“Bến Bạch Đằng” đổi tên thành “Ga tàu thủy Bạch Đằng”?

Ga tàu thủy Bạch Đằng – Ảnh CMC

Cù Mai Công: Không chỉ người Sài Gòn, người Việt cũng không nói tiếng Việt kiểu kỳ dị như vầy

Thiên hạ khắp nơi chứ không chỉ là người Sài Gòn, có cả những bậc trí giả, túc nho… đang nổi giận về cái cụm từ “Ga tàu thủy Bạch Đằng”.

Cơn giận có cơ sở vì đây là một cụm từ kỳ dị, kết hợp một mớ từ “hổ lốn”, “hằm bà lằng” gồm cả từ gốc tiếng Pháp (gare), tiếng Tàu (thủy 水) lẫn tiếng Ta (tàu). Ai học, chú ý ngôn ngữ tiếng Việt đều biết có một nguyên tắc cơ bản trong tiếng Việt: từ gốc Việt đi với từ gốc Việt, từ gốc Hán Việt đi với từ gốc Hán Việt… 

Trước 1975, ở miền Nam, người ta dùng từ Hán Việt, chưa phải đã hay nhưng ít ra từ Hán Việt đi với từ Hán Việt, không Tây – Tàu – Ta lẫn lộn và thống nhất cách gọi: hải cảng (cảng biển), giang cảng (cảng sông), xa cảng (cảng xe), phi cảng (cảng bay – dịch từ airport). Không lung tung như hiện nay: bến xe, ga hành khách, ga hàng không, ga tàu hỏa, ga tàu thủy, cảng biển, cảng sông, sân bay…

Hẳn có người cũng cố biện bạch ga (gare) trong từ nguyên (tiếng Pháp) bao gồm cả những công trình, nhà cửa cho xe cộ, xe lửa… lẫn tàu thuyền. 

Đây là cách hiểu “học đã sôi cơm nhưng chửa chín” khi không nắm được một nguyên tắc nữa trong mọi ngôn ngữ: mỗi vùng đất, mỗi xứ sở, mỗi dân tộc… đều có cách hiểu khái niệm một từ nào đó của riêng mình. Có những từ Hán Việt được người Việt hiểu khác với từ Hán gốc. Với người Việt xưa nay, không chỉ người Sài Gòn/người miền Nam, ga vốn chỉ dành cho (bến) xe lửa. 

Đọc bài thơ, nghe nhạc phẩm “Chiều sân ga”, “Tàu đêm năm cũ” người ta đều hiểu ga này là ga xe lửa, không phải “ga hành khách” như tấm bảng trước bến xe buýt quận 8, càng không phải “ga tàu thủy Bạch Đằng” đang dậy sóng sông Sài Gòn hiện nay. 

Với người Việt xưa nay, không chỉ người Sài Gòn/người miền Nam, nơi đưa đón hành khách đi đường sông, đường biển, đường bộ… đều gọi là bến: ngoài Bắc có bến Bính, bến Xanh, bến xe Mỹ Đình, bến xe Gia Lâm, bến xe Nước Ngầm…; trong Nam có bến xe miền Tây, bến xe miền Đông, bến xe Tây Ninh, bến xe Cần Thơ và bến Bạch Đằng, bến Chương Dương, bến Hàm Tử, bến Nhà Rồng, bến Ninh Kiều… Không sao kế xiết vì đâu đâu cũng nói vậy.

“Dừng chân trên bến khi chiều nắng chưa phai…” (nhạc phẩm “Sài Gòn đẹp lắm”), “Về bến Ninh Kiều thấy nàng đợi người yêu” (nhạc phẩm “Chiếc áo bà ba”)… Vô số người biết, từng hát những lời hát, bài hát này.

Trong đó từ “bến” là cách gọi rất Việt cho từ “quai” của tiếng Pháp vốn dành cho cả bến xe lẫn bến tàu.

Giờ bỗng dưng người ta đẻ ra cái gọi là “Ga tàu thủy”. Có lẽ từ suy nghĩ đơn giản và ngô nghê: có “ga tàu hỏa” thì có “ga tàu thủy” cũng bình thường (may mà người ta chưa sáng tạo ra “ga tàu bay”).

