Hải Di Nguyễn: 3 chị em người H’mông bị bứt khỏi làng vì theo đạo Tin Lành
Tháng 2/2024, Ủy ban Xóa bỏ Phân biệt Đối xử với Phụ nữ (Committee on the Elimination of Discrimination against Women) sẽ có một buổi họp mặt với các tổ chức xã hội dân sự trước phiên rà soát nhà nước Việt Nam. Một trong những chủ đề được nêu ra là tình trạng của phụ nữ H’mông.
Chỉ vì không từ bỏ đạo Tin lành, nhiều phụ nữ H’mông bị bứt khỏi nhà, khỏi buôn làng, khỏi nơi chôn nhau cắt rốn.
Như ba chị em chị Lầu Y Tòng.
Chị Lầu Y Tòng (sinh năm 1987) sang Thái Lan cuối năm 2022. Tháng 8/2023, hai em gái Lầu Y Lỳ (1990) và Lầu Y Hua (1996) cũng ôm con trốn khỏi làng và sang Thái Lan lánh nạn. Đứa con của chị Lầu Y Hua khi đó chỉ mới 5 tháng tuổi.
Bắt đầu theo đạo Tin Lành
Gia đình họ sống ở bản Trường Sơn, xã Nậm Cán, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An. Nhà có 9 người con: 2 trai, 7 gái, trong đó có 4 chị em theo đạo Tin lành.
Chị Lầu Y Hua cho biết mình là người đầu tiên theo đạo, từ năm 2017, sau đó là chị Lỳ và chị Tòng. Xung quanh không có nhà thờ, “chị em tự theo đạo, tự thờ phượng Chúa trong lòng, tự đọc Kinh Thánh, và tự cầu nguyện.”
Chị cho biết đầu năm 2022, các chị em ghi danh gia nhập Hội thánh Tin Lành Việt Nam miền Bắc và được hội thánh xác nhận—tuy nhiên họ không còn những giấy tờ này khi rời Việt Nam.
Chị Lầu Y Tòng bị cưỡng ép bỏ đạo
Năm 2021, chị Lầu Y Tòng mang bệnh, không rõ bệnh gì mà tê liệt, chữa nhiều nơi cũng không hết, tới khi chị nghe lời giảng của mục sư, tiếp nhận Chúa, cầu xin Chúa thì khỏi bệnh. Từ đó chị công khai nói về niềm tin tôn giáo, nói về “phép lạ” của Chúa giúp mình khỏi bệnh.
Biết tin, công an đến tra hỏi, tịch thu điện thoại, tịch thu Kinh Thánh, cưỡng ép bỏ đạo. Trong bài viết về chị Lầu Y Tòng, tác giả Song Chi viết “Không chỉ có thế, chính quyền địa phương còn bắt luôn cả hai đứa con nhỏ của Lầu Y Tòng đem đi giao cho ông bà nội chăm sóc.”
Chính quyền địa phương không để yên—họ sách nhiễu, dọa đưa vào tù, và tổ chức bỏ phiếu ép buộc chị Lầu Y Tòng phải từ bỏ niềm tin, hoặc sẽ bị đuổi khỏi làng—sáu mươi mấy hộ dân bỏ phiếu “đồng ý” với quyết định đuổi chị đi, kể cả gia đình chồng.
Tác giả Song Chi viết: “Sau đó người em gái của chồng làm cán bộ ở xã, cũng học Luật, rành tiếng Việt, lại thảo một cái biên bản viết rằng Lầu Y Tòng tự nguyện giao tài sản, bàn giao nhà cửa, đưa xe máy cho bố chồng, đồng thời sẽ gửi tiền chu cấp 2 đứa con cho đến 18 tuổi, cho Lầu Y Tòng ký. Đang trong tâm trạng hoảng loạn, bị khủng bố từ mọi phía, Lầu Y Tòng ký vào biên bản.
“Bên cạnh đó, nỗi khổ tâm lớn nhất của Lầu Y Tòng là từ khi hai đứa con nhỏ bị bắt về nhà nội, Lầu Y Tòng không được phép đến thăm con.”
Các cô em gái cũng bị công an tra hỏi, và họ cầu cứu Hội thánh Tin Lành Việt Nam miền Bắc—hội thánh được nhà nước công nhận.
“Lúc đó Hội thánh bảo ba chị em tự về Nghệ An tìm hội thánh, tự đi nhóm ở đó, và không thuộc về Hội thánh Tin Lành Việt Nam miền Bắc tại vì chúng em ở khác tỉnh. Và họ không thừa nhận chúng em là người trong hội thánh,” chị Lầu Y Hua vừa khóc vừa kể. “Em và chị Tòng và mọi người đều cầu xin để họ xác nhận, và để các chị em qua ngoài đó ở tạm một thời gian, nhưng họ từ chối.”
Vì thế, họ chuyển sang Hội thánh Truyền giảng Phúc âm.
Sống không được yên, con không được gặp, chị Lầu Y Tòng trốn khỏi bản tháng 7/2022 và sang Thái Lan tìm đường tỵ nạn tháng 12/2022.
