Hai truyện ngắn của 2 tác giả nữ Thụy Hân và Cát Vũ

Truyện ngắn Thụy Hân:  Ranh giới

1.

Cánh vạn thọ đầu tiên mơ màng hé mắt đầu tháng Chạp, trong cái nắng lấp ló len mình qua tầng mây dày trắng đục. Nhà ai đốt rác trong vườn. Khói bay bay trên những ụ lá mai già, giăng nhẹ qua mấy chồi lá xanh non và những nụ hoa bụ bẫm. Lúa mới thơm thơm. Và những cánh xuyến chi cuối cùng của mùa đông nhẹ nhàng rụng xuống. Mùi Tết bãng lãng xâm chiếm trong tất cả, thấm qua mái ngói phong rêu ẩm ướt phủ sương khuya. Mùa đã ngọt đậm đà, sau những ngày dài tháng rộng đã qua. Trên khắp các cung đường thị trấn, người ta bày bán hoa thơm lá mới.

Đôi vợ chồng ấy năm nào cũng bày hoa bán ở góc đường này. Phong lan vàng, tím, hồng rực rỡ. Hoa ly thơm nồng. Cây lá sum suê tươi tốt. Hoa họ bán đẹp nhất khu này. Người đàn ông gầy tóp, nhưng đủ sức bê những chậu cúc vàng to nặng như cái lốp container lăn gấp trên quốc lộ. Người đàn bà gầy guộc, nhưng đủ sức gánh cả giàn phong lan. Chỉ có điều, người đàn ông héo hon cọc cằn, người đàn bà khô khan gầy guộc.

– Em gái, hoa này bao nhiêu một chậu?

– Ba trăm.

– Bớt không em?

– Không.

Người đàn bà không ưa nói chuyện, đáp lời trống không. Người đàn ông lầm lũi bày hàng, thu dọn, khom lưng, khuỵu gối. Im lặng hơn cả một đám tang. Hơn tất cả những đôi vợ chồng người ta biết.

Người đàn bà không có tên. Mấy gã trai trẻ, “em gái ơi”, người đứng tuổi hơn, “chị gái ơi”. Có người hỏi tên, người đàn bà chỉ lắc đầu, giống như không còn nhớ tên mình.

2.

Chị không phải vợ của gã. Họ không phải vợ chồng. Họ càng không phải đôi tình nhân chưa cưới. Gã nhặt chị trước cổng bệnh viện sản, khi chị vừa cho đứa con mình cho một đôi vợ chồng giàu hiếm muộn, nhận lấy một phong bì. Chị khoanh tròn tựa vào một bên cổng bệnh viện, khóc kiệt quệ mắt môi. Cửa mình chị đau nhức, nhưng đứa con dấu yêu chín tháng mười ngày làm ổ trong bụng chị giờ đã thành con người khác. Nó sẽ gọi người ta là cha là mẹ, nó sẽ bước vào đời mà không có chị ở bên. Chị từng mơ, sớm mai chị đánh thức con gái dậy. Bé con nũng nịu ôm chị nài nỉ thêm 5 phút ngủ. Và chị chải đầu, cột tóc, thơm má con bé. Con bé sẽ lớn lên. Cặp sách màu hồng và váy áo xanh xanh. Và con bé sẽ yêu đương. Chị sẽ dạy nó khôn ngoan và tỉnh táo.

Nhưng hết rồi. Chị cứ gào lên, con ơi, con ơi. Đứa con gái chưa kịp đặt tên của chị. Người đàn ông lại gần chị, bẻ đôi ổ bánh mì nguội ngắt đưa chị. Bụng chị được lấp đầy, nhưng vẫn trống huơ. Chị hẫng hụt. Chị kéo tay áo gã chùi nước mắt. Gã chửi lên một tiếng, làm chị rụt cổ vào vai. Gã hỏi chị có muốn đi theo gã? Rồi gã dắt chị về.

Đó là cái ổ phủ vữa xám tro, bước chân vào nghe một mùi tang tóc lạ. Cái bàn thờ đặt ngay giữa phòng. Mùi nhang khói ấm không che được mùi tử thi dìu dặt trong không khí. Bàn thờ vẫn còn treo hai tấm liễn trắng, tấm ảnh thờ được vẽ chì mấy nét thờ ơ. Chị vừa mất một đứa con, gã vừa mất đi người vợ. Cứ thế, chị ở với gã, ngày qua ngày.

