Dư luận chung quanh văn bằng Tiến sĩ của Thích Chân Quang
Nguyễn Xuân Diện: Vụ luận án tiến sĩ của Vương Tấn Việt, Bộ Giáo dục &Đào tạo cần thanh tra những gì?
Trước hết, phải nói là tôi không nghi ngờ gì về chuyên môn của Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), và cho đến nay Thanh tra Bộ cũng chưa có điều tiếng lớn nào. Tôi cũng không có chuyên môn về thanh tra, vì vậy, ở đây nếu có điều gì sơ xuất về nghiệp vụ thì tôi thành thực xin lỗi. Tôi cũng không có ý định “đánh trống qua cửa nhà sấm”, hay “cầm đèn chạy trước ô tô”. Mong các thầy thanh tra Bộ và anh chị em thông cảm.
Trường Đại học Luật Hà Nội là trường đại học công lập đào tạo luật pháp hàng đầu của Việt Nam, trực thuộc Bộ Tư pháp và chịu sự quản lý nhà nước về giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo (Wikipedia). Vì vậy Bộ GD-ĐT đương nhiên có quyền thanh tra các vấn đề giáo dục và đào tạo ở trường này ở các cấp đại học và sau đại học.
CÁC NỘI DUNG CẦN THANH TRA
Vụ việc Nghiên cứu sinh tiến sĩ Vương Tấn Việt, tức thượng tọa Thích Chân Quang hoàn thành thần tốc luận án Tiến sĩ Luật học chỉ trong 2 năm tại trường Đại học Luật Hà Nội đã gây chấn động lớn trong dư luận xã hội. Nhiều nghi vấn được đặt ra. Nhiều uẩn khúc cần làm sáng tỏ. Nhiều góc cạnh từ văn bằng, tuyển sinh đầu vào, quá trình học tập và quy trình bảo vệ luận án, thu thập phiếu điều tra để làm tư liệu, quan điểm học thuật, đóng góp mới của luận án, tác giả đích thực của luận án, quan hệ thầy trò, đều cần được soi chiếu, mổ xẻ, thanh tra làm rõ và kết luận khách quan.
1.- Thanh tra các văn bằng:
Cần thanh tra tất cả các văn bằng có trong hồ sơ và khai trong hồ sơ:
Văn bằng gồm: Bằng tốt nghiệp Cấp ba Bổ túc văn hóa, 02 văn bằng Đại học: Văn bằng 1 là Ngoại ngữ và Văn bằng 2 là Luật học.
Ở đây có hai nghi ngờ: Thứ nhất là bằng cấp Ba, hiện chưa biết đó là bằng thật hay ngụy tạo. Văn bằng đại học 1 thì hiện chưa rõ có hay không, vì trong ngày bảo vệ luận án, Thư ký Hội đồng đọc là tiếng Anh điểm thi IELTS 6.0, vậy có hợp lệ không?
Riêng đối với bằng tốt nghiệp cấp Ba của ông Vương Tấn Việt, nếu cần sẽ phải trưng cầu kết quả giám định của Viện Khoa học Hình sự (Bộ Công an).
2- Thanh tra hồ sơ tuyển sinh:
Hồ sơ tuyển sinh của nghiên cứu sinh nộp gồm những gì, xác nhận nộp hồ sơ giao cho nghiên cứu sinh và vào sổ của hội đồng tuyển sinh.
Tại thời điểm tuyển sinh và khi ông Vương Tấn Việt nộp hồ sơ thì quy định đầu vào là như thế nào?
Đầu vào phải so sánh giữa hướng dẫn của Bộ GD-ĐT và quy định của trường Đại học Luật Hà Nội để xem trường có quy định gì khác và trái với Bộ không?
Hơn nữa, lại cần thanh tra xem từ lúc tuyển sinh đến lúc ông Vương Tấn Việt bảo vệ luận án và đến nay, các quy định đầu vào của trường có gì điều chỉnh thay đổi, cập nhật bổ sung, và việc đó có ảnh hưởng gì đến quá trình đào tạo của nghiên cứu sinh Vương Tấn Việt.
