Hoàng Đình Tạo: Giá trị tự do dân chủ luôn bị thử thách qua lịch sử

I. GIÁ TRỊ TỰ DO DÂN CHỦ

A. TƯ TƯỞNG CÁC HỌC GIẢ THẾ KỶ ÁNH SÁNG

Vào thế kỷ 17,18 các tác giả tinh hoa về chính trị học đã liên tiếp đưa ra những tư tưởng khai phá mới về chính quyền và công dân, mang lại một trào lưu sinh động và cách mạng cho hai tầng lớp cai trị và bị trị .

Thomas Hobbes (1588–1679)
Sớm nhất là Hobbes. Ông ta chủ trương chỉ có khế ước xã hội giữa các công dân với nhau về các quyền tự nhiên. Nhưng sự thỏa thuận này được nhà cầm quyền điều phối, chứ không phải khế ước giữa nhà cầm quyền và công dân. Công dân chỉ tuân lệnh hay là chết. Ngay cả tôn giáo cũng phải lệ thuộc vào chính quyền. Hobbes vẫn ưa thích chế độ vương quyền hơn hết .

John Locke (1632–1704)
Theo Locke, thì các quyền tự do căn bản của con người không thể bị tước đoạt hay từ bỏ bởi công dân. Ông đồng ý với Hobbes về khế ước xã hội. Vì cuộc sống rất tàn bạo, và để bảo đảm an bình trong xã hội, do đó công dân cần khế ước xã hội. Nhưng khế ước này không những không riêng giữa các công dân mà còn giữa công dân với chính quyền. Những quyền này, giới hạn quyền lực nhà vua. Nhiệm vụ của nhà vua là hỗ trợ cho việc thực thi và bảo vệ các quyền này. Nếu chính quyền vi phạm khế ước xã hội, thì người dân có quyền nổi dậy để thiết lập một chính quyền mới. (Tư tưởng này được T. Jefferson làm nên tảng trong Tuyên Ngôn Độc Lập Hoa Kỳ). Ông ca tụng chế độ quân chủ lập hiến Anh quốc. Với hai viện lập pháp, quý tộc và thứ dân. Một thủ tướng nắm hành pháp và hệ thống tự pháp độc lập. Ông cho rằng đây là một chế độ lý tưởng nhất vi ba quyền độc lập và kiểm soát lẫn nhau ngăn ngừa tiếm quyền. Ông cũng lên tiếng bảo vệ các quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do tôn giáo; ông cũng mạnh mẽ bảo vệ quyền cư trú.

Charles Montesquieu (1689–1755)
Trong “Tinh Tuý của Luật Pháp”, ông cho rằng, con người vốn nhút nhát nhưng vì nhu cầu lương thực và để tránh chiến tranh và bạo lực, con người đã kết hợp với nhau cùng sống trong xã hội. Nhờ vậy con người dần dần mất đi sự sợ hãi và yếu đuối . Ý thức bình đẳng trong xã hội mang đến tình trạng xung đột giữa công dân và chính quyền. Mục tiêu chính quyền là giữ pháp luật và trật tự cùng bảo vệ các quyền tự do. Ông chống lại chế độ quân chủ toàn trị, và ủng hộ chế độ quân chủ lập hiến Anh quốc.

J.J. Rousseau (1712–1778)
Theo ông trong trạng thái tự nhiên, thì chính quyền phải tìm cách bảo vệ tất cả các quyền tự do của người dân. Từ đó công dân gia nhập vào khế ước xã hội. Những quyền tự do này, công dân có thể từ bỏ cho xã hội chứ không phải cho nhà nước. Nó còn được gọi là Ý Chí Tổng Quát. Dựa vào đó cộng đồng làm luật vì mục tiêu tốt đẹp cho cộng đồng. Ý chí công dân không phải được quyết định bởi các dân biểu, mà là dân chủ trực tiếp qua đầu phiếu.

Tocqueville (1805–1859)
Ông ta không thuộc thế kỷ ánh sáng, nhưng ông khai sáng luật đối chiếu. Ông cho chúng ta cái nhìn từ một học giả và chính trị gia Pháp về nền dân chủ Hoa Kỳ qua tác phẩm “Nền dân chủ Hoa Kỳ”. Theo ông:
Hoa Kỳ đi tiên phong trong việc thực thi quyền bình đẳng. Bình đẳng trước pháp luật, bình đẳng trong đầu phiếu.
Cá nhân chủ nghĩa: vì không ai tốt hơn ai, phải tự mình tìm lý lẽ, không theo truyền thống hay sự khôn ngoan của ai, mà tự chính mình.
Không truyền thống: không bị ràng buộc bởi truyền thống nào. Sự quan hệ được xác lập giữa các cá nhân với nhau.
Độc tài của đa số: đa số có một sức mạnh nhưng nó cũng có nhiều áp lực khi quan điểm của đa số tầm thường và yếu kém tương phản với số còn lại.
Tự do lập hội: Sự kết hợp này do tự nguyện của các cá nhân cùng chung quan điểm để phục vụ hỗ tương, cải thiện đời sống .
Ông rất ngạc nhiên khi thấy tinh thần tôn giáo ở Hoa Kỳ rất mạnh. Ông cho rằng nhờ vậy mà làm giảm sự khắc nghiệt của chính trị.
Vài tiên đoán của ông, như bãi bỏ chế độ nô lệ sẽ chia rẽ Hoa Kỳ. Và trong tương lai, Hoa Kỳ và Nga sẽ là đối thủ của nhau .
Ông có tham vọng là thay đổi các định chế chính trị tại Pháp giống theo Hoa Kỳ, nhưng không thành công.