Thiên hạ đã, đang nổi giận và hoàn toàn có cơ sở thực tế lẫn lý luận của cơn giận chính đáng này, trước cụm từ phá hoại sự trong sáng của tiếng Việt kia. Nó kỳ quặc kiểu lai căng vì khác cách nói của dân Việt chứ không chỉ người Sài Gòn. 

Dưới có ghe, có thuyền, có tàu bè, ca nô… thì trên phải là bến. “Trên bến dưới thuyền”. Đó là chưa nói “Bến Bạch Đằng” ai cũng biết xưa giờ đã là một cụm từ quen thuộc, mang tính văn hóa của người Sài Gòn. 

Ngành chức năng và tác giả cụm từ này tới giờ vẫn im lặng kiểu “chắc nó trừ mình ra”. Truyền thông báo chí tới giờ cũng chưa lên tiếng. Lẽ nào chỉ dân biết, dân bàn, dân nghe; còn cái bảng chữ Tây – Tàu – Ta kỳ dị ấy vẫn sờ sờ ra đó, làm gì nhau?!

Cù Mai Công

***

Trương Nhân Tuấn: Chuyện gì của Sài gòn thì hãy để người Sài gòn lo liệu.

Chữ “bến”, “chợ”… miền nam. Bến kiểu “Bến tre, Bến thành, Bến nghé, bến Bạch Đằng, Bến lức…”, “chợ” kiểu Chợ Rẫy, Chợ Lớn… tương tự chữ “hàng” ở miền bắc, kiểu Hàng Cỏ, Hàng Mã, Hàng Bông v.v… Những chữ này do sử dụng lâu ngày đã trở thành “danh từ riêng” chỉ địa danh.

Người ta không nói “Ga Cỏ” mà Ga Hàng Cỏ (Ga Hà nội). Người ta không nói cầu Lức mà nói “cầu Bến Lức”, nói “bịnh viện Chợ Rẫy chớ không ai nói “bịnh viện Rẫy…” Ngoài ra ta nói Phố Hàng Buồm, phố Hàng Mã… chớ không ai nói “phố Buồm hay phố Mã”…

Trường hợp “Ga tàu thủy Bạch Đằng” thay vì “bến Bạch Đằng” theo tôi có nhiều điều cần nói.

Theo tôi, cách hay nhứt để giải quyết là chuyện gì của Sài gòn thì hãy để người Sài gòn lo liệu. Chuyện “bến” hay “ga” hãy để người Sài gòn lựa chọn.

Trương Nhân Tuấn

***

Hân Phan: Vì sao là “Ga tàu thủy Bạch Đằng”?

Tôi biết nhiều bạn không thích đọc sách, nên 1984 hay George Orwell đối với các bạn chả có gì hấp dẫn! 

Nhưng khi xúm nhau chửi vụ “Ga tàu thuỷ Bạch Đằng”, tôi nghĩ các bạn cũng nên thử suy xét sâu xa hơn 1 chút, tại sao họ muốn làm điều đó? Như cách họ thay biển báo giao thông khắp miền Nam từ “bùng binh”, “vòng xoay” thành “vòng xuyến”; “giao lộ”, “ngã 4 – ngã 5…” thành “nút giao” kiểu ngoài Bắc. Mặc nhiên chọn tiếng Bắc thành “quốc ngữ”, mỗi ngày đều tìm cách triệt phá sự đa dạng của phương ngữ vùng khác, nhất là ngôn ngữ cũ của miền Nam trên mọi phương diện đọc, viết, đặc biệt là sách giáo khoa. Đỉnh cao dã man là hướng học sinh đến cách làm văn theo bài mẫu. Đó là sự dã man nhất đối với trí tuệ con người mà không có hội phụ huynh nào đủ can đảm giúp con em mình chống lại nó. Bởi họ yêu điểm số hơn trí thông minh lành mạnh của đứa con. 

Trong khi nhiều tổ chức quốc tế người ta còn tìm cách cứu lấy “tử ngữ”, giữ gìn sự đa dạng ngôn ngữ của các quốc gia nhỏ, sắc tộc thiểu số,… để giữ gìn đa dạng văn hoá, bản sắc, giữ gìn một thế giới phong phú… Thì tại sao giáo dục của ta, bộ máy tuyên truyền và kiểm duyệt của ta luôn nỗ lực hướng đến sự rập khuôn, đồng hoá? 