Nếu có bất kỳ điều gì không đáp ứng quy định về đầu vào thì coi như đã sai phạm và cần hủy kết quả tuyển sinh.
Nếu cơ sở đào tạo là trường Đai học Luật Hà Nội sửa đổi với động cơ nhằm chữa cháy cho nghiên cứu sinh thì đó cũng là sai phạm, cần hủy kết quả tuyển sinh.
Hồ sơ tuyển sinh cần được xem xét các khía cạnh khác nhau:
– Bằng cấp có đáp ứng không? Có bằng nhưng có đi học thật không?
– Các bài báo khoa học có đúng ngành và đủ về số lượng không? Các bài này được công bố có đúng trong thời gian thuộc về thời gian hồ sơ tuyển sinh không?
3. Thanh tra quá trình học tập:
Quá trình học tập bao gồm thời gian vật chất để hoàn thành các tín chỉ, chứng chỉ buộc phải có đối với nghiên cứu sinh.
Đây là một điều rất quan trọng, vì có những nghiên cứu sinh nợ môn, nộp muộn, công đoạn sau làm trước, công đoạn trước làm sau. Đặc biệt đối với nghiên cứu sinh Vương Tấn Việt làm luận án trong thời gian xảy ra đại dịch COVID-19, việc đi lại rất khó khăn do các chỉ thị cách ly xã hội theo chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ.
Quá trình này còn phải xem xét đến các MỐC thời gian nộp bản thảo luận án: Có đúng hạn không? Từ việc nộp để chờ nhận xét có đủ thời gian cần thiết không? Có bị bỏ qua khâu nào không?
Các bản nhận xét phản biện Độc lập (Phản biện kín) có yêu cầu nghiên cứu sinh sửa chữa gì không và nghiên cứu sinh thực sự có sửa chữa theo góp ý không? Sửa chữa hay không sửa chữa đều phải có bản giải trình tiếp thu.
Ngoài 2 bản phản biện Độc lập cho toàn văn Luận án, thì Bản tóm tắt 24 trang có được gửi đến ĐÚNG NƠI theo quy định và được thu về ĐỦ SỐ LƯỢNG không?
4. Thanh tra QUY TRÌNH BẢO VỆ LUẬN ÁN
Luận án Tiến sĩ đều phải trải qua hai lần bảo vệ: bảo vệ thử (tức là bảo vệ ở bộ môn, khoa), và bảo vệ chính thức (còn gọi là cấp Nhà nước, cấp Học viện, cấp Trường). Giữa hai lần bảo vệ này phải đảm bảo đủ về thời gian để nghiên cứu sinh tiếp thu sửa chữa, báo cáo giải trình việc sửa chữa…
Quy trình buổi bảo vệ Luận án cũng có quy định cụ thể theo các bước, mà không bước nào được bỏ qua. Ví dụ, sau khi Thư ký Hội đồng đọc Lý lịch khoa học của nghiên cứu sinh, thì đọc xong, Chủ tịch Hội đồng đánh giá Luận án Tiến sĩ sẽ hỏi:
– Hội đồng, các thành viên Hội đồng, và các vị cử tọa có thắc mắc hoặc bổ sung gì về tiểu sử của nghiên cứu sinh, về các loại văn bằng, chứng chỉ, về các công trình đã công bố của nghiên cứu sinh không?
Nếu có, và là những vấn đề nghiêm trọng thì có khi phải lập biên bản và dừng buổi bảo vệ luận án. Nếu không có ý kiến gì, thì Chủ tịch Hội đồng mới điều hành để sang phần tiếp theo: Nghiên cứu sinh sẽ trình bày tóm tắt kết quả nghiên cứu của luận án không quá 30 phút.
5- Thanh tra LUẬN ÁN TIẾN SĨ
Đây là nội dung thanh tra quan trọng nhất và mang tính quyết định.
