Hải Di Nguyễn: Nhóm Người Thượng vì Công lý ở Úc đã giải cứu nạn nhân buôn người như thế nào?

Cuối tháng 3/2025 vừa qua, tổ chức Người Thượng vì Công lý (Montagnards Stand for Justice, viết tắt MSFJ) chi nhánh ở Úc đã giúp giải cứu một nạn nhân buôn người.
Tài chính eo hẹp, nghe lời dụ dỗ ngon ngọt về “việc nhẹ lương cao”, Q (sinh năm 2004) bị lừa bán vào ổ lừa đảo ở Campuchia vào tháng 6/2024. Q hiện nay đang ở đồn cảnh sát Campuchia, chờ hồi hương.
Để tìm hiểu câu chuyện giải cứu Q khỏi đường dây buôn người, ngày 4/4/2025, tôi phỏng vấn anh Quân (thuộc MSFJ ở Úc) và anh Percy Nguyễn (làm việc cho CAMSA, tức Liên minh Bài trừ Nô lệ Mới ở Á châu, do BPSOS thành lập).
Q rơi vào đường dây buôn người và lừa đảo như thế nào?
Người tìm đến MSFJ cầu xin cứu giúp là mẹ Q. Anh Quân cho biết:
“Hoàn cảnh của chị này cũng rất trái ngang. Chị ấy và chồng không sống với nhau nữa. Một thân một mình chị ấy nuôi ba đứa con. Bé gái bị bán sang Campuchia là con lớn, còn hai đứa nhỏ nữa.”
Đời sống khó khăn, tiền không có, Q rời nhà ở tỉnh Đồng Nai, đi làm cho công ty gỗ ở Bình Dương. Ở đó được một thời gian khi thấy quảng cáo trên Facebook về “việc nhẹ lương cao” ở Campuchia.
“Bé nhắn tin xin mẹ cho đi làm. Mẹ bé không cho, nhưng bé im, giấu mẹ, tự đi. Từ cửa khẩu Việt Nam, người ta đi đường rừng. Khi sang Campuchia, đi đường rừng, bé nói với người lái xe là thôi, con không muốn đi nữa, cho con về lại Việt Nam… Họ nói bây giờ đổi xe, đổi sang xe khác để chở về Việt Nam, còn xe này vẫn tiếp tục sang Campuchia. Khi người ta đổi bé sang xe kia, bé kể là không biết gì luôn, như bị đánh thuốc mê… Không biết bị gì luôn. Ngủ một mạch.”
Khi tỉnh dậy, Q thấy mình đã bị bán vào ổ lừa đảo ở O Smach, Campuchia, gần biên giới Thái Lan. Khi đó là ngày 9/6/2024.
Những ngày bị bóc lột, hành hạ


Một số đoạn tin nhắn giữa Q và mẹ từ tài khoản Facebook giả
Như vô số nạn nhân khác hàng năm bị lừa gạt hoặc bắt cóc vào các đường dây lừa đảo của người Trung Quốc ở Campuchia, Thái Lan, Miến Điện…, Q bị ép lừa đảo người khác trên mạng, từ 6 giờ sáng đến tối khuya. Bị đe dọa. Chửi bới. Đánh đập. Bắt thụt dầu (sit-up).
Anh Quân nói “Bé nói là họ bắt làm tới mức kiệt sức, bị ho ra máu… Tới khi không làm được nữa, người ta mới đưa đi bệnh viện để đi truyền nước… Sau khi truyền nước xong, người ta cũng không cho ở lại bệnh viện để theo dõi mà đưa lại khu giam giữ luôn.”
Tại ổ lừa đảo, Q cũng bị tước mất điện thoại và căn cước công dân. Muốn thoát ra thì phải trả số tiền chuộc 4,000 USD (khoảng 100 triệu đồng).
Làm thế nào gia đình có thể kiếm được khoản tiền 100 triệu?
Tôi đã đọc một số đoạn tin nhắn giữa Q và mẹ, gửi lén lút bằng chính điện thoại của công ty—những tháng ngày này là khoảng thời gian đau đớn và kinh hoàng cho Q.
“Ông chủ bên này có súng đó mẹ ạ”, “ông chủ ổng ghê lắm chứ không có hiền đâu, ổng giết luôn á”, “con bảo đảm chắc chắn con mất mạng”…
Cũng trong tin nhắn, Q cho biết có người bị “đánh gần chết” và bị bán sang Miến Điện.
Công an Việt Nam không làm gì
Theo thông tin chúng tôi có được, mẹ của Q đã báo cáo khắp nơi, báo chính quyền địa phương, báo công an tỉnh Đồng Nai từ tháng 9/2024. Nhưng họ chẳng làm gì.

