Hải Di Nguyễn: Hội Cờ Đỏ và câu trả lời của Việt Nam với Liên Hiệp Quốc
Ngày 29/11/2023, khi bị Ủy ban Xóa bỏ Kỳ thị Chủng tộc (Committee on the Elimination of Racial Discrimination, CERD) hỏi về Hội Cờ Đỏ, một người trong phái đoàn nhà nước Việt Nam trả lời: “Đây là một nhóm người do bộ phận quần chúng nhân dân ở Nghệ An thành lập một cách tự phát, do bức xúc trước việc một số chức sắc, tín đồ Công giáo cực đoan thường xuyên vu cáo, xuyên tạc lịch sử, sự kiện chính trị – xã hội, xuyên tạc, xúc phạm lãnh tụ Hồ Chí Minh, và có hoạt động gây rối an ninh trật tự.”
Nhưng làm thế nào một ủy ban của Liên Hiệp Quốc lại biết về Hội Cờ Đỏ?
Hội Cờ Đỏ là ai? Làm gì?
Sự xuất hiện của Hội Cờ Đỏ có liên quan chặt chẽ đến thảm họa Formosa và việc nhà nước Việt Nam đàn áp các cuộc biểu tình của người dân địa phương.
Năm 2016, người dân tìm thấy hàng loạt cá chết dạt vào bờ ở các tỉnh miền Trung như Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Bình, và Thừa Thiên-Huế, do chất thải độc hại từ nhà máy Formosa. Theo Amnesty International, có khoảng 270.000 người—ngư dân, những người khác phụ thuộc vào ngư nghiệp, và gia đình họ—bị ảnh hưởng bởi hàng triệu cá chết.
Người dân nhiều nơi, với sự dẫn đầu của nhiều linh mục, đứng dậy biểu tình vì môi trường, biểu tình phản đối Formosa và kêu gọi đền bù thỏa đáng. Bị công an địa phương hà hiếp, đàn áp nặng nề, họ vẫn tiếp tục biểu tình kêu gọi công lý và minh bạch.
Năm 2017, giáo xứ Song Ngọc và các giáo dân bị tấn công bởi một nhóm hơn 100 người mặc áo đỏ và cầm cờ đỏ, tự gọi là Hội Cờ Đỏ. Hội Cờ Đỏ chửi bới, đánh đập giáo dân; đập phá đồ đạc và nơi thờ phượng; đe dọa, tấn công các linh mục. Nạn nhân báo với chính quyền địa phương nhưng không được gì.
Sau giáo xứ Song Ngọc, Hội Cờ Đỏ nhắm vào giáo xứ Đông Kiều, giáo xứ Kẻ Gai, giáo xứ Đăng Cao… và tràn sang tỉnh khác, không chỉ gói gọn trong Nghệ An.
Theo BBC News Tiếng Việt đưa tin, UBND xã Sơn Hải nói đây là một “tổ chức tự phát”, nhưng các linh mục cho rằng Hội Cờ Đỏ là một tổ chức do chính quyền địa phương lập ra và hậu thuẫn.
Linh mục Đặng Hữu Nam nói “Nếu hội này không phải do chính quyền thành lập thì tại sao chính quyền lại phải đi thông báo với chúng tôi?”.
“Hơn nữa mấy cuộc tập kết trước đây [của họ] đều tiến hành trong trụ sở của chính quyền”, Linh mục nói thêm. “Không có tổ chức nào không được sự đồng ý của chính quyền lại vào trong trụ sở của chính quyền để làm việc.”
Làm thế nào quốc tế biết đến Hội Cờ Đỏ?
TS. Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch BPSOS, cho biết “BPSOS đã soạn một tài liệu chi tiết với dẫn chứng về Hội Cờ Đỏ để báo động với quốc tế, bao gồm nhiều định chế nhân quyền của LHQ, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Ủy hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế (USCIRF), Quốc hội Hoa Kỳ và nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế.”
