Inrasara: Nhân loại dễ quên [nghĩ từ thiên-nhân tai hôm nay]
“Hàng vạn tấn bom trút xuống đầu làng, hàng vạn tấn bom trút xuống ruộng đồng…” – Trịnh.
Hôm nay không còn hàng vạn, mà hàng triệu; cũng không trút xuống đầu làng hay ruộng đồng Việt Nam, mà là trút thẳng xuống đầu người, nơi tập trung dân cư đông nhất, dải Gaza hay các thành phố Ukraine.
Nhân loại lao vào nhau, trút bừa bãi bom đạn lên đầu nhau.
Cửa nhà cháy đỏ, hàng dãy chung cư đổ nát, vô số trường học, bệnh viện tan hoang. Hàng chục vạn xác người vùi dưới đống hoang tan kia. Hàng triệu sinh linh rời bỏ nhà cửa.
Nhân loại dễ quên!
Tai họa đơn Chernobyl đến đại họa kép Fukushima, Ninh Thuận không nhớ.
Siêu bão Haiyan năm 2013 càn quét đã biến nhiều vùng miền Philippines thành bình địa, cuốn 10.000 người đi theo nó.
Nhân loại dễ quên…
Cho hôm nay siêu bão Yagi ập đến
Bởi sự ích kỉ và lòng tham vô độ
Con người xả rác qua nhà [đất nước] hàng xóm, mà không biết rằng đang xả rác vào ngôi nhà [trái đất] của chính mình
Khi loài người mải mê chạy đua siêu vũ khí, siêu đập, siêu nhà máy điện than, siêu kế hoạch TỰ HỦY.
Mặc cô bé Greta Thunberg la hét khản họng
mặc nỗ lực trì trì của chàng trai Boyan Slat với chương trình “The Ocean Cleanup” đầy hứa hẹn
mặc cho nhà thơ Inrasara một lần và muôn ngàn lần nữa “Đánh thức lãng quên” [Trường ca Covid-19, 7-2021].
nhân loại cứ quên
và còn gì nữa
ngày mai?
*
Sáng nay tôi vừa đọc “cảnh báo kiểu khác” của bạn Trong Thanh, xin tóm:
Siêu bão Yagi bắt đầu đổ bộ vào miền bắc Việt Nam từ tối hôm qua, 06/09/2024. Sức gió ở tâm bão có thể lên đến 200 km/giờ, đủ sức vật ngã cây to, lật đổ ô tô, phá tan nhà cửa không kiên cố. Trên mạng xã hội lan đi nhiều lời kêu gọi phù hộ tai qua nạn khỏi.
Cơn bão được coi là dữ dội nhất tại khu vực từ nhiều năm nay.
Nhiều người kêu gọi phù hộ tai qua nạn khỏi. Nhưng trong số những người cầu mong ấy, ai tin tưởng thực sự vào sự phù hộ, còn ai cầu để lấy may?
Những người cầu xin phù hộ cho tai qua nạn khỏi trong cơn bão, có ai hiểu được rằng chính các hoạt động kinh tế gây khí thải quy mô vô cùng lớn của con người đã góp phần mình vào các trận bão như Yagi, như Haiyan kia?
Kỷ nguyên này, thiên tai không thuần tuý là thiên tai mà là “thiên-nhân tai”. Sự phồn thịnh của nền kinh tế mà nhiều người tin rằng là thước đo chủ yếu của hạnh phúc hiện nay đang để lại một cái giá vô cùng lớn: Sự ổn định của khí hậu với tình trạng MƯA THUẬN – GIÓ HÒA bền vững từ hàng nghìn năm nay có nguy cơ bị phá vỡ hoàn toàn.
Trong mắt bão ta hy vọng may mắn, qua khỏi.
Nhưng thời khắc của sự thật sẽ đến khi bão qua đi: Sự thật của những đổ nát, thiệt hại do bão gây ra và cả sự thật về những gì đã làm nên bão.
Trong ít năm gần đây, Việt Nam được coi là một quốc gia trong nhóm nước đi đầu trong chủ trương sớm từ bỏ THAN ĐÁ – thủ phạm hàng đầu của biến đổi khí hậu, của các siêu bão như Yagia, Haiyan.
Rất đáng tiếc là dường như xu thế đó đã và đang bị chựng lại. Một số nhà hoạt động môi trường ít ỏi, làm việc trong các tổ chức xã hội được nhà nước công nhận, đi đầu trong nỗ lực vận động và thúc đẩy từ bỏ THAN ĐÁ đã bị dính vòng lao lý.
Cổ nhân có câu: Gieo gió gặt bão.
Vận mệnh của Việt Nam không thể tách rời nhân loại. Đồng bằng Bắc Bộ hay Hà Nội không phải là một khu vực biệt lập với thế giới. Bão Yagi có thể là một cơ hội giúp nhận ra sự thực trong “Mắt Bão” – Cơn bão tố của đời sống quay cuồng, chạy theo các lợi ích phù du, ngắn hạn và nhất thời.
Phật thánh ở đâu, Chúa trời ở đâu trong Cơn bão tố này?