B. HOÀN THIỆN TƯ TƯỞNG DÂN CHỦ TỰ DO QUA CHẾ ĐỘ VÀ CÁC ĐỊNH CHẾ CHÍNH TRỊ

Hệ thống tự do dân chủ dựa vào lá phiếu của người dân bầu chọn trực tiếp chính quyền, tức tham gia vào việc điều hành bộ máy nhà nước. Một chính quyền do dân, bởi dân và vì dân. Phương cách cai trị, ai cai trị đều tùy thuộc vào ý chí của công dân. Người dân qua phổ thông đầu phiếu tự chọn cho mình từ người lãnh đạo cao nhất cấp quốc gia cho đến cấp địa phương của ngành hành pháp. Người dân cũng chọn cho mình vị dân biểu hay nghị sĩ của ngành lập pháp, và một số thẩm phán cấp thấp. Thẩm phán cấp cao thì Tổng thống để nghị rồi đưa ra quốc hội chọn. Nhờ vậy định chế chính trị vững mạnh. Chính quyền chịu trách nhiệm. Mọi người dân đều bình đẳng trước quyền bầu cử. Mỗi người chỉ một lá phiếu. Và mọi người dân đều bình đẳng trước pháp luật.
Chế độ tự do dân chủ là hệ thống tốt nhất để thành lập chính quyền do dân. Với sự tự do báo chí, chính quyền có thể điều chỉnh chính sách quốc gia hay người dân có thể thay đổi chính quyền. Và không ai khác ngoài cử tri được hưởng phúc lợi qua chính lá phiếu trực tiếp của mình.
Tam quyền phân lập để quân bình quyền lực, tạo ra một bầu không khí dễ thở trong sinh hoạt chính trị. Không bị bên nào đè bẹp quá sự chịu đựng của cử tri. Nó cũng còn bảo vệ thiểu số chống lại sự áp chế của đa số.
Có tự do dân chủ, hệ thống chính trị mới tôn trọng nhân quyền; tôn trọng các quyền tự do khác của người dân; như tự do ngôn luận, tự do đi lại, tự do tôn giáo, tự do lập hội và hội họp v. v… Không có tự do dân chủ thì không có nhân quyền. Từ đó phát sinh sự kính trọng hỗ tương, sự bao dung và chính trực. Nhưng một khi nhà cầm quyền không tôn trọng những định chế mà họ tham gia, thì mất tính chính đáng của chế độ.
Có tự do dân chủ thì các tổ chức xã hội dân sự sẽ thành hình rộng khắp, phụ vào với chính quyền hỗ trợ giải quyết những nhu cầu phức tạp của người dân mà chính quyền không thể nào lo toan hết cho được. Đấy là những đoàn thể áp lực đa diện và phức tạp của xã hội lành mạnh, làm cho xã hội thêm năng động và tiến hóa.

II. NHỮNG THỬ THÁCH CỦA GIÁ TRỊ TỰ DO DÂN CHỦ QUA LỊCH SỬ THẾ GIỚI CẬN ĐẠI

A. SỰ TIÊU VONG CỦA CHẾ ĐỘ VƯƠNG QUYỀN

Kể từ trước thế chiến thứ nhất, tại Châu Âu có khoảng 43  hoàng gia cai trị. Chế độ vương quyền đã tạo ra giai cấp quý tộc, tăng lữ, lãnh chúa và thứ dân. Ba giai cấp trên chiếm đoạt tất cả mọi phúc lợi của xã hội, trừ thuế. Chính vì vậy, Locke, Montesquieu và Rousseau tán thành quyền cư ngụ của người dân, vì họ không có đất cắm dùi. Hobbes thì chủ trương nhà thờ phải là một bộ phận của vua. Voltaire thì nhạo báng nhà thờ. Locke thì không ủng hộ vua công giáo, mà ủng hộ tin lành trong nghị viện Anh quốc.
Thế nhưng sau thế chiến thứ nhất thì chỉ còn lại 12 hoàng gia. Và ngày nay đã chuyển sang quân chủ lập hiến. Sự tan rã của 4 vương quốc hùng mạnh là Nga, Phổ, Áo-Hung, và Ottoman đã khiến lục địa châu Âu trỗi lên nhiều quốc gia nhỏ. Nhưng duy chỉ có một vương quyền tồn tại lâu nhất và còn bền vững là Vatican.
Sở dĩ có sự phai mờ của quân vương là nhờ tư tưởng bình đẳng và tự do đã tác động mạnh vào quần chúng. Cũng như ảnh hưởng của các triết gia đề cao chủ nghĩa cá nhân, nở rộ trên nền trời tư tưởng triết học, như Locke, Hume, Voltaire, S.Mill, Dewey … Họ nhấn mạnh vào sự tự quyết, sự tự do và độc lập của cá nhân. Chống lại tất cả các sự can thiệp từ bên ngoài vào sự lựa chọn và quyết định của cá nhân như xã hội, thần quyền hay vương quyền. Kể cả các truyền thống tôn giáo, đạo đức từ bên ngoài không thể giới hạn sự lựa chọn hành động của cá nhân. Cá nhân là chủ thể quan trọng nhất trong vũ trụ quan.
Thêm vào đó là có thêm nhiều ý thức hệ mới như cộng sản, và sau này là phát xít.

