Đoàn Công Lê Huy: Mẹ Tôi, thơ Pháp Hoan, Ám Ảnh và Hauntology
Đêm qua mạ nằm chộ, thấy con chặt cả bội mía đi chợ. Mà trời cứ mưa hoài mưa huỷ bán không ai mua hết. Mạ khóc, tỉnh dậy nước mắt vẫn còn ướt đây nì.
Mẹ tôi 95 tuổi. Mẹ nằm nghỉ ngơi đã mấy năm nay. Nhờ trời và nương vào chăm sóc đặc biệt của chị em tôi, mẹ tôi vẫn khoẻ mạnh, minh mẫn.
Thật ra, nghèo đói không phải là ám ảnh lớn nhất của mẹ tôi. Cha tôi mới là lớn nhất, dai dẳng nhất. Sáng nay mẹ tôi kể với chị thứ hai của tôi câu chuyện bán mía đó. Nhưng thường thì mẹ tôi thở than về cha tôi. Nhiều khi thở than thành tiếng, rên lên thành lời: Mạ nhớ ba con quá, trời ơi! Hoặc: Ăn chi cũng không quên. Đã 56 năm rồi mà răng ăn chi cũng không quên cả là răng? Rồi mẹ vừa khẳng định vừa dạy chúng tôi: Ăn cả lu muối mè cũng không thể tìm ra được một người như ba con mô! Thường thì mẹ tôi thận trọng. Có lúc không chịu được, đã nói riêng với thằng rể út của mẹ tôi là một bác sĩ: Con có cái viên thuốc chi cho mạ uống để mạ đỡ nhớ ba con không?
Cha tôi là công nhân hoả xa, nghề chính là sửa chữa cầu đường sắt, đơn vị công tác là Hạt Thiết kiều Đà Nẵng. Cha tôi cao lớn, khoẻ mạnh, khéo tay và hào hiệp. Ngoài nghề chính, ông còn tự chế tạo, sản xuất thủ công bếp dầu, hồi đó gọi là rề-sô. Nuôi đủ cả nhà và giúp đỡ bà con, họ mạc, lối xóm.
Thế rồi, đột nhiên, ba tôi chết. Chết thật dễ dàng, chết thật tình cờ. Chết ngay lập tức. Vì tai nạn chiến tranh. Một quả đạn, một quả bom, hoặc một quả mìn gì đó đã giết chết ngay lập tức 2 người công nhân, trong đó có cha tôi. Ngay cạnh cầu Truồi. Vào ngày 18 tháng 11 năm 1968, tức ngày 28 tháng 9 năm Mậu Thân.
Trước ngày cha tôi mất, nghề nghiệp của mẹ tôi là nội trợ. Sau ngày cha tôi mất, mẹ tôi làm đủ thứ để nuôi con. Thời hậu chiến là khó khăn nhất, để lại ám ảnh lâu dài như câu chuyện giấc mơ bán mía mẹ tôi đã kể sáng nay.
Nhân chuyện ám ảnh, tôi xin kể sang chuyện khác. Gần đây tôi mới biết đến tài khoản của thầy Pháp Hoan trên Facebook. Thầy là nhà thơ, thầy còn dịch thơ thiền, thơ cổ điển, thơ haiku đọc rất rung cảm. Thầy Pháp Hoan còn rất trẻ, độ tuổi 30. Không biết thầy xuất gia theo hệ phái nào. Có người gọi là sư. Còn tôi, suy đoán thầy theo Bắc tông, nên tôi gọi là thầy.
Một hôm, rất hiếm hoi, thầy bộc bạch: Anh H. quê ở Huế hay Hà Nội? Pháp Hoan quê ở Gio Linh.
Tôi trả lời: Tôi quê ở Huế. Có gì chung giữa một tâm hồn nhạy cảm và ngôn ngữ thơ cao khiết như tuyết trên núi cao với một địa danh tàn huỷ đạn bom của thế kỉ 20 đó không, thưa thầy?
Tôi nghĩ bụng, chắc là xa xôi lắm. Nhiều khi chỉ là một địa danh mơ hồ mà người trẻ như thầy chỉ đôi lần thấy qua trong gia phả huyết thống của gia đình mà thôi.
Rồi một ngày, tôi đọc câu thơ của thầy, “những người lính nằm chết trên cánh đồng mạ non mọc ra từ cổ họng”, tôi giật mình: Gio Linh!
