Dương Như Nguyện: Thuyết Lập Hiến
LỜI GIỚI THIỆU VỀ CHỦ THUYẾT LẬP HIẾN (constitutionalism)
NÓI VỀ THUYẾT LẬP HIẾN:
“Điểm quan trọng nhất của cơ chế “rule of law” mà điển hình là nước Mỹ từ thuở lập quốc cho đến nay nằm ở thuyết lập hiến. Nói nôm na, thuyết lập hiến có nghĩa là bản hiến pháp được dùng để hạn chế quyền lực của chính phủ, và toàn thể cơ chế luật pháp của một quốc gia phải bắt đầu và dựa trên hiến pháp. Bản hiến pháp trở thành cái chìa khóa canh giữ chính phủ không được lạm quyền. Nếu không có triết thuyết lập hiến ăn sâu vào văn hóa chính trị của một quốc gia và được thi hành dựa trên dân trí cao, thì bản hiến pháp cũng chỉ là một dụng cụ của những cá nhân chạy theo quyền lực và muốn áp đặt quyền lực ấy lên đám đông mà thôi, vì họ sẽ dùng bản hiến pháp để ban bố quyền lực cho chính họ. Như thế bản hiến pháp trong tay những kẻ lạm dụng quyền lực không còn là “rule of law” mà là “rule of men.” Các nhà lập hiến của Hoa Kỳ (ngay từ thời vua Quang Trung ở Việt Nam) đã tạo ra bản hiến pháp Hoa Kỳ dựa trên thuyết lập hiến để ngăn cản tệ trạng này khỏi phải xảy ra cho đất nước của họ.
Đây là hai lý do chính tại sao bản hiến pháp Hoa Kỳ đã trường tồn 200 năm: (1) Một cơ chế tòa án bảo hiến độc lập (cho dù các chánh án có nhiệm vụ giám sát việc thi hành hiến pháp vẫn ăn lương từ tiền thuế của dân, do chính phủ đưa cho, được tổng thống đề cử và quốc hội duyệt xét và chấp thuận), cộng thêm (2) một chu trình khít khao để tạo dựng các tu chính án, phản ảnh xã hội và lòng dân. Hai lý do và cơ chế này đã bảo đảm sự trường tồn của bản hiến pháp danh tiếng cuả Hoa Kỳ.” ̣
A. GIỚI THIỆU
Nói đến Bản Hiến pháp Hoa Kỳ thì phải nói đến thuyết lập hiến ̣(constitutionalism).
Sau thảm trạng 9/11, ở nước Mỹ, các học giả trong ngành luật bắt đầu nhiều cuộc tranh cãi về các giá trị của Bản Hiến pháp Hoa Kỳ và quyền lực của nhánh Hành pháp trong việc bảo vệ an ninh quốc gia. Quyền bảo vệ an ninh quốc gia có cho phép các cơ quan Hành pháp vi phạm vào quyền hiến pháp về tự do cá nhân của dân không, đến mức độ nào? Ngay sau thảm trạng 9/11, Giáo sư Đinh Việt là người được các học giả Hoa Kỳ cho rằng có công nhất trong việc sọan thảo bộ luật USA Patriot Act. Địa vị của Giáo sư Việt lúc ấy quả là một niềm hãnh diện cho cộng đồng người Việt tỵ nạn ở Mỹ về sự trưởng thành cuả thế hệ thứ hai, tuy rằng Giáo sư Việt đã bị chỉ trích rất nhiều bởi các học giả Mỹ phía cấp tiến vì bộ luật này.
Những điều kể trên là tấm màn phía sau những lý luận của nhiều học giả Mỹ về luật hiến pháp, cho rằng cơ quan hành pháp của Hoa Kỳ đã lạm dụng quyền hạn và đã vi hiến vì xúc phạm đến quyền cá nhân của dân dưới bích chương “an ninh quốc gia.” Những vấn đề này đã được bàn cãi từ 2001. Chính phủ Bush (Bush “con,” không phải Bush “cha”) và Giáo sư Đinh Việt đã đi vào Hàn lâm luật học của Hoa Kỳ qua sự tranh cãi này.
Sau đó lại có thêm vụ các chuyên viên an ninh tiết lộ bí mật quốc phòng của Mỹ ra công chúng, cho rằng chính phủ Mỹ đã vi hiến. Và họ bị truy tố.
