Hải Di Nguyễn: Bà Nguyễn Uyên Thùy – Tỵ nạn ở Thái Lan, gia đình ở Việt Nam tiếp tục bị công an xách nhiễu

Bà Nguyễn Uyên Thùy.

Ngày 2/4/2023, gia đình bà Nguyễn Uyên Thùy ở Việt Nam bị ba công an – một người cấp huyện, hai người cấp phường – đến tra hỏi và đe dọa, chưa tới ba tháng sau đại phẫu não của cô con gái út. 

Bà Nguyễn Uyên Thùy (tên thật Nguyễn Thị Thùy, sinh năm 1969) là người sáng lập và đứng đầu nhóm Hiến Pháp, và đã tỵ nạn tại Thái Lan từ năm 2018.

Tôi đã phỏng vấn bà ngày 22/2 cho một bài viết trên BBC News Tiếng Việt ngày 5/3 và phỏng vấn thêm ngày 30/4 về tình hình hiện nay và quyết định của bà đưa con gái út sang Thái Lan.

Vì sao phải sang Thái Lan tỵ nạn?

Như đã viết trên BBC News Tiếng Việt, bà Nguyễn Uyên Thùy khẳng định nhóm Hiến Pháp được thành lập với “tiêu chí đấu tranh là bằng ngôn luận, đối thoại, không đối đầu, bảo vệ Hiến pháp, bảo vệ quyền con người, đặc biệt là Điều 25 của Hiến pháp.” 

Tháng 6/2018, bà cùng các thành viên Hiến Pháp và nhiều người khác tham gia biểu tình ôn hòa phản đối Luật Đặc khu – dự luật cho Trung Quốc thuê ba đặc khu kinh tế Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc trong 99 năm. 

Lần lượt tám trong tổng số 18 thành viên nhóm Hiến Pháp bị bắt. Bà Nguyễn Uyên Thùy vì thế cùng ông Hồ Nhựt Hùng, cũng thuộc nhóm Hiến Pháp, sang Thái Lan tìm đường tỵ nạn từ tháng 9/2018. 

Bà hiện đang bị truy nã với tội danh “Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.”

Bà nói ngày 22/2 “Tôi không làm gì sai…Tôi chả chống nhà nước, tôi chỉ yêu cầu Quốc hội trả lại quyền tự quyết cho nhân dân, rút kinh nghiệm từ Formosa, rút kinh nghiệm từ nhiệt điện Vĩnh Tân, rút kinh nghiệm từ bauxite Tây Nguyên. Tôi kêu gọi người dân yêu cầu chính phủ không cho Trung Quốc thuê đất dù chỉ một ngày.” 

Thời gian bị giam giữ ở IDC 

Bà Nguyễn Uyên Thùy và ông Hồ Nhựt Hùng đã có quy chế tỵ nạn từ Cao ủy Tỵ nạn từ năm 2018, nhưng trong con mắt của luật pháp Thái Lan, vẫn là người sống bất hợp pháp và không có quyền lợi, bao gồm quyền lao động. 

Bà cho biết, tháng 7/2022 hai người bị cảnh sát Thái Lan ập vào nhà bắt, đầu tiên đưa vào nhà tù nhỏ của địa phương rồi sau đó chuyển qua IDC (Immigration Detention Centre), tức trại giam của Sở Di trú Thái Lan. 

“Chúng tôi bị rơi vào cảnh gần như địa ngục. Trong một căn phòng khoảng 60-65 mét vuông, họ nhốt đến gần 80 người… Có những ngày nước không chảy, và mọi sinh hoạt rất khó khăn. Đồng thời thức ăn giống như thức ăn cho súc vật. Chúng tôi vừa không biết tiếng, vừa không thể liên lạc với Liên Hợp Quốc.”

Bà cũng nói mình bị nhốt chung với một người nghiện ma túy và hai người mắc bệnh tâm thần – “họ la hét, và khi họ mất kiểm soát, mình thấy rất sợ.”

