Hải Di Nguyễn: 22/8/2024: Một số thầy truyền đạo bị sách nhiễu vì tưởng niệm nạn nhân bị bách hại vì tôn giáo
Như mọi năm, ngày 22/8/2024, 18 hội thánh Tin lành ở Việt Nam và cộng đồng người Thượng tại Thái Lan lại tổ chức Ngày tưởng niệm các nạn nhân bị bách hại vì tôn giáo hay niềm tin.
Một số thầy truyền đạo bị đe dọa trước ngày 22/8
Theo thông tin chúng tôi có được từ tổ chức Người Thượng vì Công lý (Montagnards Stand for Justice, viết tắt MSFJ), một số tín đồ và hội thánh trước đó đã bị đe dọa, cấm tưởng niệm ngày 22/8, dù đó là một ngày tưởng niệm do Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ) ấn định từ năm 2019 và nhà nước Việt Nam biểu quyết đồng thuận.
Ngày 23/7/2024, một thầy truyền đạo thuộc Hội thánh Truyền giảng Phúc âm ở buôn Wik, xã Êa Hồ, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk bị tịch thu điện thoại, bắt giam và thẩm vấn tới chiều ngày 24/7.
Bị bắt cùng ngày và cũng bị tịch thu điện thoại là một thầy truyền đạo thuộc Hội thánh Truyền giảng Phúc âm ở buôn Mrưm, xã Êa Hồ, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk.
Ông cho biết, công an tra hỏi rồi đập bàn nói Việt Nam không có ngày 22/8, không có bạo hành vì tôn giáo. Công an cấm không cho sinh hoạt Hội thánh Truyền giảng Phúc âm, không cho tham gia Hội thánh Tin lành Đấng Christ Tây Nguyên, không cho tham gia Tin lành Đêga hay các hội thánh tư gia, không cho tham gia các lớp xã hội dân sự, không cho tổ chức ngày 22/8 và Ngày Nhân quyền 10/12.
Cũng ngày 23/7/2024, một thầy truyền đạo thuộc Hội thánh Truyền giảng Phúc âm ở buôn Krông Buk, xã Krông Buk, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk bị công an tới tra hỏi, thuyết phục tham gia Hội thánh Tin lành Việt Nam – miền Nam (hội thánh bị nhà nước điều khiển).
Ngày 24/7/2024, một thầy truyền đạo thuộc Hội thánh Tư gia ở buôn Trăp, xã Êa Tam, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk bị bắt giữ tới 8 giờ tối ngày 25/7. Ông kể công an bóp cổ, đánh vào đầu, đá vào chân, không cho liên lạc với tổ chức Người Thượng vì Công lý, không cho tưởng niệm ngày 22/8 và 10/12.
Ngày 23-25/7/2024, một thầy truyền đạo thuộc Hội thánh Truyền giảng Phúc âm ở buôn Wik, xã Êa Hồ, huyện Krông Năng bị đe dọa, sách nhiễu nhiều lần, bị cáo buộc hoạt động cho FULRO (tổ chức giải thể từ năm 1992), bị coi là chống phá nhà nước, bị cấm tổ chức ngày 22/8 và 10/12.
Đó là những thông tin chúng tôi có được từ tổ chức Người Thượng vì Công lý, và những thông tin này đã được gửi đến LHQ.
Hoa Kỳ nói gì?
Ngày 22/8/2024, tài khoản Twitter/ X của Ủy hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế (USCIRF) viết: “Chúng tôi lo rằng người Thượng theo Thiên Chúa giáo ở Việt Nam có thể bị sách nhiễu vì tổ chức Ngày tưởng niệm các nạn nhân bị bách hại vì tôn giáo hay niềm tin, như một phần cuộc đàn áp tôn giáo và niềm tin.”
Chủ tịch USCIRF Stephen Schneck cũng nói: “Chính quyền Việt Nam và chính quyền Đắk Lắk trước đây đã sách nhiễu và hành hung tín đồ Thiên Chúa giáo người Thượng, như Y Khiu Niê và Y Sĩ Êban, vì đã kỷ niệm ngày quốc tế này do Đại hội đồng LHQ chỉ định. Điều đó không nên lặp lại.”
Cũng trên Twitter/ X, Ủy ban Nhân quyền Tom Lantos viết “Y Ich và Y Pum Byă là tín đồ Thiên Chúa giáo bị cầm tù vì những cáo buộc liên quan tới niềm tin tôn giáo của mình. Cả hai được cho là bị tra tấn từ khi bị giam giữ. Việt Nam phải trao trả tự do cho họ ngay lập tức và vô điều kiện.”