Theo tôi, thì những tranh cãi này không làm thay đổi những giá trị cao quý của Bản Hiến pháp Hoa Kỳ. Tại sao? Có một số người Việt cho rằng, ở Mỹ thì cái hay cuả Bản Hiến pháp Hoa Kỳ là dĩ nhiên rồi, cần gì nói nữa? Cái nhìn này quả thật là phiến diện. Muốn hiểu các giá trị cao quý của Bản Hiến pháp Hoa Kỳ, chúng ta cần am hiểu chút ít về một triết thuyết mà các học giả Hoa Kỳ mô tả là “Constitutionalism” (thuyết lập hiến). Đó mới chính là căn bản tinh hoa của Bản Hiến pháp Hoa Kỳ, dù rằng từ ngữ “Constitutionalism” không hề xuất hiện trong bản Hiến pháp danh tiếng của xứ sở này.
Người Việt nên biết và nên nhớ: Ở Việt Nam, trong giai đọan tranh tối tranh sáng (một khỏang trống chính trị) ở cuối giai đoạn thực dân (1930-1954), đã có sự sáng lập thuyết lập hiến với các tri’ thức Việt Nam hồi đó. Chưa đến đâu thì giới trí thức đứng sau thuyết lập hiến đã bị tiêu diệt. Họ nghĩ gì? Làm gì? Và tại sao bị tiêu diệt quá sớm như thế?
Bài viết ngắn này không chủ trương nói về các dữ kiện lịch sử ấy. Đó là nhiệm vụ tìm hiểu của người Việt và các sử gia. Bài viết này giải nghĩa thuyết lập hiến, tiềm tàng trong Bản Hiến pháp Hoa Kỳ. Rất nhiều người Việt cho rằng Bản Hiến pháp Hoa Kỳ lập ra quyền lực chính phủ Hoa Kỳ trong một quốc gia dân chủ tự do và như thế là đủ làm cho quốc gia này lớn mạnh. Không phải chỉ có thế. Muốn hiểu thấu đáo vấn đề diễn giải Bản Hiến pháp Hoa Kỳ, cần phải hiểu thuyết lập hiến.
B. THẾ NÀO LÀ THUYẾT LẬP HIẾN?
Thuyết lập hiến ở Hoa Kỳ, tiềm ẩn trong bản Hiến pháp, chủ yếu đưa ra ba đường nét chính như sau:
1) Điểm thứ nhất:
Bản Hiến Pháp của một quốc gia đặt cơ chế chính phủ để điều hành quốc gia. Điều này xuất phát từ thuyết “social contract” của JJ Rousseau. (Ở đây, người Việt cũng nên tìm hiểu các thuyết đặt nền móng cho tự do dân chủ bởi các triết gia như Montesquieu, De Tocqueville, v…v…, nẩy sinh ngay từ nước Pháp. Thực dân Pháp cai trị người Việt trong thế kỷ 19 và 20, nhưng Pháp quốc cũng là cái nôi tư tưởng chính trị của thế giới. Chế độ thực dân bóc lột xương máu của dân Việt, mà lợi ích độc nhất là nối liền tinh thần yêu nước của người Việt sau chế độ quân chủ và cho người Việt cơ hội tiếp cận với văn hóa Phục Hưng và nền tư tưởng chính trị gọi là “dân chủ” của thế giới tự do. Theo thuyết “social contract,” dân lập ra chính phủ như một sự trao quyền, tín nhiệm, vì dân đã bằng lòng một khế ước với xã hội cho trật tự và lợi ích chung.
2) Điểm thứ hai:
Theo thuyết lập hiến, bản Hiến pháp có một mục đích vô cùng quan trọng trong khế ước xã hội ấy: Đó là SỰ HẠN CHẾ QUYỀN LỰC CỦA CHÍNH PHỦ. Vâng, theo thuyết lập hiến, bản hiến pháp là một cơ cấu HẠN CHẾ (restrictive power), chứ không phải là cơ cấu tạo thành chính phủ với quyền lực vô hạn định (unlimited empowerment).
Theo thuyết lập hiến, bản hiến pháp như thế không phải chỉ là guồng máy đặt cơ sở quyền lực cho chính phủ mà thôi, mà chính là tiếng nói của dân nhằm NGĂN CẢN VÀ GIỚI HẠN quyền lực mà dân đã trao cho chính phủ theo “khế ước xã hội” ấy. Đây là một căn bản triết thuyết chính trị vô cùng quan trọng. Bản hiến pháp là cái “gông” đặt lên chính phủ, chứ không phải là cái “gông” đặt lên đầu lên cổ của dân. Nói khác đi, bản hiến pháp nói lên quyền của dân (dịch chữ “rights), để cho dân xử dụng, dù rằng bản hiến pháp cũng xếp đặt quyền lực của chính phủ (dịch chữ “power”).
