp kè bên anh Thanh Hùng để nghe người nghệ sĩ đa tài này ngâm thơ, hát dân ca ba miền. Anh Bá thích nhất bài “Đêm Liên Hoan” của Hoàng Cầm và bài dân ca miền Bắc “Lý Ngựa Tây”.  “Nhưng phải do anh Thanh Hùng diễn ngâm thì moa mới khoái”, anh nói. 

***

Cái chết của cha bắt buộc Trần Văn Bá rời bỏ quê hương, xa gia đình, xa bạn bè để sang Pháp sống và theo học tại Paris. Anh tốt nghiệp cao học kinh tế năm 1971 và sau đó làm giảng viên tại Ðại Học Nantes.

Song song việc học, anh tích cực hoạt động trong phong trào sinh viên và trở thành Chủ Tịch Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam tại Paris trong nhiều nhiệm kỳ, từ 1973 đến 1980. Chính Trần Văn Bá đã đem đến cho Tổng Hội Sinh Viên Paris một sinh khí mới.

Ðể un đúc lòng yêu quê hương và tạo dịp cho các sinh viên thành tài về phục vụ đất nước, Trần Văn Bá tổ chức các chuyến về thăm nhà trong mùa Hè năm 1973. Từ đó, các hội đoàn ở Pháp và các nước Âu Châu khác liên lạc và gắn bó với nhau trong mọi sinh hoạt chuẩn bị cho sự ra đời của Ðại Hội Việt Nam Âu Châu những năm sau này.

Suốt mùa Hè 1973 tại quê nhà, Trần Văn Bá hầu như không bao giờ vắng mặt trong các hoạt động thanh niên sinh viên. Từ những đêm hát cộng đồng, đi công tác ủy lạo chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa tại các tiền đồn Quảng Trị, Bastone, Rừng Sát…, cho đến cứu trợ nạn nhân chiến tranh, đâu đâu cũng có mặt Trần Văn Bá.

Trần Văn Bá thâm trầm nhưng không xa cách. Trần Văn Bá ít nói, nhưng khi lên tiếng thì say sưa và nội dung phát biểu sâu sắc. Trần Văn Bá có cái bớt đỏ trên trán bên tay mặt, khiến cho anh khó có thể bị lẫn lộn với những người chung quanh. Những ngày Hè năm đó, Trần Văn Bá thường mặc chiếc áo lính mà anh xin của một binh sĩ tại đặc khu Rừng Sát. Anh đem theo chiếc áo khi quay trở lại Paris.

Không biết sau này, khi về khu chiến phục quốc, chiếc áo lính bạc màu đó có được theo chân Trần Văn Bá hay không?

***

Ngày 30 Tháng Tư, 1975, Cộng Sản chiếm miền Nam, đất nước bị quy về một mối. Nói theo cách diễn đạt trong thơ của Ngục Sĩ Nguyễn Chí Thiện, dân tộc bị dìm trong một mối căm hờn, một mối oan khiên.”

Trong giai đoạn bàng hoàng ngay sau biến cố sẩy đàn tan nghé đó, Trần Văn Bá bôn ba khắp nơi kêu gọi mọi người tiếp tục đấu tranh. Anh thường thổ lộ với bạn bè, biết bao người đã nằm xuống, chúng ta không thể ngồi yên được”.