Các bạn chịu khó đọc 3 trang sách tôi trích dẫn bên dưới, chỉ 3 trang thôi, để phần nào hiểu được 1 cách khái quát nhất, đơn giản nhất về chuyện đổi tên nghe rất ngu ngốc, rất đơn giản nhưng thực chất đó là 1 vụ nhỏ nằm trong cả chuỗi âm mưu của một chính sách vô cùng vĩ đại được thực thi gần 50 năm qua. Hướng đến mục đích cuối cùng: phá huỷ tư duy của bạn. 

Nếu 3 trang sách này đủ gây tò mò thì bạn hãy tìm đọc trọn vẹn 1984. George Orwell nổi tiếng ở Việt Nam với Trại Súc Vật, nhưng thật ra, 1984 còn cao thủ hơn. Nó lật tẩy hết mọi trò thâm sâu của Cộng sản, nhất là về chiến lược tàn phá tư duy, huỷ diệt sức kháng cự của tầng lớp bị trị. Đọc đi, vì tôi không có thời gian kể lể chi tiết. Muốn khôn ra mà lười? Ở đâu có sung rụng sẵn vậy chứ?

P.S: nói thêm, 1984 là sách cấm phải in chui, hoặc đọc online chứ cuốn này không có trong nhà sách, khỏi vô đó tìm mất công nha!

Nói thêm nữa, post này tôi viết mấy năm trước nhân vụ bọn chúng lăm le đổi cách gọi “xe buýt” thành “xe khách thành phố”. Nay tôi chỉ đổi xe khách thành phố ra “Ga tàu thuỷ Bạch Đằng” là mọi quan điểm trong bài vẫn y vậy không cần sửa! Các bạn đã tin tôi chưa? Chúng nó làm mọi chuyện đều có mục đích, mục đích đó vô cùng nham hiểm. Và làm một cách kiên trì, bền bỉ để đi đến bước cuối cùng: huỷ hoại dân tộc này một cách triệt để. 

Và khi nào rảnh tôi sẽ nói về lý do Cộng sản muốn huỷ hoại dân tộc này. Thứ mà Cộng sản hay bọn thiên tả tôn thờ không thuần túy chỉ là quyền lực hay lợi ích. Nó ma quỷ, hắc ám hơn nhiều so với chúng ta tưởng tượng.

Hân Phan

***

Nguyễn Gia Việt: Đôi điều về chữ nghĩa…

Nhìn “Ga tàu thuỷ Bạch Đằng” ở giữa sông nước Sài Gòn mà buồn lòng quá xá!

Lịch sử, văn hoá Sài Gòn đã có sự khó hiểu, sai lệch từ những năm sau này, khi mà cái chữ nghĩa miền Nam đã bị hiểu sai lệch. Nhìn từ Bến Bạch Đằng.

Lịch sử Bến Bạch Đằng đơn giản. Đây vốn là đất Kompong Luông vùng Sài Gòn. Pháp qua đặt tên đường từ cột cờ Thủ Ngữ tới công trường Mê Linh là Quai le Myre de Vilers, đoạn còn lại tới Ba Son là Quai d’Argonne.

Sau 1955 Tổng thống Ngô Đình Diệm nhập hai đoạn đường lại đặt thành Bến Bạch Đằng. Kêu là bến vì đây là đại lộ ven sông, dưới là bến sông nhiều ghe tàu.

Sau 1975 Bến Bạch Đằng bị xoá tên, đặt thành đường Tôn Đức Thắng. Tuy nhiên người Sài Gòn vẫn kêu là Bến Bạch Đằng.

Và nay xuất hiện “ga tàu thuỷ” tại bến Bạch Đằng.

Trong lịch sử văn hoá Miền Nam chúng ta chữ “tàu” đã có nước rồi thì mắc mớ chi còn “ga tàu thuỷ” khi chữ thuỷ là nước?

Có ai, có người miền Nam, người Sài Gòn nào nghĩ Bến Bạch Đằng là bến xe bao giờ mà để “tàu thủy”?

