Huỳnh Thị Tố Nga: Thầy Minh Tuệ

 Sư Minh Tuệ. Ảnh: Internet.

Trước giờ tôi không viết bài về thầy Minh Tuệ, không đưa clip, hình ảnh hoặc bàn luận về “hiện tượng” của thầy đó là vì tôn trọng sự tự do chọn lựa và hạnh nguyện của thầy, đó cũng là cách thể hiện sự tôn kính đối với một người hình hài nhỏ bé nhưng đã dũng mãnh từ bỏ được ít nhiều tham, sân, si, chọn hạnh nguyện tu khổ hạnh để tìm đến sự giải thoát mà hiếm có người trong thời đại này làm được. 

Tôi kính phục hạnh nguyện và sự dũng mãnh được thể hiện trong bản tính chứ không thần tượng con người bằng thể xác của thầy. Cũng như vậy, tôi chưa bao giờ thần tượng bất cứ con người bằng xương bằng thịt nào. Trong tôn giáo, tôi tôn kính giáo pháp nào đưa con người đến được sự hạnh phúc, an nhiên, tôn kính lòng từ bi, trí huệ sáng suốt, dũng mãnh, giải thoát con người khỏi vòng sinh tử luân hồi khổ ải, và tôn kính những bậc đã chứng ngộ được cảnh giới này. 

Với cá nhân tôi, thầy Minh Tuệ là một hình ảnh bình thường với một người đã quyết định chọn cho mình con đường độc hành, đang trên chặng đường tu tập để có một ngày có thể chứng ngộ. Thời gian cần để làm được có thể ngắn hoặc dài, ngắn thì trong đời này, đủ duyên, đủ căn cơ thầy sẽ chứng ngộ một phần, thời gian dài hơn thì phải cần nhiều đời nhiều kiếp mới có thể chứng ngộ. Nếu con người có thể hiểu sự tu tập phải gian khổ lâu dài như vậy, và thành quả đạt được xứng đáng thế nào thì đa phần sẽ không ngạc nhiên hay chống phá những người tu hành như thầy. 

Tại sao thầy Minh Tuệ lại trở thành “hiện tượng” trong mắt người Việt Nam hiện nay? 

Bởi vì chánh pháp đã đến thời mạt pháp, đạo đức suy đồi nên một người làm điều bình thường cũng sẽ trở nên bất thường. Thầy Minh Tuệ chọn con đường độc giác, không cần minh sư, không cần chùa tự để ở, không cần tham gia tăng đoàn, điều này là bình thường không có gì phải lạ lẫm. Thời sau khi Đức Phật tại thế, hằng sa số vị đã chọn con đường độc giác này để tu tập, họ lánh trong những hang núi sâu không có người ở để tu, khi chứng ngộ, họ tự biết chứ người bình thường ít ai biết đến họ. Bởi vậy trong giới tu Phật có câu “Ai tu nấy chứng” là vậy. Người chứng ngộ là người khiêm hạ, họ luôn tỏ ra là người bình thường, chỉ khi nào họ tịch, thì họa may mới để lại vài chứng tích cho người đời biết họ đã chứng ngộ. 

Vì thời mạt pháp, người tu hành như vậy quá hiếm hoi nên khi thầy Minh Tuệ chọn pháp tu này thì trở thành hiện tượng cho đa phần soi mói và thần tượng. Cả hai trường phái này đều có hại cho thầy. Soi mói đánh phá thì rõ ràng có hại rồi, nhưng thần tượng thầy quá mức cũng sẽ hại thầy. Thứ nhất, sự sùng bái, tập trung đông người quá mức sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến sự thanh tịnh mà thầy cần có. Thứ hai, nếu người chưa định tâm, sự thần tượng dễ làm lung lay tâm tính sinh ra kiêu mạn, mà điều này không trách được người tu, họ cũng chỉ là người đang tu tập, chưa chứng ngộ thì có bị vướng mắc cũng là điều bình thường. Thứ ba, sống dưới chế độ cộng sản, thầy càng được kính phục, càng nhiều người theo công khai sẽ không tránh khỏi bị cộng sản quy chụp, con đường tu tập của thầy sẽ gian nan, có khi phải dừng lại. 

Vì vậy, nếu quý vị nhìn xa rộng, hãy nhìn thầy Minh Tuệ như một người bình thường, một người đang chọn đường tu hành bình thường không có gì quá lạ lẫm. Hãy kính trọng nhân cách của thầy, kính phục sự dũng mãnh của thầy nhưng đừng đánh phá hay thần tượng thầy. Hãy để cho thầy có sự thanh tịnh để tiếp tục hạnh nguyện của thầy. Thay vì đánh phá hay thần tượng thầy, quý vị nên nhìn nhân cách của thầy rồi sửa đổi tâm tánh chính mình. Khi con người bớt tham, sân, si thì xã hội sẽ yên bình và tươi đẹp hơn. 