Bộ GD-DT cần mời một đội ngũ các nhà chuyên môn chấm lại luận án của ông Vương Tấn Việt xem luận án này có đảm bảo hàm lượng kiến thức, quy cách và đóng góp mới xứng đáng một luận án tiến sĩ không.
Họ phải là những nhà khoa học hàng đầu, có nhân cách Con Người, có nhân cách Nhà Khoa học, có kiến thức và bản lĩnh thì mới xứng đáng mời vào hội đồng này; chứ giáo sư tiến sĩ bây giờ nhan nhản những kẻ bệ rạc về tư cách, chỉ ưa nịnh và tham tiền!
Tóm lại, Bộ GD-ĐT cần thanh tra làm rõ toàn bộ quá trình học tập và lấy văn bằng Tiến sĩ của ông Vương Tấn Việt (tức Thích Chân Quang) tại trường Đai học Luật Hà Nội công bố với báo chí và dư luận.
Đó là trách nhiệm Bộ GD-ĐT đối với nhân dân và đất nước. Cũng là một việc làm cần thiết để lấy lại niềm tin của nhân dân đối với sự nghiệp giáo dục và hệ thống văn bằng đang được cấp từ Bộ GD-ĐT. Đó chính là góp phần Chấn hưng Giáo dục nước nhà.
30.6.2024
***
Bùi Xuân Đính: Từ vụ án trường thi thời Lê – Trịnh, nghĩ về “vụ Tiến sĩ “nhảy cóc” Vương Tấn Việt
- Từ các vụ án trường thi thời Lê – Trịnh
Thi cử là biện pháp chính để tuyển chọn đội ngũ quan lại cho Nhà nước phong kiến. Đi học, thi đỗ để ra làm quan là con đường tiến thân chính, không chỉ mong được “đổi đời” cho bản thân, mang vinh quang về cho gia đình, dòng họ và cho cả làng xã của nhiều người; mà còn là ước vọng, hoài bão được “thi thố với đời”, được “lập thân, lập công, lập ngôn, lập đức”, để góp phần “trị quốc bình thiên hạ” của biết bao kẻ sĩ. Vì vậy, xưa kia, phần đông học trò khắc phục khó khăn, thiếu thốn, miệt mài đèn sách trong học tập, mang tinh thần và ý chí “quyết thắng” khi đi thi. Họ là những người “học thật, thi thật, để trở thành tài thật”, hay bằng cấp, học vị của họ sánh cùng tài đức. Và, với trách nhiệm chọn ra được những người đỗ đạt thực tài, phần đông các vị quan được cử làm nhiệm vụ ở các kỳ thi đều nghiêm khắc với việc thi cử.
Tuy nhiên, trường thi phong kiến cũng đầy khắc nghiệt, vì bài thi nhiều, đề thi khó, quy chế làm bài rất khắt khe, người dự thi rất đông, người được lấy đỗ lại quá ít (có khoa thi trên 5.000 người dự mà chỉ lấy đỗ vài chục người). Vì vậy, dưới thời phong kiến, có không ít người giở trò gian lận. Sĩ tử thì mong được “nêu tên trên bảng vàng để về làng vinh quy bái tổ”; còn quan trường thi gian lận vừa để kiếm tiền của người đi thi, vừa móc ngoặc để con em mình được đỗ, gây ra những vụ án trường thi có tiếng mà sử cũ đã ghi lại (các vụ án này đã được đăng trong sách LUẬT XƯA ÁN CŨ” của người viết (Nxb. CTQG ST, 2023).