Thứ ba là cuộc cách mạng kỹ nghệ cùng việc khám phá những vùng đất mới của các nhà thám hiểm đã tạo ra một giai cấp mới; giàu hơn, thế lực hơn do chính mình tạo ra cơ hội, không phải nhờ ơn mưa móc của quý tộc hay tăng lữ. Đó là doanh nhân và thương nhân.
Ngày nay chế độ vương quyền tàn lụi, và hầu hết chuyển sang quân chủ lập hiến. Tuy nhiên dưới các chế độ độc tài toàn trị, ngày nay được biến thể như thời trung cổ. Lãnh tụ trị vì suốt đời, và chuẩn bị cho con cháu hay dòng họ mình trong nhóm cận thần trị vì quốc gia.
Như Bắc Hàn, từ đời Kim Nhật Thành xuống Kim Jong il nay là Kim Jong Un. Mẹ của Kim Nhật Thành, bà Kang Pan-sok là “mẹ của Triều Tiên”. Tuy bà con của các lãnh tụ họ Kim giữ những chức vụ quan trọng trong guồng máy chính quyền, nhưng lãnh tụ cũng có thể bắt đem ra tử hình khi cho rằng vi phạm luật pháp.
Hay như ở Campuchia, ba người con trai của Hunsen đều có vị trí cao trong quân đội hoặc trong bộ máy chính quyền của Hunsen, trong đó người con cả– Hun Manet – giữ chức Tư lệnh lục quân kiêm phó tổng tư lệnh Lực lượng vũ trang Hoàng gia Campuchia (RCAF) và được cho là có khả năng kế nhiệm cha.
Hay ở Trung Hoa, các hạt giống thái tử đảng, hay hạt giống đỏ đều được nâng đỡ. Chính bản thân Tập Cận Bình là bằng chứng.
Hay ở Việt Nam cũng thế. Con cả của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng – Nguyễn Thanh Nghị hiện là Bộ trưởng Bộ Xây dựng, và con út của ông – Nguyễn Minh Triết, là Bí thư trung ương đoàn thanh niên. Cháu ngoại của Võ Văn Kiệt là Võ Văn Thưởng. Ba anh em Lê Đức Thọ, Mai Chí Thọ, Đinh Đức Thiện làm mưa làm gió ở Trung Ương đảng Cộng sản Việt Nam thời 80–90’s v.v…Chế độ Cộng sản ngày nay là Tân Phong Kiến.
Họ tuồn tiền ra nước ngoài, đưa con đi du học, mua nhà, xe…Lấy quốc tịch nước ngoài. Chi phối các tổ chức kiều bào. Cánh tay phải của chế độ toàn trị là bộ máy công an dày đặc và tàn bạo. Cộng thêm hệ thống nhà tù khắp vùng rừng sâu nước độc. Chế độ cộng sản ngày nay cộng thêm chế độ quả đầu chính trị. Vừa đảng vừa dòng tộc.

B. GIẢI THỰC
Đế quốc và thực dân có từ lâu đời. Đầu tiên chỉ là khám phá, mạo hiểm tìm vùng đất mới. Sau đó là các dịch vụ của thương nhân mua, bán, trao đổi hàng hóa, tơ lụa, gia vị. Nhưng khi cuộc cách mạng kỹ nghệ bùng nổ tại Âu châu và nhiều quốc gia trở thành các quốc gia tiên tiến, thì nhu cầu nguyên liệu gia tăng và nhu cầu nhân lực cũng gia tăng theo. Bấy giờ các quốc gia Âu châu tranh nhau thuộc địa. Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha vào Nam Mỹ. Anh vào Nam Á, Tây Á, Phi Châu, Bắc Mỹ. Pháp vào Đông Nam Á, Bắc Phi, Bắc Mỹ …và lần này họ vào bằng pháo hạm. Chính sách đế quốc đã khai thác nhân công rẻ của bản xứ bằng hình thức nô lệ cho ngành nông nghiệp và hầm mỏ.
Các nước đế quốc muốn đào tạo một lớp người trí thức để làm việc trung gian giữa đế quốc và bản xứ, thì đây là con dao hai lưỡi. Những sĩ phu này học được những tư tưởng mới về tự do dân chủ. Phổ thông đầu phiếu, chọn lãnh đạo. Điều hành quốc gia theo hiến pháp. Sự bình đẳng của các cá nhân trước pháp luật. và các quyền tự do như báo chí, tư tưởng, lập hội và tập hợp, tự do tôn giáo …Tất cả như chân trời mở rộng khai sáng tư tưởng của lớp sỹ phu bản xứ. Thêm vào đó mọi vận động trong xã hội là do sự chủ động của con người. Họ so sánh mẫu quốc và bản xứ. Họ thấy được sự bất công và dã man của chính sách thuộc địa. Và sĩ phu đã tỉnh thức. Họ đem tinh thần quốc gia dân tộc, lòng ái quốc khuấy động lòng dân đứng lên giành độc lập.  Nước Việt Nam mình có những sỹ phu tiên phong như Nguyễn Văn Vĩnh, Petrus Ký, Phạm Quỳnh, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh. Ở Ấn, thì có Gandhi. Ở Nam Phi có Mandela…
Từ sau thế chiến thứ nhất, Hội Quốc Liên đã đưa ra nghị quyết “Quyền Tự Quyết, và Bình Đẳng” đã mang lại độc lập cho nhiều quốc gia thuộc thế giới thứ ba. Thường thì bản xứ được độc lập, vẫn còn liên kết ít nhiều kinh tế chính trị với mẫu quốc. Như Liên Hiệp Anh, Liên Hiệp Pháp, Francophone… Hay có nước chuyển sang chế độ cộng sản như Việt Nam, Nam Dương,  Trung Hoa.