Gã có lúc đánh chị. Hôm đầu tiên, miệng chị lạt xèo nên nêm canh mặn chát. Gã đạp đổ mâm cơm, tát chị rất đau. Mấy sợi rau tạp tàng dính lên những mảnh vỡ. Chị bàng hoàng. Tay gã in thành dấu trên mặt chị. Chị định gom quần áo bỏ đi, nhưng nhận ra mình chẳng có gì ngoài cái thân vô dụng. Chị rụt cổ vào vai, thẫn thờ nhặt những mảnh chén vỡ, nhét vào dưới bồn cây. Chị trở về phòng, thấy gã đang thắp nhang cho vợ. Gã buồn thiu. Gã quay sang nhìn chị, như muốn nói điều gì, nhưng ngưng lại. Chị trèo lên gác, cuộn tròn trong chăn, muốn khóc nhưng mắt cứ khô rang.

Gã là công nhân môi trường. Gã tưới hoa công viên, cắt cành, quét rác. Có đêm nọ gã về, lấy trong túi áo ra một bông hoa dập nát, đưa cho chị, gãi gãi đầu. Chị không thích hoa, nhưng vẫn cầm lấy. Gã nhe hàm răng vàng ngây ngây mùi thuốc lá, mừng rỡ cười. Đồng nghiệp của gã thấy chị mấy lần, bắt đầu trêu ghẹo. Sau chị biết, gã cắt cành cho hoa trong công viên thị trấn, cố tình cắt đi một cành hoa.

Sẽ có lúc họ trêu chị tục tằn, nhưng chị không để bụng. Nhưng gã gãi đầu đỏ mặt, nhìn chị như đang nghĩ điều gì. Đêm đó, gã bò lên gác, mùi cồn nồng nặc. Gã lần đôi bàn tay cũ kĩ vào áo chị. Chị bật dậy hét lên. Gã bừng tỉnh, lôi chị xuống, đánh một trận tơi bời. Chị thấy oan ức. Chị thấy di ảnh người đàn bà nọ đang nhìn chị, hững hờ.

Một đêm khác, gã lại bò lên, chui vào chăn của chị, bàn tay mò mẫm bầu ngực chị. Qua cơn tê dại, chị hét lên, đánh vào mặt gã sưng phồng. Gã không nói gì, lặng lẽ xuống gác, chui vào ổ chăn đặt sát bàn thờ vợ gã. Chị tủi thân quá. Đêm ấy, tự nhiên chị biết khóc lên từng cơn. Gã hút thuốc cả đêm, mùi khói trộn mùi nhang bàn thờ vợ gã. Hôm sau, gã lại mang về cho chị một cành hoa.

Chị chưa từng nghĩ tới việc trở thành vợ gã. Chị giả vờ không biết gã đang tán tỉnh mình. Cũng buồn cười. Đã ở với nhau được mấy năm, người ta cứ nghĩ gã là chồng chị. Chỉ có chị với gã biết, trong cái ổ của hai người, trên gác và dưới gác, cái bàn thờ của vợ gã và cơn đau trống rỗng trong bụng chị, rất rạch ròi.

Mùa xuân năm đó, gã bàn với chị lấy hoa Tết về bán thử. Chị gật đầu. Cứ quẩn quanh cơm nước nhà cửa, chị thấy tay chân mình đã xâu kim. Ăn nằm ngay góc công viên gần một tháng ròng, gã sắm được cái tủ lạnh ba ngăn đựng đầy cá thịt. Hoa còn dư lại, chị mang về để thử để đầy sân, nhưng không thấy rộn ràng như những khách hàng mua hoa của chị. Có những người khoác tà áo rách đã vá mấy năm qua, nhưng năm nào cũng mua của chị một chậu cúc, “cho ra Tết”. Chị không hiểu lắm. Chị có những mảnh hồi ức vụn vằn. Là mùa Tết nào còn bé xíu chị xúng xính áo hoa, là năm mới nào rất cũ chị bẽn lẽn nắm tay tình nhân trong tiếng pháo. Chị không còn nhớ rõ, cũng không buồn nhớ. Hình như chị có từng hiểu, nhưng giờ chị không. Chị không còn biết ăn ngon, không có chỗ nào khác để về, càng không có ai để chờ ngóng.