Vụ gian lận trường thi đầu tiên mà sử cũ ghi lại có lẽ là vụ xảy ra vào năm Quý Sửu, niên hiệu Dương Đức đời vua Lê Gia Tông (năm 1673). Bấy giờ, tại kỳ thi Hương (thi lấy học vị Hương cống, như Cử nhân sau này) ở Thăng Long, Tham chính sứ Thanh Hoa là Vũ Vĩnh Hồi (có sách chép Vũ Cầu Hối, do chữ “Vĩnh” và chữ “Cầu”, chữ “Hồi” và chữ “Hối” có tự dạng giống nhau), “ăn tiền bạc, gửi gắm sĩ tử trong bốn kỳ thi”; Phủ doãn Phụng Thiên (như Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội hiện nay) Ngô Sách Dụ coi việc trường thi đã “ngầm đem sách vở và văn cũ vào trường, cho người nhà viết thay quyển thi, trà trộn đưa vào chấm lấy đỗ, ăn tiền theo giá đã định trước”. Việc bị phát giác. Cả Vũ Vĩnh Hồi và Ngô Sách Dụ đều bị tội đồ (đi làm lao dịch).
Cũng khoa thi đó, Lê Chí Đạo là Tham chính sứ Sơn Tây làm sai lệch trong việc thi khảo các sĩ tử, đem tất cả các quyển thi mới trúng cách (mới tạm đủ tiêu chuẩn đỗ, chưa xem xét lại) được nêu tên vào bảng thi đỗ, lại cho nhiều sĩ tử gà văn cả bốn kỳ thi cho những người đi thi. Chí Đạo bị luận tội, phải bãi chức.
Khoa thi Giáp Dần niên hiệu Đức Nguyên (năm 1674), Tham chính sứ Nghệ An là Lương Thực (Lương Khoái) ức hiếp sĩ tử để lấy tiền bạc trong kỳ thi Hương bị phát giác. Thực bị giáng chức, về Kinh đô làm việc sai phái.
Tháng Chạp năm Bính Tý, niên hiệu Chính Hòa, đời vua Lê Hy Tông (khoảng tháng 01/1697), có một vụ án trường thi chấn động triều đình. Bấy giờ, Ngô Sách Tuân là Hộ khoa Cấp sự trung được cử đi làm Giám thí (Phó chủ khảo) ở trường thi Thanh Hoa (Thanh Hóa ngày nay). Trong các sĩ tử dự thi tại đây, có cả hai con của Tham tụng (Tể tướng) Lê Hy.
Trước khi vào Thanh, Ngô Sách Tuân có đến gặp Lê Hy. Không rõ hai vị quan có bàn luận đến kỳ thi sắp tới ở Thanh Hoa hay không mà sau đó, cả hai quyển thi của con Lê Hy đều không đủ điểm đỗ, song vẫn được Tuân giao cho các khảo quan xét lại và cho lấy đỗ. Việc bị phát giác, Ngô Sách Tuân sau đó bị khép vào tội giảo (thắt cổ cho chết), Ngô Hải bị bãi chức vì biết sự việc mà không phát giác. Đây là vụ án trường thi duy nhất thời phong kiến, người có liên quan phải chịu hình phạt cao nhất là án tử.
B. Đến vụ ‘Tiến sĩ “nhảy cóc” Vương Tấn Việt ở Đại học Luật”
Vụ ‘Tiến sĩ “nhảy cóc” Vương Tấn Việt ở Đại học Luật” om sòm trên báo chí và mạng xã hội nhiều ngày nay. Rồi đây, vụ việc sẽ được các cơ quan chức năng làm rõ. Tôi vốn hay suy – so từ lịch sử, nên có mấy ý thế này:
1. Thời phong kiến, các kỳ thi Hương (lấy học vị hương cống, cử nhân) và thi Hội, thi Đình (lấy học vị tiến sĩ) chỉ thi tập trung. Sĩ tử khắp nơi về một trường thi nào đó để “lều chõng”, trong sự giám sát nghiêm ngặt của quân đội. Ấy vậy mà, tiêu cực vẫn xảy ra.
