Hải Di Nguyễn: Nhà nước Việt Nam: “Chúng ta đã có một Phiên đối thoại UPR rất thành công”

Đây là câu phát biểu của Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt, được trích trên Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam. Tại phiên Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát hay Rà soát Định kỳ Phổ quát (Universal Periodic Review, tức UPR) ngày 7/5/2024 vừa qua, ông là người đứng đầu phái đoàn nhà nước Việt Nam.

Nhưng Việt Nam đã “thành công” như thế nào?

Những nước nào khen Việt Nam?

Trong bài phỏng vấn, ông Đỗ Hùng Việt nói “Nhiều nước đánh giá cao phần trình bày, đối thoại của Việt Nam, ghi nhận chính sách, nỗ lực và thành tựu của Việt Nam về bảo đảm quyền con người, nghiêm túc thực hiện các khuyến nghị UPR đã chấp thuận kể từ lần rà soát trước đến nay.”

Đa phần các quốc gia bắt đầu với 1-2 câu khen, rồi mới đưa ra khuyến nghị. Vậy những quốc gia nào chỉ khen ngợi Việt Nam và không có khuyến nghị? Đó là Mauritania, Sudan, và Tanzania. 

Thổ Nhĩ Kỳ cũng chủ yếu khen ngợi và chỉ khuyến nghị chung chung “Tiếp tục hợp tác với Hội đồng Nhân quyền và các cơ quan quốc tế.”

Có bao nhiêu khuyến nghị?

Tại Kiểm điểm UPR lần này, Việt Nam nhận được 320 khuyến nghị, nhiều nhất từ trước đến nay.

Các khuyến nghị là về các quyền con người rất khác nhau: thành lập cơ quan nhân quyền quốc gia; ngừng trả thù với những cá nhân hợp tác với LHQ; bãi bỏ án tử hình hoặc giảm số tội bị trừng phạt bằng án tử hình; xóa bỏ tra tấn, ngược đãi; cải thiện điều kiện nhà tù; thay đổi luật chống khủng bố để phù hợp với chuẩn quốc tế; bảo đảm hệ thống tư pháp độc lập; bảo đảm quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp, và lập hội; sửa đổi Điều 117, 118, và 331 trong Bộ luật Hình sự; công nhận hôn nhân đồng giới; tăng nỗ lực phòng, chống buôn người và hỗ trợ nạn nhân; thay đổi luật về quyền đình công của người lao động; ưu tiên an sinh xã hội cho người già, người khuyết tật; hình sự hóa cưỡng hiếp trong hôn nhân; công nhận người bản địa; loại bỏ trở ngại với quyền tự do tôn giáo hay niềm tin; đối xử với mọi tôn giáo như nhau, v.v.

Một trong những điểm đáng chú ý là Thái Lan đưa ra cho Việt Nam ba khuyến nghị và điều đầu tiên là “Tiếp tục cân nhắc trở thành thành viên của Công ước quốc tế về bảo vệ tất cả mọi người khỏi bị cưỡng bức mất tích (International Convention for the Protection of All Persons from Enforced Disappearance).”

Malawi, Malta, Mông Cổ, Uruguay, Cabo Verde, Cộng hòa Dominica, và Pháp đều nói cùng ý này, nhưng khuyến nghị đến từ Thái Lan lại khác vì ngày 26/1/2019, bốn ngày sau lần Kiểm điểm UPR lần trước, mật vụ Việt Nam bắt cóc nhà báo Trương Duy Nhất ngay tại Thái Lan. Cũng tại Thái Lan, mật vụ Việt Nam bắt cóc blogger Đường Văn Thái vào tháng 4/2023. 

Ông Đỗ Hùng Việt tại phiên Kiểm điểm UPR ngày 7/5/2024 (chụp màn hình từ UN Web TV). 

Vậy nhà nước Việt Nam “thành công” như thế nào? Người dân được lợi gì?

Theo nghĩa nào đó, nhà nước Việt Nam “thành công” vì phái đoàn nhà nước xuất hiện “trả bài” rồi đi về, không bị Hội đồng Nhân quyền trừng phạt.

Tuy nhiên, có vài điều cần chú ý.

Thứ nhất, UPR là một trong những nơi tình trạng nhân quyền ở Việt Nam bị vạch trần cho thế giới thấy—Việt Nam đang muốn được tái ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền.

Thứ hai, UPR là nơi nhà nước Việt Nam bị người dân—đi đường vòng, thông qua LHQ—chất vấn về các vụ đàn áp, bắt bớ, v.v. Họ có thể né tránh ở Việt Nam vì kiểm soát toàn bộ các cơ quan truyền thông, nhưng phải trả lời tại LHQ.

Thứ ba, nhà nước lẫn người dân qua UPR có thể thấy thế giới—đặc biệt “các nước văn minh”—biết gì và nghĩ gì về Việt Nam. Chẳng hạn, một số quốc gia kêu gọi sửa đổi Điều 117 “Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước CHXHCNVN” và Điều 331 “Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”, thường được dùng để bắt các nhà báo, nhà hoạt động, người bất đồng chính kiến; Thụy Sỹ cũng nhắc tới Điều 118 “Tội phá rối an ninh”, thường được dùng để bắt người biểu tình. 

Thứ tư, những diễn đàn như UPR cho người Việt thấy nhân quyền không chỉ là những quyền được nhắc đến nhiều như tự do ngôn luận, tự do báo chí, quyền biểu tình, tự do tôn giáo… mà còn có rất nhiều quyền khác như quyền người bản địa và sắc tộc thiểu số, quyền người khuyết tật, quyền của cộng đồng LGBT…; ngoài ra cũng có thể thấy một số điều rất bình thường ở Việt Nam, như trừng phạt thân thể hoặc cưỡng ép tình dục giữa chồng và vợ, không phải là điều bình thường ở các nước tự do dân chủ.

Thứ năm, người dân có thể nhắc tới các khuyến nghị ở LHQ khi đối đáp với công an và cán bộ Việt Nam, và có thể đem các báo cáo, khuyến nghị tới các diễn đàn khác để tiếp tục vận động về nhân quyền cho Việt Nam.

Cuối cùng nhưng không kém quan trọng, các nhóm đấu tranh cho nhân quyền có thể tiếp cận từng quốc gia đã đưa ra khuyến nghị để vận động họ theo dõi và gây áp lực cho Việt Nam cho những hồ sơ cụ thể liên quan đến khuyến nghị của họ.

Việt Nam đã chấp nhận những khuyến nghị nào?

Hiện nay chưa có thông tin từ Liên Hiệp Quốc.

Trong bài sau, tôi sẽ viết về việc Việt Nam thực hiện hay không thực hiện các khuyến nghị tại UPR lần trước.

Hải Di Nguyễn

———————

Bài liên quan:

*Hải Di Nguyễn: Chuyện gì xảy ra tại phiên Kiểm điểm định kỳ phổ quát (UPR) cho Việt Nam?