Một người bạn sinh viên từng gắn bó với Trần Văn Bá trong giai đoạn sau 1975 và hiện sống tại Úc là chị Phan Thị Ngọc Dung nói, “tôi quen biết anh Trần Văn Bá vào khoảng đầu năm 1975 khi bắt đầu hoạt động với Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam tại Paris. Lúc ấy anh Bá là chủ tịch nên tôi xem anh như một đàn anh vừa lớn tuổi hơn, vừa kinh nghiệm hơn về hoạt động. Ðiểm nổi bật của anh Bá là sự triệt để và dấn thân của anh. Tôi rất ngưỡng mộ anh ở điểm anh dám sống tới cùng cho lý tưởng đối với đất nước. Hầu hết anh em tuy hoạt động nhưng cũng lo đi học, khi ra trường, đi làm, có bạn trai, bạn gái và lập gia đình. Anh Bá khác hẳn. Anh dấn thân triệt để và trọn vẹn, anh bỏ rất nhiều thì giờ gặp người này, người kia để liên lạc, vận động, không phải chỉ riêng ở Paris mà còn ở các nước khác ở Âu Châu. Anh cũng là người biết rất nhiều tin tức khiến  anh em luôn kinh ngạc tại sao anh biết nhiều thế, không biết từ đâu mà anh có những tin tức này. Sau 1975 thì anh Trần Văn Bá trầm ngâm hơn, lâu lâu trong câu chuyện, anh nói anh phải về Việt Nam mới được.”

Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam tại Paris đóng góp rất nhiều trong công cuộc đấu tranh chống Cộng Sản trên đất Pháp, từ những năm tháng trước thời điểm 1975 cho đến những năm sau này, kể cả giai đoạn hiện nay. Những năm Tổng Hội dưới sự lãnh đạo của Trần Văn Bá để lại dấu ấn sâu đậm trong ký ức nhiều người, trong đó có anh Ðỗ Ðăng Lưu, cũng đang sống ở Úc: “Thành thực mà nói là uy tín của Tổng Hội Sinh Viên Paris tăng lên rất nhiều nhờ uy tín và khả năng cá nhân của anh Trần Văn Bá. Lý do là vì anh Bá xuất thân từ một đại gia đình rất có thế lực chính trị ở miền Nam Việt Nam và nhờ anh có những quen biết ở cấp cao nhất trong chính quyền miền Nam lúc bấy giờ, thành ra anh Trần Văn Bá có cơ hội nắm được tình hình chính trị một cách vững vàng và do đó có khả năng hướng dẫn dư luận về đường hướng chính trị vào thời buổi bấy giờ.”

Trên bước đường vận động cho ngày quay về cố hương, anh Trần Văn Bá gặp Nguyễn Tất Nhiên. Tác giả bài thơ nổi tiếng “Hai Năm Tình Lận Đận” kể lại chuyện này với tôi khi hai đứa gặp lại nhau bên Mỹ; và trong tập thơ “Tâm Dung” Nhiên viết ngày 28 tháng Giêng, 1985: 

…năm năm trước ở Maubert
người cùng ta đối ẩm
đầu đuôi chuyện nước non
nói hoài không biết chán
ta than nợ văn chương
kiếp này ta đeo nặng
chỉ mong về quê hương
làm thơ trước cổng trường
mắc cỡ người ta thương!
làm thơ bên hàng dậu
bên luống mạ bờ nương
cô giáo làng cảm động…
người nhẹ gật đầu, cười
bảo, đường về đã sẵn
ăn thua lòng bạn thôi!
ta nghe nghe ngờ ngợ
ta ngờ ngợ nghe nghe…

…năm năm sau ở Cali
đâu đâu di ảnh người
cũng nhìn ta mà nói:
“ăn thua lòng bạn thôi!”

***

Tết Kỷ Mùi 1979, Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam tổ chức đêm văn nghệ tại Paris, cờ vàng ba sọc đỏ bay phất phới và tràn ngập cả hội trường Maubere với sự tham dự của hàng ngàn khán giả. Ðây là một sự thể hiện sống động nhất tinh thần của những người không chấp nhận ngày 30 Tháng Tư 1975 là sự kết thúc công cuộc đấu tranh vì hạnh phúc tự do của dân tộc.