Tết. Người ta dọn dẹp nhà cửa, dọn dẹp lòng mình buồn vui. Nhưng cái ổ chị ở, đã mấy mùa Tết không ai đến. Nhà không có hơi người, cần gì dẹp dọn. Mà chị cũng không cần dẹp dọn cái gì buồn vui. Chị không có. Chị cứ trơ ra. Ngang phè, năm này qua tháng nọ. Thời gian rộn ràng nhất trong năm của chị là lúc bán hoa Tết, cột võng ngủ dưới bóng cây hoa sứ ngay góc công viên. Ra khỏi cái ổ, chị thấy dễ chịu. Chị sẽ không phải lo sợ gã sẽ lại bò lên gác, mò tay vào áo chị, nhắc nhở chị là một người đàn bà. Chị đã không thỏa mãn cơn đàn ông của gã.

Không đón thì Tết vẫn đến, từng năm. Gã sẽ đi mấy ngày đêm, mang hoa về cho kịp bán. Chị và gã sẽ lại lăn lộn góc công viên, buôn buôn bán bán, rồi trở về nhà sau giao thừa, với cái ổ lạnh ngắt, ấm mỗi cái bàn thờ. Tết vẫn đến thôi. Chị cắm hoa cúc vàng lên bàn thờ vợ gã. Mọi năm cúc trắng, năm nay gã đã chịu cắm cúc vàng.

Gã mang về một cái bình thủy tinh trong suốt, hỏi chị muốn cắm vào hoa hồng hay hoa tu-líp, gã sẽ mua cho. Chị nhìn gã khó hiểu. Gã gãi đầu. Gã ôm về ba chục cành hồng, đổi bằng một chậu hoa cúc. Đó là vụ làm ăn thua lỗ, nhưng không hiểu sao gã vẫn làm. Chị nắm 30 cành hoa nhét hết vào bình, không buồn nhìn một chút. Sau thấy gã thất vọng quá, chị lại lấy nó ra, mang cắm lại từng cành.

3.

Người đàn bà ấy là sinh vật duy nhất tách biệt với người ta. Cả thở cũng trật nhịp. Người sống xung quanh nói nói cười cười, họ có nhau, họ móc nối nhau như tấm lưới. Họ cùng vui chung và buồn chung. Lũ trẻ thèm Tết vì kẹo bánh, áo quần. Người trẻ thèm Tết để quay về. Người già thèm Tết vì nhớ mong người trẻ. Chỉ có mỗi người đàn bà ấy, như nhức mắt những hoa rộn ràng rộ nở, nhức đầu những mùi hương lộn xộn, mùi hoa, mùi vải mới, mùi người.

Những năm hoa nở đúng mùa được giá, đêm Ba Mươi, chủ những hàng hoa bên cạnh nướng cả mấy con gà thơm phức, uống bia con hổ, đếm đi đếm lại những đồng tiền xanh đỏ cười không khép miệng, người đàn bà vẫn trơ ra như đá. Người đàn ông cười tít mắt, xúng xính những xấp tiền phe phẩy như đứa trẻ. Người đàn bà lặng thinh hồi, kéo môi nặng nề cười. Mắt người đàn ông sáng rực lên, hào hứng chửi thề mấy tiếng. Gã hỏi người đàn bà muốn ăn gì. “Gì cũng được…”

Người đàn bà tĩnh lặng đến mức ngang phè. Những năm hoa chưa kịp nở hay tàn quá sớm, hoa rẻ, phải bán đổ bán tháo, phải đập chậu, phải cắt hoa. Mới Tết rồi, có gã trai trẻ bốn năm trời trồng được đâu mấy trăm cây quất, mang ra đây bán, nhưng đêm Ba mươi quất vẫn còn xanh ngắt. Ai thèm mua một chậu quất xanh về chơi Tết, buồn cười, xui xẻo biết bao. Qua giao thừa, đến tận 2 giờ khuya, hắn vẫn còn nài nỉ người ta mua thêm một chậu. Tay chân mặt mũi hắn như đi cày, mắt đỏ hoe, gào khản giọng.

– Năm chục nghìn một chậu, bán không? – Có người ép giá.

Hắn quỳ xuống lạy lục, khóc gào.

