Đỗ Kim Thêm: Xung đột Hezbollah – Israel leo thang và chiến tranh với Iran bùng nổ
Kể từ khi tổ chức khủng bố Hamas tấn công vào Israel vào ngày 7 tháng 10 năm 2023, các vụ xung đột đẫm máu xảy tại Dải Gaza cho đến nay vẫn chưa kết thúc. Nhưng gần đây, cộng đồng quốc tế còn tỏ ra lo ngại nhiều hơn khi giao tranh giữa Israel và lực lượng dân quân Hezbollah ở Lebanon đang gia tăng. Bằng chứng là sau cái chết của thủ lĩnh Hamas Ismail Haniya và thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah, tình hình càng trở nên nghiêm trọng hơn.
Vào ngày 1 tháng 10, sau cuộc không kích vào phía nam Beirut, Israel bắt đầu tấn công bằng bộ binh ở Lebanon. Các nhận định ban đầu cho rằng, các đơn vị Hezbollah, dù bị suy yếu, nhưng sẽ hoạt động riêng lẻ, tự chủ và Israel cũng không vì thế mà hoàn toàn chiếm ưu thế tuyệt đối. Hezbollah đang cố gắng đưa mức công kích xuống và tìm cách kéo dài cuộc chiến. Nhiều hãng tin quốc tế cùng đồng loạt đưa tin, Iran đã khai hoả với một cuộc tấn công bằng tên lửa vào Israel và có hơn 100 quả tên lửa đã được bắn.
Liệu Hezbollah sẽ trả đũa Israel trên quy mô lớn và cuộc chiến tranh với Iran sắp bùng nổ toàn diện? Liệu Hezbollah và Iran có thể gây ra mối đe dọa chung trong khu vực hay thế giới?
Nguy cơ chiến tranh?
Nếu so với nhiều thập niên qua, thì tình hình hiện nay nguy hiểm hơn. Quân đội Israel đang đặt trong tình trạng báo động cao. Hoa Kỳ, đồng minh của Israel, đã đưa thêm tàu chiến và máy bay chiến đấu tới khu vực.
Căng thẳng giữa Israel và Hezbollah đã lên đỉnh điểm sau khi thủ lĩnh Hezbollah Nasrallah tử thương trong một cuộc tấn công của Israel vào tháng 9 năm 2024. Quân đội Israel cho biết, một số chỉ huy cấp cao khác cũng thiệt mạng trong các vụ tấn công liên tiếp gần đây. Do đó, hầu hết các thủ lĩnh của Hezbollah đã lần lượt bị “loại bỏ”.
Hezbollah cũng quy trách nhiệm cho Israel trong vụ gây ra vụ nổ hàng trăm máy nhắn tin loại pager và walkie-talkie ở Lebanon, khiến cho nhiều chiến binh của Hezbollah cũng như dân thường thiệt mạng. Việc phá hủy này làm cho hệ thống liên lạc trong nhóm Hezbollah bị tê liệt. Trước tình hình này, Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi lên tiếng cảnh báo là chiến tranh khu vực có thể bùng nổ bất cứ lúc nào.
Các nước Mỹ, Pháp và Trung Quốc đang đồng loạt kêu gọi các phe liên quan nên kiềm chế và tìm cách làm xoa dịu tình hình. Nhân dịp này, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cảnh báo cho Iran là không nên có hành động trả đũa và cũng nhấn mạnh đến sức mạnh quân sự của Israel.
Hezbollah là đồng minh của Hamas
Ngay sau vụ tấn công khủng bố của Hamas vào ngày 7 tháng 10 năm 2023, lực lượng dân quân Hezbollah, vốn bị khối Liên Âu xếp vào loại tổ chức khủng bố, đã tự xác định vị thế của mình là đồng minh của Hamas, hứa là sẽ tận tình giúp đỡ bằng mọi phương tiện, kể cả súng đạn và tên lửa.
Tuy nhiên, trong tiến trình tấn công nhằm vào Israel, Hezbollah cho thấy là có sự kiềm chế nhất định, một phần có thể là do đa số người dân không muốn bị lôi kéo vào cuộc xung đột giữa Hamas và Israel.
Mục tiêu của Hezbollah
Shiite Hezbollah, “Đảng của Chúa”, có trụ sở chính ở Lebanon, bao gồm một đảng chính trị và một lực lượng dân quân có vũ trang và một tổ chức xã hội từ thiện. Quan điểm chính trị của Hezbollah là dựa theo giáo lý Hồi giáo. Vì theo đường lối chính trị thực dụng, nên trọng tâm của tổ chức là mong muốn củng cố niềm tin của tín đồ Shiite trên toàn thế giới, chống lại phương Tây và chống lại Israel.
