Hải Di Nguyễn: Ông Sen Nhiang – Hành trình từ Việt Nam sang Thái Lan tới New Zealand
Ngày 12/9/2024 vừa qua, ông Sen Nhiang (sinh năm 1987) đã cùng gia đình sang tái định cư ở New Zealand, sau 10 năm trời lưu lạc ở Thái Lan.
Ông là người Gia Lai, sắc tộc J’rai. Cũng như rất nhiều tín đồ Tin lành người Thượng khác, ông phải từ bỏ quê hương vì bị đàn áp tôn giáo, vì bị kỳ thị sắc tộc, vì mất đất đai.
Bị cưỡng chế đất
Ở Việt Nam, ông sống ở thôn Puối A, xã Ia Le, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai. Gia đình có miếng đất khoảng 2 hecta rưỡi, đã có từ bao đời nay.
“Lúc đó năm 2008, họ đưa mấy công ty vào, ủi hết đất đai của mình,” ông kể. “Chính quyền nói là đất của chính quyền.”
“Lúc đó là tháng 5/2008. Hồi đó chưa tới mùa màng mình đi rẫy. Họ đưa xe vào đó, họ ủi vào ban đêm. Tới ngày hôm sau mình tới đó, thấy đất rẫy bị ủi hết. Sau đó mình đi hỏi, công ty mới nói là chính quyền cho họ ủi, họ đã trả tiền cho chính quyền.”
Tôi đã xem qua một số video từ ông Sen Nhiang: dân làng khóc than vì mất đất; một người vạch cho xem vết đứt rỉ máu trên chân khi xô xát…
Ông nói “Ở vùng sâu vùng xa, không làm giấy tờ đất đai gì hết” và “hầu như ở khu mình, không có ai có”, vì “để làm [sổ đỏ], một hecta họ lấy 50 triệu. Ở đó mình khó khăn rồi, tiền đâu mà 50 triệu để làm sổ đỏ.”
“Chính quyền xã nói đất đai là của chính quyền, muốn giao cho ai là quyền của chính quyền”, chẳng giải quyết khiếu nại của ông Sen Nhiang hay những người khác. “Bên công ty đưa xã hội đen đến đánh đập [những người phản đối cưỡng chế đất]…Bên công an họ không can thiệp.”
Cuối cùng nhà chỉ còn mảnh đất gần làng, đâu đó khoảng 5 sào. “Họ lấy [đất] đi rồi, không có gì làm nữa.”
Không được thờ phượng
Ông Sen Nhiang thuộc Hội thánh Tin lành Việt Nam – miền Nam, hội thánh được nhà nước công nhận.
Năm 2007, người dân thôn Puối A muốn tạo điểm nhóm để thờ phượng Chúa. Chính quyền không cho, từ năm 2008 bắt đầu xây nhà thờ ở nơi khác, muốn nhiều nơi đổ dồn về một chỗ ở làng Kênh Mek. Vì xa xôi bất tiện, người dân thôn Puối A tự xây nhà thờ cho mình năm 2014, được vài tháng thì chính quyền tới đóng cửa, không cho thờ phượng.
“[Công an] thu hết Kinh Thánh, họ bắt tất cả những người họ cho là đứng đầu, bắt lên xã đánh đập.”
Không bị bắt lúc đó nhưng ông Sen Nhiang lại bị bắt ngày 22/2/2014 vì “tham gia ký tên vào danh sách đòi lại nhà thờ. Tất cả những người ký tên, họ bắt hết, họ đánh đập hết.”
Ông cũng bị đánh.
“Họ điều tra. Hai người đánh… Đánh vào tay, đánh sau lưng… Bằng dùi cui,” ông kể lại. “Họ hỏi ai lập ra danh sách này? Họ thu tiền dâng hiến và [hỏi] mục đích tiền dâng hiến này là gì.”
“Họ có đe dọa, họ không cho đi nhóm. Họ gặp thì bắt vào tù. Mình sợ quá, không dám nói gì.”
Thế thì ông Sen Nhiang và người dân thôn Puối A có được Hội thánh Tin lành Việt Nam – miền Nam can thiệp giúp đỡ không? Ông nói ông không biết.
Vì sao chạy sang Thái Lan?
“Tháng 2 [năm 2014], họ bắt bớ nhiều người trong nhà thờ. Mình cũng sợ bị bắt. Có những người họ bắt vào tù, như ông chú của mình, bây giờ vẫn còn ở tù từ năm 2014. Ông chú của mình là trong ban chấp sự. Án họ nói là 9 năm, bây giờ qua 9 năm, họ vẫn chưa thả.”
Người chú bị cáo buộc là theo Tin lành Đêga, là “chống chính quyền nhân dân.”