Hoa rớt giá. Người đàn ông lẳng lặng xếp hoa chở về, buồn thiu như đứa trẻ làm rơi xuống đất một cái kẹo ngon. Gã vỗ vai người đàn bà: “Không sao đâu, năm này thua lỗ thì năm khác bù vào, hen.” Người đàn bà gật gật đầu. Gã nhe răng cười, cầm chậu hoa ly đưa cho vợ: “Tặng!”

4.

Chị nghĩ đời mình sẽ cứ mãi ngang phè, cho đến đêm nọ, cơn đau nhấc chị ra khỏi giấc ngủ ngang phè. Cơn đau cán qua thân thể chị, cào qua xé lại. Chị không thở được. Chị thều thào gọi gã. Gã trèo lên gác, cái thang gấp kêu từng tiếng gấp gáp nặng nề. Trước lúc ngất đi, chị nghe gã gọi, “em ơi”.

Chị tưởng chị đã chết trong cái đêm năm ấy. Vậy mà đến cuối cùng, chị vẫn còn sống. Gã đã lo lắng nháo nhào đưa chị vào Chợ Rẫy, nghuệch ngoạc vài ba chữ kí, nước mắt ngắn dài. Gã không biết chữ. Gã không biết trên tờ giấy kia người ta viết cái gì, gã chỉ muốn chị sống. Chị bất ngờ, hóa ra gã để ý chị có còn không.

Gã đút cho chị từng thìa cháo, tay run run.

– Em đau không?

Chị lắc đầu. Gã mếu máo chùi nước mắt. Gã đưa chị về cái ổ, để chị nằm trong chăn gã, kê cái gối cho chị tựa vào. Gã thắp nhang cho vợ gã, lẩm nhẩm mấy câu cầu an cầu phước. Gã sợ chị sẽ chết. Gã cố ở bên chị thật nhiều. Gã bỏ thuốc lá. Gã thắp hương cho vợ gã mỗi ngày. Gã lẩm bẩm cầu khấn.

Gã lắp trong ổ cái lọc không khí, sợ chị hít thở không ngon. Chị nghĩ mình sẽ chết ngay. Chị nhắm mắt đón chờ cái chết. Sao cũng được. Chị thấy mình xứng đáng. Đây là hình phạt, vì chị đã vứt bỏ đứa con gái dấu yêu. Vậy mà, chết một người không dễ. Chị sống dai như con đỉa. Đã có mấy lần chị tưởng mình chết, nhưng mãi vẫn không chết. Chị ăn được, ngủ được, thở được, rồi sống thêm một mùa hoa, rồi một mùa hoa. Lạ kì.

Lại đến một mùa hoa. Người ta lại đến mua hoa. Năm nay, chị không thấy ông già khách quen thường mua hoa để mộ vợ. Chị có nhớ nhớ, nhưng cũng chẳng nghĩ nhiều. Chết thì có gì đáng sợ. Không sống mới đáng sợ. Chị thấy chị không còn sống từ đời thuở kiếp nào. Phải biết, mấy năm nay, cái cục u ngay phổi đang lớn dần kia vẫn không đè chết chị.

– Em gái, hoa này bao nhiêu một chậu?

– Ba trăm.

– Bớt không em?

– Không.

Chị chán ngán những cuộc xem trả, bán mua. Gã lầm lũi bày hàng, thu dọn, khom lưng, khuỵu gối. Hôm nọ, chị gánh hoa vấp ngã, làm gãy ba cái vòi hoa. Chị tưởng gã sẽ lôi chị ra, đánh chị dập mình hộc máu. Vậy mà, gã chỉ đỡ chị dậy, tỉ mỉ lau phủi đất cát lấm hai ống quần. Có thằng bé chạy ngang, nhặt lấy nhặt để những bông hoa dập nát. Gã nắm áo thằng bé, dọa nó, “không cho mày đâu, cái này chú mang đi tặng vợ”, rồi cười phá lên. Trông gã không khác gì một đứa trẻ. Chị tưởng gã sẽ mang về cắm lên bàn thờ. Hoặc gã chỉ nói lơi rồi để đấy. Vậy mà đêm ấy, gã nhặt lại mấy bông hoa gãy, đặt lên cái võng của chị nằm ngay góc công viên.