Đó là căn bản của thuyết lập hiến.
3) Điểm thứ ba:
Vì thuyết lập hiến đưa ra quyền của dân, văn kiện ấy trở thành nề nếp cai tri quốc gia, vì bản hiến pháp chính là khế ước xã hội do dân (hay đại diện dân) tạo nên. Đó là một căn bản pháp định, pháp quyền, hay pháp trị (tùy theo ý nghĩa của danh từ tiếng Việt, theo tôi chưa có sự thống nhất về cách dùng). Tiếng Anh gọi là cơ chế “rule of law.” Bản hiến pháp tượng trưng cho pháp luật tối cao của quốc gia và chính phủ phải đưa nền móng cai tri. dựa trên văn bản ấy: Cai trị bằng những nguyên lý của pháp luật (rule of law), thay vì nguyên lý của người cai trị (rule of man).
Tưởng cũng nên nhắc đến, theo một cuốn sử Việt lưu lại từ cổ văn, ngày xưa, thái thú Tô Định cũng cai trị Giao Chỉ bằng luật lệ, gọi là pháp định hay pháp trị, nhưng chính Tô Định và các quan cai trị của nhà Hán đã đặt ra pháp luật của họ để cai trị Giao Chỉ. Ngược lại, trong thuyết lập hiến như Bản Hiến pháp Hoa Kỳ ngày hôm nay, luật pháp không đặt ra bởi người hành pháp, mà sự có mặt của luật pháp đến từ căn bản pháp luật chứa đựng trong văn kiện gọi là Hiến pháp (cái khế ước xã hội đến từ dân ký kết với nhau để tạo ra chính phủ và trao quyền cai trị cho chính phủ). Như thế, pháp định hay pháp trị của Thái Thú Tô Định ngày xưa, chính là “rule of men,” (pháp luật chính là sản phẩm và thủ thuật của kẻ cai trị), chứ không phải là pháp định hay pháp trị của dân đặt ra (rule of law) trong một khế ước xã hội làm nền tảng, tách biệt hẳn khỏi người cai trị, như Bản Hiến pháp Hoa Kỳ và thuyết lập hiến của ngày nay.
4) Điểm thứ tư:
Để thực sự có một cơ chế pháp định hay pháp trị dựa trên hiến pháp, thì phải có một cơ quan độc lập bảo vệ và diễn giải bản hiến pháp (“cơ chế bảo hiến”). Trong “khế ước xã hội” của người Mỹ, các nhà lập hiến đặt trọng trách này vào ngành tư pháp liên bang, được độc lập trong cơ chế chính phủ. Nếu không đồng ý với các quyết định về việc áp dụng hay diễn giải hiến pháp của cơ quan bảo hiến, thì dân Mỹ sẽ phải sửa đổi hiến pháp. Bản hiến pháp lập ra cơ chế sửa đổi hiến pháp, một chu trình vô cùng khó khăn, nhưng đã thực hiện được ở Mỹ qua các tu chính án. Đó là vì triết thuyết lập hiến (một chủ thuyết có mục đích hạn chế quyền lực của chính phủ) vốn đã bàng bạc, gắn chặt và trở thành nền móng cho văn bản Hiến pháp Hoa Kỳ.
C. CÁC THÍ DỤ VỀ VIỆC ÁP DỤNG THUYẾT LẬP HIẾN QUA BẢN HIẾN PHÁP HOA KỲ:
Sau đây là vài thí dụ điển hình, lấy từ bản hiến pháp Hoa Kỳ để minh chứng thuyết lập hiến:
1) Sự phân chia quyền lực giữa tiểu bang và liên bang: Bản Hiến pháp Hoa Kỳ ngăn cản quyền lực của chính phủ liên bang, để giữ quyền tự trị cho các tiểu bang và đồng thời ngăn cản không cho chính phủ xâm phạm vào QUYỀN LÀM NGƯỜI (tự do dân chủ) của dân. Bản Hiến pháp Hoa Kỳ tạo nên những đạo luật liên bang bảo vệ dân và các nhà làm luật Hoa Kỳ gọi đó là “quyền làm dân” (civil rights). Vậy trong cơ chế Hoa Kỳ , quyền làm người (human rights) chính là quyền làm dân (civil rights), được thể hiện qua quyền làm dân.