Dưới đây là bài thơ của thầy Pháp Hoan:
Mẹ tôi kể
“Mẹ kể trong vườn nhà tôi có một trái bom chưa nổ, vùi sâu dưới lớp đất đá đã mấy chục năm qua, không ai biết vị trí chính xác của nó. Với mẹ, trái bom theo thời gian đã trở thành một phần của khu vườn, một phần ký ức của mẹ.”
Mẹ tôi kể
khi cỏ cây thôi xao động trong vườn
khi con chim ngủ yên trong tổ ấm.
Mẹ kể về những trái bom
dội lên những mái nhà
như táo mùa thu chín rụng.
Mẹ kể về những người lính
nằm chết trên cánh đồng
mạ non mọc ra từ cổ họng.
Mẹ kể về những dòng sông
về đất nước thời tuổi thơ của mẹ
nơi những ký ức vẫn âm thầm ngủ
như trái bom ngủ quên trong vườn
mỗi đêm nằm trên giường
tôi luôn nghe thấy tiếng đập của nó
sâu trong lòng đất đá
bốn mươi bảy năm qua
trong khu vườn những giấc mơ của mẹ.
Vậy là, thầy là Gio Linh. Gio Linh không hề rời thầy. Dù thầy là thế hệ thứ hai rời xa quê hương. Ám ảnh truyền lại qua kí ức của mẹ thầy. Ám ảnh truyền lại từ tàng thức của mẹ. Ám ảnh truyền lại từ vô thức của cộng đồng. Ám ảnh truyền lại qua gien văn hoá của con người và cộng đồng. Để rồi từ đó, âm thanh của chiến tranh cứ náo loạn mãi trong lòng thầy, vượt lên định lực của một nhà tu hành vô cầu vô uý.
Trong một chùm 41 bài thơ haiku khác, thanh thoát và dịu hiền, tĩnh tại, thầy viết:
Phật trong thơ Haiku
Tác giả: Pháp Hoan (法歡)
1
Tượng Phật trên đồng
theo thời gian khoác
áo màu rêu phong.
2
Gió thu miệt mài
đưa dòng nước thắm
đến chân Phật đài.
3
Tượng Phật niết bàn
sáng hôm nay khoác
áo màu triêu nhan.
4
Cởi áo cà sa
sáng nay tôi đặt
dưới chân Phật đà.
5
Sỏi đá lô nhô
đầu Phật hiển lộ
trong lòng suối khô.
6
Tiếng dế vang ca
bên trong lỗ đạn
trên thân Phật đà.
7
Trong ngôi chùa hoang
nở trên tay Phật
một nhành triêu nhan.
8
Kìa cánh bướm già
đậu trên chóp mũi
Phật A Di Đà.
9
Tượng Phật bỏ hoang
bên trong tay áo
cáo chồn kêu vang.
10
Đầu Phật Di Đà
nằm lăn lóc giữa
muôn nghìn bông hoa.
11
Ở giữa cánh đồng
trên đầu tượng Phật
quạ đen bay vòng.
12
Mưa đá đi qua
muôn hạt nhảy múa
trên thân Phật đà.
13
Tượng Phật không đầu
trăng thu tìm thấy
trong lòng suối sâu.
14
Rêu cỏ đơm hoa
lấp đầy lỗ đạn
trên thân Phật đà.
15
Bóng tối nhẹ lan
sách và tượng Phật
nằm im trên bàn.
16
Tượng Phật mỉm cười
nhìn cây mận trắng
nở trên ngọn đồi.
17
Nghe tiếng thông reo
chư Phật ba cõi
cũng đồng tụng theo.
18
Bỉ ngạn đơm hoa
từ ngôi mộ cổ
đến chân Phật đà.
19
Hoả châu rạng ngời
tượng Phật trên điện
giữ nguyên nụ cười.
20
Mưa mùa xuân bay
người thương binh ngắm
tượng Phật gãy tay.
21
Ánh chớp chói loà
mặt cáo lấp ló
sau lưng Phật đà.
22
Chùa đã sập rồi
giữa đống đổ nát
tượng ông Phật ngồi.
23
Tuyết đã xuống rồi
mau mang tượng Phật
chẻ làm củi thôi!
24
Côn trùng kêu vang
bên trong tượng Phật
ngôi chùa bỏ hoang.