Chị nhận ra, làm vợ của gã cũng không tệ. Lâu rồi gã không còn đánh chị. Đàn ông mất vợ, đàn bà không chồng, mắc gì? Huống chi, người ta vẫn nghĩ gã là chồng chị. Lâu lắm rồi gã không đánh chị, gã bỏ thuốc lá, cho tiền chị thuốc thang. Không tệ. Chị cũng muốn thử làm vợ ai đó, sinh một đứa con. Chỉ sợ sau này chị chết, gã không nuôi nổi đứa con chung ấy. Nhưng chị vẫn đỏ mặt, nghĩ về đứa con sẽ xóa mờ ranh giới cái ổ của hai người. Chị cùng gã thờ phụng người vợ trước. Bụng chị đầy đặn đứa con.

Chị muốn trở về cái ổ. Chị muốn thắp cho người đàn bà ấy một nén nhang. Chị muốn cuộn tròn trên gác và chờ đợi. Gã sẽ lên cơn đàn ông và tìm chị, và chị sẽ sinh cho gã một đứa con. Dưới bóng cây hoa sứ này lạnh quá. Cái phổi chị, dù dai như con đỉa, vẫn phải gồng lắm mới đi qua những đêm Tết xáo xào lạnh ngắt này. Năm nay hoa lại mất mùa, đã có những con buôn ở xa bắt đầu bán rẻ về nghỉ sớm. Chị nằm mơ màng.

Tự dưng chị giật mình. Một cơn đau tới không báo trước. Chị hốt hoảng hít vào. Cơn đau phổng phao. Chị há miệng ngáp ngáp, nhưng lồng ngực vẫn cứ xẹp lép thiếu thốn. Chị thấy cái chết trước mắt. Chị sợ quá. Chị thấy cả người nứt nẻ. Chị muốn ngày mai thức dậy, quay về dọn dẹp cái ổ của chị, mua một chút bánh mứt, nước trà. Chị muốn ngày mai thức dậy nấu cho gã một tô canh rau tạp tàng. Và muốn nửa đêm nhét vào túi áo công nhân môi trường của gã chút bánh khô, rồi ngồi đợi gã tan làm khi khuya muộn.

Chị muốn ôm gã. Trong ánh đèn dây tóc vàng mờ, chị quờ quạng tay chân trèo xuống võng. Gã đã giúp chị kéo mùng lên mỗi đêm. Chị kéo theo cả chăn, cố mở to mắt đi về phía cái giường xếp cũ. Gã nằm cong người như con tôm. Môi gã hở ra, tiếng ngáy đều đều nghe như một điệu nhạc. Chị nằm xuống, chui vào lòng gã. Gã mơ màng quàng tay lên người chị, dần thở đều đều…

Thụy Hân 

Giải Nhì cuộc thi truyện ngắn của Cộng đồng VĂN XUÔI

***

Truyện ngắn Cát Vũ: Hương trà vương vấn

Cọt kẹt một tiếng, cái cửa gỗ cũ kỹ của nhà bếp được đẩy ra để lộ một bóng người nhập nhoạng trong ánh rạng bình minh. Ông Sâm hơi ló người ra ngoài rồi lại rụt vào ngay vì cái rét căm căm bất ngờ thốc ùa vào mặt. Không có áo chống rét, ông chỉ có thể quay vào tìm một chiếc áo hơi dày khác tròng thêm vô.

Lúc này cảm thấy ấm hơn một chút, ông Sâm mới đẩy rộng cánh cửa nhà bếp ra lần nữa. Cái âm thanh cót két phát ra từ mấy cái bản lề lung lay như lúc nào cũng có thể rớt ra lại vang lên. Ông Sâm quen thuộc đưa tay cầm lấy cây chổi tàu cau đặt ngay sát cửa đi ra sân trước để quét lá.

Như mọi ngày, ông thấy vị trụ trì của chùa đã ngồi nơi cái bàn đá ở góc sân tự lúc nào.

-Trời rét vậy sao ông không ngủ thêm chút nữa? – Vị sư già hiền lành cất giọng chào ông.

-Lớn tuổi rồi khó ngủ. – Ông Sâm trả lời cộc lốc.

Vị trụ trì đã quen với cái kiểu cáu bẳn mỗi khi trời trở rét của ông Sâm nên không lấy gì phiền lòng, chỉ nhẹ nhàng cầm ấm trà lên, lật mở thêm một chiếc chung rồi nói.

-Ông đến uống chén trà cho ấm bụng.

