Đỗ Duy Ngọc: Con bù tọt
Thú thật là từ nhỏ cho đến tháng 4.1975, tui không hề biết trên đời này có con bù tọt. Ếch, nhái thì biết vì được ăn ếch chiên bơ, ếch kho nước dừa… cũng năm thì mười họa thôi vì mạ tui thấy lột da, ác nhơn quá, không làm. Chỉ khi nào được dẫn đi ăn nhà hàng thì mới thưởng thức mấy món này. Hơn nữa hình như người Huế, Đà Nẵng không khoái ăn món ếch nhái lắm.
Sau năm 1975, lý lịch đen thui, tui đành về Củ Chi dạy học. Thời đó cả nước đói nghèo, tiêu chuẩn một tháng được mấy lạng thịt heo, mấy con cá ươn bèo nhèo. Cơ thể thiếu đạm trầm trọng. Bột ngọt, tiêu được chia bằng muỗng, mỗi người một nhúm. Vải xấu mà mỗi năm chỉ được mấy mét, nữ có tiêu chuẩn vải mùng để làm vệ sinh hàng tháng. Nói gọn lại là quá nghèo khổ, lương thực thì chỉ có gạo mốc, bo bo và bột mì. Do thiếu thốn nên mỗi người tự tìm cách cải thiện. Vì ở nội trú nên người trồng thêm đám rau, kẻ nuôi con gà, nhà nuôi con thỏ… Và trong hoàn cảnh sống đó, tui mới biết con bù tọt.
Trong đám giáo viên có anh Phước, dạy môn Vật Lý, anh ốm và cao như tre miễu, là chuyên gia bắt bù tọt. Từ đó, ảnh có tên là Phước bù tọt. Cứ mỗi đợt mưa xuống, khoảng sáu, bảy giờ tối, trời ngoại thành đã nhập nhoạng, tiếng ếch, nhái, bù tọt ậm oạng vang trời. Đó là lúc chúng nhảy lên bờ ruộng hoặc gò cao để ăn mồi. Anh Phước mặc xà lỏn, đội đèn đi bắt bù tọt.
Lần đầu tham gia, tui chẳng làm sao phân biệt con ếch, con nhái với con bù tọt. Ảnh phải giải thích cho tui là con bù tọt không có lớn bằng ếch, nhưng lại to hơn nhái một chút. Đặc điểm dễ nhận thấy nhất là có hai cái sọc xanh ở lưng, lại rất dễ bắt, chỉ cần rọi đèn là nó nằm im cho ta bắt bỏ vào giỏ. Một đêm đi vài tiếng là bắt được cả giỏ đầy.
Bù tọt bắt về lột da, làm sạch ruột, chỉ còn thịt thật nuột nà, đỏ au. Vì nó nhỏ be bé nên lột da từng con rất mất thì giờ, lích kích rất mất công, nhất là nó nhớt trơn còn hơn lươn nữa. Tụi tui mới nghĩ cách bỏ tro vào giỏ bù tọt, bù tọt bị cay mắt sẽ giãy giụa tróc ra hết nhớt, lắc cho sạch nhớt rồi bắt ra dùng kéo cắt đầu lột da, nhanh hơn nhiều.
Món tụi tui hay nấu nhất là cháo bù tọt, bù tọt làm sạch để ráo, lấy dao bằm cả xương, xương bù tọt mềm, có thể nhai rau ráu. Bằm cho nát, nêm chút muối, trộn chút tiêu, viên thành từng viên nho nhỏ, sang chút nữa thì xào qua một chút với dầu hay mỡ. Nồi cháo chín, cho bù tọt vào, mùi thơm ngào ngạt, húp một miếng, nhai một miếng, thịt bùi bùi, ngọt đạm, tới đâu có cảm giác tới đó. Cứ tưởng tượng một thời gian dài chỉ có rau với cá hẩm, hôm nay được nhai rau ráu thịt con bù tọt, có chất đạm vào, cái mồm bớt nhạt, máu trong người cũng nghe như chảy mạnh hơn, chén cháo ngon vô số kể, tuyệt cú mèo. Nồi cháo to, cả túi bù tọt mấy kí lô mà chẳng bao giờ dư chút nhẽo nào, nồi, chén đều vét sạch như lau. Thế mới biết không phải cứ thức ăn sang trọng, đắt tiền, quý hiếm mới là ngon. Miếng ăn đúng lúc, đúng hoàn cảnh mới là món ăn ngon nhất.
Sau này, tui còn biết thêm mấy món cũng ngon lạ lùng từ con bù tọt như bù tọt kho sả ớt, bù tọt làm sạch xào sơ với tỏi, mỡ heo cho săn lại, thêm chút nước mắm, cho sả băm vào, bỏ thêm vài trái ớt, bắt trên lửa riu riu cho đến khi sền sệt. Ôi chao! Gắp một miếng, và lùa thêm miếng cơm, ngon ôi là ngon, mấy cơm cũng hết. Lại có món bù tọt xào mướp, ngọt mà thơm, dân nhậu khoái lắm. Có vài lần được đãi bù tọt khìn nước dừa, ngon không kể siết. Bù tọt làm sạch, cắt làm đôi, ướp với sả xắt mịn, giã nát, ớt bằm nhuyễn, muối, bột ngọt, đường và một ít cà ri. Lấy dừa khô nạo nhuyễn vắt lấy 1 chén nước cốt, 1 chén nước gião. Cho bát gião vào nồi rồi để trên bếp kho cho bù tọt chín, nước sền sệt thì đổ chén nước cốt vào kho tiếp, nước sôi vài phút thì tắt lửa, đừng để lâu dừa thành dầu có mùi ăn không ngon. Món nầy ăn kèm rau sống đủ loại như chuối chát, bông súng, khế, rau muống, rau thơm đều là số dzách!
Mấy chục năm rồi, mấy hôm nay trời mưa, chợt nhớ đến con bù tọt của bốn mươi mấy năm trước, chợt nhớ đến một thời nghèo tận đáy mà vui, nhớ đến một ký ức, một đoạn đời không thể nào quên.
Bây giờ đô thị hóa nhanh quá, đất đai là vàng, là đô la, ruộng đồng thu hẹp dần, ao hồ cạn nước, mưa xuống, bản giao hưởng của đồng quê không còn vang vọng như xưa mà chỉ là những tiếng kêu lạc lõng. Lại thêm người dân sử dụng thuốc trừ sâu, trừ rầy dữ quá và do hạn mặn nên bù tọt cũng vắng bóng dần. Lại thèm một chén cháo bù tọt, với những bạn bè xưa cũ bên ánh đèn dầu và ngoài sân ếch nhái kêu rộn rã. Nhưng làm sao có được nữa, thời gian đẩy đưa người mất, người phiêu bạt phương trời, còn lại thì đã hưu trí hết rồi nên chỉ nhớ trong kỷ niệm thôi. Hơn nữa bây giờ kiếm sâm, bào ngư, vi cá hay dĩa beefsteak thì có ngay chứ muốn có liền nồi cháo bù tọt e hơi khó. Đành nhớ con bù tọt tưởng tượng vậy.
Ôi nhớ ơi là nhớ!
Đỗ Duy Ngọc