Dreams on the peak of the Mountain: Những bài thơ của Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ, Terry Lee chuyển ngữ và giải thích.
Tưởng niệm Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ
Thoáng đó mà đã sắp tới ngày 24/11, là giỗ đầu (lễ tiểu tường) của Hòa Thượng Tuệ Sỹ. Ngày 17/11 tại Sacramento có tổ chức lễ, tiếc rằng tôi không đến được, nên vội in 20 cuốn sách tôi mới viết xong, dịch và giải thích thơ của Hòa thượng để đem đến cúng dường chư tăng ni và quan khách VIP tham dự lễ.
Nếu tính từ khi tôi bắt đầu dịch thơ Thầy Tuệ Sỹ, thì cuốn sách này tôi đã cưu mang nó hơn 2 năm nay, bắt đầu bằng những bài dịch thơ Thầy đăng lai rai trên Facebook, rồi tới cuốn sách dịch chung với em Phẻ Xuân Bạch, mang tên Tuyển tập thơ Tuệ Sỹ, rồi cuốn sách tôi dịch riêng bán trên Amazon mang tên Giấc mơ Tuệ Sỹ, cho tới cuốn này thì đúng như anh Trần Trung Đạo nói, “cây nhân duyên giữa Thầy và tôi đã trổ bông”.
Cuốn sách này dầy 476 trang, gồm 138 bài thơ của Thầy, chia thành 7 tập, dựa vào thời gian sáng tác của Thầy.
Tập 1: Phương trời viễn mộng, 9 bài Thầy viết trước 1975. Có lẽ bài thơ đầu tiên Thầy viết là bài Cung trời cũ (đa số viết sai là Khung trời cũ) mà thi sĩ Bùi Giáng khen là “trùm lấp hết chân trời mới cũ Đường thi Trung Hoa tới Siêu thực Tây phương”, nhưng bài làm tôi “mê” thơ Thầy là bài Mưa cao nguyên mà trong cuốn sách này tôi trình bày hai cách khác nhau để hiểu bài thơ: một cách cổ điển, trong đó Thầy như một người lữ hành đi tìm chiếc bóng của mình, còn ở cách hiểu thứ hai, tôi cho bài thơ là là tâm sự của hai người yêu nhau, nhưng một người thì cứ đi mãi. Ai chê tôi hiểu sai ý Thầy thì tôi xin đáp lại bằng câu trả lời này của Thầy “chớ nên nghi ngờ mà tra hỏi”, khi bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc hỏi Thầy sao bài thơ quá trữ tình.
Tập 2: Giấc mơ Trường Sơn, 34 bài Thầy viết năm 1975-1978 khi ở trong một túp lều tranh Thầy tự cất lấy giữa rừng Vạn Giã, nơi mà thầy Phước An tả là “đêm nơi đó chẳng có gì cả, ngoài ngọn đèn dầu leo lét trong lều và bóng tối mịt mù giữa núi rừng mênh mông”. 34 bài là 34 tâm sự thầy viết về những giấc mơ ấp ủ trong lòng Thầy. Nhiều bài thơ chỉ đọc tựa mà tưởng như thơ được viết bởi một anh bị tình phụ chứ không phải được viết bởi một Thiền sư sống cô độc giữa rừng già, như “Nhớ con đường thơm ngọt môi em” hay “Tìm em trong giấc chiêm bao”.
Tập 3: Ngục trung mị ngữ, 18 bài Thầy viết bằng chữ Hán và phiên âm Hán Việt, trong trại học tập cải tạo, 1978-1981, rồi bí mật chuyển ra ngoài. Thầy nói Thầy viết 50 bài, nhưng 32 bài đã bị mất, mà Thầy không nhớ lại được. Tất cả 18 bài này, không bài nào chất chứa hận thù, ngay cả khi bị nhốt trong phòng biệt giam của Cộng sản (chắc chỉ là một cái thùng connex bằng sắt, ban ngày thì nóng như lửa mà ban đêm thì lạnh như Bắc cực) mà vẫn an nhiên, tự tại.
Tập 4: Tĩnh tọa, 9 bài Thầy viết năm 1984-2000, tức là có một số Thầy viết khi bị tù ở ngoài bắc, về những ưu tư của Thầy về đất nước. Bốn năm tù học tập cải tạo mà Thầy viết được 50 bài trong khi 14 năm tù đất bắc mà Thầy chỉ viết được chưa tới 10 bài thì đủ hiểu sự khắc nghiệt nơi đó như thế nào. Trong tập này có bài thơ “Mộng Ngày”, đó là bài thơ đầu tiên tôi dịch thơ Thầy. Để giải thích ý thơ của Thầy, tôi đem cả thơ của Đại sư Phó Đại Sĩ và câu truyện của hai thầy trò Thiền sư Mã Tổ Đạo Nhất và Bách Trượng Hoài Hải vào khiến nhiều người khen là nhờ bài dịch của tôi mà hiểu nguyên tác, hay như thầy Nguyên Tạng (Melbourne) thích thú viết “vỡ òa”.