Khi người Việt Nam còn chưa hiểu nhiều về đạo pháp và hành xử chưa văn minh thì xã hội sẽ không phát triển. Nhà cầm quyền đạo đức suy đồi, trí huệ u tối thì làm sao đất nước được tươi sáng, tôn giáo cũng vì vậy mà ngày càng u ám. 

***

Tâm Đạo hay là u mê 

Tôi ước gì dòng người thay vì đang lũ lượt đi theo quỳ bái thầy Minh Tuệ, họ đứng lên chống lại những bất công đang ngày càng đè ép lên cuộc sống người dân. 

Nhà cầm quyền Việt Nam đang tăng cường đàn áp những người đấu tranh một cách khốc liệt. Lần lượt những người bị bắt, bị chết một cách không minh bạch, bị bắt cóc mời làm việc, gia đình người đấu tranh bị công an khủng bố tinh thần,… thế nhưng người dân họ vẫn im lặng. Những đại án tham nhũng kinh tế diễn ra một cách ngang nhiên, làm lũng đoạn nền kinh tế nặng nề, sự lũng đoạn này đều ảnh hưởng đến đời sống mỗi người dân chứ không phải dành cho riêng ai, nhưng người dân vẫn im lặng. Những tranh giành, đấu tố, đảo loạn của quan chức đứng đầu bộ máy nhà nước vẫn đang diễn ra, nó nói lên hiện trạng một cơ chế chính trị đã mục từ gốc, quan chức đấu đá nhau, phải chăng chỉ là việc riêng của họ? Không hề! Đất nước muốn phát triển, yên bình thì bộ máy nhà nước vững chắc và ổn định là cốt cán của sự vận hành các chính sách quốc gia. Vậy nên, việc rối loạn nhân sự, tranh giành những cái ghế quyền lực của quan chức không phải là màn kịch cho chúng ta nhìn rồi cười, bộ máy chính trị đã độc tài lại còn rối loạn thì điều hành được gì, mỗi người họ, sau khi từ chức thì ôm hàng triệu USD để hưởng thụ, và người dân phải hứng chịu tất cả sự khó khăn này, nhưng người dân cũng chỉ biết im lặng. Sự im lặng chịu đựng này trở nên vô cảm với chính bản thân và cộng đồng xã hội. 

Đạo pháp, tâm linh là cái gốc của đạo đức. Chưa nói đến mục đích sâu xa hơn của đạo pháp là giúp con người giải thoát về mặt tinh thần, chỉ cần con người có sự tìm hiểu đạo pháp, có một tín ngưỡng thiện lương để theo thì nền tảng đạo đức xã hội sẽ vững chắc hơn. Vậy nên, việc mỗi công dân mộ đạo một cách có hiểu biết sẽ rất tốt cho sự phát triển về mặt giáo dục nhân cách và nhân văn con người. Có một tỷ lệ không theo tín ngưỡng nào cả, nhưng từ những quy chuẩn đạo đức xã hội, họ hiểu và thực thi, tự rèn luyện nhân cách, không hại mình, hại người, đó cũng là ảnh hưởng từ nền tảng giáo dục tốt của xã hội. 

Nhìn vào sự việc đang xảy ra đối với một nhà sư đang thực hành tu hạnh đầu đà, chúng ta đánh giá thế nào về đạo pháp, tâm đạo của xã hội Việt Nam hiện nay? 

Dòng người lũ lượt theo thầy Minh Tuệ bất chấp ngày đêm, quấy nhiễu cuộc sống của một người tu hành, mà vốn dĩ, đó là quyền tự do tối thiểu mà thầy phải có và phải được tôn trọng. Trong dòng người đó, được mấy người thực tâm kính phục thầy, nhìn thầy để mà sửa đổi tâm tánh chính mình? Hay đa phần chạy theo xu hướng đám đông, làm truyền thông, hiếu kỳ và chạy theo cầu xin những điều họ mong muốn vì họ nghĩ thầy là thần thánh hóa thân. 

Nếu người hiểu biết, họ chỉ cần có cái tâm kính phục một người phát tâm dũng mãnh, nếu chưa hiểu đạo pháp thì tìm hiểu thêm để học hỏi, nếu vì nhìn thấy thầy tu tập như vậy mà cũng phát tâm tu tập thì tốt cho họ. Tu tập là hạnh nguyện chứ không phải bắt chước là được. 

