Hải Di Nguyễn: Vụ Sư Thạch Chanh Đa Ra bị bắt, chùa Đại Thọ bị đập phá, hiện nay ra sao?
Hình ảnh công an đưa máy xúc tới phá hủy giảng đường chùa Đại Thọ ngày 1/4/2024 (chụp màn hình từ video có được từ Sư Trương Thạch Dhammo)
Gần đây có một sự kiện gây chú ý ở tỉnh Vĩnh Long là công an bắt giữ một số nhà sư và tín đồ và đập phá chùa Đại Thọ, chùa của cộng đồng người Khmer Krom.
Thế chùa Đại Thọ hiện nay ra sao?
Nhân dịp chưa tới một tuần nữa, ngày 7/5/2024, sẽ diễn ra tại Thụy Sỹ phiên Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (Universal Periodic Review, viết tắt UPR) cho Việt Nam, và danh sách các vấn đề có nhắc tới việc nhà nước đàn áp tôn giáo và kỳ thị người Khmer Krom, tôi phỏng vấn Sư Trương Thạch Dhammo và sư Kim Somrinh về chùa Đại Thọ.
Sư Trương Thạch Dhammo sống ở Toronto, Canada, là Chủ tịch Hiệp hội Phật giáo Theravada Khmer Krom Bắc Mỹ và Giám đốc Tôn giáo của Khmers Kampuchea-Krom Federation (KKF). Sư Kim Somrinh là người Khmer Krom ở Trà Vinh, có qua lại với chùa Đại Thọ, và bản thân bị nhà nước nhiều lần sách nhiễu và cáo buộc là phá hoại chính sách đại đoàn kết dân tộc.
Chuyện gì xảy ra ở chùa Đại Thọ? Theo RFA Tiếng Việt đưa tin, ngày 26/3/2024, công an tỉnh Vĩnh Long bắt giữ Sư trụ trì Thạch Chanh Đa Ra và Phật tử Kim Khiêm, với cáo buộc “Lợi dụng quyền tự do dân chủ” theo Điều 331.
Trong cùng ngày, họ cũng bắt ông Thạch Ve Sanal với cáo buộc “Bắt, giữ, hoặc giam người trái pháp luật” theo Điều 157.
Ngày 28/3, công an tỉnh Vĩnh Long tiếp tục bắt thêm bốn nhà sư ở chùa Đại Thọ—Dương Khải, Thạch Quí Lầy, Kim Sa Rương và Thạch Chóp—cùng Phật tử Thạch Nha, với cùng cáo buộc theo Điều 157.
Sư Trương Thạch Dhammo nói “Họ đánh đập Sư Dương Khải, và thêm vài sư khác. Sư Dương Khải, họ hành hung rất dữ tợn… Họ đánh vào mặt… Đánh đến ngất xỉu.”
Chưa dừng ở đó, ngày 1/4, công an tới đập phá giảng đường mới của chùa.
Bắt nguồn từ đâu?
Sư Trương Thạch Dhammo nói “Chùa Đại Thọ có thể nói là thánh địa của người Khmer Krom, nhưng đã bị buộc gia nhập vào Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN).”
Tuy nhiên, chùa cố gắng giữ độc lập.
Ngày 3/12/2023, báo Giác Ngộ (cơ quan thông luận của GHPGVN ở Sài Gòn) đưa tin, Ban trị sự GHPGVN huyện Tam Bình không công nhận Sư Thạch Chanh Đa Ra là thành viên Giáo hội.
Báo Giác Ngộ viết “tu sĩ Thạch Chanh Đa Ra đã có những hành vi vi phạm nghiêm trọng đến Giới luật, Giáo luật, Hiến chương GHPGVN và pháp luật Nhà nước; lợi dụng hình ảnh tu sĩ đã lôi kéo, dẫn dụ một số đối tượng khác để tổ chức các hoạt động tuyên truyền nhằm chống phá Nhà nước, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc và tôn giáo; chiếm dụng chùa trái phép bằng hình thức ép buộc Sư Thạch Xươl giao quyền trụ trì chùa Đại Thọ; tiếp nhận các đối tượng vào sinh hoạt trong chùa trái phép và tự ý xây dựng ngôi giảng đường trái phép để tổ chức các hoạt động bất hợp pháp.”
Theo lời kể của Sư Kim Somrinh, chuyện xảy ra khoảng đầu năm 2022, khi chính quyền tỉnh Vĩnh Long muốn chặt đi cây sao 700 năm tuổi trong khuôn viên chùa Đại Thọ.