Tài liệu kể ra một loạt những vụ sách nhiễu của Hội Cờ Đỏ với các linh mục và giáo dân biểu tình về thảm họa Formosa, và nói chính quyền địa phương bắt bớ, giam giữ, bắt tù người biểu tình nhưng để Hội Cờ Đỏ muốn làm gì thì làm, và chẳng làm gì khi nạn nhân báo họ bị Hội Cờ Đỏ đánh đập, tấn công. Thậm chí có người còn bị công an truy nã sau khi làm chứng về việc Hội Cờ Đỏ đánh đập nhiều giáo dân ở giáo xứ Kẻ Gai.
Tài liệu cũng nói các cơ quan truyền thông nhà nước bôi nhọ các linh mục, đồng bộ với Hội Cờ Đỏ, cho thấy sự phối hợp nhất định.
Dùng tài liệu này, BPSOS đã đóng góp thông tin cho các cuộc rà soát của Liên Hiệp Quốc về việc thực thi các công ước nhân quyền mà nhà nước Việt Nam đã ký kết.
Tác động?
Theo TS. Nguyễn Đình Thắng cho biết, Hoa Kỳ và các tổ chức nhân quyền quốc tế đã nêu tên Hội Cờ Đỏ khi nói về tình trạng nhân quyền ở Việt Nam và “Nay, nhà nước Việt Nam không thể phủ nhận là không có Hội Cờ Đỏ như trước đây.”
Ngày 29/11/2023 vừa qua, tại phiên rà soát về vấn đề kỳ thị chủng tộc, Liên Hiệp Quốc lại chất vấn phái đoàn nhà nước Việt Nam về Hội Cờ Đỏ.
Phái đoàn nhà nước gọi đó là (https://webtv.un.org/en/asset/k1o/k1o3do6vzd ) “một nhóm người dân yêu nước” và nói thêm “Khi bức xúc và mâu thuẫn giữa hai nhóm này lên đến đỉnh điểm thì có xảy ra xô xát. Tuy nhiên, sự xô xát này chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự nên nhà nước Việt Nam cũng không xử lý cả hai hội nhóm này.
“Về phía Việt Nam, chúng tôi đã tích cực xử lý vụ việc bằng cách là cơ quan chức năng Việt Nam đã gặp các thành viên của tổ chức Hội Cờ Đỏ cũng như những người có chức sắc, tín đồ tôn giáo để tuyên truyền, phổ biến về chính sách, pháp luật của nhà nước và yêu cầu chấp hành pháp luật, không có hành vi vi phạm pháp luật.”
Họ cũng nói “Nhà nước cũng chỉ đạo các chính quyền tăng cường công tác quản lý, và cảnh báo các tổ chức, hội nhóm vi phạm pháp luật không được gây ra sự phân biệt đối xử hoặc mất đoàn kết giữa các tôn giáo, giữa người Công giáo và người không theo đạo Công giáo, với nguyên tắc là những tổ chức nào hoạt động tuân thủ pháp luật sẽ được khuyến khích, và vi phạm pháp luật phải bị xử lý nghiêm theo pháp luật.”
Trong Bản Nhận xét Kết luận sau phiên rà soát, Ủy ban Xóa bỏ Kỳ thị Chủng tộc bày tỏ quan ngại về các “tội ác vì thù ghét” của Hội Cờ Đỏ và việc nhà nước Việt Nam gọi họ là “người yêu nước”, “qua đó hợp pháp hóa những hành động phân biệt đối xử của họ”. Ủy ban khuyến nghị nhà nước Việt Nam điều tra, khởi tố, và trừng phạt các thành viên Hội Cờ Đỏ “phạm tội có động cơ liên quan đến chủng tộc.”
TS. Nguyễn Đình Thắng nói “Vì sự lên tiếng và lên án của quốc tế, các Hội Cờ Đỏ lui dần vào bóng tối, bây giờ hầu như biệt tích”, dù vậy, BPSOS sẽ tiếp tục nêu tên Hội Cờ Đỏ tại các diễn đàn quốc tế và “thách đố nhà nước Việt Nam điều tra và khởi tố hình sự các thành viên đầu não của Hội Cờ Đỏ vì vi phạm luật Việt Nam và luật quốc tế.”
Hải Di Nguyễn