Ở Việt Nam đa số theo Phật giáo Bắc tông, nên những vị sư như thầy Minh Tuệ thấy hiếm chứ các quốc gia có Phật giáo theo hệ Nam tông như Lào, Myanmar, Thái Lan thì những vị tu như vậy rất nhiều chứ không chỉ có thầy Minh Tuệ. Vì vậy, người dân kính phục thầy thì nên tìm hiểu thêm các giáo lý Phật giáo để mà tu tâm dưỡng tánh, hơn là cứ thần thánh hóa thầy rồi quấy nhiễu người tu, làm cho thầy gặp trắc trở nhiều hơn trên đường tu tập.

Phương pháp tu hành có hàng ngàn pháp môn, mỗi người chọn cách tu phù hợp với căn cơ và hoàn cảnh của mình, miễn sao phương pháp áp dụng có tiến triển, chứ không phải chỉ có 1, 2 pháp môn mà đại chúng hiện tại chúi mũi vào tranh cãi, đánh phá lẫn nhau. Ví như, một người bị liệt, nằm một chỗ, họ phát tâm tu hành, nhưng không đi được như thầy Minh Tuệ thì khỏi tu hay sao? Hoặc những người bị bệnh khác, nói chung khó khăn cho việc ngồi kiết già, hoặc khó khăn để di chuyển thì tu thế nào? Những người này, nếu họ phát tâm tu tập, sẽ rất mau thành tựu, vì thân thể khuyết tật thì tập trung hoàn toàn vào tâm, đó mới là trọng tâm. Cho dù đi, đứng, nằm, ngồi đều tu được. Tu theo giáo pháp Phật giáo, chủ yếu là QUÁN TÂM. Dù thực hành bất cứ pháp tu nào, cuối cùng cũng chỉ nhằm vào mục đích này. Còn quán tâm là quán cái gì? Có rất nhiều phương pháp quán tâm, ví như, quán hơi thở, quán âm thanh, quán màu sắc, quán mùi vị, quán sự khổ, quán các pháp không thực có, quán các thức không thật có… để nhìn thấy được tất cả các pháp trần tục đều vô thường, không thật, từ đó đạt sự giải thoát. Bởi vậy, tùy mỗi người có căn cơ thế nào, thấy mình phù hợp với phương pháp nào thì tu theo phương pháp đó, không phân biệt phương pháp nặng/nhẹ, hay/dở. So sánh phương pháp này hơn/thua phương pháp khác là tâm của người đời, nói đến Đạo thì làm gì còn có khái niệm so sánh nữa, cho nên, còn tranh cãi, còn so sánh thì đường đến Đạo còn xa vời. Tu phương pháp gì cũng được, mục đích cuối cùng là nhìn thấy được bản lai vạn vật. Và Phật Thích Ca đã làm được, ngài đã để lại tất cả giáo lý cho chúng sanh, chúng sanh lấy đó làm Thầy mà tiếp tục thôi. 

Trong giới tu Phật giáo, không ít vị là chân tu mà chúng ta chưa biết, không thiếu những chân tu đức độ, đừng quá sùng bái một cá nhân rồi đem ra so sánh lẫn nhau, vô tình đánh phá cả một tôn giáo bởi sự thấy, sự biết còn quá hạn hẹp. 

Ngày xưa, Phật trải qua sự tu hành khổ hạnh, không ăn uống, tự hành hạ, tự hủy thân xác mình, sau này, Phật thấy đó không phải là phương pháp hữu ích nên chọn con đường trung dung, thiểu dục tri túc nhưng phải giữ thân mà tu, không còn thân thì lấy gì tu tập, và đề ra rất nhiều pháp môn tu tập khác, vì chúng sanh căn cơ cao thấp khác nhau. Với người tu, sự khiêm hạ là điều cần nhất, cho nên hầu hết người đời ít biết đến họ. Muốn hoằng dương chánh pháp, trước tiên phải tu tập thành đạo. Một vị chánh đẳng chánh giác thành đạo, cả lục đạo rung chuyển. 

Nếu có sự hiểu biết, sẽ không ai khen chê hay đánh phá lẫn nhau. Và cũng không cần kéo nhau lũ lượt đi theo một nhà sư như vậy, gây ra sự quấy nhiễu người tu hành nhiều hơn là làm việc có ích cho người tu và cho chính bản thân mình. Đó là sự u tối, mong muốn dựa dẫm vào tâm linh để được lợi ích cá nhân nhưng bản thân không muốn vận động. “Ai ăn nấy no, ai tu nấy chứng”, nếu chỉ nhìn người khác tu mà ngưỡng mộ nhưng bản thân không sửa đổi, chỉ muốn dựa dẫm vào hào quang thần thánh, muốn được ban phát thì mãi mãi những người này chỉ đứng ngoài đạo pháp, và đó rõ ràng là sự vô minh chứ không phải tâm đạo.

