Hoàng Hưng: Nhân kỷ niệm 10 năm ra đời Ban Vận Động Văn Đoàn Độc lập Việt Nam & Diễn Đàn Văn Việt (3/3/2014 – 3/3/2024)

CÁC NHÀ VĂN HẢI NGOẠI THAM GIA BAN VẬN ĐỘNG VĂN ĐOÀN ĐỘC LẬP VIỆT NAM VÀ DIỄN ĐÀN VĂN VIỆT

Trong bản khởi thảo Tuyên bố thành lập Ban vận động có đoạn: “Trước tình cảnh kéo dài và nay đã trở nên cấp bách đó, chúng tôi, những người cầm bút ký tên dưới đây, quyết định vận động thành lập một tổ chức độc lập của các nhà văn viết bằng tiếng Việt ở trong nước và ngoài nước, lấy tên là Văn đoàn độc lập Việt Nam, với mong muốn góp phần tích cực xây dựng và phát triển một nền văn học Việt Nam đích thực, nhân bản, dân chủ, hiện đại, hội nhập với thế giới, có thể đóng vai trò tiền phong đúng như nó phải có trong sự nghiệp phục hưng văn hóa, phục hưng dân tộc mà lịch sử đang đòi hỏi”.

Trong khi thảo luận để đi đến bản chính thức sẽ công bố vào ngày 3/3/2014 (ngày 3/3 chính là ngày Nhà văn Thế giới), một số người tỏ ý e ngại “yếu tố nước ngoài” sẽ gây rắc rối, phức tạp, khó khăn cho tổ chức (nhất là trong con mắt an ninh Việt Nam luôn “cảnh giác” với các thế lực chống Cộng, C.I.A… ở Mỹ). Với thực tế đã tiếp xúc với những cây bút gốc Việt ở nước ngoài trong các chuyến đi làm việc, tôi và Hoàng Dũng đã thuyết phục được các thành viên Ban vận động tin rằng: những cây bút hải ngoại đăng ký tham gia Ban vận động đều là những người thiết tha với văn học Việt Nam, sẵn sàng phối hợp với các đồng nghiệp trong nước để xây dựng một nền văn học “đích thực, nhân bản, dân chủ, hiện đại, hội nhập với thế giới, có thể đóng vai trò tiền phong đúng như nó phải có trong sự nghiệp phục hưng văn hóa, phục hưng dân tộc mà lịch sử đang đòi hỏi” (trích bản Tuyên bố ra mắt Ban vận động). 

Quả nhiên, đã có những cây bút hải ngoại nhanh chóng nhận lời mời tham gia Ban vận động: nhà văn Nam Dao (Canada), nhà văn Vũ Thư Hiên (Pháp), nhà nghiên cứu Đặng Tiến (Pháp), nhà thơ Chân Phương (Hoa Kỳ), nhà văn Nguyên Giác Phan Tấn Hải (Hoa Kỳ), nhà văn Nguyễn Thị Hoàng Bắc (Hoa Kỳ), nhà văn Nguyễn Thị Thanh Bình (Hoa Kỳ), nhà văn Trương Anh Thuỵ (Hoa Kỳ), nhà văn Lê Minh Hà (Đức). Nhà nghiên cứu Thuỵ Khuê (Pháp) quyết định tham gia Ban vận động sau khi có tin nhà văn Nguyễn Quang Lập (admin đầu tiên của Văn Việt diễn đàn của Ban vận động) bị bắt. Và càng về sau, càng đông đảo các cây bút hải ngoại nhiệt tình tham dự các hoạt động của Ban vận động. Số tác giả hải ngoại đã lên đến hàng trăm, chiếm ½ số tác giả có mặt trên Văn Việt. Ngoài các thành viên Ban vận động, còn nổi bật những tên tuổi như: nhà văn Nhật Tiến (nguyên chủ tịch PEN Việt Nam hải ngoại), nhà văn Trang Châu (nguyên Chủ tịch PEN Việt Nam tại Canada), nhà văn Ngô Thế Vinh, nhà văn Hà Thúc Sinh, nhà thơ- nhà phê bình Nguyễn Đức Tùng, nhà văn-dịch giả Trịnh Y Thư, nhà thơ Trần Mộng Tú, nhà nghiên cứu Bùi Vĩnh Phúc, nhà thơ Ngu Yên, nhà văn Trần Vũ (Giáo Sĩ), nhà văn Trần Doãn Nho, dịch giả Trần Ngọc Cư, nhà thơ Đỗ Quyên, nhà văn-dịch giả T. Vấn, nhà thơ Khế Iêm, nhà văn Lưu Thuỷ Hương, nhà văn Đoàn Thanh Liêm, nhà thơ Thường Quán, nhà ngữ học Nguyễn Cung Thông, nhà văn-dịch giả Hoàng Ngọc Biên, giáo sư Nguyễn Hữu Liêm, nhà văn Phạm Phú Minh, nhà thơ Hoàng Xuân Sơn, nhà thơ Phạm Cao Hoàng, nhà văn Ngô Nguyên Dũng, nhà thơ Nguyễn Hàn Chung, nhà văn Wendy Dương Như Nguyện… Có những cây bút đảm nhiệm chuyên mục thường xuyên trên Văn Việt: Nguyễn Đức Tùng với mục “thơ Việt hải ngoại” và các bài phê bình thơ đều đặn, Trần Ngọc Cư với mục Danh ngôn, T. Vấn với mục “Nhạc cũ miền Nam”. Mỗi kỳ Xét Giải Văn Việt, đều có các cây bút hải ngoại tham gia Hội đồng Giải: Thuỵ Khuê, Nguyễn Đức Tùng, Trịnh Y Thư, Nguyễn Thị Hoàng Bắc, Bùi Vĩnh Phúc, Nguyễn Nguyệt Cầm, Trang Châu, Nguyễn Hàn Chung, Thường Quán, Võ Thị Hảo… và những cây bút được Giải (Thuỵ Khuê, Ngô Thế Vinh, Nguyễn Đức Tùng, Ngu Yên, Hà Thúc Sinh, Nguyễn Cung Thông, Trương Quang, Liễu Trương…). (Từ lúc ban đầu của Giải cũng như gần đây, có vài bạn thắc mắc: Vì sao số tiền tặng thưởng của Giải lại ghi là “có giá trị tính bằng USD”, lý do chính là vì Giải Văn Việt đã dự kiến sẽ được trao cho không ít tác giả đang sống ở nước ngoài).   