Ông Sâm ậm ừ trong cuống họng mấy tiếng như đồng ý rồi đến ngồi ở chiếc ghế đá bên cạnh sư thầy.

Trên bàn có đặt một chiếc ấm trà tử sa và bốn chiếc chung nhỏ cùng chất liệu, trong đó có hai chung sư thầy đã rót sẵn cho bản thân và ông Sâm. Hương trà theo làn khói mỏng mảnh trôi bảng lảng trong không khí buổi sớm.

Chùa nghèo, ngoài mấy bức tượng Phật và đồ thờ cúng ở chánh điện thì nơi đây chỉ duy nhất còn có bộ ấm trà này là có chút giá trị. Nghe nói đây là của một vị thí chủ biết trụ trì thích trà nên đã gửi tặng cho. Lá trà là ông Sâm hái về, sư thầy tự tay đem phơi khô rồi sao. Độ lửa mỗi lần đều khác nhau, trà đem ra pha vị cũng khác, nhưng vị sư già chưa bao giờ biết mệt mỏi trong việc thử nghiệm các cách xào trà.

Thi thoảng khi uống trà cùng nhau, sư thầy hay tự giễu với ông là:

-Tứ đại giai không cái gì? Lòng tôi vẫn chấp niệm với trà lắm.

Ông Sâm không phụ họa theo chỉ lặng lẽ dùng hai tay nâng chung trà lên nhấp khẽ một ngụm, mắt hơi liếc nhìn một bóng người vừa đi ra ở phía cửa hông của chánh điện.

Cái bóng mảnh khảnh ngày nào giờ đã vững chãi như cây bồ đề ông trồng cách đây nhiều năm khi ông vừa đến chùa xin tá túc.

Ngôi chùa này được xây dựng ở lưng chừng một ngọn núi, cũng không biết tự năm nào. Nơi đây vốn chỉ có một vị sư già trông coi. Đường lên núi khó khăn, khách hành hương thưa thớt, quanh năm bốn mùa đều tĩnh mịch. Cho đến một ngày át cả tiếng gõ mõ tụng kinh là tiếng trẻ con khóc ngằn ngặt vì đói. Sư thầy ra trông thì thấy ai đó đã tặng một đứa trẻ sơ sinh đặt trước cổng chùa. Từ đó chùa có thêm một sinh linh nữa, vị sư già có thêm một cái bóng lũn chũn theo sau. Thầy đặt tên cho đứa bé đó là Tịnh Lạc- an an tịnh tịnh, lạc lạc mỗi ngày.

Ngôi chùa có hai người.

Rồi một ngày xa xăm trong trí nhớ của vị trụ trì, có một nguời đàn ông mang theo nét mặt khắc khổ, quẩy theo một túi vải buồm đến chánh điện thắp hương. Sư thầy ấn tượng người này vì sau khi thắp hương xong, ông ta còn giúp dọn dẹp quanh sân của chùa. Nơi đây vốn chỉ có một già lưng đã hơi còng, một trẻ còn chút vụn vặt. Lá vàng có khi chưa kịp quét đã chuyển thành sẫm nâu, rồi vỡ tan tác dưới bước chân người vô tình giẫm qua.

Đêm đó khi trụ trì sai chú tiểu nhỏ ra đóng cổng thì nghe Tịnh Lạc kêu to một tiếng. Ông lúi húi đi ra thì thấy hóa ra người đàn ông khắc khổ kia vẫn chưa đi, đang dựa vào cổng chùa mà ngủ. Tiếng hét của chú tiểu cũng đánh thức người đàn ông. Ông ta đứng dậy, hai tay chắp thành hình chữ thập, hơi lúng túng nói:

-Thưa thầy. Có thể cho tôi xín tá túc lại không?

Lúc này đến vị sư thầy lúng túng. Ngã Phật từ bi, cửa chùa luôn rộng mở. Nhưng ngôi chùa của sư vốn chỉ có chánh điện nơi thờ cúng là mái ngói lành lặn. Phía sau chánh điện là một gian nhỏ chỉ vừa kê đủ một tấm phản là chỗ ngủ của thầy và chú tiểu. Cả ngôi chùa không còn gian phòng nào nữa.