Theo lời giải thích của bà ngày 22/2, hai người bị bắt vì chính quyền Thái Lan nói giấy quy chế tỵ nạn đã hết hạn, còn bà nói giấy mới chưa kịp có vì mọi thứ đóng cửa trong đại dịch Covid nhưng Cao ủy Tỵ nạn đã gửi email nói tự động gia hạn. 

Cho bài viết trên BBC News Tiếng Việt, tôi đã liên lạc với cảnh sát hoàng gia Thái Lan về điều kiện trại giam IDC và lời cáo buộc của bà Nguyễn Uyên Thùy, nhưng không nhận được câu trả lời. 

Sau một tháng chín ngày trong IDC, bà và ông Hồ Nhựt Hùng được trả tự do sau khi đóng số tiền phạt 50,000 baht (tức khoảng 1,400 USD) mỗi người và được luật sư bảo lãnh. 

Sau IDC 

Khó khăn chưa dừng lại ở đó. Từ khi ra khỏi IDC, mỗi tháng hai lần họ phải ra trình diện ở Sở Di trú để chứng minh mình chưa ra khỏi Thái Lan.  

Mỗi chuyến đi phải mất ba lần xe, khoảng ba tiếng đồng hồ, và bà nói, mặc dù họ không được bất kỳ hỗ trợ nào từ nhà nước Thái Lan và cũng không được đi làm kiếm sống, chỉ cần một lần vắng mặt, mọi thứ “sẽ quay về số không và cảnh sát lại bắt chúng tôi vào lần hai”. 

Ba người con bị xách nhiễu ở Việt Nam 

Khi trốn sang Thái Lan lánh nạn năm 2018, bà Nguyễn Uyên Thùy để lại ba người con với chồng cũ: một người con trai sinh năm 1999; một người con gái sinh năm 2001, bị bệnh tim bẩm sinh; và thêm một con gái, sinh năm 2007. 

Theo bà cho biết hôm 30/4, cô con gái út – dù trước đó không có vấn đề sức khỏe – bị đột quỵ và phải trải qua đại phẫu não vào tháng 1/2023. Tôi đã được xem giấy chứng nhận phẫu thuật, giấy ra viện, và hình ảnh bệnh nhân sau ca mổ. 

Vẫn trong quá trình hồi phục, cô bé từ đó đến nay vẫn chưa thể hoàn toàn tự đi hay tự phục vụ, và cần anh chị chăm sóc. 

“Mùng 2/4, nhà cầm quyền Việt Nam đã đưa lực lượng an ninh ập đến nhà tôi, ba người, khủng bố tinh thần các con tôi… Sự ập đến của an ninh Việt Nam đã khiến các cháu lớn bị khủng hoảng. Đó là những người duy nhất chăm sóc đứa bé vừa đại phẫu não.” 

Bà nói “Họ đưa đến nhà tôi một lệnh truy nã tôi và một thư yêu cầu con tôi phải gọi tôi về đầu thú. Họ điều tra con tôi nơi ở của tôi.” 

Trong ba người có một người cấp huyện và hai người cấp phường. 

“Họ ra dáng vẻ nhã nhặn, nhưng lời nói của họ… mang đầy tính đe dọa. Họ nói nếu con tôi không vận động tôi về đầu thú, gia đình sẽ gặp nhiều rắc rối.”

Theo lời kể của bà Nguyễn Uyên Thùy, người con trai cả hỏi “rắc rối là rắc rối như thế nào” và họ nói “đến rồi sẽ biết”.

“Sau đó vẫn chưa đủ. Họ viết hai giấy mời, mời hai anh chị của cháu cùng lúc. An ninh thừa biết đứa bé kia, 15 tuổi một tháng, vừa đại phẫu não xong, cần người chăm sóc phục hồi sức khỏe… Cùng một lúc họ mời anh và chị của cháu, tức là họ tước đoạt quyền được chăm sóc của đứa bé.”

Từ nhà ở thị xã Hương Trà, họ bị mời vào làm việc ở thành phố Huế, cách khoảng 30 cây số.

