Hải Di Nguyễn: Ông Cao Hà Trực–4 năm 7 tháng từ ngày cưỡng chế vườn rau Lộc Hưng

DĐTK: Từ 1954, Vườn rau Lộc Hưng đã là nơi trú ngụ của bao nhiêu gia đình, bao nhiêu thế hệ từ Bắc vào Nam sinh sống.

Sau 1975, đây là nơi cư ngụ của hàng trăm người, hầu hết là những người thu nhập thấp, sinh viên nghèo, các cựu tù nhân lương tâm và các thương phế binh Việt Nam Cộng hòa.

Vào ngày 4/1/2019, chính quyền quận Tân Bình, TP.HCM đã đưa hàng trăm người gồm công an, cảnh sát cơ động, cảnh sát giao thông, dân phòng đến tiến hành cưỡng chế khu vườn rau Lộc Hưng, phường 6, quận Tân Bình, phá dỡ hàng trăm căn nhà vào thời điểm Tết Nguyên đán Kỷ Hợi cận kề, gây bức xúc mạnh mẽ trong dư luận lúc bấy giờ.

Bài của tác giả Hải Di Nguyễn phỏng vấn ông Cao Hà Trực, một cư dân của vườn rau Lộc Hưng, nhìn lại 4 năm 7 tháng kể từ ngày khu vực này bị cưỡng chế. 

***

Ông Cao Hà Trực

Vườn rau Lộc Hưng 

Ông Cao Hà Trực sinh năm 1971, thuộc “thế hệ thứ ba của người di cư từ miền Bắc vào miền Nam, sống từ năm 1954… và lập nghiệp tại vườn rau Lộc Hưng.” 

Ông cho biết “Khi Bắc 54 chúng tôi chạy chế độ cộng sản vào miền Nam, chúng tôi vào đây được Hội Thừa sai Paris, lúc bấy giờ là bên quản lý ruộng đất của bên tôn giáo, cấp chúng tôi đất để chúng tôi an cư lập nghiệp.” 

Vườn rau Lộc Hưng ở phường 6, quận Tân Bình. Cư dân sống bằng trồng rau, và “hình thành nên nhà thờ và nhiều nhà nguyện, trong đó có Đài Đức Mẹ, gọi là Họ Mông Triệu.”

Theo lời ông, họ đã sống ở đó từ năm 1954, và từ năm 1976 bắt đầu đóng thuế theo chủ trương nhà nước, “có biên lai đóng thuế và sổ thuế”. Tuy nhiên, đến năm 1999, khi ông và nhiều người khác đi kê khai nhà, đất theo nghị định mới, họ lại không được nhà nước công nhận cơ sở pháp lý. 

Bà con vườn rau Lộc Hưng bắt đầu đi kiện từ năm 1999. 

“Đến năm 2001, họ có quyết định… thu hồi đất của chúng tôi để làm dự án xây nhà cao tầng. Họ lấy đất của chúng tôi, họ nói họ giao lại cho bưu điện, bởi vì họ nói đất của chúng tôi là đất thuộc bưu điện.”

Ông nói “Trên thực tế đến bây giờ, chúng tôi chưa bao giờ thấy tờ giấy nào nói Bưu chính Viễn thông có chủ quyền trên đất của chúng tôi, theo như cơ quan nhà nước nói.” 

Nhìn lại ngày cưỡng chế Vườn rau Lộc Hưng

Theo ông Cao Hà Trực cho biết, ngày 1/1/2018, bà con giáo xứ Lộc Hưng nhận được thông báo “cưỡng chế xây dựng nhà trái phép”. 

Ngày 4/1 và 8/1/2019, nhà nước Việt Nam đưa lực lượng tới cưỡng chế đất và đập phá 503 căn nhà. Chỉ riêng nhà thờ và Đài Đức Mẹ được giữ nguyên. 

“Họ đưa khoảng sáu xe ủi trở lên, để họ ủi… họ đập bình địa nhà cửa của chúng tôi, cũng như ruộng đất, hoa màu của chúng tôi đã sử dụng từ năm 1954 đến nay. Họ không cần biết bà con sống thế nào trên mảnh đất đó, hoặc nhà ở thế nào, họ ủi bình địa. Họ cướp tài sản của chúng tôi, họ lấy, đến bây giờ họ cũng không trả lại.” 

Những người có nhà ở đó và chống đối cưỡng chế, như ông Cao Hà Trực, đã bị trùm bao đen và bắt đi từ 5 giờ sáng. Những người phản đối bị nắm đầu kéo tóc, bị đánh đập, trấn áp.   

“Họ ủi bình địa, san bằng 48.000 mét vuông đất. Những gì ở trên mảnh đất, họ ủi sạch hết. Và đồ đạc thì họ lấy, họ chở đi đâu tôi không biết. Ngoài ra, khi họ ủi bình địa xong, có những sắt thép chúng tôi có, họ để cho cái bang, hàng trăm hàng ngàn cái bang, mang xe tới, tự nhiên hốt đồ của chúng tôi, hôi của… Vô đông như kiến, ai muốn lấy gì thì lấy, cướp tài sản của chúng tôi. Chính quyền cho phép họ lấy, chính quyền không can thiệp gì hết.”

Các hình ảnh lấy từ trang Facebook Vườn rau Lộc Hưng.

4 năm 7 tháng vừa qua 

Theo ông Cao Hà Trực cho biết, nhà cầm quyền đã gây khó khăn từ năm 2010. 

