Đỗ Duy Ngọc và ảnh nghệ thuật đen-trắng

Tác giả Đỗ Duy Ngọc. Ảnh: Hà Quốc Tấn

Về tác giả: Đỗ Duy Ngọc sinh tại Quảng Bình, di cư vào Nam 1954, lớn lên ở Đà Nẵng, trưởng thành tại Sài Gòn. Ông là một người đa tài: viết văn, làm thơ, viết tùy bút, tạp bút, vẽ tranh, chụp ảnh. Nhưng sống chủ yếu bằng việc vẽ tranh. Ông sống và làm việc tại Sài Gòn.

Một số tác phẩm đã xuất bản: 

Văn: 

Những người bạn cũ (Tập truyện ngắn, 1974, Sài Gòn).

Bước không qua số phận (tập truyện ngắn, NXB Hội Nhà Văn, 2021)

Ăn mà không chơi (Tạp bút, NXB Hội Nhà Văn, 2022)

Nhật ký Sài Gòn lockdown (chưa xuất bản được)

Thơ:

Khung tình vỡ (Thơ, 1967, Đà Nẵng)

Tàn phai (Tuyển tập những bài thơ lục bát, NXB Hội Nhà Văn, 2022)

Hóa thân (Tuyển tập Thơ, NXB Hội Nhà Văn, 2022)

Cũng đành (Tuyển tập Thơ, NXB Hội Nhà Văn, 2022)

Hội họa: 

Chuyên vẽ tranh sơn dầu. Trước 1975 đã từng có vài cuộc triển lãm cá nhân.

Năm 2001 thành lập Công ty Thiết kế, Quảng cáo, Tiếp thị Saigon Marketing Company (SMC). Hiện tại đã nghỉ hưu.

***

Nói về việc chụp ảnh, tác giả Đỗ Duy Ngọc tâm sự: 

Tôi không phải là nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp dù đến với nhiếp ảnh lâu lắm rồi. Tôi chỉ là người chơi ảnh tài tử, chơi như một thú vui cho đời thêm hương vị thế thôi. Do vậy tôi chẳng tham gia Hội hay nhóm nhiếp ảnh nào. Chỉ tụ tập một số anh em cùng sở thích, tổ chức đi săn ảnh ghi lại những nơi chốn đã đi qua, những con người đã gặp. Cũng chẳng bao giờ dự thi hoặc triển lãm ảnh. Chủ yếu chụp ảnh như là một cách để giải trí khi rảnh rỗi.

Từ thời trung học, do thích vẽ vời nên bạn bè cứ nghĩ biết vẽ thì chụp ảnh sẽ đẹp nên trong những buổi tụ tập, hội hè cứ giao máy ảnh cho tôi chụp và tôi biết đến nhiếp ảnh từ những ngày đó.  Thời ấy, tức thập niên sáu mươi của thế kỷ trước, giá máy ảnh rất đắt nên ước mơ sở hữu một chiếc máy cho riêng mình cũng chỉ là mơ ước. Cho đến khi tốt nghiệp Đại học, có việc làm, có lương mới sắm chiếc máy ảnh đầu tiên. 

Sau đó, do sống bằng nghề thiết kế bìa sách, vẽ tranh nên nhiều khi cần có tư liệu để làm nghề nên chụp ảnh nhiều hơn. Có thêm thu nhập nên hình như để trả thù những khát khao thuở thèm chiếc máy cho riêng mình nên tôi mua nhiều máy lắm. Nhất là khi máy ảnh kỹ thuật số ra đời, tôi sắm đủ các đời máy từ Nikon, Fuji, Sony đến Hasselblad…

Tôi thích chụp ảnh chân dung, nhất là chân dung các cụ già. Tôi muốn ghi lại dấu thời gian trên khuôn mặt đầy những nếp nhăn của năm tháng đã đi qua một đời người. Tôi muốn thể hiện những số phận, những ánh mắt, nụ cười, hạnh phúc và khổ đau của mỗi kiếp người. Do vậy tôi ít khi chụp ảnh thiếu nữ đẹp, tràn đầy sức sống như nhiều người cầm máy khác.

Và với đề tài như thế, chỉ có ảnh trắng đen mới lột tả được những điều muốn thể hiện trong ảnh. Cho nên tôi chỉ chụp ảnh trắng đen. Màu sắc đó khiến cho tấm ảnh sâu hơn, ghi nhận được những điều muốn nói một cách thâm trầm và gợi nhiều suy tưởng.

Giờ lớn tuổi, sức khỏe không cho phép đi xa và lặn lội tìm nhân vật. Niềm đam mê cũng giảm bớt. Nhiều khi nhìn mấy tủ máy ảnh mà tiếc nhớ cái thuở sung sức, xông xáo khắp nơi. Lắm lúc ngồi soạn lại hình ảnh đã chụp, gợi nhớ nhiều kỷ niệm, nhiều nhân vật đã không còn. Và dù chụp rất nhiều ảnh, tôi vẫn chỉ là kẻ chụp ảnh tài tử, suốt đời làm nhiếp ảnh nghiệp dư.

11.11.2024

Đỗ Duy Ngọc

*Diễn Đàn Thế Kỷ từng giới thiệu một số truyện ngắn, tùy bút, tạp bút của tác giả Đỗ Duy Ngọc. Bạn đọc có thể tìm đọc thêm ở đây:

https://diendantheky.net/author/doduyngoc

Một số bức ảnh nghệ thuật đen-trắng của tác giả Đỗ Duy Ngọc

Ra khơi.
Ra với biển
Đưa thuyền ra biển.
Bà cụ bán vé số
Chân dung
Cụ già ở Quảng Nam
Nỗi đau
Chân dung người đàn bà
Chân dung người đàn bà ở Quảng Nam
Quay lưng
Chân dung người đàn ông H’Mông
Chân dung bà cụ H’Mông, Hà Giang
Những người đàn bà H’Mông ở Hà Giang, 1
Những người đàn bà H’Mông ở Hà Giang, 2
Những người đàn bà H’Mông ở Hà Giang, 3
Những người đàn bà H’Mông ở Hà Giang, 4
Chân dung cô gái Ukraina trong quán cà phê
Cô bé ở Tà Dơ, Tây Ninh. Nơi được gọi là Làng nước mắt
Mẹ con, Hà Giang