Ðối với Trần Văn Bá, tất cả các hoạt động tại hải ngoại cũng chỉ nhằm chuẩn bị cho một ngày về chiến đấu ngay tại quê nhà. Trong đêm văn nghệ Tết năm đó, Trần Văn Bá nói những lời cuối, trước khi về khu chiến phục quốc:

“Anh chị em Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam tại Paris rất hân hoan đón tiếp quý vị trong đêm hội Tết Kỷ Mùi; sự hiện diện quý báu của quý bác và quý anh chị là một khích lệ lớn lao cho tập thể sinh viên. Chúng tôi xin chân thành cảm tạ quý vị đã luôn luôn dành cho sinh viên sự ủng hộ nồng nhiệt nhất trên mọi phương diện. Cụ thể là đêm hôm nay đã thành tựu với sự giúp sức tận tình của các phụ huynh và nhất là do sự đóng góp tích cực của hơn một ngàn sinh viên trong ròng rã ba tháng trời.

“Cảm tình mà quý vị dành cho sinh viên nói lên sự tín nhiệm và sự mong ước của quý vị nơi giới trẻ để đáp lại nguyện vọng thiết tha của nhân dân trong 30 năm chiến tranh tàn phá đang bị đè nén tại quê nhà, ách thống trị khát máu đang áp đặt đã tước đoạt mọi quyền làm người của người dân Việt Nam, xô đẩy hàng trăm ngàn đồng bào phải bỏ xứ ra đi bất chấp mọi hiểm nguy.  Chính sự can trường của đồng bào vượt biển trước chết chóc và đời sống cơ cực trong các trại tạm cư tại Ðông Nam Á đã làm chấn động dư luận thế giới, vì thế nhiều quốc gia và đoàn thể không nỡ làm ngơ trước thảm nạn của cả trăm ngàn đồng bào, đã có hảo tâm muốn cứu vớt và giúp đỡ người tị nạn.

“Những thái độ cao thượng đó dù sao cũng chỉ có tính cách nhất thời nhằm xoa dịu thương đau của những người ra đi chứ không giải quyết vấn đề ở căn bản. Vấn đề tị nạn là hậu quả của việc vi phạm nhân quyền tại Việt Nam, người dân bỏ xứ ra đi là vì mọi quyền làm người của họ bị tước đoạt, an ninh bị đe dọa; như thế nguồn gốc của vấn đề tị nạn nằm ở Việt Nam, vấn đề chỉ có thể giải quyết tại Việt Nam mà thôi. Giải pháp là người Việt Nam có thể sống tại quê cha đất tổ mà nhân phẩm của họ không bị chà đạp, người ra đi có thể trở về và mạng sống của họ không bị đe dọa. Mọi thay đổi trong chiều hướng khả quan đó có thể có hay không là do ở nơi anh em kháng chiến đã hơn 3 năm lặn lội ở bưng biền tranh đấu cho tương lai của dân tộc, cứu vãn nhân dân khỏi thảm họa diệt vong.

“Nhà cầm quyền Cộng Sản đang đưa đẩy dân tộc đến bờ vực thẳm, làm lính đánh thuê cho ngoại bang, đi xâm lăng các quốc gia Lào và Campuchia, đe dọa an ninh của cả Ðông Nam Á. Giải pháp cho vấn đề tị nạn và hòa bình tại Ðông Nam Á hiện nay tùy thuộc vào sự lớn mạnh của kháng chiến để ngăn chặn những ý đồ điên dại của những người cầm quyền ở Hà Nội.

Cho nên lúc nào chúng tôi cũng dành sự ủng hộ của chúng tôi cho các anh em kháng chiến tại quốc nội, đó là để tiếp nối lại truyền thống của dân tộc từ thời lập quốc, lúc Lạc Long Quân và Âu Cơ chia ly có hứa hẹn khi hoạn nạn sẽ về giúp đỡ nhau. Trong hoàn cảnh thê thảm của đất nước, những đứa con ra đi như chúng ta sẽ giúp đỡ những đứa con đang tranh đấu tại quê nhà đem lại tự do cho nhân dân, giải phóng dân tộc khỏi chiến tranh diệt vong để sống chung hòa bình với các quốc gia láng giềng.