Vài vấn đề nổi bật trong tiến trình giải thực

a. Khối
Sau khi được độc lập, một số quốc gia Châu Âu và Á Phi theo khối tự do thì xếp hàng theo mẫu quốc hay phi liên kết. Một số quốc gia phương tây theo chế độ tự do thì liên minh thành một khối là NATO. Và một số phía Đông Âu kết thành một khối gọi là khối Warsaw, theo chế độ cộng sản. Khối Tự Do, theo như tên gọi, nên dựa vào hỗ trợ và thuyết phục; tôn trọng lẫn nhau. Còn khối Cộng Sản với chuyên chính vô sản, bạo lực và khủng bố đã dùng những phương thức ấy để siết chặt hàng ngũ của mình. Như vậy cho chúng ta thấy được vai trò chư hầu trong khối đối với quốc gia đứng đầu.
Như vậy, tuy chỉ khác danh từ, nhưng bản chất giống như thực dân đế quốc. Và chúng ta sẽ bàn sau trong phần sự tan rã của khối này sau 2/3 thế kỷ cọ xát với dân chủ tự do.

b.  Thực Dân Mới
Danh từ này là do triết gia J. P. Sartre gọi tên cho Hoa Kỳ khi ông còn là đảng viên cộng sản. Ông cho rằng chính quyền địa phương chỉ là bù nhìn dưới sự điều khiển của viên đại sứ. Tên gọi này được sử dụng và rất thành công trên phương diện tuyên truyền trong chiến tranh VN.
Tuy nhiên sau khi khối CS tan rã, thế giới nhận ra sự thật “ai là thực dân mới”

c. Quyền Lực Cứng, Quyền Lực Mềm, và Quyền Lực Thông Minh
Cụm từ này là do học giả J. Nye, nguyên cố vấn cho Bộ Trưởng Quốc Phòng dưới thời TT Clinton.
Theo ông, quyền lực cứng là khi chính sách ngoại giao dùng biện pháp quân sự. Kinh tế chế tài và cấm vận, phong tỏa, như trường hợp Iraq lần 2, mang tính chất cưỡng chế. Hay đổ quân vào Syria. Hay Nga xáp nhập vùng Crimea,  và làm mất ổn định vùng đông Ukraina.
Quyền lực mềm dùng các phương pháp văn hóa, lịch sử, viện trợ không hoàn lại để ảnh hưởng đến chính sách ngoại giao nước ngoài.
Quyền lực thông minh là phối hợp cả hai cái trên. Đó là chính sách “cà rốt và cây gậy “. Ngày nay người ta không còn gọi là mẫu quốc và chư hầu nữa mà là bạn hữu trên chính trường quốc tế. Vấn đề hôm nay là giữa siêu cường và đồng minh. Các nước nhỏ dựa vào uy tín của thể chế chính trị, phát triển kinh tế, và nhà lãnh đạo mà nâng tầm quốc gia trên thế giới, như Lula của Ba Tây. Sau sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản, các quốc gia dân chủ tự do được chứng minh giá trị của mình, về phát triển kinh tế cũng như định chế chính trị. Các quốc gia này nay dùng quyền lực mềm nhiều hơn là quyền lực cứng. Quyền lực cứng nay chỉ là răn đe. Và là tấm gương mẫu cho thế giới còn lại noi theo. Nhờ vậy các quốc gia nhỏ đồng minh tự nguyện thần phục đứng dưới chiếc dù dân chủ, chứ không phải thực dân mới.