Hezbollah được chính thức thành lập vào năm 1982 giữa cuộc nội chiến Lebanon diễn ra khốc liệt từ năm 1975. PLO, Tổ chức Giải phóng Palestine, khi đó có trụ sở tại Lebanon, cũng đóng một vai trò trong cuộc nội chiến. Năm 1982, Israel, với mục đích nhằm phá hủy các lực lượng vũ trang của PLO, đã phát động chiến dịch tấn công ở Lebanon.
Lebanon là quốc gia có nhiều tôn giáo, tín đồ đạo Sunni và Cơ đốc giáo chiếm tỷ lệ lớn, trong khi thiểu số tín đồ đạo Shiite bị gạt ra ngoài lề xã hội và sống trong cảnh nghèo túng ở phía nam đất nước và giáp biên giới với Israel. Do đó, khi xảy ra xung đột với nước láng giềng Israel, họ phải chịu thiệt thòi nhiều hơn những người dân nơi khác.
Chính Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran đã thành lập Hezbollah vào năm 1982 để giúp cho họ có thể chiến đấu chống lại Israel đang chiếm đóng ở các vùng phía nam Lebanon. Đối với Iran, trang bị cho tổ chức Hezbollah là một thành quả đặc biệt, nhờ đó mà Iran có thể mở rộng ảnh hưởng trong thế giới Ả Rập.
Ngoài ra, Hezbollah cũng đã thành công vượt bực nhờ khả năng chiến đấu tinh nhuệ với chiến thuật du kích khéo léo. Do Iran bao che mà Hezbollah từ một nhóm người cô thế thiếu trang bị trở thành một lực lượng thống trị ở Lebanon.
Khi các bên tham chiến ở Lebanon kết thúc cuộc nội chiến và việc giải giới vũ khí được thành hình vào năm 1990, Hezbollah là nhóm duy nhất còn được phép giữ lại lực lượng dân quân, và năm 1992 họ bắt đầu bước vào quốc hội để tham chính. Với vai trò chống lại Israel là mục tiêu chính, uy tín của tổ chức Hezbollah đã dần lan rộng khắp nước, vì qua thời gian, dân chúng nhận ra rằng Hezbollah là biện pháp phòng thủ hữu hiệu nhất để chống lại Israel sau khi Israel đã chiếm đóng các vùng của Lebanon cho đến năm 2000.
Trước khi qua đời vào tháng 9 năm 2024, Hassan Nasrallah là nhà lãnh đạo của tổ chức Hezbollah. Vào năm 1992, Nasrallah đảm nhận chức vụ Tổng thư ký sau khi Israel giết chết người đồng sáng lập và cựu lãnh đạo của nhóm, Abbas Al-Musawi.
Việc Israel rút quân ra khỏi lãnh thổ Lebanon vào năm 2000 vẫn được Hezbollah luôn hãnh diện là chiến thắng cuối cùng.
Kể từ năm 2005, “Đảng của Chúa” được xem là một thành phần dân sự hợp tác với chính phủ. Thực ra, tổ chức Hezbollah là “một nhà nước trong nhà nước”. Nhờ vào thành quả trong các cuộc tấn công vào các nhóm khác ở trong nước và ngoài nước, cánh vũ trang của Hezbollah ngày càng tỏ ra cực đoan hơn trong việc sử dụng bạo lực. Trước chuyển biến này, Hoa Kỳ (1997) và Đức (2020) đã xếp Hezbollah vào danh sách tổ chức khủng bố.
Ai ủng hộ Hezbollah?
Cho đến khi Hezbollah nổi lên là một lực lượng chính trị hùng mạnh nhất trong nước, thì tổ chức này hầu như được coi là một cánh tay đắc lực của Iran. Với tín đồ Shiite là những thành viên trung tín, Hezbollah chỉ chiếm khoảng 30% trong dân số của Lebanon. Được dân chúng ủng hộ, nhiều thành viên của Hezbollah tham gia chính phủ và quốc hội.
Lý do chính để giải thích cho việc Hezbollah trở nên hùng mạnh là sự phụ thuộc hoàn toàn mọi mặt vào Iran, nhất là tài chính. Do đó, việc tạo hậu thuẫn trong nhóm tín đồ Shiite tại Lebanon là một thành quả ngoại giao và tôn giáo của Iran.
Hezbollah cũng công khai bày tỏ về việc liên minh với Iran. Nhà lãnh đạo vừa quá cố Hezbollah Nasrallah từng phát biểu công khai: “Chúng ta phải tỏ lòng biết ơn Cộng hòa Hồi giáo Iran. Họ đã cho chúng ta chuyên môn và kinh nghiệm. Họ đã dạy chúng ta ý nghĩa của tinh thần chiến đấu. Họ đã hy sinh và tử đạo vì chúng ta và họ vẫn tiếp tục làm như vậy cho đến ngày nay”.