Tập 5: Tĩnh thất, 32 bài Thầy viết năm 2000-2001, mà bài nào cũng chứa ẩn ý. Nhiều bài chỉ có 2 hay 3 câu mà tôi phải nghĩ rất lâu mới hiểu được ý Thầy. Thí dụ: Bạn nghĩ sao về hai bài thơ này? Bài số 2:
Đến đi vó ngựa mơ hồ
Dấu rêu còn đọng trên bờ mi xanh
và bài số 16:
Bứt cọng cỏ đo bóng thời gian
Dài mênh mang
Tập 6: Những điệp khúc cho dương cầm, 23 bài, mỗi bài đều có chứa nốt nhạc và ý Thiền. Thầy viết năm 2006. Đem thơ phổ nhạc thì đã có nhiều người làm nhưng đem nốt nhạc vào thơ thì chỉ có mình Thầy. Thí dụ, ngoài Thầy, có ai mà nghĩ được chữ “quãng” trong câu thơ “Cánh chim bạt ngàn từ quãng vô biên” lại không phải là một khoảng không gian, mà chính là một khoảng thời gian giữa hai nốt nhạc. Và hai nốt nhạc đó là hai nốt lặng, trong một bài nhạc câm, không có nhạc cụ và cũng không có ca sĩ. Còn ở bài khác (bài số hai và bài số tám) thì Thầy cho cô gái đau rát đầu ngón tay vì đánh nốt lặng triền miên.
Tập 7: Thiên lý độc hành, 13 bài, Thầy viết năm 2011-2012, về chuyến đi vạn dặm của một Thiền sư cô độc. Chỉ đọc cái tựa thôi tôi đã thấy dáng dấp lừng lững của một Thiền sư cô độc trong rừng già. Thế nhưng chuyến đi này chỉ có về mà không có đi. Tập thơ 13 bài này bắt đầu bằng “Ta về một cõi tâm không” và kết thức bằng câu “Khi về anh nhớ cài quai nón”. Vì sao? vì mỗi bài thơ là một công án Thiền đó. Bài số 1, “Ta về một cõi tâm không, Vẫn nghe quá khứ ngập trong nắng tàn”; Tâm không có gì hết, mà sao vẫn nghe ngập nắng. Hãy để ý chữ “vẫn”. Ở bài số 2, “Còn đây góc núi trơ vơ, Nghìn năm ta mãi đứng chờ đỉnh cao”; không phải Thầy đứng chờ ở trên đỉnh núi cao đâu, mà Thầy đứng ở góc núi chờ đỉnh núi đi tới, thay vì Thầy đi tới đỉnh núi, vân vân.
Ngoài những Thiền ý và ẩn ý Thầy giấu trong thơ, Thầy còn dùng nhiều chữ mà rất ít người biết, thí dụ chữ “ngất tạnh” (Rừng, mây, xanh, ngất tạnh, vô cùng), hay “phong nhụy” (Để hoa rừng phong nhụy với ngàn lau). Mà ngay cả những chữ rất bình thường chúng ta gặp hàng ngày, mà dưới ngọn bút của Thầy, chúng lại ngầm chứa một nghĩa khác. Ai mà nghĩ được chữ “quán trọ” (Ai đem quán trọ mà ngăn nẻo về) lại là những đoạn đường đày ải trong cuộc đời mỗi chúng ta? Và ai mà nghĩ được tám chữ “Hư không hữu tận, Ngã nguyện vô cùng” mà Thầy viết trong di chúc, lại ngầm chứa ba đại nguyện lớn hơn cả tam thiên đại thiên thế giới? Đây là đại nguyện của Bồ tát, chứ đâu phải của người phàm.
Tôi cũng có trích dịch và đăng vào cuốn sách này một số bài khảo luận của Thầy, như bài Thuyền ngược bến không, hay Truy tìm tự ngã, vân vân, hay từ trong sách của Thầy như cuốn Thắng Man giảng luận, Triết học về tánh Không, vân vân. Lý do vì thơ chỉ là một phần nhỏ trong di sản đồ sộ của Thầy. Mà sẵn vừa mới nhắc đến chữ tánh Không, bạn có biết trong cuốn sách Triết học về tánh Không, Thầy phân tích tánh Không theo quan điểm của ngài Long Thọ, phản bác các giải thích của các triết gia Tây phương, và cuối cùng Thầy định nghĩa tánh Không là như thế này: Là “khi con bướm mùa hè dừng lại trên đóa hoa, khép lại đôi cánh, và đong đưa theo cơn gió của cỏ nội hoa ngàn…”. Không biết bạn nghĩ sao chứ tôi thấy không thể có cái định nghĩa nào hay hơn thế được. Tôi có bàn ý này với thầy Nguyên Siêu (San Diego), và thầy đồng ý.