C. TIÊU DIỆT CHỦ NGHĨA PHÁT XÍT
Sau thế chiến thứ nhất, các quốc gia Âu châu kiệt quệ về kinh tế, 4 đế quốc lớn là Phổ, Áo-Hung, Ottoman và Nga cũng tan rã, riêng Nga thì rơi vào chế độ cộng sản. Đức phải trả tiền bồi thường chiến tranh. Thiệt hại kinh tế thật là khủng khiếp. Thất nghiệp, đình công, lạm phát. Lòng dân cảm thấy nhục nhã,  và xấu hổ. Đức và Ý khai thác lòng tự hào dân tộc và chủng tộc, để từ đó đẻ ra chủ nghĩa phát xít.
Mussolini gọi tên Fascism vào năm 1919. Gốc từ chữ Ý, fascio, nghĩa là tập hợp một nhóm người huynh đệ võ trang. Chống lại khuynh hướng tự do, các quyền tự do cá nhân và dân chủ. Chống tự do kinh doanh. Nhưng nhà nước hỗ trợ xí nghiệp vì nó lệ thuộc vào nhà nước. Và phúc lợi sẽ được phân phối cho người dân. Phát xít cũng nhắm tới loại trừ một loại chủng tộc nào đó. Như Đức thì loại trừ bằng bạo lực người Do Thái. Ý thì loại trừ Bolshevik. Có tham vọng bành trướng ra ngoài biên giới quốc gia về địa lý hay ảnh hưởng chính trị. Tạo một căn tính quốc gia oai hùng. Fascism có một chính sách tuyên truyền thông minh và hữu hiệu. Chú trong vào quyền lực hơn là tư tưởng. Trong thế kỷ 20, ngoài Mussolini và Hitler, còn có J. Peron của Á Căn Đình và F. Franco của Tây Ban Nha.
Ở Âu châu, chịu ảnh hưởng khá nhiều nền kinh tế chính trị của Đức và Ý, nên rất nhiều quốc gia nhỏ theo chế độ phát xít, là chư hầu của Đức hoặc Ý, như Nam Tư, Hy Lạp, Áo, Albania, Pháp, Ba Lan, Monaco, Hung, Lỗ, v.v…
Khi Đức khai chiến mặt trận phía Tây, chiếm tới biển Manche, chưa vượt biển, chỉ phóng V2 sang Anh quốc, Hitler bèn mở mặt trận phía Đông đánh Nga Xô. Nhưng không may cho Đức là mùa đông lạnh giá đã giúp Nga Xô cầm chân và đẩy lùi quân Đức ra khỏi biên giới và lấn sang Đông Âu.
Tháng 7, 1941 Anh và Nga Xô ký hiệp ước liên minh bởi hai ngoại trưởng mà không cần phê chuẩn. Từ năm 1940 Anh cũng đã đề nghị với Nga Xô để Hoa Kỳ tham gia vào phía đồng minh. Cho đến 1/1942 tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc thành lập liên quân đồng minh, bấy giờ Hoa Kỳ mới gia nhập.
Mãi đến năm 1944, Nga Xô trách Hoa Kỳ và Anh quốc lần lữa mở mặt trận phía Tây để giảm áp lực phía Đông của Nga Xô. Tuy năm 1943, để tránh  “hiểu lầm”, Nga Xô đã giải tán Đệ Tam Quốc Tế Cộng sản. Đến tháng 2/1945 Roosevelt, Churchill và Staline gặp nhau ở Yalta, mới đồng ý cùng mở một lúc hai mặt trận Đông –Tây.
6/6/1944 Anh và Hoa Kỳ đổ bộ vào Normandie. Mùa Xuân 1945 tiến vào Ý. Lực lượng dân chủ kháng chiến Ý đã bắt được Mussolini và xử tử bằng súng của đội tử hình. Mussolini bị treo ngược đầu cho dân chúng nhìn cho rõ. Còn Hitler bị quân đội Nga Xô bao vây trong hầm trú ẩn. Và ông ta đã tự vẫn bằng lựu đạn chung với người tình.
Tuy nhiên với sự đóng góp lớn lao của phe đồng minh, chúng ta cũng nên đề cập đến những phong trào chống phát xít tại một số quốc gia Âu châu. Nổi bật nhất là những quốc gia Hoà Lan, Ba Lan, Pháp, Nam Tư. Pháp có C. De Gaulle, Nam Tư có Tito, và Đức có Willy Brandt, Ý hai bên chống và ủng hộ phát xít ám sát nhau. Sau kỳ bầu cử 1924, Chủ tịch đảng Xã Hội Thống Nhất Đức đã lên án Mussolini gian lận, và ông đã bị ám sát. Carintha ở Slovenia bị ám sát. Chừng 100 ngàn người tham gia vào kháng chiến chống phát xít cho toàn khắp Âu châu. Lực lượng này cũng đã vận động công nhân tại các khu kỹ nghệ đình công. Cho nên họ đã trả giá là hàng ngàn người bị bắt tù, xử tử.
Tổn thất về nhân mạng sau khi tiêu diệt phát xít, Do Thái chết 6 triệu, vài trăm ngàn người được xếp loại “không thích” cũng bị giết, 9 triệu người Nga và Ba Lan chết. Chừng 1 triệu tù nhân chính trị và tôn giáo.
Bù lại là 22 lãnh đạo của bộ máy SS và phát xít Đức bị ra toà án quốc tế xét xử.
Riêng phát xít Tây Ban Nha đứng ngoài cuộc chiến và không gây tội ác nào cho nhân loại nên miễn bị truy tố.

Cục Diện Ngày Nay
Ngày nay trên bình diện thế giới, có khuynh hướng cực hữu hơn là phát xít. Như chống di dân, KKK, skinhead, sợ Hồi giáo, Neofascism. Sau khi khối cộng sản đông Âu sụp đổ, có phong trào chủng tộc loại trừ/thanh trừng sắc tộc – ethnic cleansing. Hay tích cực hơn, như trong nội các của Thủ Tướng Berlusconi của Ý, năm 1994, có hậu duệ của Phát xít vào trong nội các, hay cựu thành viên Phát xít đã vào chính phủ Áo năm 2000. Hoà Lan. Hay cực hữu của Pháp, bà Marine Le Pen…
Vì bối cảnh kinh tế và xã hội thịnh vượng, toàn cầu hoá, chủ nghĩa cá nhân và tiêu thụ phát triển. Sự tiến bộ vượt bậc của khoa học kỹ thuật, nhất là ngành tin học đã mang con người trên thế giới gần nhau hơn, hiểu nhau hơn. Những khác biệt cũng thu nhỏ. Không như thời kỳ giữa hai thế chiến, không khí bi quan và hỗn loạn, nhất là sự xuất hiện của cách mạng vô sản tại Nga. Kinh nghiệm của thế giới về hai cực đoan là phát xít và cộng sản nên những khuynh hướng này chỉ kích động giới hạn trong một thiểu số người trong một giai đoạn ngắn. Sau thế chiến thứ hai, sự tái lập của các quốc gia dân chủ Tây Âu vững mạnh về chính trị và kinh tế, nên sự lo lắng tiềm ẩn một biến thể mới của chủ nghĩa phát xít là chẩn đoán chính trị yếm thế.