Diễn đàn Văn Việt đã có 2 chuyên mục giành cho văn học tiếng Việt Hải ngoại: “40 năm thơ Việt Hải ngoại” (chủ biên Nguyễn Đức Tùng), đã được in thành sách tại Người Việt Books. “Văn (xuôi) Hải ngoại” (hơn 300 kỳ, do Hoàng Hưng thực hiện với sự giúp đỡ của một số nhà văn Hải ngoại, đặc biệt là nhà văn Trần Vũ).  

Như vậy, có thể nói, Ban vận động là tổ chức đầu tiên và duy nhất cho đến nay công khai tập họp các trí thức người Việt trong-ngoài nước, thể hiện tinh thần “hoà hợp dân tộc” rất chân tình, hiệu quả.

Cũng phải nói là ở hải ngoại cũng có đôi tiếng nói không thiện chí với Ban vận động, họ tìm vài sơ hở trong bài vở hay hoạt động của Ban vận động để chỉ trích, với thâm ý nghi ngờ đây có thể là một tổ chức “đối lập cuội” của chính đảng Cộng sản đẻ ra (có thể do trong danh sách các thành viên Ban vận động có không ít người là Hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam, đảng viên đảng Cộng sản Việt Nam; một sơ suất trên trang Văn Việt khi chuẩn bị ra mắt chuyên mục “Văn học miền Nam 1954-1975” là bức thư mở đầu với tên gọi “Văn học Đô thị miền Nam”. Chính tôi là người gửi bản thảo thư cho mấy nhà văn hải ngoại để xin góp ý, nhưng thư đã lọt ra ngoài và gây ra sự phê phán, có cả ác ý trên không gian mạng). 

Nhưng thực tế ngày càng cho thấy sự nghi ngờ ấy là vô căn cứ. 