Không còn cách nào, vị trụ trì liền bộc bạch với người khách lỡ đường, mời ông trú tạm cùng gian với hai thầy trò. Người đàn ông lúc này không hề giấu diếm chuyện ban ngày khi quét dọn quanh sân chùa, đã quan sát thấy nhà bếp tuy chỉ được lợp sơ sài, nhưng vẫn có thể che nắng che mưa. Vì vậy ông chỉ xin nương mình một góc nhỏ nơi chái bếp. Chùa nghèo không có vật gì đáng giá để người khác mưu cầu. Vị trụ trì đồng ý cho người đàn ông ở lại. Người khách lỡ đường đó chính là ông Sâm.

Ông Sâm không nói ông từ đâu đến hay muốn ở lại bao lâu, sư thầy cũng không hỏi. Ba người cứ thế mỗi người một quá khứ đậy vun kỹ lại rồi cùng nhau mà sống. Núi non tĩnh mịch, khói lửa nhân gian dường như không thể bay cao đến nơi này.

Chùa giờ có ba người.

Thời gian lặng lẽ trôi đi, tháng năm chỉ còn tính bằng chiều cao của Tịnh Lạc và cái cây bồ đề ông Sâm trồng trước cổng chùa. Ông Sâm nhớ có một ngày trong lúc quét dọn, ông nhìn thấy có một cây bồ đề non khó khăn chen ra từ vách tường. Ông bèn cẩn thận bứng cây ra để không làm đứt rễ rồi đem ra trồng trước cổng chùa. Cái cây non ấy bây giờ đã vô cùng vững chãi. Ngồi ở trong sân, ông Sâm vẫn có thể thấy rõ cái bóng đổ dài của nó.

Bóng cây lay động. Bóng người đi ra từ cửa hông chánh điện giờ đã rõ nét hơn. Tịnh Lạc đến gần vái chào trụ trì và ông Sâm một cái, sau liền cầm cái chổi ông Sâm vẫn để cạnh bắt đầu quét sân.

-Để đó chút ông quét!

Ông Sâm muốn lấy lại cái chổi nhưng Tịnh Lạc rất nhanh né qua. Thanh niên tuổi mười lăm mười sáu vừa tràn đầy năng lượng, vừa nhanh nhẹn, người đã xế chiều như ông không thể so bằng.

-Để con làm cho! Ông cứ uống trà với thầy.

Vị sư già nhìn theo Tịnh Lạc, nở nụ cười hòa ái:

-Cứ để nó làm. Người trẻ tuổi mà còn dậy trễ hơn cả hai ông lão này,

-Tại hôm nay trời rét quá! – Tịnh Lạc phân bua.

Ông Sâm biết sư thầy chỉ nói thế chứ trong lòng không trách gì Tịnh Lạc. Những ngày trời rét như thế này, khi thức dậy sớm, vị này còn cẩn thận để không đánh thức học trò nhỏ vẫn còn đang ngủ say bên cạnh.

Tịnh Lạc rất nhanh đã quét xong khoảng sân chung quanh. Cậu gom lá lại thành một cái vun thuôn thuôn rồi châm lửa đốt. Tiếng lá khô lách tách cháy dường như là âm thanh duy nhất còn tồn tại lúc này.

Khói trà mảnh như tơ. Sương giăng mờ nhân ảnh. Khói từ đám lá bị đốt lượn lờ mãi trong không khí mãi không tan. Tất cả dường như quyện vào nhau thành một tiếng thở dài chưa kịp tan ra đã bị cái rét căm căm nút chặt lại. Ba người mỗi người một suy nghĩ mà nhìn ánh lửa tàn dần.

Liệu khói lửa nhân gian không vương được chốn này thật sao?

Sương giá rồi cũng tan dần. Ông Sâm không còn cần khoác thêm áo mỗi khi dậy sớm, trụ trì thì vẫn châm trà mỗi ngày, duy chỉ có Tịnh Lạc mỗi ngày đi gánh nước thời gian càng lâu hơn.

Sư thầy hỏi thì Tịnh Lạc đỏ mặt mãi mới trả lời được. Hóa ra trời ấm lên rồi, các đóa hoa trong làng liền cùng nhau khoe những búp non trắng ngần nơi bờ suối róc rách. Thi thoảng thấy sư thầy trẻ tuổi ra suối, các cô sẽ trêu đùa. Tịnh Lạc ngại ngần nên chọn dòng suối xa và vắng hơn để lấy nước.