D. SỰ SỤP ĐỔ CỦA KHỐI CỘNG SẢN
Sau thế chiến thứ nhất, cách mạng vô sản thành công ở Nga, thảm sát cả gia đình nhà vua Nicholas, thành lập chính quyền xô viết.
Các quốc gia Âu Châu vừa lúng túng giữa kinh tế kiệt quệ và tìm hướng đi chính trị đối phó với Liên Xô. Do đó Châu Âu đã nổi lên một thái cực với cộng sản. Đó là chủ nghĩa phát xít.
Nhưng Hitler đã sai lầm khi vừa tấn công mặt trận phía Tây các quốc gia dân chủ và vừa tấn công mặt trận phía Đông là Liên Xô. Nhờ vậy Anh, Hoa Kỳ và Nga Xô lập mặt trận đồng minh dưới cờ Liên Hiệp Quốc. Hơn nữa 12/1941,   Nhật tấn công Trân Châu Cảng vì muốn chiếm các vùng đất ở Á Châu từ Anh, Pháp, Hoà Lan nên làm Hoa Kỳ dấn thân sâu hơn vào thế chiến 2.
Sự thỏa thuận ba bên là Liên Xô muốn mỗi nước chư hầu của mình là một lá phiếu biểu quyết tại Liên Hiệp Quốc. Còn Ba Lan thì sẽ được trưng cầu dân ý sau khi chiến tranh kết thúc. Nhưng Liên Xô tiến công nhanh hơn nên đã chiếm Ba Lan và một số quốc gia Đồng Âu là Lỗ, Hung, Bảo Gia Lợi, Tiệp và bao vây Berlin. Liên Xô cũng muốn Đức trả tiền bồi thường rất nặng mà phân nửa là cho Liên Xô để tái thiết. Nước Đức bị chia hai, Berlin chia bốn cho Liên Xô, Hoa Kỳ, Anh và Pháp. Liên Xô còn đề nghị vùng phi quân sự và giải trừ binh bị cho Đức. Và Đức thống nhất sẽ bàn sau. Kể ra thì Liên Xô đòi hỏi nhiều hơn Anh, Hoa Kỳ.
Nhưng Liên Xô đã phớt lờ những quốc gia đã chiếm về quyền tự quyết của họ như đã thỏa thuận với đồng minh.
Do bất đồng hệ tư tưởng chính trị, cấu trúc xã hội ngày càng nhiều, cao điểm là vụ khủng hoảng Cuba, Liên Xô đã đưa hỏa tiễn gắn hạt nhân đặt ở Cuba, sát nách Hoa Kỳ. Hoa Kỳ đã cho máy bay ném bom hạt nhân áp tải chiến hạm Liên Xô rời khỏi Cuba. Sau đó, hai bên thi thố tài năng về mọi mặt, thể thao, kinh tế, xã hội, khoa học kỹ thuật, đời sống…rằng hệ thống của mình tốt hơn. Thế giới bước vào thời kỳ “chiến tranh lạnh“.
Năm 1956 đã có sự nổi dậy của Hung Gia Lợi, nhưng Liên Xô với chuyên chính vô sản đã mang xe tăng nghiền nát cuộc nổi dậy của Nagy. Đến năm 1969, Tiệp cũng nổi dậy với Thủ tướng A. Dubchek, rồi cũng bị xe tăng Liên Xô nghiền nát, thủ tướng bị tù. Có Jan Palach tự thiêu. Con người với bản năng ý thức tự do, không ai có thể dùng bất cứ kỹ thuật nào để tẩy não, sớm muộn gì cũng tự giải phóng mà thôi.
Thêm vào đó là sự trỗi dậy của Trung Cộng, rất ảnh hưởng đến các quốc gia đệ tam nghèo Á Phi, Mỹ la tinh xách động quần chúng nổi dậy lật đổ các chính quyền hợp pháp. Cộng sản Á châu còn sắt máu hơn. Giống Liên Xô, Trung cộng cũng chiếm các quốc gia lân bang làm vùng đệm và đồng hoá. Trung công ít bị nổi dậy, chỉ có vài vụ thanh trừng như Lâm Bưu, Lưu Thiếu Kỳ. Một vụ nổi loạn là Thiên An Môn, do sinh viên tranh đấu đòi tự do năm 1991. Nạn nhân của cộng sản trên toàn thế giới chừng 100 triệu.
Nhưng trình độ khoa học kỹ thuật thua kém và thiếu hụt ngân sách nên cuộc chạy đua vũ trang quá tốn kém đã khiến Liên Xô và các nước Đông Âu phá sản. Thêm vào đó là hệ thống chính trị dân chủ tự do cởi mở khiến nền kinh tế xã hội phát triển. Số người vượt tuyến tìm tự do ngày càng nhiều. Mùa đông 1991 tử thần đã gọi CNXH về địa ngục. Sau đó là hiệu ứng domino tại hàng loạt các quốc gia Đông Âu. Ngày nay các quốc gia Đông Âu đã làm “Cách Mạng Nhung”, “Cách Mạng Màu” mang lại tự do dân chủ cho nước mình. Tuy nhiên có vài trường hợp do tâm lý, người dân chuyển từ cực tả sang cực hữu, như Hung, Balan. Chỉ còn lại vài quốc gia cộng sản ở Á Châu như Trung Cộng, Lào, Campuchia, Việt Nam, Bắc Hàn cũng đang siết chặt chuyên chính để bảo vệ chế độ, vì họ thấy lòng dân đã xoay chuyển không còn tha thiết chế độ, dù cho lãnh đạo cho các cấp dưới nhiều quyền lợi để tạo trung thành.
Các quốc gia thực dân khi trả lại độc lập cho quốc gia sở tại, đều còn giữ lại được mối giao hảo với nhau, như Liên Hiệp Pháp, hay Francophone; và Liên Hiệp Anh, Khối Thịnh Vượng Chung. Nhưng khối cộng sản Đông Âu, Warsaw thì sau khi Liên Bang Xô Viết sụp đổ thì các vệ tinh đều quay lưng và xin gia nhập NATO. Chắc chắn những nước này đều có kinh nghiệm đau thương của CNXH. Trong số 15 quốc gia vùng Trung Á, chỉ có 5 quốc gia trở lại ký Hiệp Ước CSTO năm 1992 (Collective Security Treaty Organization). Và 7 quốc gia Đông Âu cũng không muốn trở thành vệ tinh. Đức thống nhất không tốn một viên đạn nào và không chết người lính nào.