Càng phát triển trong nước, Hezbollah càng biến Lebanon thành bù nhìn cho Iran trong khu vực. Quyết định gây tranh cãi nhất là năm 2013, khi Lebanon đưa hàng nghìn chiến binh tới nước láng giềng Syria để hỗ trợ cho nhà lãnh đạo Bashar al-Assad. Chính với sự tham gia này, Hezbollah đã trực tiếp đóng góp trong việc củng cố cho chế độ độc tài Assad, nâng cao hình ảnh giáo phái Shiite và cũng tăng cường vai trò ảnh hưởng của Iran. Trong lâu dài, mục tiêu của Iran trong khu vực là muốn xây dựng một trục liên minh Tehran – Damascus – Beirut. Ngoài ra, tham vọng của Hezbollah cũng thể hiện rõ khi nhiệt tình tham gia tại Iraq và Yemen và hỗ trợ cho Hamas ở Dải Gaza.
Qua các cuộc mang bom liều chết nhằm tấn công vào cái gọi là “kẻ thù của Iran”, với các hoạt động chống Israel, Hezbollah đã giúp cho chế độ Iran đạt được một số thành công – theo quan điểm của họ – trong chính sách đối ngoại. Ngày nay, Israel coi Hezbollah là mối đe dọa trực tiếp lớn nhất.
Lebanon có hỗ trợ cho Hezbollah không?
Hiến pháp Lebanon có quy định về sự phân bổ quyền lực giữa các giáo phái Cơ đốc giáo, Hồi giáo và Shiite. Trên thực tế, từ lâu, việc đại diện tính theo tỷ lệ đã bị bác bỏ để nhằm công khai ủng hộ cho phái Shiite. Hezbollah trở thành một lực lượng gây áp đảo trong mọi sinh hoạt chính trị trong nước.
Bằng chứng là các quyết định chính trị quan trọng, từ việc bầu tổng thống, bỏ phiếu tín nhiệm tại quốc hội hay lựa chọn bộ trưởng, tất cả đều phải có sự chấp thuận trước của Hezbollah. Những người ra quyết định luôn muốn tìm cách né tránh các hậu quả nếu họ gây phản cảm với Hezbollah.
Trong cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay ở Lebanon, việc phân phối phúc lợi trong các bệnh viện và trường học, hệ thống này dành nhiều ưu quyền cho tín đồ Shiite.
Theo ước tính, người Shiite ở Lebanon chiếm khoảng một phần ba dân số, nhưng tổ chức Hezbollah có các kênh truyền hình riêng để giáo dục cho tín đồ mà thực ra, đó là việc tẩy não bằng cách biến họ thành những chiến binh sẵn sàng chết ở Syria, Iraq, Yemen hoặc Iran. Hiện trạng này cũng làm cho nhiều người lên tiếng chỉ trích. Gần đây tệ nạn tham nhũng và gia đình trị khiến cho Lebanon rơi vào tình cảnh hỗn loạn và cũng bị dân chúng công khai phản đối.
Trong cuộc xung đột hiện tại với Israel, Hezbollah đang rơi vào tình thế khó xử, một mặt, do mối quan hệ chặt chẽ với Iran và tình đoàn kết với Hamas, mặt khác, tâm trạng chung của người dân là không muốn có chiến tranh.
Sức mạnh quân sự
Trong thời gian qua, Hezbollah đã nâng cao tối đa khả năng quân sự, nên không còn có thể gọi họ là lực lượng dân quân hay bán quân sự nữa, vì tinh thần chiến đấu và khả năng trang bị vượt xa hơn một quân đội thông thường.
Theo một ước tính tại Mỹ vào năm 2020, lực lượng dân quân có tới 20.000 chiến binh đang hoạt động và khoảng 20.000 quân dự bị, đồng thời có kho vũ khí nhỏ, xe tăng, máy bay không người lái và nhiều tên lửa tầm xa khác nhau.
Nhưng theo tin của Reuters cho biết, năm 2021, Hezbollah có khoảng 100.000 chiến binh. Nguồn tin quân sự từ Israel cho biết, Hezbollah có kho vũ khí pháo binh lớn hơn hầu hết các quốc gia khác trong vùng. Dĩ nhiên, các ước lượng này đều không thể kiểm chứng.
Hezbollah tự hào về kho vũ khí của mình và tuyên bố là có thể tấn công tất cả các khu vực của Israel.