“Ðó là đường chúng tđi. ‘Ðường Chúng Ta Ði’ cũng là đề tài của đêm văn nghệ Tết Kỷ Mùi nói lên truyền thống hào hùng của dân tộc.”

***

Trần Văn Bá đã tìm đường về. Trần Văn Bá về chiến khu phục quốc ngày Sáu Tháng Sáu, 1980. Âm thầm, không một lời giã biệt. Anh trở thành một trong các cấp lãnh đạo của Mặt Trận Thống Nhất Các Lực Lượng Yêu Nước Giải Phóng Việt Nam. Anh từng chỉ huy nhiều chuyến xâm nhập người và vũ khí vào Việt Nam, trong khi ở hải ngoại, nhiều người không tin rằng, con người ốm yếu như anh có thể làm được công việc đội đá vá trời đó.

Trong một lá thư từ chiến khu quốc nội gởi ra cho một chiến hữu tại Pháp, Trần Văn Bá cho biết, đời sống trong khu chiến cơ cực, nhưng anh không sờn lòng và anh tin tưởng mãnh liệt là quê hương chắc chắn sẽ có ngày bừng sáng.

Chí lớn chưa thành, Trần Văn Bá bị Cộng Sản bắt năm 1984 tại Minh Hải, sau đó bị kết án tử hình.

Trần Văn Bá bị Cộng Sản xử bắn ngày Tám Tháng Giêng, 1985, cùng hai chiến sĩ phục quốc khác, ông Lê Quốc Quân và ông Hồ Thái Bạch.

Trần Văn Bá vị quốc vong thân lúc vừa tròn 40, tuổi chín chắn và sinh động nhất của đời người. 

Sinh ra trong gia đình giàu có, ruộng vườn cò bay thẳng cánh ở quê hương Nam Bộ, du học và thành tài; với tất cả những thuận lợi đó, nếu Trần Văn Bá chọn cuộc sống êm ấm, anh đã như bao nhiêu người đồng lứa khác, vợ con quây quần, nhà cao, cửa rộng, chăn ấm, nệm êm.

Nhưng không. Trần Văn Bá chọn con đường gai góc mà dấn tới như cách tả trong bài Tống Biệt Hành của Thâm Tâm:

Chí lớn chưa về bàn tay không
thì không bao giờ nói trở lại
ba năm mẹ già cũng đừng mong

Từ bỏ tất cả, anh về đồng kham cộng khổ với anh em kháng chiến nơi quê nhà và anh dũng hy sinh vì nghĩa lớn của dân tộc.

Tên tuổi anh xứng đáng được đề trên những bảng đường của đất nước, một mai khi chế độ toàn trị hiện nay sụp đổ do ý nguyện của toàn dân./.

Đinh Quang Anh Thái

Trần Văn Bá (dấu x) cùng sinh viên quốc nội hải ngoại viếng thăm nghĩa trang Ba Đồn (nơi thờ hương linh những nạn nhân chết oan khuất trong vụ Cộng sản thảm sát Tết Mậu Thân 1968 ở Huế) năm 1973. Nghệ sĩ Thanh Hùng đứng ngay cạnh Trần Văn Bá, bên phải (Hình của tác giả).
Trại Nối Vòng Tay Lớn tại Đà Lạt năm 1973. Trần Văn Bá (dấu x) (từ trái): Huynh trưởng Du Ca Trần Đại Lộc, tác giả (chống nạnh), và Giáo sư Hà Tường Cát, (Hình của tác giả).
Trần Văn Bá (dấu x) dự trại Nối Vòng Tay Lớn 1973 với sinh viên Đà Lạt. (Hình của tác giả).
Huế 1973: (từ trái, dấu x). Trần Văn Bá (hàng đầu), Đỗ Vân Thị Hạnh, sinh viên Đà Lạt, tác giả và Trung tướng Lâm Quang Thi , Tư Lệnh Tiền Phương Quân Đoàn 1. (Hình của tác giả).