2) Việc bảo vệ quyền làm dân/làm người, bằng cách ngăn cản quyền lực của chính phủ: Trong cơ chế quyền làm người, làm dân, các đường nét chính là Hiến pháp Hoa Kỳ là quyền tư hữu, tự do cá nhân, tự do tư tưởng lời nói diễn tả và tự do có đời sống riêng tư — right of privacy (đã được các chánh án tối cao liên bang “đọc” vào bản hiến pháp bằng cách “diễn giải” án lệ thực thi hiến pháp, nhưng hiện này quyền riêng tư đã được các chánh án hiện đại sửa đổi, tạo vấn đề triết lý pháp luật và việc áp dụng Hiến Pháp và các án lệ xét xử việc tư cho dân, tương lai không biết ngã ngũ ra sao). Các tu chính án (constitutional amendments) chính là những khí giới hiến pháp đặt ra để hạn chế quyền chính phủ, tạo nên bản tuyên ngôn dân quyền của Mỹ, thành hình qua các tu chính án (constitutional amendments, số một đến số mười bốn).
Sau đây là bốn điểm chính về dân quyền ở Mỹ (có nhiều điểm khác nữa, tôi chỉ chọn 4 điểm này để giản dị hóa sự việc):
a) Thí dụ thứ nhất: Đến từ Tu chính án số 1 — Xác nhận quyền tự do tư tưởng, hành động, hội họp (nếu không có khả năng hội họp thì tư tưởng hành động để làm gì?)
Tu chính án số 1 (First Amendment), bao gồm cái mà người Việt Nam dịch nôm na là ĐỆ TỨ QUYỀN (dịch chữ FOURTH ESTATE (quyền đây là “quyền lực” như chính phủ (dịch chữ “State” or “Estate”), chứ không phải quyền hạn (dịch chữ “rights”). Tu chính án này cho báo chí và các cơ quan ngôn luận đến từ dân, gọi là QUYỀN LỰC THỨ 4 (sau khi BẢN HIẾN PHÁP đã PHÂN CHIA 3 NHÁNH QUYỀN LỰC CHO CHÍNH PHỦ: Hành pháp, Tư pháp và Lập pháp (separation of powers).
b) Thí dụ thứ hai: Đến từ Tu chính án thứ 4, 5 và 14, xác nhận quyền tự do không bị chính phủ bắt bớ, sóat nhà, lấy khẩu cung, tịch thu tài sản, kết tội, v… v… mà không có sự bảo vệ của luật pháp – cái gọi là “thủ tục bắt bớ xét xử ” mà chính phủ bắt buộc phải theo trong hệ thống hình luật (due process of law; criminal procedure).
c) Thí dụ thứ ba: Đến từ Tu chính án thứ 5, xác nhận quyền tự do bình đẳng (không bị kỳ thị, thiên vị, trước pháp luật v…v… (equal protection of law).
d) Thí dụ thứ tư: Quyền tự do có đời sống riêng tư để quyết định những việc riêng cho hạnh phúc cá nhân, chính phủ không được tham dự vào. Như tôi có nói đến trên đây, điểm đặc biệt là quyền này không hề được viết ra trong hiến pháp, nhưng đã từng được cơ quan bảo hiến (Tối Cao Pháp Viện liên bang Hoa Kỳ ) công nhận, bằng án lệ, và hiện giờ cũng đã bị hạn chế bởi ngành tư pháp tối cao ấy, vì…các chánh án mãn đời nằm xuống thì tổng thống và quốc hội đề cử, bổ nhiệm và phê chuẩn các vị mới. (Hoa Kỳ cũng như Anh Quốc theo thể chế “thông luật” thành ra các án lệ của thẩm phán trở thành văn bản luật, từ dưới lên trên, sơ thẩm đến tối cao, qua kháng án.).