Nhìn chung, nhờ Iran cung cấp vũ khí và tiền bạc hàng trăm triệu đô la mỗi năm, nên Hezbollah là tổ chức phi nhà nước được trang bị vũ khí mạnh nhất,
Cập nhật tình hình
Ngày 1 tháng 10, nhiều hãng tin quốc tế cùng đồng loạt đưa tin Iran đã tấn công tên lửa vào Israel và bắn hơn 100 quả tên lửa. Ngay sau đó, còi báo động vang lên trên khắp đất nước Israel và quân đội đã yêu cầu dân chúng tìm nơi trú ẩn.
Tổng thống Mỹ Biden cho biết là Mỹ sẵn sàng sát cánh cùng Israel trước cuộc tấn công này, trong khi đó Đài truyền hình nhà nước Iran thông báo rằng Vệ binh Cách mạng sẽ đưa ra tuyên bố mới về quan điểm trước tình hình.
Cũng cần nên nhớ lại vào tháng 4, Iran đã tấn công Israel với hơn 300 máy bay không người lái và tên lửa, nhưng nhờ các đồng minh của Israel tận lực giúp đỡ, nên bị đẩy lùi. Iran coi cuộc tấn công này là biện pháp trả đũa cho cuộc không kích bị nghi ngờ của Israel vào khu đại sứ quán Iran ở Damascus khiến một số người thiệt mạng.
Israel hạn chế mọi sinh hoạt công cộng
Hezbollah đã bắn tên lửa vào một căn cứ quân sự của Israel và trụ sở của cơ quan mật vụ Israel Mossad ở Tel Aviv. Các bộ phận tên lửa đâm vào một đường cao tốc gần thủ đô làm cho một số người bị thương. Hiện nay, Israel cũng đã cảnh báo là sẽ có nhiều cuộc không kích khác ở một số vùng thuộc ngoại ô của Tel Aviv.
Quân đội Israel công bố, sau vụ bắn tên lửa của Hezbollah, các sinh hoạt công cộng ở Israel đã bị hạn chế và các bãi biển bị đóng cửa. Để thích nghi với tình hình, chính phủ cũng sẽ công bố các hướng dẫn mới về mọi sinh hoạt công cộng.
Giao tranh ác liệt ở Lebanon
Khi bắt đầu tấn công bằng bộ binh trong đêm, quân đội Israel cho biết có nhiều giao tranh ác liệt với Hezbollah ở miền nam Lebanon, đây là một hoạt động “có giới hạn tại địa phương” nhằm vào cơ sở hạ tầng của Hezbollah tại các ngôi làng gần biên giới. Hoạt động này sẽ tiếp tục song song với cuộc chiến ở Dải Gaza để chống lại Hamas và ở các khu vực khác.
Ngoài ra, không lực và pháo binh Israel đang hỗ trợ lực lượng bộ binh. Các mục tiêu ở thủ đô Beirut của Lebanon bị ném bom và một số tòa nhà đã bị phá hủy; nhưng vẫn chưa có thông tin gì về số phận các nạn nhân. Ngoài ra, Syria cũng đưa tin về các cuộc tấn công của Israel gần Damascus.
Liên Hiệp Quốc lo ngại hậu quả
Thủ tướng Mikati nhấn mạnh là đất nước Lebanon đang sống trong một giai đoạn nguy hiểm nhất của lịch sử.
Phái bộ quan sát viên của Liên Hiệp Quốc tại Lebanon, UNIFIL, đã lên tiếng chỉ trích về cuộc tấn công bằng bộ binh của Israel và cho là vi phạm chủ quyền lãnh thổ của Lebanon.
Liên Hiệp Quốc kêu gọi viện trợ khẩn cấp hơn 420 triệu đô la cho Lebanon. Viện trợ này nhằm cung cấp cho những người cần thực phẩm, nơi trú ẩn, vật tư y tế và nước. Giới chuyên trách nói rằng, không có khoản viện trợ nào là có thể làm giảm bớt tình hình nếu dân thường còn tiếp tục trở thành mục tiêu của các tấn công, nhất là các cơ sở của Lebanon sẽ bị phá hủy và khu vực biên giới với Israel sẽ hỗn loạn. Thảm trạng này cũng sẽ không mang lại lợi ích nào đặc biệt cho Israel.
Về cơ bản, hiện nay, Israel đã đạt được nhiều lợi thế so với Hezbollah, đó là việc thủ lĩnh Nasrallah bị giết, toàn bộ ban lãnh đạo bị phế truất, hệ thống liên lạc bị phá hủy và việc sản xuất tên lửa bị ngừng lại. Hezbollah đã suy yếu và có thể phải mất nhiều năm để phục hồi khả năng chiến đấu.
Liệu cuộc tấn công bằng bộ binh của Israel hay sự khai hoả của Iran có cần thiết để vận động cho một giải pháp chính trị không, đó là vấn đề đang được đặt ra.
Đỗ Kim Thêm
Nguồn: Bauxite Việt Nam