Bà Nguyễn Uyên Thùy cho biết, con trai cả của bà đến làm việc một mình và sau đó xin biên bản. 

“Ông công an ở đó nói là, từ đầu buổi đến giờ tôi có viết chữ nào đâu mà bây giờ anh đòi biên bản. Con tôi mới nói là, như vậy thì các anh đã đàn áp và khủng bố tinh thần tôi một cách rất vô lý, vì các anh mời tôi vào đây mà không có một biên bản nào, tức là các anh cố tình làm khó, gây cản trở cho việc đi làm kiếm tiền để nuôi em của tôi.” 

Quyết định đưa con sang Thái Lan 

Bà Nguyễn Uyên Thùy nói gia đình bà ở Việt Nam lẫn Thái Lan đều đang khủng hoảng tài chính – về phía bà tại Thái Lan, từ lúc trả tiền phạt để rời IDC; về phía gia đình tại Việt Nam, từ sau khi con út phải phẫu thuật. 

“Nếu như để cháu ở nhà, một người ở đó chăm cháu và một người đi làm để nuôi ba người thì không đủ khả năng… Nếu anh trai chăm em gái thì bất tiện, mà anh trai đang thất nghiệp, còn chị gái chăm em gái thì không ai làm ra tiền để [trả] chi phí cho gia đình.”

Không còn lựa chọn nào khác, bà quyết định đưa cô con gái út sang Thái Lan để tận tay chăm sóc. Trước đây, khi nộp đơn xin tỵ nạn, bà đã để tên cả hai con gái trong hồ sơ (vì cả hai khi đó đều chưa tới 18 tuổi), và đang hy vọng sớm có quy chế tỵ nạn cho con gái út vừa đến Thái Lan ngày 19/4 vừa qua. 

Cuộc sống hiện nay 

“Hiện nay không có nhà để ở. Chúng tôi đang xin ở trong một kho chứa hàng… Họ cho hai mẹ con ở nhờ trong một kho chứa hàng… Với tình trạng của cháu, cần phục hồi, mà phải ở trong một môi trường như vậy thì vô cùng đau khổ.” 

Bà nói cuộc sống hiện nay đang rất khó khăn vì không được đi làm và, nếu muốn làm chui, cũng khó được thuê vì mất vài ngày mỗi tháng đi trình diện. Gia đình không còn gì để bán. 

Bà nói thêm, ông Hồ Nhựt Hùng sắp tới cũng phải chữa bệnh. 

“Hoàn toàn không có thu nhập. Bây giờ người ta cho tôi ở đây, và tôi nấu nướng cho một nhóm công nhân, và ăn những gì còn lại.” 

Nhưng bà nói đây chỉ là tạm thời, không thể kéo dài. 

“Rất hoang mang” 

Trong tình trạng vốn đã bấp bênh và đầy lo sợ, đặc biệt từ sau khi bị cảnh sát Thái Lan ập vào nhà bắt và tống vào IDC, bà Nguyễn Uyên Thùy càng hoang mang lo lắng từ sau tin blogger Thái Văn Đường mất tích – có thể bị bắt cóc – ở Thái Lan.

Bà có nhiều nghi vấn: “ở Thái Lan những ngày [lễ tạt nước], không lúc nào đường vắng người… Không thể bắt cóc trong những ngày Tết như thế được… Chúng tôi rất hoang mang. Nếu những ngày đó bị bắt cóc ngay giữa đường, chuyện đó không thể xảy ra.”

Quan trọng hơn, bà nói ông Thái Văn Đường còn không bị truy nã, trong khi bà bị một lệnh truy tìm, một lệnh truy nã, và gần đây công an Việt Nam đến tận nhà tra hỏi và đe dọa. 

“Điều đó càng làm chúng tôi lo lắng thêm. Nếu anh Thái Văn Đường bị cộng sản Việt Nam bắt, thì người tỵ nạn có nguy cơ bị bắt bất kỳ lúc nào.”