“Nói chung, Sư Thạch Chanh Đa Ra và Phật tử không cho chặt, không cho phá nguồn gốc. Mặc dù cây sao đó đã chết, nhưng Sư Thạch Chanh Đa Ra và một số Phật tử không đồng tình cho chính quyền cắt.”
Cây cổ thụ gắn liền với lịch sử chùa Đại Thọ và cũng là di sản của người Khmer Krom.
Các Phật tử địa phương bầu Sư Thạch Chanh Đa Ra lên làm sư trụ trì chùa Đại Thọ, thay thế Sư Thạch Xươnl, một vị sư bị xem là cấu kết với chính quyền địa phương và muốn chặt đi cây sao.
Từ đó trở đi, chùa Đại Thọ thường xuyên bị sách nhiễu.
Đập phá giảng đường
Sư Trương Thạch Dhammo nói “Người Khmer có cái tục, nếu một nơi có đủ 50-100 hộ gia đình trở lên, đồng bào tại địa phương đó phát tâm, họ gây quỹ để duy trì di sản của họ. Họ xây ngôi vạn đường như vậy để tụ tập, và đồng thời để sinh hoạt Phật pháp.”
RFA Tiếng Việt viết “năm 2020, sư Thạch Chanh Đa Ra có ý định xây dựng ngôi giảng đường trên phần đất hiến tặng của bà Thạch Thị Xà Bách ở huyện Tam Bình, tuy nhiên chính quyền địa phương lại cho đây là phần đất của bà Thạch Thị Ôi (em gái bà Bách).
“Ông Thạch Chanh Đa Ra có xin phép chính quyền địa phương để xây dựng công trình này nhưng không được chấp thuận, tuy nhiên sau đó vẫn tiến hành xây dựng.”
Lời kể của Sư Kim Somrinh lại hơi khác: “Lúc đầu xây dựng, chính quyền cũng ủng hộ. Sau này, Sư cũng không hiểu nữa, [chính quyền] ra quyết định không cho xây tiếp. Nhưng ông Kim Khiêm và sư Thạch Chanh Đa Ra cứ tiếp tục làm.”
Ngày 1/4/2024 vừa qua, công an đem máy xúc tới đập phá giảng đường.
Sư Trương Thạch Dhammo nói “Đây là một trường hợp rất đáng buồn. Vừa đáng buồn vừa đau đớn.”
Chùa Đại Thọ hiện nay ra sao?
Sau khi công an bắt Sư Thạch Chanh Đa Ra, Ban Trị sự GHPGVN đưa Sư Thạch Xươnl trở về làm sư trụ trì chùa Đại Thọ.
Sư Kim Somrinh nói “Theo Sư biết, các Phật tử không đồng tình. Có nhiều bức xúc.”
Theo Sư Trương Thạch Dhammo, chính quyền làm xáo trộn sinh hoạt nhà chùa, nhúng tay vào chuyện nội bộ, khiến Phật tử mất niềm tin và không đến nữa, cho nên “chư tăng không có cơm ăn.”
“Chính quyền làm vậy để chia rẽ, mất đi sự đoàn kết, dễ dàng cho họ đè bẹp, dễ dàng cho họ (kiểm soát).”
Hơn nữa, nếu chùa Đại Thọ chịu sự khống chế và kiểm soát của nhà nước Việt Nam thông qua GHPGVN, điều đó “sẽ làm mất đi sự tinh khiết và cái nguyên thủy của Phật giáo Theravada.”
Sư Kim Somrinh cũng cho biết “Bữa đó họ cũng rút hết điện thoại của các sư. Cắt wifi, cắt điện thoại luôn.”
Không thể liên lạc với các chư tăng ở chùa Đại Thọ, họ lấy tin tức từ chị gái của Sư Thạch Chanh Đa Ra.
Sư Trương Thạch Dhammo nói “Chúng tôi ở ngoài rất lo lắng cho sức khỏe và sự an toàn, Phật giáo nơi đó… Không biết tương lai Phật giáo và văn hóa của người dân bản địa chúng tôi thế nào, nếu sự việc tiếp tục.”
Sư yêu cầu quốc tế can thiệp, và yêu cầu nhà nước Việt Nam thả tự do cho các sư Thạch Chanh Đa Ra, Dương Khải, Thạch Quí Lầy, Kim Sa Rương và Thạch Chóp, và các ông Kim Khiêm, Thạch Ve Sanal, Thạch Nha.
Hải Di Nguyễn