Phật có thật sự tồn tại không? Có, chắc chắn là có, Thánh Thần cũng có. Nhưng các vị không ban phát cũng không giáng họa. Luật nhân quả là khách quan. Ai làm nấy chịu. Phật thị hiện chỉ cho chúng sanh con đường đạo, để lại tất cả các giáo lý để chúng sanh thực hành mà đi được trên con đường đạo này, đi được hay không là do sự phát tâm của mỗi người. 

Còn nếu người không chọn tu hành thì sao? Cũng không sao, tu là hạnh nguyện, là căn cơ có sẵn, không phải ai thích là tu được. Giáo lý Phật giáo nhìn chung chia làm hai phần rõ ràng, giáo lý xuất thế dành cho những người có hạnh nguyện tu giải thoát luân hồi. Phần nhập thế dành cho người bình thường, răn dạy con người với những điều cơ bản của ngũ giới, chỉ cần làm theo những điều răn cơ bản này, xã hội sẽ văn minh, phát triển và bình yên. Những người chưa hiểu biết về Phật giáo cho rằng Phật giáo tiêu cực, bi quan. Nhưng rõ ràng không phải vậy. Giáo lý Phật giáo phản ánh hiện thực của xã hội, đề ra những phương pháp phù hợp để giải quyết. Ai phù hợp với căn cơ nào, với phương pháp nào thì theo đó mà làm, hoàn toàn không tiêu cực hay bi quan như đa phần hiểu sai lệch. 

Sống giữa thế quyền hay về mặt tâm linh đều có bản chất giống nhau, đó là mỗi người phải tự thân vận động. Ở trong xã hội, phải vận động để chống lại những bất công, sự độc tài của cơ chế chính trị, phải có lòng từ bi để cảm nhận được sự đau khổ của con người trong cộng đồng. Sống với tâm linh, phải sáng suốt, tìm hiểu đạo pháp, tâm linh mà không hiểu biết thì sẽ trở nên mê tín, thần thánh hóa con người nhưng bản thân lại xa rời đạo pháp. 

Có thể im lặng với những bất công đang diễn ra, nhưng lại ào ào chạy theo người tu hành, quỳ lạy khóc lóc, quấy nhiễu sự thanh tịnh của họ, hoặc chạy theo những người mặc áo tu, nhưng còn quá nhiều tham, sân, si, càng nghe pháp họ giảng, càng thêm u tối, vậy thì muôn kiếp không với tới Đạo. Căn bản của sự cảm nhận được Đạo là lòng từ bi, chỉ vì từ bi, cảm thấu sự đau khổ của chúng sanh mà phát tâm giải thoát cho chính mình rồi sau đó dìu dắt chúng sanh đi như mình đã từng đi. Đó mới là Tâm Đạo. 

Giáo pháp đã có đầy đủ, nếu thấy tu hành là việc tốt thì quý vị hãy bắt đầu thực hành từ những điều nhỏ nhất. Tập quán niệm, tập quán lòng từ bi, tập buông bớt tham, sân, si,… không làm được như vậy, chánh pháp vẫn muôn kiếp rơi vào mạt pháp.

Tâm đạo chân thật như dòng nước mát dịu ngọt, len lỏi vào tâm thức con người, nhẹ nhàng và tao nhã, chứ không phải lố nhố, ầm ĩ, bát nháo như vậy. Nhìn vào, chỉ thấy một sự vô minh đang bao trùm đạo pháp đất nước này. Cứ như thế này, đừng mong chấn hưng đất nước, nhà cầm quyền độc tài rất thích nhân dân u tối như vậy mới dễ trị. 

Huỳnh Thị Tố Nga 

* Đây là bài viết thứ hai, cũng là bài viết cuối cùng tôi nói về sự kiện thầy Minh Tuệ. Tôi chỉ mong muốn người dân Việt cố gắng học hỏi thêm giáo pháp, khi hiểu biết rồi sẽ không còn những hành vi vô minh như thế này. Dân trí nâng cao thì mới mong thoát khỏi Cộng sản mà chấn hưng lại đất nước. Khi chấn hưng đất nước rồi mới mong đến chấn hưng Đạo Pháp.