25
Chùa núi sáng nay
trên đầu tượng Phật
phân chim phủ đầy.
26
Hoạ mi hát ca
khi vừa đậu xuống
bờ vai Phật đà.
27
Chinh chiến điêu tàn
tượng Phật nằm sấp
trên đồng cỏ hoang.
28
Chùa trong miền núi sâu
tượng Phật đội vương miện
bằng triêu nhan trên đầu.
29
Cơn mưa rào đi qua
rửa đi làn bụi mỏng
ở trên thân Phật đà.
30
Quả anh đào đỏ tươi
đứa trẻ tinh nghịch đặt
vào miệng ông Phật cười.
31
Những ngọn đồi đơm hoa
có phải tôi đang ở
trong giấc mơ Phật đà?
32
Trong màn tuyết trắng tinh
ở dưới chân tượng Phật
uất kim hương cúi mình.
33
Qua đêm này nữa thôi
quả mướp kia sẽ chạm
lên đầu ông Phật ngồi.
34
Nếu muốn gặp Phật Đà
hãy lắng nghe tiếng gió
trên tán cây tùng già!
35
Chiều mùa xuân tới rồi
đổ lên trên tấm chiếu
bóng một ông Phật ngồi.
36
Lồng đèn treo trước sân
soi khuôn mặt đức Phật
và hoa mơ trắng ngần.
37
Dưới ánh trăng dịu hiền
thứ tôi thấy đầu tiên
là nụ cười Đức Phật.
38
Kiến cánh bay đầy trời
chú tiểu vội thổi tắt
nến dưới chân Phật đài.
39
Vầng trăng sáng giữa trời
bóng một con quạ đậu
trên đầu ông Phật ngồi.
40
Trong ngôi chùa bỏ hoang
ở dưới chân tượng Phật
bồ công anh nở vàng.
41
Ba vạn sáu ngàn ngày
tàn dần như xác nến
ở dưới chân Phật đài.
Trong 41 bài haiku viết, xin nhắc lại, trong định lực của chánh niệm và sự an tĩnh của trí tuệ của một nhà thơ xuất gia, chúng ta thấy có 5 bài trực tiếp nói lên rằng, thi ảnh và thi tứ của thầy chưa hề ra khỏi bối cảnh chiến tranh, dù nó đã lùi rất xa cả không gian và thời gian so với thế hệ của thầy. Đó là các bài số 6; 14; 19; 20; 27.
Vậy ra, hẳn nhiên, nơi chiến tranh đi qua, thì, ám ảnh chiến tranh còn lại mãi. Như Lão Tử nói, nơi binh đoàn đóng quân 50 năm sau cỏ không mọc nổi. Hay như Platon nói, quyết liệt hơn: Chỉ người chết mới thấy được ngày tàn của chiến tranh.
MỘT ĐẤT NƯỚC CHIẾN TRANH
Xem xét tư liệu lịch sử, thấy ghi rằng: Tính ra, nhân dân Việt Nam đã tiến hành hơn 210 cuộc khởi nghĩa và chiến tranh giải phóng dân tộc. Thời gian chống ngoại xâm lên đến 12 thế kỷ, chiếm hơn một nửa thời gian lịch sử. Hầu như không có thế kỷ nào Việt Nam không phải kháng chiến chống xâm lược.
Ngoài những cuộc kháng chiến chống xâm lược và chủ động tấn công giặc ngoài, còn có những cuộc tranh quyền đoạt vị trong nội bộ cung đình, những cuộc nội loạn, khởi nghĩa nông dân, những cuộc hỗn chiến giữa các phe phái tướng lĩnh, giữa miền xuôi với miền ngược, giữa những tập đoàn quân phiệt cát cứ và các lãnh chúa địa phương, các cuộc nội chiến, phân tranh kéo dài hàng thế kỉ.
Hơn 210 cuộc chiến tranh chia cho 4 nghìn năm thì trung bình 19 năm 1 cuộc. Nói như Lão Tử và Platon đã dẫn ở trên thì có lẽ, dân tộc Việt Nam, con người Việt Nam không lúc nào có tình trạng hoà bình trong lòng mình.
Chiến tranh chống ngoại xâm thường là nhanh. Lâu như kháng chiến chống quân Minh của Lê Lợi – Nguyễn Trãi cũng chỉ 10 năm. Những cuộc nội loạn và nội chiến mới thực sự là dài, chiến tranh Lê – Mạc lần thứ nhất kéo dài 59 năm. Lần thứ hai 85 năm. Giết chết 3 triệu người dân và binh lính.
