Hải Di Nguyễn: Ông A Mich: “Họ cho ăn, no rồi họ kéo vào phòng họ đánh”
Ông A Mich (sinh năm 1977) cho biết mình là người J’rai theo đạo Tin Lành, trước đây sống ở Kon Tum.
Tại Việt Nam, ông từng nhiều năm bị sách nhiễu, đánh đập, cũng từng ngồi tù, và đến Thái Lan năm 2012 nhưng đến nay vẫn không có quy chế tỵ nạn chính thức từ Cao ủy Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc.
Tuy nhiên, ông vẫn tiếp tục giúp đỡ người Thượng ở Việt Nam thông qua tổ chức ông đồng sáng lập, Xây dựng Nhân quyền cho người Thượng Tây Nguyên (Build Human Rights for Montagnards, viết tắt BHRM).
Đàn áp tôn giáo ở Việt Nam
“Đi nhóm tư gia, họ cũng sách nhiễu, ngăn cản, không cho thờ phượng Chúa”, ông A Mich nói. “Họ nói không cho theo Tin Lành, lúc đó họ bảo phải theo Công Giáo.”
Ông giải thích khi đó ở Kon Tum, Tin Lành đang “trong tầm ngắm, họ cứ nghĩ là móc nối nước ngoài.”
Năm 2004 ở Campuchia
Ông cho biết, năm 2004, Mục sư Nguyễn Hồng Quang của Hội thánh Mennonite bị bắt. Ông và một “ông anh” phản đối, kêu gọi thả Mục sư, nhưng sau đó sợ chính mình cũng bị bắt nên trốn sang Campuchia.
Tại Campuchia xin tỵ nạn, ông bị đẩy từ trại này sang trại khác, không được chấp nhận, và cùng nhiều người tỵ nạn khác bị trục xuất về nước.
“[Cảnh sát] cơ động chính phủ Campuchia vào, bảo lên xe. Chúng tôi không lên xe nhưng họ đánh, dí bằng roi điện, chúng tôi mới sợ hãi và vào xe.”
Ông cho biết bị tống về Sa Thầy và bị nhốt 2 đêm. “Họ đánh vào ngực, tát vào má” và tra hỏi “có những ai huấn luyện, ai chỉ đạo cách vượt biên thế nào, ai chỉ dẫn, liên lạc với ai, giấy tờ của tôi ai làm cho…”
Sau đó ông bị kiểm điểm trước làng, phải hứa sẽ không tiếp tục, sẽ không nghe lời ai “rủ rê” đi vượt biên.
Cuộc sống ông A Mich sau đó ngày càng khó khăn hơn. Một mặt, chính quyền địa phương tiếp tục tìm cách cưỡng ép ông bỏ đạo. Mặt khác, vì từng trốn sang Campuchia, ông đi đâu cũng phải báo cáo; ra khỏi làng, phải báo cáo; đi rẫy, phải báo cáo; không đi đâu, mỗi tháng vẫn phải hai lần báo cáo.
Đời sống bó buộc, ngày 15/8/2007, ông lần nữa cùng vài người khác vượt biên sang Campuchia.
“Họ cho ăn, no rồi họ kéo vào phòng họ đánh”
Ông A Mich kể “Qua được [Campuchia] xong rồi, lại bị làng gần đó, không biết mình đưa tiền ít quá hay sao, họ bán lại cho bộ đội [Việt Nam]. Bộ đội bao vây và bắt.”
Theo lời ông, ông bị ép treo cái balô khoảng 12 kg trên cổ, tới khi thở không nổi, đi không được, phải van xin “làm ơn lên đạn bắn chết tôi đi”, ông mới được bộ đội Việt Nam chuyển cái balô sang vai trên đường về đồn.
“Họ cho mình ăn no, mình không nghĩ rằng ăn no xong họ kéo mình vào cái phòng nhỏ, rồi họ đánh. Húc vào chỗ ngực. Sáu lần. Mới ói ra hết cơm, không còn cơm nào hết, ăn như bằng không.”
Ông nói mình bị công an “đánh tới tấp”, “xong rồi tôi xỉu luôn chỗ đó.”
Ông A Mich sau đó bị chở sang trại giam Kon Tum, bị nhốt tới khi xử rồi bị chuyển sang trại Gia Trung ở Gia Lai.
Thời gian ngồi tù: 2007-2010
Bị kết tội “Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài trái phép”, ông A Mich bị kết án 3
năm 6 tháng tù giam, lúc đầu phải đập đá ở trại Gia Trung, Gia Lai, sau đó được chuyển sang trại Xuân Phước, Phú Yên, trồng rau.
Thế nhưng ông vẫn chẳng được yên sau khi ra tù ngày 26/5/2010: người quen né tránh, đời sống khó khăn, chính quyền sách nhiễu.
“Tôi có nói với họ rằng, tôi nợ nần nhà nước, 3 năm 6 tháng tôi đã trả rồi, tôi không phải tội nhân nữa.”
Sau khi ra tù, ông tiếp tục phải báo cáo, tiếp tục bị tra hỏi khi tham gia các hội nhóm Tin Lành tư gia ở thị xã Sa Thầy hoặc đi nghe Mục sư A Ga ở xã Rờ Kơi, tiếp tục bị đe dọa. Ngay cả khi ông đi Bình Dương mua giống cây cao su, công an cũng canh gác trước cửa nhà và tra hỏi, nghĩ ông trốn đi nước ngoài.
“Tôi không thể sống được như vậy. Tôi đã ra tù rồi. Những người cùng đi [tù] năm 2004, [sau khi] ra tù đi thăm, họ cũng cấm. Bạn bè không thấy mình, họ đi thăm tới tận nhà, đến [ngày hôm sau công an] lại mời mình, bạn bè đi thăm dò, để chỉ đường à.”
Ngày 29/2/2012, ông A Mich sang Thái Lan tìm đường tỵ nạn.
Cuộc sống hiện nay
Ông A Mich xin tỵ nạn năm 2012 và bị từ chối năm 2015.
Được tổ chức BPSOS huấn luyện về xã hội dân sự và bản thân đồng sáng lập tổ chức Xây dựng Nhân quyền cho người Thượng Tây Nguyên, ông A Mich cho biết mình lâu nay đang giúp đỡ người Thượng lấy thông tin, thu thập bằng chứng, viết báo cáo, nhưng “từ khi bị từ chối [tỵ nạn], [tôi] lo âu, suy nghĩ, mất ngủ, đôi lúc mất ăn. Lo và cũng không ra ngoài nhiều được, sáng sớm cũng phải lắng nghe, sợ gõ cửa hay gì đó.”
Ngày 14/3/2024 vừa qua, chúng tôi được thông tin rằng phái đoàn Việt Nam, trong đó có Thiếu tướng Rahlan Lâm, Giám đốc Công an tỉnh Gia Lai, cùng Trung tá Y Lương Niê, Phó Trưởng phòng Công an đối nội tỉnh Đắk Lắk, sang Thái Lan gặp cộng đồng người tỵ nạn. Trong các video chúng tôi có được, họ đến hỏi chuyện cộng đồng người Ba Na và J’rai, tìm cách thuyết phục người tỵ nạn quay về Việt Nam.
Hiện giờ chúng tôi không biết được công an Việt Nam sang Thái Lan vì mục đích gì, đặc biệt khi trong tháng 3/2024, họ vừa vu cáo hai tổ chức người Thượng là “khủng bố”, và hai tổ chức này có nhiều thành viên hiện đang tỵ nạn tại Thái Lan.
Hải Di Nguyễn