Ngày nay, với hình thức học ở bậc nghiên cứu sinh, việc bảo vệ các bậc (chuyên đề, hội đồng cơ sở, hội đồng cấp cuối cùng …) đều “kin mà hở”, người đi thi dễ dàng tiếp cận được người chấm thì kiểu gì mà chẳng có tiêu cực xảy ra. Bởi vậy, vụ anh chàng Vương Tấn Việt “về đích chương trình học tiến sĩ” đến xấp xỉ nửa thời gian, tôi dám chắc có sự “tắt mắt”, gian lận, phạm luật, thậm chí có hệ thống, từ người đi học đến cơ sở đào tạo, những người thầy có liên quan. Và tôi dám lấy cái danh “sư” của mình ra bảo đảm sự dám chắc này (chỉ danh “sư” thôi nhé, không lấy vị “sĩ” đâu, vì học vị Phó Tiến sĩ 1997 của tôi là thật, tôi phải mất 19 năm giời từ khi là cử nhân (1978) mới giành được, rất trầy trật, tưởng đứt gánh giữa đường mà tôi đã nêu trên Facebook 2 năm trước.
2. Tiêu cực trường thi thì đời nào cũng có, vấn đề là phát hiện và xử lý như thế nào thì mỗi thời mỗi khác. Qua các vụ án trường thi thời Lê – Trịnh nêu ở trên cho thấy, tất cả các vị quan dính dáng đến tiêu cực đều bị xử lý rất nặng: bị bãi chức, tội đồ (bắt đi làm lao dịch), thậm chí có người như Ngô Sách Tuân còn phải chịu án tử (riêng trường hợp Tể tướng Lê Hy lại “bình an vô sự” vì có tính tiết lắt léo riêng, sẽ nói ở một bài khác).
Vậy rồi đây, nếu cơ quan chức năng làm rõ vụ việc và kết luận vụ “tiến sĩ “nhảy cóc” Vương Tấn Việt” có sai phạm, phạm luật một cách hệ thống thì sẽ xử lỹ sao nhỉ? Hôm qua (và hôm trước) tôi có đề nghị mức “án”:
– Hủy bỏ bằng tiến sĩ của Vương Tấn Việt (đương nhiên rồi, vì là tiến sĩ cực dỏm).
– Cách chức hiệu trưởng trong thời gian có nghiên cứu sinh Vương Tấn Việt học tập và làm luận án tại trường (nếu không còn tại chức nữa thì kỷ luật “xóa tư cách hiệu trưởng nhiệm kỳ ….”;
– Kỷ luật tất cả các vị có chân trong hội đồng chấm chuyên đề, hội đồng chấm luận án cấp cơ sở, những người phản biện độc lập, hội đồng bảo vệ luận án chính thức (cấp trường); đặc biệt kỷ luật nặng tập thể giáo viên hướng dẫn, những người phản biện độc lập, vì đã cho qua một luận án “dỏm”, góp phần cho “xuất xưởng” một tiến sĩ rởm, gây phẫn nộ dư luận, có thể coi là ‘tội lừa dối khách hàng”.
Nếu không xử lý lý kiên quyết, nghiêm khắc thì:
– Dân chúng sẽ cho rằng, luật của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam thua xa luật nước Việt Nam phong kiến thời Lê – Trịnh, chẳng lẽ chúng ta tụt lùi so với lịch sử?
– Sẽ có nhiều người đi học theo lối dùng tiền để nhanh chóng có bằng, tạo ra một lũ tiến sĩ ‘giấy lộn”, chỉ là những kẻ phá hoại xã hội, chứ không có ích gì cho xã hội; làm tha hóa đội ngũ những người thấy, kể cả người có hàm vị sư sĩ; làm biến chất các cơ sở đào tạo. Dân chúng cũng sẽ cho rằng, nền giáo dục, nhất là giáo dục trình độ cao ở nước ta hiện nay “thối nát đến mức không thể ngửi được”, bởi một trường đại học đào tạo ra cán bộ bảo vệ chế độ, bảo vệ con người như Đại học Luật Hà Nôi mà còn phạm luật đến thế, thì các sơ sở đào tạo khác sẽ ra sao?
Tôi cứ nêu vấn đề như thế, ai phản biện tôi xin mời, và luận bàn, nhưng đừng đao to búa lớn nhé!
Và tôi chờ kết quả xử lý vụ việc.