E. KHỦNG BỐ VÀ CALIPHATE
1. Al Qaeda
Sau khi khối CS sụp đổ, khai mào là Al Qaeda do Osama Bin Laden lãnh đạo,  đã cho 4 chiếc máy bay đâm vào tòa tháp đôi ở New York, Ngũ Giác Đài và Pennsylvania vào tháng 9/2001. Với 19 tên khủng bố đã khống chế 4 chiếc máy bay, đâm vào các mục tiêu trên đất Hoa Kỳ, làm 2,750 người chết ở New York, 184 chết ở Ngũ Giác Đài, và 40 người chết ở Pennsylvania. So với tổ chức Tháng Chín Đen, đã tấn công khu làng thế vận lực sĩ Do Thái ở Munich năm 1972, thì tổ chức này có sách lược và tổ chức tinh vi hơn nhiều. Và chống Hoa Kỳ rõ rệt.
Trước đó, Al Qaeda đã thực hiện được nhiều vụ đánh phá thành công các cơ sở và tài sản của Hoa Kỳ trên thế giới.
1988, sau khi Liên Xô rút ra khỏi Afghanistan, mà Al Qaeda có nhúng tay vô nước này, thì Bin Laden tuyên bố vẫn tiếp tục thánh chiến bằng bạo lực. Al Qaeda có 3 nơi huấn luyện là A Phú Hãn, Hồi Quốc và Sudan, chống Hoa Kỳ duy trì lực lượng tại Arabia Saudi và Ethiopia. Việc đi đến hành động là đánh đuổi Hoa Kỳ ra khỏi vùng này là một việc làm cần thiết.
1993, Ramzi Yousef đặt một xe truck bom ở dưới toà tháp đôi ở New York, nhưng không thành công.
1996, Bin Laden trở lại A Phú Hãn, hợp tác với Taliban để huấn luyện và tổ chức tấn công.
1998, Al Qaeda đặt bom ở toà Đại sứ ở Dar es Salaam, Tanzania và Narobi, Kenya. Giết 200 người Mỹ, bị thương 4,500 người.
1999, FBI để tên Bin Laden thuộc 10 tên truy nã hàng đầu.
2000, USS Cole bị tấn công khi tiếp dầu Yemen.
2001, tấn công trong đất nước Hoa Kỳ bằng việc cướp 4 chiếc máy bay.
May 2011 với chiến dịch đặc biệt, dưới thời Tổng thống Obama, ông đã ra lệnh hạ sát Bin Laden tại nhà riêng ở bắc Hồi quốc (Pakistan)

2. ISIS
(Islamic State of Syria and Iraq)
Nhóm này có chừng 4,00 đến 6,000 tay súng trung thành ở vùng trung đông. Ở Phi châu, chúng được gọi là Boko Haram. Do Baghdadi lãnh đạo năm 2013, chiếm 1/3 Syria và 40% lãnh thổ Iraq. Kéo dài từ Aleppo, Syria đến Diyala, Iraq.
2014 tuyên bố thành lập nhà nước Hồi giáo.
2015 liên hệ với 8 quốc gia trong vùng để tổ chức hỗ trợ cho nhà nước Hồi giáo.
Chính sách vẫn là khủng bố, cưỡng bức hôn nhân, trẻ em phải cầm súng, buôn lậu, nô lệ, diệt chủng, bắt cóc. Toàn là những phương pháp bất chính.
10/2015 đặt bom Russian Airline ở Ai Cập, 224 người chết.
11/2015 đặt bom ở Pháp, 130 người chết.
6/2016 xả súng ở Orlando, Florida. Cả chục người chết.
12/2017 hai thành phố quan trọng là Mosul và Raqqa (thủ đô của caliphate), bị quân Iraq tái chiếm. Thủ tướng Abadi tuyên bố tiêu diệt caliphate.
3/2019 chấm dứt nhà nước Hồi giáo với chiến binh qui hàng hàng loạt.
10/2019 lãnh tụ của nhà nước Hồi giáo bị giết trong một cuộc đột kích ở bắc Syria.
Nếu nói về bạo lực thì ISIS không bằng Cộng sản và Phát xít. Nói về tổ chức thì ISIS cũng không bằng Cộng sản và Phát xít. Nói về lực lượng thì ISIS cũng không bằng Cộng sản và Phát xít. Nói về mưu lược thì ISIS cũng không bằng Cộng sản và Phát xít. Mà hai tập đoàn quân sự ấy đã bị liên quân tự do đè bẹp, vậy cũng đủ cho chúng ta thấy yểu mệnh của ISIS khi đối đầu bằng võ lực với liên quân tự do dân chủ. Mở dấu ngoặc ở đây, các quốc gia tự do dân chủ, không chủ trương bạo lực chính trị, nhưng họ phải có một liên minh quân sự để bảo vệ thể chế chính trị. Đó là NATO. Quyền lực cứng hỗ trợ cho quyền lực mềm.