Bốn thí dụ này nói lên bốn điểm chính vô cùng quan trọng của Hiến pháp Hoa Kỳ về tự do của người dân, đã trở thành một phần rất tự nhiên trong đời sống hàng ngày của người Mỹ. Bốn điểm chính đó tiêu biểu cách hạn chế quyền lực của chính phủ và đó là tư duy chính của thuyết lập hiến. Tôi có thể gọi đó là một chủ thuyết “hạn chế quyền chính phủ,” chứ không phải là một chủ thuyết ban bố quyền cho chính phủ, để chính phủ có thể dựa vào nhằm tước đi quyền tự do bình đẳng của con người. Trong triết thuyết luật học (jurisprudence), thì quyền tự do bình đẳng ấy là quyền hiển nhiên, tự nhiên của nhân sinh, đến từ tư cách làm người, ngay khi được sinh ra (birth rights; natural rights). Bản hiến pháp chỉ là phương cách để hạn chế chính phủ nhằm mục đích bảo vệ những quyền cá nhân căn bản mà Thượng đế đã ban cho ấy.
Nói tóm lại, rất nhiều người Việt không hiểu rằng thuyết lập hiến ở Hoa Kỳ đến từ bản hiến pháp và củng cố cho bản hiến pháp. Bản hiến pháp ấy tạo ra bời những vị khai sinh ra quốc gia (nation-builders, founding fathers). ̣(Theo lịch sử Việt Nam thì “founding mothers” chính là hai phụ nữ trẻ, vắn số, Hai Bà Trưng và Hai Bà laị…không có con, và sau đó là Bản Tuyên Ngôn Độc Lập, bài thơ gọi là cuả Lý Thường Kiệt và hình như ngài này cũng không có con!!! Sau đó nữa là Tuyên Ngôn Độc Lập cuả Nguyễn Trãi viết cho Lê Thái Tổ, nhưng tuyên ngôn này phải “giả vờ” gọi là “Bình Ngô Đại Cáo” vì lý do “ngoại giao”. Tạm nói là Việt Nam chưa có “Thuyết Bảo Hiến diễn giải luật pháp từ thời lập quốc.)
Ở Hoa Kỳ, quốc gia của người gốc Việt, thì thuyết ấy có tác dụng dùng bản hiến pháp để CHO dân ĐƯỢC “cai trị” chính phủ, chứ không phải để giúp chính phủ áp lực hay cai tri dân, dù rằng chính bản hiến pháp là nguồn gốc cơ chế lập ra chính phủ. Bản hiến pháp là chứng cớ việc dân đã TRAO QUYỀN CHO CHÍNH PHỦ theo “khế ước xã hội” của Rousseau. Theo Rousseau, thì “chính phủ ” chỉ là kết quả của bản khế ước ấy giữa dân với dân, dân tạo dựng ra chính phủ, khi dân muốn họp lại để sống hòa bình, tạo thành xã hội nhân bản, có nhân văn và trật tự.
D. TỔNG KẾT:
Trước đây, sau gần bốn thập niên trong nghề luật (và giáo dục), cá nhân tôi, Dương Như Nguyện, chưa bao giờ viết bài bằng tiếng Việt về thuyết lập hiến, ngọai trừ lần này. Lý do tôi viết bài trên đây về thuyết lập hiến là vì đã có bản dịch bài tôi viết về Hiến pháp Hoa Kỳ cho chương trình Fulbright năm 2011, được lưu hành trên mạng lưới. Nếu sinh viên Việt Nam đọc bản dịch ấy, mà không hiểu rõ căn bản của thuyết lập hiến, thì tôi e rằng tôi có đưa ra các chi tiết về Bản Hiến pháp Hoa Kỳ bao nhiêu cũng vẫn chưa giúp ích được các em.
Để hiểu cơ chế triết thuyết của Bản Hiến pháp Hoa Kỳ, cần phải hiểu vài nguyên lý khá giản dị của thuyết lập hiến. Giản dị trong tư tưởng, nhưng áp dụng luôn luôn là một thách thức cho thế giới tự do ngày nay. Và vì thế, từ đó dân chủ ở Mỹ giống như bầu khí quyển, có thì rất dễ quên đi, mà không có thì mới biết quý. Nếu không biết mình thiếu và không có sự so sánh, thì sẽ không biết thế nào là niềm sảng khóai khi được thở một bầu khí quyển trong lành.
Nói rằng Bản Hiến pháp Hoa Kỳ hay, vì người Mỹ có tự do dân chủ, mà không hiểu căn nguyên triết thuyết tại sao, thì chưa đủ.
Những tư tưởng và giá trị của thuyết lập hiến và bản hiến pháp Hoa Kỳ , nếu phổ biến cho người Việt (nhất là sinh viên ngòai nước Mỹ không sống trong lòng văn hóa chính trị của Mỹ) theo tôi sẽ là điều rất tốt.
LS/GS Dương Như Nguyện