Khởi nghĩa Hoàng Công Chất 30 năm. Khởi nghĩa Lê Duy Mật 30 năm. Nổi dậy Đá Vách thời Nguyễn 94 năm. Kéo từ thời chúa Nguyễn Phúc Khoát qua các triều chúa Nguyễn Phúc Thuần, Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức.
Tôi là người nông nổi và thiển học. Tôi không biết có một dân tộc nào, một sắc dân nào khác trên thế giới có hoàn cảnh chiến tranh đặc biệt như dân tộc Việt Nam, như con người Việt Nam ta không?
Có lẽ dai dẳng và sống mái như vậy nên dân tộc Việt Nam ta bị chảy máu kéo dài, người Việt Nam ta bị nội thương nghiêm trọng. Với người ngoài sau chiến tranh mà dễ hoà giải, anh em đồng bào với nhau thì thù hận ngút trời, thề không đội trời chung mãi mãi.
Con người vốn bất toàn. Nhưng chiến tranh còn khiến cho ta không còn là con người, với nhân tính của mình. Hệ luỵ nghiêm trọng nhất chính là di chứng bạo lực. Nếu có hơn một lựa chọn thì dân ta chọn ngay bạo lực. Nếu có hai ông Phan thì ông Phan bạo lực sẽ được đa số ủng hộ. Nếu có hơn hai giải pháp thì dân ta sẽ chọn ngay giải pháp bạo lực. Nếu có hơn một con đường thay đổi thì người dân ta chọn ngay con đường bạo lực. Dứt khoát vậy, trước sự bất lực của bao bậc thức giả, thông tuệ, có tầm nhìn viễn kiến và trách nhiệm trong lịch sử, ít ra là từ đầu thế kỉ tới nay.
Và ngày hôm nay, trong mọi cuộc thảo luận chúng ta khó có ôn hoà. Phân cực và chia rẽ ngay lập tức, cũng trong bạo lực-bạo lực ngôn từ. Những người nhạy cảm thường tổn thương, tuyệt vọng, và cả lo lắng nữa, về điều này, không phải với quá khứ đã qua, mà cho tương lai chung. Chúng ta phải tìm lại con người, để cùng đi bộ trên đường làng, để dịu dàng trò chuyện về quê hương thanh bình.
HAUNTOLOGY
Ngày nay, có một ngành học có vẻ còn khá mới mẻ ở ta. Đó là hauntology. Đọc là on-to-lo-gi. Tiếng Việt có thể tạm gọi là ám ảnh học, hôn ám học, ma ám học. On-to-lo-gi theo tôi hiểu, là ngành học/nghiên cứu về sự trở lại và bám víu không ngơi nghỉ của những hình ảnh, trải nghiệm đã nhập vào vô thức, tàng thức, ý thức của mỗi cá thể con người, cộng đồng.
Nhóm triết học đại chúng trẻ tuổi Hội Đồng Cừu định nghĩa: Hauntology gồm hai thành tố hợp lại, HAUNT là ám ảnh, và ONTOLOGY là có tính bản thể. Hauntology là một nhóm những ý tưởng triết học về việc các sản phẩm văn hoá, chính trị, xã hội, căn tính đương đại…tiếp tục bị ám ảnh và bị chi phối về mặt cấu trúc, diễn ngôn bởi các hiện tượng tưởng chừng đã CHẾT hoàn toàn trong quá khứ.
Một nhóm truyền thông xã hội trẻ khác, Spiderum, định nghĩa: HAUNTOLOGY là BÓNG MA TỪ QUÁ KHỨ. Khi nghe một bản nhạc, vào mỗi một khoảnh khắc duy nhất thì chúng ta chỉ có thể nghe thấy được một nốt nhạc vang lên. Nhưng những nốt nhạc đã được nghe phía trước đó (dù âm vang của nó không còn nghe thấy nữa) vẫn “ám” vào cái trải nghiệm nghe nốt nhạc hiện tại của chúng ta. Đó chính là sự pha trộn giữa quá khứ vào hiện tại để tạo nên một giai điệu.