Đặc biệt là sau những cuộc gặp mặt của đại diện Ban vận động từ Việt Nam sang với các cây bút tại Mỹ và Canada, sự nghi ngờ ấy đã không còn chỗ đứng. Bản thân tôi đã thật sự xúc động trước sự đón tiếp nồng nhiệt của các nhà văn hải ngoại giành cho tôi, và tôi hiểu đó cũng chính là giành cho Ban vận động và Văn Việt. Đó là ở miền Đông Hoa Kỳ năm 2016 (tại nhà riêng nhà văn Nguyễn Thị Thanh Bình ở Virginia, trong đó có nhà văn Trương Vũ, Nguyễn Tường Giang, Phạm Cao Hoàng, Nguyễn Minh Nữu, Đinh Từ Bích Thuý…), Little Saigon năm 2016 (tại nhà riêng nhà văn Tô Đăng Khoa năm 2016, có mặt những tên tuổi như Phan Tấn Hải, Đỗ Quý Toàn, Trịnh Y Thư, Bùi Vĩnh Phúc…), Texas năm 2017, 2018 (tại những buổi gặp các thành viên báo Trẻ, và nhà riêng nhà thơ Nguyễn Hàn Chung, nhà văn Phan Xuân Sinh… trong đó có các tên tuổi như Hà Thúc Sinh, Ngu Yên, Nguyễn Xuân Thiệp, T. Vấn, Nghĩa Bùi… Tại một trong những buổi họp mặt ở Houston, tôi đã thay mặt Hội đồng Giải Văn Việt trao Giấy chứng nhận Giải Thơ cho nhà thơ Ngu Yên), Montreal Canada (năm 2018 tại cuộc gặp với Trang Châu, Võ Kỳ Điền, Song Thao, Luân Hoán và với đông đảo trí thức người Việt tại phòng sinh hoạt cộng đồng của thành phố Montreal)… Đặc biệt là trong buổi ra mắt tập “40 năm Thơ Việt Hải ngoại” do Văn Việt và báo Người Việt xuất bản (Văn Việt đầu tư, Người Việt lo in ấn và phát hành) tại trụ sở của báo ở Little Saigon năm 2017, tôi vinh dự thay mặt Ban vận động và Văn Việt phát biểu cảm nhận về Thơ Việt hải ngoại trước đông đảo cây bút hải ngoại với những tên tuổi như Nhã Ca, Cung Trầm Tưởng, Đỗ Quý Toàn, Phạm Phú Minh, Cung Tích Biền, Trần Mộng Tú, Bùi Vĩnh Phúc, Trịnh Y Thư, Đặng Thơ Thơ, Phan Tấn Hải, Nguyễn Hữu Liêm, Vương Ngọc Minh, Lê Đình Nhất Lang, … 

Có những hình ảnh không thể quên: Như khi bước chân vào sảnh lớn của toà biệt thự rất đẹp của nhà văn Nguyễn Thị Thanh Bình với rất đông các cây bút miền Đông Hoa Kỳ ngồi chờ đón, tôi nhìn thấy trên tường là dải băng “Gặp gỡ nhà thơ/cựu tù nhân lương tâm Hoàng Hưng”, rồi một bạn nữ tiến lên ngâm bài thơ “Người về” – bài thơ “hậu nhà tù” – của tôi. Cũng trong buổi ấy, tôi được nhà thơ Vũ Hối tặng chiếc đĩa sứ có thư pháp 2 câu thơ trong bài “Người về”. Hay như khi tôi phát biểu về Thơ Việt Hải ngoại ở báo Người Việt, tôi đã chủ động nhờ quay phim tôi đứng nói mà phía sau lưng bay bay lá cờ vàng 3 sọc đỏ và tự tung lên mạng. Một vài người thân và bạn bè ở Việt Nam nhắn tin, tỏ ra lo lắng tôi sẽ bị làm khó khi trở về Việt Nam. Tôi trả lời: “Tôi đang sinh hoạt với cộng đồng người gốc Việt ở hải ngoại. Họ chọn lá cờ này làm biểu tượng, thì tôi phải tôn trọng biểu tượng của họ”.

(Nói vậy mà vẫn có một số người “chống Cộng cực đoan” – hay chính là những ai đó âm thầm thực hiện ngón chia rẽ quen thuộc của an ninh Việt Nam? – truyền đi luận điệu: Hoàng Hưng phải là người do Nhà nước Việt Nam bí mật cử sang Hoa Kỳ “chiêu dụ” các cây bút hải ngoại nên mới dễ dàng xuất ngoại và ăn nói tự do thế chứ? Báo Người Việt vốn cũng đã bị tấn công nhiều lần vì bị gán nhãn “thân Cộng”, đã không dám nêu tên tôi trong buổi ra mắt Thơ nói trên!!!

Một chuyện “vui”: năm 2018, sắp đến ngày trao Giải Văn Việt hàng năm, viên đại tá an ninh phó Cục trưởng A25 mời tôi tới trụ sở phía Nam Bộ Công an để “trao đổi”. Tôi từ chối. Được hỏi lý do, tôi đáp: “Các anh biết bên Mỹ đang có dư luận tôi là người của Nhà nước cử sang đó, vậy bây giờ tôi bước chân vào Bộ Công an, sẽ có người chụp hình tung lên như bằng chứng tôi “làm việc” cho Công an Việt Nam hihi!”. Thế là vị đại tá phải chấp nhận gặp tôi trong 1 quán cà phê để “trao đổi”!).    

Hoàng Hưng