Hải Di Nguyễn: Người tỵ nạn ở Thái Lan bị đánh đập hành hạ trong IDC ra sao?

Ngày 6-8/5/2025 vừa qua tại thủ đô Kathmandu của Nepal, một số nạn nhân bị tra tấn đã có cơ hội gặp trực tiếp và kể lại câu chuyện của mình cho nữ Tiến sĩ Alice Jill Edwards, Báo cáo viên Đặc biệt LHQ về tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo, hoặc hạ nhục con người.
Có mặt cùng ông Đặng Minh Ty, công dân Mỹ gốc Việt từng bị tra tấn tại Việt Nam, là anh Percy Nguyễn của tổ chức BPSOS. Anh Percy nêu lên vấn đề người tỵ nạn – bao gồm người Việt – bị đối xử tàn ác trong IDC, trại giam của Sở Di trú Thái Lan.
Họ bị đánh đập hành hạ ra sao? Để tìm hiểu, tôi phỏng vấn một vài người đã hoặc đang bị giam tại IDC.
Điều kiện giam giữ tại IDC (Immigration Detention Centre)

Anh Lù A Da (sinh năm 1993) là người H’mông theo đạo Tin lành, thuộc tổ chức Hmong Human Rights Coalition. Vì bị đàn áp tôn giáo, anh trốn sang Thái Lan lánh nạn năm 2020 và bị bắt ngày 7/12/2023.
Với tội nhập cư bất hợp pháp, anh Lù A Da phải vào nhà tù ở Thái Lan rồi sau đó bị chuyển vào IDC ngày 14/12/2023, và được bảo lãnh ra ngoài vào ngày 2/2/2024.
“Căn phòng tôi ở, chiều rộng khoảng 6m, chiều dài khoảng 20m, nhưng lúc đông người nhất là khoảng 150 người…Họ xếp một viên gạch khoảng 30 phân thì 2 người được 3 viên gạch thôi.”
Anh cho biết, lúc phòng ít người nhất cũng chen chúc khoảng 120 người.
“Cuộc sống chật chội, thiếu thốn các kiểu hết. Ăn xong ngủ đấy, không có cái gì trải hết. Ở trong IDC chẳng khác gì ở tù,” anh Lù A Da kể lại.
Anh Roy (sinh năm 1987, người Kinh) từng là người tỵ nạn tại Thái Lan, phải vào IDC 2 tuần trước khi được lên máy bay đi Hoa Kỳ năm 2024. Anh cho biết “Trừ khoảng một tấc để đồ trên đầu, để quần áo và đồ ăn… mình nằm khoanh tay như nằm trong hòm rồi co gối lại là vừa đủ… Duỗi chân được nhưng mình phải xen chân vào chân người ta.”
Anh Lù A Da nói “Có người ở lâu trong đó, bị đánh nhiều quá, điên luôn. Trong phòng tôi ở, có hai người Trung Quốc ở lâu trong đó, bị điên luôn, không biết gì luôn.”
Một số nhân chứng khác cũng nói tương tự. Anh Roy cho biết, trong số người Việt bị giam trong phòng, “có hai người điên, một già, một trẻ.” Trong một phỏng vấn trước đây cho tờ BBC News Tiếng Việt, năm 2023, bà Nguyễn Uyên Thùy cũng cho tôi biết mình bị giam chung trong IDC với vài người bị vấn đề tâm thần, “họ la hét, và khi họ mất kiểm soát, mình thấy rất sợ.”
Một trường hợp bị đánh