Vì sao chị Lầu Y Lỳ và Lầu Y Hua cũng sang Thái Lan?
“Ngày chị Tòng bị đuổi khỏi tỉnh, chính quyền đã mời em lên xã làm việc. Tháng đó em đang mang bầu. Em nói với chính quyền là em không theo đạo,” chị Lầu Y Hua kể.
“Một năm sau, khi hai vợ chồng em có chuyện gia đình, chồng em nói với chính quyền thì chính quyền mới đến làm việc với em… Chồng em báo với chính quyền địa phương em là người đưa Kinh Thánh cho chị Tòng, em là người theo đạo, luôn cầu nguyện và ca hát thờ phượng Chúa. Nên chính quyền đến làm việc với em.”
Chị Lầu Y Hua, Lầu Y Lỳ, và một người chị khác, Lầu Y Pà, tiếp tục bị công an xã nhiều lần mời lên làm việc, nhiều lần cưỡng bức bỏ đạo, nhiều lần đuổi khỏi bản.
Chị Lầu Y Hua nói “Công an mời lên xã và ép em bỏ đạo. Em không chịu bỏ đạo. Họ bắt em phải đưa Kinh Thánh cho họ. Em chối, không có Kinh Thánh, không có sách nào về Chúa. Và công an đánh em.” Chị nói mình bị đánh vào má trái. “Từ đó em đưa con ra khỏi bản luôn.”
Tháng 7/2023, chị mang con trốn sang nhà bà ngoại ở Kỳ Sơn.
“Chồng chị Lỳ cũng sợ chính quyền vì chồng chị Lỳ là thầy giáo, sợ bị đuổi việc, bị mất công ăn việc làm. Nên chồng và gia đình chồng cũng hợp tác với chính quyền để ép chị Lỳ từ bỏ đạo.”
Sợ đi tù vì liên tục bị đe dọa, chị Lầu Y Lỳ cũng nối gót Hua sang nhà bà ngoại. Tháng 8/2023, họ cùng trốn sang Thái Lan.
Chị Lầu Y Lỳ mang theo đứa con nhỏ nhất, 1 tuổi, để lại hai con, 14 tuổi và 10 tuổi.
Áp lực với gia đình ở Việt Nam
Sau khi ba chị em Tòng, Lỳ, và Hua đã sang Thái Lan, công an địa phương vẫn chưa yên, tìm cách gây áp lực với gia đình để ép họ về.
Chị Lầu Y Pà ở Việt Nam nhiều lần bị sách nhiễu, may mắn vẫn được chồng đứng về phía mình. Tuy nhiên “chị Pà đi xin trợ cấp từ bản thì không được… họ nghĩ là chị Pà giấu ba chị em nên chính quyền đã không hỗ trợ chị,” chị Lầu Y Hua nói. Họ cũng dọa cắt điện, cắt hỗ trợ, thậm chí cắt cả CMND.
Sau khi ba chị em xuất hiện trong chương trình livestream để phát biểu trước Báo cáo viên Đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về Tự do Tôn giáo hay Niềm tin vào tháng 8/2023, công an địa phương tới nhà hoạnh họe, “dùng mọi thủ đoạn ép chồng chị Lỳ bắt ba chị em đem về Việt Nam… Chồng chị Lỳ thương con nhỏ, chồng không chịu ký giấy, nên họ tới nhà thu Kinh Thánh và đưa chồng chị đi tù… Họ đưa đi giam, bây giờ chúng em không nghe tin tức gì.”
Chị Lầu Y Hua nói “Hai bố mẹ ly dị rồi thì hai đứa con [của chị Lỳ] ở với ông bà thì họ không chấp nhận, họ đuổi hai con khỏi nhà.”
Hai đứa nhỏ vì thế dắt díu nhau sang Lào, gặp một người dì khác ở Lào rồi được dì đưa sang Thái Lan với mẹ.
Cuộc sống hiện nay
Chị Lầu Y Hua cho biết cuộc sống hiện nay rất khó khăn, ba chị em chen nhau trong một căn phòng chật hẹp, cùng bốn đứa trẻ con.
“Nhiều khi nắng nóng, con khóc, ảnh hưởng người xung quanh, họ cũng lên tiếng nhiều lần để chị em chuyển đi chỗ khác.”
Chị nói thêm “Em là người tỵ nạn, không được phép ra ngoài đi làm… Là một người mẹ đơn thân, nuôi con nhỏ, lại không biết tiếng, không ra ngoài được, không có tiền để mua thức ăn, mua sữa cho con.”
Họ đã được BPSOS, một tổ chức phi chính phủ chuyên đấu tranh cho nhân quyền và tự do tôn giáo ở Việt Nam “giúp đỡ và hỗ trợ một khoản tiền cho ba chị em hiện tại để ba chị em tiêu dùng ở đây.”
Cả ba chị em đều không biết tương lai sẽ ra sao. Khi nào chị Lầu Y Tòng được gặp lại con.
Hải Di Nguyễn.