Dân biểu Glenn Grothman, Ủy ban Nhân quyền Tom Lantos viết thêm, là người đại diện vận động trả tự do cho hai ông Y Ich và Y Pum Byă.
Sách nhiễu ngày 22/8
Theo thông tin chúng tôi có được từ tổ chức Người Thượng vì Công lý, hai hội thánh ở buôn Trăp, xã Êa Drông và ở buôn Klatt C, xã Êa Drông đang làm lễ tưởng niệm ngày 22/8 thì bị công an tới đe dọa, cấm gửi hình ra nước ngoài.
Sau ngày 22/8
Cũng theo thông tin từ Người Thượng vì Công lý, công an xã Êa Êñuôl, công an huyện Buôn Đôn kéo đến nhà một thầy truyền đạo vào ngày 25/8, nói lôi kéo trẻ em vào chụp hình ngày 22/8 là sai trái.
Ngày 27/8, công an xã Êa Bhôk đến nhà một mục sư và “làm việc” về chuyện chụp hình tưởng niệm ngày 22/8 và gửi cho tổ chức Người Thượng vì Công lý.
Ngày 23/8/2024, vài trang Facebook khác nhau như Trung Tâm Thông Tin Chống Phản Động, Hoa Dã Quỳ, ĐIỂM HẸN BUÔN ĐÔN, BẢN SẮC CƯ KUIN cùng đăng bài tấn công “tổ chức phản động” Người Thượng vì Công lý, và viết “Trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk có rất nhiều điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo chưa được Nhà nước công nhận (sinh hoạt trái phép) đã chụp và cung cấp hình ảnh cho nhóm Người Thượng Vì Công Lý để đưa tin và tuyên truyền.”
Đặc biệt, họ nhắm vào việc một số hình ảnh tưởng niệm ngày 22/8 có trẻ em, và nói đó là “việc làm hết sức độc ác và mang tính phi giáo dục, gieo rắc mầm mống không tốt cho sự phát triển của trẻ em.”
Anh Y Phic H’dok, đồng sáng lập tổ chức Người Thượng vì Công lý, nói “những hình ảnh này chỉ là các em chụp cùng cha mẹ, là những người giám hộ hợp pháp, và trong bối cảnh của Hội Thánh, điều đó không có gì sai.”
Trang Facebook Núi hoa Čư M’gar đăng ngày 22/8, được trang BẢN SẮC CƯ KUIN đăng lại ngày 25/8, một bài viết gọi Người Thượng vì Công lý là khủng bố. Trước đó, Bộ Công an cũng đã xếp tổ chức này là tổ chức khủng bố, nhưng cho tới nay, chúng tôi không nhìn thấy bất kỳ bằng chứng nào từ phía Việt Nam cho thấy sự liên quan của Người Thượng vì Công lý trong vụ xả súng ngày 11/6/2023 hay bất kỳ hành vi bạo lực nào khác.
Ngoài ra, bài viết cũng nói “Nhóm “MFSJ” do một vài đối tượng có tư tưởng phản động, lưu vong thành lập, chúng không được chính phủ hay như các tổ chức quốc tế uy tín công nhận.”
Trên thực tế, tổ chức Người Thượng vì Công lý đã nhiều lần đứng tên chung trong các báo cáo gửi cho LHQ về vi phạm nhân quyền ở Việt Nam.
Gần đây nhất, trong tháng 8/2024, LHQ đã công bố lá thư cáo buộc của 13 Báo cáo viên Đặc biệt LHQ gửi chính phủ Việt Nam vào tháng 6. Bức thư nói “việc liệt kê MSFJ (Người Thượng vì Công lý) là tổ chức khủng bố vào ngày 6/3/2024 có thể không phù hợp với luật nhân quyền quốc tế”, là “một hình thức đàn áp xuyên quốc gia,” và vi phạm nguyên tắc không đe dọa hoặc trả thù người báo cáo vi phạm nhân quyền với LHQ.
Ngày 28/8, trang web của Cao ủy Nhân quyền LHQ có thêm một bài viết, trong đó các chuyên gia nhân quyền độc lập bày tỏ quan ngại về việc nhà nước Việt Nam lạm dụng luật chống khủng bố với người Thượng và các nhóm Thiên Chúa giáo thiểu số ở Tây Nguyên.
Hải Di Nguyễn