“Từ ngày xưa cho tới năm 2010, chúng tôi vẫn trồng rau, trồng trọt. Nhưng khi chúng tôi đi khiếu kiện, chúng tôi không biết ý đồ của nhà cầm quyền như thế nào, họ đã để nước mưa các nơi đổ dồn về cánh đồng của chúng tôi, cứ mỗi lần mưa là ngập lụt. Chính quyền không giải quyết và không có cách cải thiện. Vì vậy chúng tôi bị chết hết rau củ quả, chúng tôi không canh tác được.”

Những gia đình ở phần đất cao hơn vẫn có thể trồng rau, còn những nhà khác phải chuyển sang nuôi gia súc hoặc cho thuê nhà. 

Đến tháng 1/2019, nhà cầm quyền đến cưỡng chế đất, phá nát 503 căn nhà, san bằng 48.000 mét vuông đất, và thay đổi hoàn toàn cuộc sống của hơn 100 gia đình. 

“Khi nhà nước ủi sập bình địa, có ba vấn đề xảy ra. Thứ nhất, họ phải đi thuê nhà.” Bà con ở Vườn rau Lộc Hưng bị đẩy khỏi “nơi chôn nhau cắt rốn” và bị tách khỏi nhà thờ và giáo xứ. 

“Thứ hai, họ bị mất việc làm.” 

Nhiều người phải chuyển sang sống bằng nghề phụ hồ, hoặc làm giúp việc. “Như tôi phải chạy xe ôm. Bởi vì tuổi như chúng tôi, không biết nghề gì mới hết, ngoài ra phải đi khiếu kiện, nên chúng tôi chỉ còn cách là chạy xe ôm để kiếm sống qua ngày.”

Vấn đề thứ ba, theo ông Cao Hà Trực, là về tinh thần. 

“Sau khi họ cưỡng chế, tối hôm đó có một anh bị khủng hoảng thần kinh, anh mang dao đâm vợ. Cuối cùng phải kêu bệnh viện đưa đi để chữa trị. Tinh thần anh ấy nay đã tạm ổn, nhưng lâu lâu thời tiết nóng, anh ấy lại lên cơn lại. Theo tôi biết có hai người [bị khủng hoảng tâm thần], đó là một trường hợp như vậy.”

Đã bắt đầu từ năm 1999, ông Cao Hà Trực cùng khoảng 100 gia đình tiếp tục khiếu kiện sau vụ cưỡng chế năm 2019—khi đi kiện gần, có khoảng 40, 50 người, khi đi xa như Hà Nội, khoảng 10 người trở xuống—nhưng đến nay vẫn “chưa thấy gì sáng sủa”. 

“Chính sách của nhà nước là, trên đổ dưới, dưới đổ trên, họ đá bóng. Họ không có cơ quan nào giải quyết theo luật định.”

Ông đã giải thích về lịch sử của Vườn rau Lộc Hưng, nói về Hội Thừa sai Paris, và nhắc đến Hiến pháp 1980, quy định “nguyên cư, nguyên căn, ai ở đâu, người đó ở đó.” Ông cũng giải thích Vườn rau Lộc Hưng đã được “sử dụng ổn định, lâu năm, không tranh chấp” và lẽ ra phải được nhà nước xác nhận cơ sở pháp lý. 

Tuy nhiên, họ chỉ “nói nhăng nói cuội” và “nói ngang nói ngược”. “Ngay cả ông Phó Chủ tịch Thành phố là ông Nguyễn Văn Đua, khi tiếp chúng tôi, cũng nói đất là đất của nhà nước, sau năm 1975 đương nhiên đất đai là của nhà nước hết.”  

Ông Cao Hà Trực cho biết cho tới nay vẫn chưa được đền bù.  

Còn những người nghèo ở Vườn rau Lộc Hưng? 

Ông Cao Hà Trực cho biết Giáo xứ Lộc Hưng cũng giúp đỡ cưu mang người nghèo và những người bị bỏ rơi ngoài xã hội, đặc biệt là thương phế binh VNCH, “người ta gọi là người nghèo không ai dám đụng đến”. 

Theo lời ông, các Cha của Dòng Chúa Cứu Thế lập nên chương trình tri ân cho các thương phế binh VNCH và tìm được khoảng 7.000 ông sống rải rác khắp nơi từ vỹ tuyến 17. 

“Sau khi Cha Giám tỉnh của Dòng Chúa Cứu Thế được đổi đi, chương trình tri ân thương phế binh không còn được hoạt động ở Dòng Chúa Cứu Thế nữa, và các ông phải tiếp tục lang thang.”

Dòng Chúa Cứu Thế đưa 15-16 ông vào cánh đồng ở, và nuôi các ông. Các Cha vẫn tìm cách này cách khác để hỗ trợ và tặng quà cho các thương phế binh khác, còn những người được đưa vào cánh đồng là “những ông quá ngặt nghèo, không thể đi về đâu được”. 

Ông Cao Hà Trực cho biết “Sau khi nhà nước cưỡng chế, nhà nước đã đẩy các ông ra ngoài, và các ông sống lây lất ngoài xã hội bây giờ.” 

Hiện nay

Ông Cao Hà Trực trước Đài Đức Mẹ của Vườn rau Lộc Hưng (2023).

Ông Cao Hà Trực vẫn tiếp tục đi kiện, tiếp tục lên tiếng, hy vọng sẽ có ngày mọi chuyện được giải quyết thỏa đáng. 

Thế nhưng hôm nay, 4 năm 7 tháng từ ngày Vườn rau Lộc Hưng bị cưỡng chế, và 24 năm từ lúc bắt đầu vụ kiện, mọi thứ đều vẫn mù mờ. 

Hải Di Nguyễn