Cuốn sách này tôi viết bằng tiếng Anh, chứ không phải viết bằng tiếng Việt rồi dịch sang tiếng Anh. Viết bằng tiếng Anh, thay vì dịch, thì lời văn nó tự nhiên với người nói tiếng Anh hơn. Tôi viết bằng tiếng Anh vì tôi muốn cho 3 đứa con, 2 đứa dâu và 1 đứa rể của tôi hiểu biết thêm về văn hóa Việt Nam, qua phần tôi giải thích thơ của Thầy…Tôi coi đây là một thử thách, nên trong sách, tôi đã mượn lời thơ của Thầy, cùng những Thiền ý trong thơ của Thầy và những ưu tư của Thầy về đất nước, để giải thích cho các con tôi hiểu biết thêm về đạo Phật, lịch sử Thiền, hoàn cảnh Việt Nam hiện tại, và sau cùng là tương lai nào cho Việt Nam.
…
Cuốn sách này gom góp tất cả các bài thơ Thầy đã làm mà tôi được đọc, nhưng chắc chắn vẫn còn thiếu sót. Ai biết tôi sót bài nào vui lòng gởi bài đó cho tôi, tôi xin cám ơn trước. Cách đây mấy hôm, chỉ một ngày trước khi tôi giao sách cho nhà in, thì tôi đọc thêm được 2 câu thơ của Thầy:
Năm chầy đá ngủ lòng khe
Lưng trời cánh hạc đi về hoàng hôn
Tôi liền dịch và để vào footnote cuốn sách. Hôm sau, tôi đăng lại gốc bài thơ đó là từ bài viết của cô (hay bà) Diệu Trân (khi đó tôi không biết đây là bút hiệu của Ni sư Thích Nữ Huệ Trân) và cách tôi dịch bài thơ đó trên Facebook.
Nhiều bài thơ của Thầy tôi phải nghiền ngẫm suy nghĩ cả mấy ngày và chỉ dịch khi đã hiểu được. Dĩ nhiên tôi dùng chữ “hiểu” ở đây với nghĩa chủ quan của tôi. Nhiều lần tôi nghĩ mình đã hiểu, dịch thơ Thầy xong, ngày hôm sau đọc lại, tôi lại thấy bài thơ đó có một nghĩa khác, khiến phải xóa đi, làm lại. Không phải một lần, mà nhiều lần như vậy.
Trong cuốn sách này, tôi cũng có trích và dịch những lời giải thích thơ của Thầy do những người đi trước đã viết, như thi sĩ Bùi Giáng, giáo sư Phạm Công Thiện, các Hòa thượng Nguyên Siêu, Phước An, Nguyên Hiền, các văn thi sĩ mà tôi “gặp” trên mạng như bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc và các anh Châu Thạch, Vĩnh Hảo, vân vân, và đăng kèm chung với lời giải thích bài thơ của Thầy theo ý của tôi. Phần References và Index ở cuối sách đều có tên của họ, tên sách hay tên bài khảo luận của họ, sắp xếp theo tiêu chuẩn quốc tế APA, tiện cho độc giả tra cứu. Mục đích của tôi không phải để so sánh với họ mà chỉ để các bạn biết thêm về ảnh hưởng của thầy trên văn hóa Việt, cũng như con người của thầy (vì tôi không có cái diễm phúc được gặp Thầy và làm học trò của Thầy), mà những người đã gặp Thầy đều nói là Thầy sống đạm bạc, nhưng có một đầu óc rất phong phú, nhớ được câu chuyện đó ở trang nào, sách nào.
Vì mục đích muốn phổ biến sự đóng góp vô cùng to lớn của Thầy cho đạo pháp cũng như cho đất nước mình, tôi mời các bạn vào đọc cuốn sách này ở trang mạng của tôi: advancedmathematics.com.au/Dreamson.
Ở trang mạng này, bạn cũng có thể download bản pdf về để đọc sau, hay nếu bạn thích có một cuốn sách in đẹp thì bạn mua ở đây. Hai cái links này tôi để ngay đầu trang, cột bên trái, trên phần counter (đếm số người đã vào xem).
Hy vọng bạn không thất vọng khi đọc cuốn sách Dreams on the peak of the Mountain này của tôi.
Terry Lee.