Hauntology cũng là Ám ảnh bản thể. Ám ảnh bản thể là một khái niệm về một cái bóng mờ từ quá khứ ám vào hiện tại, và cái thứ nằm trong tiềm thức của con người này sẽ tác động lên các hoạt động trải nghiệm cuộc sống của chúng ta. Đôi khi dễ nhận ra, nhưng đôi khi lại không thể thấy được. Nó vừa là một món quà, vừa là một thứ khó chịu, và chúng ta không thể chạy thoát khỏi nó.
TRỊ LIỆU, HỒI SINH VÀ ĐI TỚI
Bất luận định nghĩa là gì, tôi ước mong sao mục đích nghiên cứu của các bạn trẻ phải là vấn đề trị liệu. Trị liệu một di chứng bệnh lí về tâm thức.
Nếu không trị liệu thì cứ để giống như mẹ tôi, chờ cho đến lúc người sức tàn lực kiệt và ám ảnh chấm dứt vào ngày người rời đi khỏi cuộc sống này. Nhưng, ám ảnh liệu có vĩnh viễn đi theo người hay chúng nằm lại với chúng ta như một câu chuyện còn dang dở?
Nếu chúng ta không hoá giải ám ảnh thì rất nhiều người cứ mãi là “những người phụ nữ cô độc/vật vã bên những mộ bia…”?
Nếu chúng ta không hoà giải quá khứ thì thần hồn nát thần tính, là tiếp diễn “điên loạn vào trang kinh buồn của dân tộc”, “dẫn dắt oán thù vào sâu trong mê cung của dối lừa”?
Nếu chúng ta không trị liệu thì mãi “nụ cười còn mang sắc thái thù hận giống nòi”?
Nếu không trị liệu tâm lí, chúng ta có thực sự khoẻ mạnh về thân và tâm? Hay “đất nước chúng ta yếu đuối đất nước bệnh”? “Đất nước chúng ta mệt mỏi đất nước chúng ta không ra hoa”? “Chúng ta không nhớ chúng ta không quên, làm thế nào chúng ta đi lên phía trước”?
Thì khi nào chúng ta mới “nâng lên cao mặt trời của lý trí/soi qua những vùng đất điêu linh”, dịu lại những vùng đất Gio Linh?
Khi nào chúng ta thôi “co mình chịu đựng từ những ký ức đớn đau”?
Khi nào chúng ta “dựng lại những quán trọ đổ nát thiếu vắng tình yêu”?
Để ta “trở lại sự lãng mạn ban đầu”?
Chính lúc ấy, là lúc đã “nở ra bông sen trên bàn tay đối đáp”. Chúng ta biết nói chuyện cùng nhau.
Để đâu đó “trên bản đồ của lương tâm. Một vùng đất từng là chốn nương thân. Một vùng đất từng làm ta khổ đau cùng tận. Sẽ trở lại là một vùng đất bé nhỏ xanh tươi uốn lượn”.
Là lúc, ta “sẽ ra đồng và gieo những bài ca”.
Là lúc ta nhận ra “đá không là vàng, củi không là thóc/và lửa đạn không mang lại vinh quang”. (*)
Những ngày cuối tháng Tư này Huế nóng 40 độ bách phân. Tôi chạy bộ trên đồng lúa, chạy qua Rào-Lợi Nông, chạy trên đường chiến lược ngày nào nay là đường Dạ Lê, chạy vào ngôi trường tiểu học Dạ Lê Thượng có tuổi đời gần một thế kỉ, nơi có chú bé lớp ba B ngồi trong lớp nhìn ra hành lang lớp học và thương xót người mẹ dừng chân chạy loạn qua đây, bắc gạch nấu bữa cơm chiều và cho con bú. Đứa bé bú mẹ đó nay đã thành bà nội bà ngoại, giờ họ ra sao rồi kể từ mùa hạ năm ấy? Tôi nhìn thấy những bóng hình kỉ niệm, những ám ảnh đã xa. Tôi lại suy tư về hauntology. Nghĩ về những bóng ma không bao giờ chết. Nó vẫn còn đó và luôn trở lại. Hiện tại đang mang thai tương lai. Lần sinh nở luôn có khán giả là những bóng ma của quá khứ. Có những sự sẩy thai mà như là phá thai nếu chúng ta không biết thật tâm chăm sóc y tế về tâm lí và trị liệu./.
Huế, 22.4.2024
———
(*) những chữ trong ngoặc kép là trích dẫn ngôn ngữ thơ của thầy Pháp Hoan.