Vị sư già nghe xong không nói gì. Chỉ đêm muộn, ông Sâm vẫn nghe tiếng Tịnh Lạc tụng kinh rầm rì nơi chánh điện. Những âm thanh ấy vang lên giữa đêm khuya thanh vắng, rơi rụng vào lòng ông Sâm nỗi bất an không thể hiểu được.

Sự thấp thỏm ấy càng ngày càng dâng cao và vỡ nát vào một ngày ngôi chùa tụ tập đông người nhất mà ông Sâm từng thấy.

Có một cô gái trong làng đi lên núi rồi không thấy về. Mọi người đổ xô đi tìm thì phát hiện cô ta nằm ngất ở khu vực núi phía sau chùa. Vặn hỏi gì cô gái cũng chỉ khóc và nói mình không nhìn rõ được người làm hại mình là ai. Trên những mảnh quần áo rách nát của cô chỉ còn lưu lại chút tàn hương vụn nát.

Cả vùng núi này chỉ có một ngôi chùa. Cả ngôi chùa chỉ có đúng ba người. Một già lưng đã rất còng, một vừa chớm lớn vẫn chưa trổ hết trưởng thành, và một người không ai biết quá khứ ông ta đã từng là ai.

Ông Sâm dường như bị vây kín trong những tiếng mắng chửi của dân làng, tai ong ong tiếng Nam mô run rẩy của sư thầy, và ánh mắt ông tan ra trong cái nhìn ngập tràn vỡ nát của Tịnh Lạc.

Ông Sâm lúng túng chắp tay thành hình chữ thập nghẹn giọng nói với vị sư già:

-Tôi xin lỗi đã liên lụy đến chùa.

Từ ngày đó ngôi chùa chỉ còn có một người.

Cọt kẹt một tiếng, cánh cửa cũ kỹ bên hông chánh điện được đẩy ra, vị sư già quen thuộc tìm chiếc chổi tàu cau đặt ở một góc nhưng không thấy. Ông chậm chạp đi ra sân. Lá vàng rơi rụng đêm qua ai đã gom thành vun thuôn thuôn. Một bóng người như đá tạc ngồi ở chiếc bàn đá tự bao giờ. Gương mặt khắc khổ ngày xưa giờ đã nhuốm thêm mấy phần tang thương, mất mát.

-Tịnh Lạc đâu sao để lá rụng đầy sân? – Ông Sâm là người cất giọng hỏi trước.

-Tâm không còn hướng về Phật. Cửa chùa không thể giữ chân thằng bé lại rồi.

Sư thầy trả lời rồi chậm chạp pha một ấm trà mới. Ông Sâm chỉ lặng lẽ ngồi đó nhìn từng động tác ngập ngừng mà không nói thêm gì nữa. Trà đã pha xong, sư thầy lật mở hai chiếc chung, quen thuộc rót trà cho mình và ông Sâm như thuở nào rồi nói:

-Già rồi, tôi vẫn không bỏ được chấp niệm với trà.

-Chỉ chấp niệm với trà? – Ông Sâm hỏi lại.

Có mảnh gai nhọn dường như đã chọc thủng sự yên lặng giữa hai người.

-Ông đã biết hết? Vì sao ông vẫn nhận tội? – Vị trụ trì già nua run rẩy hỏi.

-Thầy đâu phải là người duy nhất nhìn thấy cái cây bồ đề tôi trồng lớn lên.

Cả hai lại quay trở về trong im lặng. Khói trà mỏng mảnh, sương giá mờ giăng giăng, chỉ không còn chú tiểu nhỏ châm lửa đốt đống lá vừa vun lại. Ông Sâm dùng hai tay cẩn thận nâng chung trà, nhấp một ngụm. Không phải là hương thơm của trà, mà như vị của mấy loại lá khô sao lên, nhuốm mùi mốc meo.

– Tôi thật lòng chỉ muốn uống lại chung trà ngày xưa.- Ông Sâm thở dài

Mấy ngày sau có người đi thắp hương phát hiện ra xác vị trụ trì treo ở cây bồ đề trước cổng chùa. Trên chiếc bàn đá trong sân có một ấm trà và hai chung trà đã rót sẵn.

Trà đã nguội lạnh, người cũng đã đi xa tự bao giờ.

Cát Vũ 

Giải Nhì cuộc thi truyện ngắn của Cộng đồng VĂN XUÔI

Cộng đồng Văn xuôi