Anh Lù A Da kể lại “Khoảng tháng 1 [năm 2024], có ông trưởng phòng tên Trần Thanh Tuấn, không biết ổng ở bao nhiêu năm trong đó nhưng nói tiếng Thái khá rõ và có vợ người Thái… Hôm đó, người mang cơm từ ngoài vào cho trưởng phòng nhờ tôi đi rót nước cho ông ấy uống. Tôi rót ly nước xong, ông trưởng phòng hỏi ai là người mới rót nước. Tôi nói tôi là người rót nước… Ông trưởng phòng hăm dọa và đánh tôi, không rõ lý do gì.”
Vài người tỵ nạn cho biết các phòng giam ở IDC đều có trưởng phòng, kèm vài người “phụ tá”.
“Tôi bị đánh và tát vào mặt, và bị mấy người đó đạp, đá.”
Anh Lù A Da kể lại, người trưởng phòng tên Tuấn nói với các “đồ đệ” là “phải để ý đám người tỵ nạn này”, và đe dọa 4 người Thượng tỵ nạn đang bị giam cùng phòng khi đó.
“Cảnh sát không quan tâm”
“Ông trưởng phòng có còng số 8. Người nào ông đánh mà chống trả lại thì ông dùng còng số 8 khóa luôn, khóa cả một ngày một đêm,” anh Lù A Da nói. “Người tỵ nạn của mình không bị còng, nhưng có người Trung Quốc, người Myanmar… bị còng. Có một trường hợp hai người bị còng với nhau. Đi đâu, ăn, ngủ, đi vệ sinh đều phải hai người đi hết.”
Anh cho biết “Phòng có lắp camera hết nhưng cảnh sát [Thái Lan] không quan tâm. Việc ông [trưởng phòng] đánh người, cảnh sát không quan tâm gì hết.”
Người tỵ nạn bị đánh đến ngất xỉu
Ông C là người H’mông đang bị giam tại IDC từ ngày 12/4/2025. Khi tôi phỏng vấn ông qua điện thoại vào ngày 14/5/2025, giữa tiếng ồn ào bát nháo của IDC, ông kể lại là ngày 1/5 vừa qua, chính em trai ông là ông K bị đánh đến bất tỉnh trong nhà vệ sinh.
“Ông trưởng phòng và lính của ông trưởng phòng đánh em trai tôi bị ngất. Tôi phát hiện ra tiếng đánh… Khi tôi chạy tới cứu, bị trưởng phòng và lính trưởng phòng đánh vào mặt tôi chảy máu… Báo cảnh sát thì cảnh sát nói, không chết thì không giải quyết, nếu chết thì mang đi thiêu.”
Ông C không biết tên đầy đủ của người trưởng phòng, chỉ biết tên Vũ.
“Từ vụ này tới giờ đã xảy ra 5 vụ, cảnh sát không can thiệp.”
Chính quyền Việt Nam có liên quan gì tới những vụ đánh đập này không?
Một số độc giả có thể đặt câu hỏi chính quyền và sứ quán Việt Nam có liên quan gì tới những vụ hành hạ đánh đập trong IDC này không—chúng tôi không biết và hoàn toàn không thể khẳng định. Tuy nhiên, anh Lù A Da cho biết ông Trần Thanh Tuấn có tiếp xúc với sứ quán Việt Nam tại Thái Lan và nói mình không sợ sứ quán.
Cần nói thêm rằng không phải mọi người Việt bị tống vào IDC đều là người tỵ nạn—một số là ngư dân bị bắt khi đánh cá lấn vào vùng biển Thái Lan, hoặc được giải cứu từ các ổ lừa đảo, hoặc ở Thái Lan bất hợp pháp vì bất kỳ lý do gì khác—những người muốn có tấm vé máy bay hồi hương đều phải qua sứ quán Việt Nam và ông trưởng phòng. Anh Lù A Da cũng nói, họ phải trả số tiền khoảng 13,000-15,000 baht (tức khoảng 388-448 USD) dù giá vẻ thông thường chỉ khoảng 3,000-4,000 baht (tức khoảng 90-120 USD).
Hiện nay đang có 13 người H’mông trong IDC
Ông C nói “Chúng tôi hiện đang ở trong trại IDC, chúng tôi rất lo lắng, không biết lúc nào [mình cũng bị đánh]… Mùng 7/5, một người Myanmar bị đánh, ngất từ 4 giờ rưỡi chiều đến 7 giờ chiều mới tỉnh dậy. Trong IDC xảy ra nhiều vụ như vậy, không có cảnh sát tới can thiệp.”
Theo thông tin từ anh Lù A Da, hiện nay trong IDC đang có 13 người tỵ nạn người H’mông bị giam cầm, chỉ hy vọng được hỗ trợ số tiền chuộc để tại ngoại.
Hải Di Nguyễn