Thờ phượng thì không được phép, nhiều người quen lại bị cầm tù, bản thân cũng nhiều lần bị sách nhiễu đe dọa, ông Sen Nhiang trốn chạy sang Thái Lan tìm đường tỵ nạn năm 2014.
Công an Việt Nam sang Thái Lan
Vì sắc tộc và tôn giáo, nhiều người Thượng đã bị bứt khỏi nhà, bứt khỏi làng, bứt khỏi nơi chôn nhau cắt rốn, nhưng tới Thái Lan cũng chẳng được yên.
Ngày 14/3/2024, phái đoàn của Thiếu tướng Rahlan Lâm (còn viết là Rah Lan Lâm), Giám đốc Công an tỉnh Gia Lai và Trung tá Y Lương Niê, Phó Trưởng phòng Công an đối nội tỉnh Đắk Lắk, lần sang Thái Lan tìm cách dụ dỗ lôi kéo người tỵ nạn trở về Việt Nam. Ông Sen Nhiang cũng có mặt tại đó.
Cũng như một số nhân chứng khác kể lại, cảnh sát Thái Lan tới gõ cửa người tỵ nạn, viện lý do khác đưa họ tới gặp phái đoàn công an Việt Nam. Nhưng khác với những trường hợp chúng tôi đã phỏng vấn và viết bài trước đây, ông Sen Nhiang kể lại câu chuyện của mình cho cảnh sát Thái Lan.
“Cảnh sát Thái Lan nói, tí nữa mày đừng nói tiếng Việt, mày nói tiếng Thái đi, họ cho rằng mày người Thái. Như vậy tôi mới được quay phim.”
Ông Sen Nhiang kể lại, công an Việt Nam “chỉ nói là Việt Nam bây giờ tự do, cái gì cũng tự do. Tự do ăn lá mì, ăn thịt chó.”
Trong một video chúng tôi có được, ông Rahlan Lâm nói với đồng bào tỵ nạn “Đất nước mình tự do. Muốn ăn lá mì, có lá mì. Ở đây có lá mì không? Muốn ăn thịt chó, có thịt chó” và “Ở đây làm sao giàu bằng Việt Nam mình được?”.
Ông cũng hứa hẹn “Đây, Lâm, Thiếu tướng Giám đốc Công an tỉnh [Gia Lai], thay mặt tỉnh. Nếu các anh, các em ở đây muốn về thì mình sẽ đứng ra bảo lãnh cho anh em về. Mà về sẽ giúp đỡ, không gây khó khăn, tạo lại cuộc sống, con em được đi học, gia đình hạnh phúc với nhau.”
Đến New Zealand
Ngày 12/9/2024 vừa qua, sau 10 năm ở Thái Lan, ông Sen Nhiang tới New Zealand cùng vợ và ba đứa con (sinh năm 2007, 2010, 2013).
Mọi người tỵ nạn để rời khỏi Thái Lan đều phải đóng tiền phạt vì nhập cảnh hoặc cư trú bất hợp pháp. Ông cho biết đã được BPSOS quyên góp cho số tiền phạt 31,500 baht (hơn 900 USD).
Ông cũng cho biết, khi con gái té xe năm 2019 và cần phẫu thuật, họ cũng được nhiều người giúp, trong đó được “chị Mimo Sa giúp cho 20,000 baht.” Đó là một người thuộc Hội đồng Quản trị của BPSOS.
Sau khi đặt chân tới Auckland, gia đình ông Sen Nhiang đã được một mục sư Tin lành người Việt đến thăm hỏi và hướng dẫn, qua sự kết nối của BPSOS thông qua một tổ chức quốc tế bảo vệ người Thiên Chúa giáo bị bách hại.
Còn những người tỵ nạn còn lại ở Thái Lan?
Đó là trường hợp gia đình ông Sen Nhiang, giờ đây đã an toàn ở New Zealand, bắt đầu cuộc sống mới. Một số người Kinh, người Thượng, người Khmer Krom, người H’mông… đã tới Hoa Kỳ hay Canada hay Úc. Nhưng ở Thái Lan vẫn còn nhiều người tỵ nạn, vẫn phải làm chui, vẫn phải vật lộn với cuộc sống “bất hợp pháp” vì Thái Lan không công nhận người tỵ nạn, vẫn không bình yên, đặc biệt từ khi công an Việt Nam càng truy lùng người Thượng và đang tạo áp lực khiến chính phủ Thái Lan dẫn độ ông Y Quynh Bdap.
Một số thậm chí còn chưa có quy chế tỵ nạn chính thức từ LHQ, bao giờ có thể thoát được tình trạng bấp bênh và đầy rủi ro hiện nay?
Hải Di Nguyễn