Người mẹ nơi đường cùng cũng bị lường gạt
Anh Quân nói “Khi liên lạc với mẹ nạn nhân, mẹ nạn nhân có hỏi, nếu em cứu được con chị, chị phải trả em bao nhiêu tiền? Mình cũng lấy làm ngạc nhiên. Mình nói, không chị, sao chị hỏi vậy? Chị ấy nói là, do ai cũng nói kêu chị phải trả một số tiền trước, rồi khi cứu được con ra rồi, đưa cho gia đình, phải trả số tiền còn lại.”
Lúc đó anh mới biết, giữa lúc cùng quẫn, van lạy tứ phương nhờ người ta cứu con mình, chính mẹ Q cũng bị lừa tiền. Tuyệt vọng, chị chạy khắp nơi vay được số tiền 16 triệu đồng (khoảng 620 USD) và đưa cho một kẻ nói sẽ giúp đỡ—tới khi nhận ra đó là kẻ lừa đảo, đã quá muộn.
Anh Quân kể “Mình nói với mẹ nạn nhân là, em làm cái này, không lấy đồng nào từ chị hết. Bọn em làm để cứu người, bọn em không làm vì tiền bạc. Chị ấy hỏi, em nói thiệt hay nói đùa?… Lúc đầu chị ấy rất bỡ ngỡ, vì từng bị lừa 1-2 lần. Khi nói giúp không công, chị ấy ngạc nhiên.”
Không thực sự tin nhưng cũng chẳng biết làm gì khác, mẹ Q quyết định liều và cung cấp thông tin cho MSFJ. Từ chị, anh Quân thu thập bằng chứng, lập hồ sơ nạn nhân, lấy tọa độ và thông tin tòa nhà, rồi gửi tất cả qua CAMSA.
Giải cứu

Sau khi có hồ sơ, anh Percy Nguyễn tóm tắt lại thông tin và liên lạc với cảnh sát Campuchia.
Anh Quân liên lạc với mẹ Q vào ngày 14/3. Đến ngày 24/3 thì có thông tin Q đã được giải cứu.
Theo lời kể của anh Percy Nguyễn, gia đình cho biết “Nó đánh cho một trận, rồi thả ra ngoài”, Q bị đánh đến “ói ra máu”. Hiện nay Q vẫn đang ở đồn cảnh sát Campuchia để họ tìm hiểu thông tin, xem xét đúng là nạn nhân buôn người, làm giấy tờ, và chuẩn bị mọi thứ cho chuyến đi hồi hương.
Anh Quân nói ngày 4/4 “Hôm qua mình có nói chuyện với bé, thấy bé vui vẻ hơn, có sức sống hơn, so với lúc đầu khi mới được cứu ra.”
Anh cũng nói “Mình cũng thấy rất vui khi cứu được một mạng người, và làm cho một gia đình hạnh phúc trở lại. Cũng thấy đó là niềm vui để mình cố gắng cứu được thêm nhiều người hơn.”
Anh Percy Nguyễn cho biết, từ năm 2022 tới nay, CAMSA đã giúp giải cứu thành công được 25 người từ Campuchia.
Ngoài ra, MSFJ ở Úc còn làm gì?
Anh Quân và các thành viên của MSFJ ở Úc đều là người Kinh. Tuy nhiên, họ đều là người Thiên Chúa giáo và “muốn đóng góp thêm một tiếng nói” về vấn đề “tự do tôn giáo ở Việt Nam, đặc biệt cho người Thượng bản địa ở Tây Nguyên.”
Sống ở xứ tự do, thấy bản thân mình và người xung quanh có quyền lợi, họ cũng muốn nói lên sự thật và đấu tranh cho tự do nhân quyền ở Việt Nam, đặc biệt khi cộng đồng người Thượng bản địa ít được biết tới.
Anh Quân cho biết đã theo dõi MSFJ từ năm 2019, rồi dần dần quen anh Y Phic H’dok, đồng sáng lập tổ chức MSFJ và hiện đang ở Mỹ. Rồi quyết định thành lập chi nhánh ở Úc vào đầu năm 2024.
Ngoài việc hỗ trợ giải cứu nạn nhân buôn người, nhóm MSFJ ở Úc cũng vận động truyền thông, vận động chính phủ Úc về tự do tôn giáo, nhân quyền, và quyền người bản địa ở Việt Nam, đặc biệt thuận lợi khi nước Úc cũng rất quan tâm và coi trọng quyền người bản địa.
Qua sự vận động của MSFJ chi nhánh Úc, ngày 22/11/2024, bà Penny Wong, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Úc đã có lá thư về MSFJ, trong đó cũng nói chính phủ Thái Lan phải tôn trọng nguyên tắc non-refoulement (tức không gửi trả người tỵ nạn về nơi họ bị đàn áp), ý nhắc tới vụ dẫn độ Y Quynh Bdap.
Anh Quân cho biết, nhóm MSFJ đang tiếp tục kết nối với dân biểu ở Úc, và sắp tới sẽ cung cấp thêm thông tin đầy đủ chi tiết cho chính phủ Úc cho bản tường trình hàng năm về tình trạng nhân quyền ở Việt Nam.
Hải Di Nguyễn