F. QUẢ ĐẦU CHÍNH TRỊ
Quả đầu chính trị là một thể chế mà quyền lực chính trị được thu nắm trong tay bởi một số ít người. Có thể là tài phiệt, quân đội, gia đình, chủng tộc, đảng chính trị, tôn giáo, địa phương…
Đặc tính của chế độ này là độc tài, phi dân chủ, không quyền tự do cá nhân, tập trung quyền lực, bảo thủ. Luôn khai thác hận thù. Biển thủ ngân sách, thích hối lộ. Quan liêu và yêu sách.
Loại chế độ chính trị này do Robert Michels đặt tên là Quả Đầu Chính Trị, năm 1911.
Tại Hoa Kỳ, quyền lực kinh tế tập trung vào những đại công ty, như Amazon, Microsoft, Oracle, Meta, Bloomberg, Waltons, Dell …Hay các tập đoàn sản xuất võ khí quốc phòng, như Lockheed Martin, Raytheon, General Dynamics, Northrop Grumman….
Họ tặng dữ cho các ứng viên Cộng Hòa và Dân Chủ. Năm 2010 chừng 401 tỷ phú tặng dữ. Sang 2012 tăng 424 tỷ phú tặng dữ. Năm 2016 tăng 541 tỷ phú. Năm 2018 tăng 586 tỷ phú.
Tuy nhiên so sánh với tổng tài sản của 600 tỷ phú Hoa Kỳ năm 2020 là 3,2 trillion, thì họ tặng dữ cho các cuộc vận động chính trị chỉ 800 triệu. Nhưng họ tặng dữ cho các chương trình nhân đạo và từ thiện đến 169 tỷ.
Trong khi đó tại Nga, sau khi chế độ CS sụp đổ năm 1990, nền kinh tế chuyển sang tư nhân, thì đã nảy sinh một lớp người nắm thời cơ và phất lên giàu nhanh chóng. Giai tầng này được Puttin đỡ đầu và chia phần cho ông ta. Như Berezovsky, Khodorkovsky, Fridman, Aven, Gusinsky ….Nếu cưỡng lại sẽ bị diệt ngay, đôi trường hợp Puttin diệt cả gia đình. Như những nạn nhân: Ivan Pechorin, Igor Nosov, A. Gerashchenko, Nicholai Glushkov hay đi tù, hoặc lưu vong ….
Trường hợp Ấn Độ, hai người tỷ phú giàu nhất là Adani và Ambani chia nhau các cuộc đấu thầu của chính phủ. Do đó tiền càng đổ xuống chỗ trũng tỷ phú, và người nghèo càng nghèo hơn. 90% lực lượng lao động không có nghiệp đoàn bảo vệ. 55% sống ở thôn quê. 93% không có Internet. 55% không cho trương mục nhà băng. 46% không được cho nước sạch để sử dụng. Hệ thống giai cấp xã hội và tôn giáo quá nặng nề, đã thêm vững mạnh cho quả đầu chính trị.
Hoa Kỳ cũng bị quả đầu chính trị, nhưng nhờ tinh thần vị tha và lòng tin tôn giáo, như Tocqueville nhận xét, đã làm chính trị bớt đi tính khắc nghiệt của nó. Điểm đáng nói ở đây tuy là lòng tin tôn giáo mạnh mẽ, nhưng nhà nước và nhà thờ tách biệt với nhau (xem lại sự đóng góp chính trị và tặng dữ cho việc từ thiện).
Thứ đến là tam quyền phân lập để kiểm soát và quân bình quyền lực cho nhau vẫn còn hiệu quả. Và hệ thống lưỡng đảng để kiểm soát và thay đổi bộ máy của chính phủ nếu một khi yếu kém.
Thứ ba là tự do phổ thông đầu phiếu để chọn người lãnh đạo các cấp chính quyền.
Cuối cùng là một xã hội lành mạnh, với nhiều tổ chức xã hội dân sự, cùng nhiều đoàn thể áp lực để bổ sung và gióng lên tiếng nói quyền lợi cho chính quyền biết của một số tầng lớp người trong nước.
Bối cảnh hiện nay trên thế giới, rất nhiều quốc gia rơi dần vào chế độ quả đầu chính trị, bắt nguồn từ sự tự tôn hay tự ti dân tộc. Những suy nghĩ cực đoan đã liên kết các quả đầu với chính quyền. Một nền dân trí thấp, điều kiện sinh sống không thay đổi sau cả trăm năm. Một chính quyền khập khiễng, không tôn trọng tự do, hay chỉ lo lường gạt và áp chế người dân.
Nhưng ngược lại, nếu họ nhìn vào Hoa Kỳ và các nước Tây Âu với sự ảnh hưởng của quyền lực mềm, với sự phát triển kinh tế và xã hội, con người được thăng tiến; thì sẽ thấy được ngọn hải đăng hướng dẫn, thoát ra khỏi vòng lẩn quẩn tăm tối.
Trải qua hai thế kỷ thăng trầm của lý tưởng tự do dân chủ, nó đã được ma sát và tôi luyện giá trị. Nó đánh ngã nhiều thể chế chính trị không hợp lòng dân, độc tài, lấy con người làm thí nghiệm cho chủ nghĩa mà quên đi mục đích tối thượng là phục vụ con người. Hy vọng con người giảm bớt đi sự tàn sát nhau trong bách niên kỷ này để cùng nhau sống trong hoà bình và thịnh vượng.

Hoàng Đình Tạo

12/2022