Chữ “Bến tàu Bạch Đằng” là đã đủ.

Ông bà ta thường nói “Trên bến dưới thuyền”, có nghĩa bến là chỗ tàu bè, ghe thuyền đậu đặng chất hàng hóa, bắt cầu leo lên bờ.

Trong lịch sử Sài Gòn là Bến Bạch Đằng không còn tên, xế chút là Bến Chương Dương, Bến Hàm Tử cũng đã mất tên.

Cái bến của miền Nam có tội gì mà từ từ bị cho ra rìa? 

Nam Kỳ mình có thói quen cất nhà dựa mé sông, thành ra trước nhà nào cũng có cái bến nhỏ với tấm ván lót de ra sông, buộc sẳn chiếc ghe.

Rồi chợ cũng cất sát sông, dễ hiểu là cho tàu bè chở hàng hóa lên chợ cho dễ, vậy là sau chợ sẽ có cái bến. 

Cái chợ nổi tiếng nhứt Nam Kỳ, giàu có nhứt Lục Tỉnh là chợ Bến Thành, nằm trên cái bến ngay hào thành Sài Gòn xưa.

Có bạn hỏi, chợ Mỹ Tho cũng có bến sau lưng sao không kêu là bến luôn? Xin thưa Mỹ Tho là địa danh có từ xưa nhưng cái bến chợ Mỹ Tho cũng có thể kêu là Bến vì thời Pháp con đường đó tên là Quai Galliéni (Trưng Trắc), Quai là bến rồi.

Ta bắt đầu dạo chơi từ Sài Gòn, đô thành thân yêu của người Lục Tỉnh.

“Sông Bến Nghé tàu phun khói mịt

Chợ Bến Thành súng bắn nổ vang

Cả tiếng kêu các tổng, các làng

Đứng lên đuổi bọn xâm loàn về Tây”

Ngày xưa Nam Kỳ có nhiều cái bến mà ở đó có Cầu Tàu Lục Tỉnh, Bến Bạch Đằng có nhiều cầu tàu.

Tàu trong văn hoá Miền Nam là loại chạy trên mặt nước.

Những thứ chạy trên mặt đất là xe, có xe lửa, xe hơi, ce cam nhông, xe taxi, xe Honda, xe đạp, xe xích lô, xe cút kít, xe ba gác.

Miền Nam có xe đò là xe chạy liên tỉnh, cái chữ đò là dính thói quen sông nước của những chuyến đò ngang và đò dọc.

Ảnh hưởng của sông nước rất rõ ràng, từ sông lên bờ, xe chạy liên tỉnh kêu là bến xe đò lục tỉnh, xa xôi kêu là “đò giang cách trở”.

Bến xe thì có bến xe lam, bến xe ngựa, bến xe đò….

“Sài Gòn có bến Chương Dương

Có Dinh Độc Lập, có đường Tự Do

Có Chợ Quán, có Cầu Kho,

Bến xe Lục Tỉnh, con đò Thủ Thiêm”

Cái bay trên trời dân Nam Kỳ kêu là phi cơ. Thiết xa là xe lửa.

Người Miền Bắc lộn xộn không phân biệt được gì hết cứ kêu “tàu” hết, xe lửa kêu tàu hoả, phi cơ kêu tàu bay, tàu thiệt kêu “tàu thuỷ”.

Rồi họ lại áp cái văn hoá “tàu” lùm lum vô miền Nam sau 1975 để ép Tân Sơn Nhút thành Tân Sơn Nhất, trong đó có “tàu bay”, có “ga tàu bay”.

Rồi cái bến tàu ở Bến Bạch Đằng trong văn hoá Sài Gòn Gia Định giờ ghi là “Ga tàu thuỷ Bạch Đằng” (??). Không cho ai nói được câu nào hết.

Xin hỏi có người dân Sài Gòn nào nghĩ chữ “tàu” phải có thêm chữ “thuỷ” mới trúng hông?

Nói ra không phân biệt, không bài bác, không hiềm khích. Nhưng cái nào của miền Nam thì phải ra miền Nam, cái nào của miền Bắc thì phải ra miền Bắc nó mói là tôn trọng văn hoá vùng miền.

Nguyễn Gia Việt 

#8saigon