Lam Nguyên: Vọng Nguyệt hoài viễn

Vọng Nguyệt Hoài Viễn 望 月懷 遠 của Trương Cửu Linh 張 九 齡

 Moonlit Landscape, Nagasawa Rosetsu

Tôi còn nhớ ngày Rằm tháng Giêng năm Đinh Sửu -lúc tôi đang dạy học tại trường Trung Học An Nhơn, Bình Định- gặp được cụ Văn Truyền ở làng An Ngãi do một người bạn giới thiệu là anh Ẩn cũng dạy cùng trường với tôi. Hôm ấy nhằm ngày giỗ của người Bác của cụ Văn Truyền. Và theo lời cụ Truyền kể giai thoại về người Bác với nhà văn hóa tài danh Đao Tấn!

Bác của cụ Truyền hồi còn trẻ đã từng nổi tiếng hay chữ ở Quốc Tử Giám. Có một ngày Bác cụ Truyền đến thăm cụ Đào Tấn ở Vinh Thạnh, cụ Đào bảo rằng Bác nghe nói con nổi tiếng học giỏi. Vậy nay, con hãy đối thử chữ xuyên 川 là Sông thì người Bác của cụ Truyền đối ngay chữ Mục目là Mắt. Và nếu chữ Xuyên 川, lật ngược thì thành chữ Tam

三 nghĩa là Ba (3) và chữ Mục 目 lật ngược thành chữ Tứ 四 nghĩa là Bốn (4). Cụ Đào Tấn là Tổ của ngành Hát Bội Bình Định rất đắc ý về việc đối này! 

Và sau khi trà dư, tửu hậu cụ Văn Truyền nhắc lại bài thơ Vọng Nguyệt Hoài Viễn 望 月 懷 遠 mà người Bác của cụ ngày xưa thường nhắc đến trong khi dạy con cháu học về Thơ đời nhà Đường 唐 (618 – 907) bên Tàu.

Vọng Nguyệt Hoài Viễn 望 月 懷 遠

Hải thượng sinh minh nguyệt 海 上 生 明 月

Thiên nhai cộng thử thì 天 涯 共 此 時

Tình nhân oán dao dạ 情 人 怨 遙 夜

Cánh tịch khởi tương ti (tư) 竟 夕 起 相 思

Diệt chúc liên quang mãn 滅 燭 憐 光滿

Phi y giác lộ ti 披 衣 覺 露 滋

Bất kham doanh thủ tặng 不 堪 盈 手 贈

Hoàn tẩm mộng giai kỳ. 還 寢 夢 佳 期.

Trương Cửu Linh 張 九 齡

Dịch thơ:

Ngắm Trăng Nhớ Người Xa

Vầng trăng mọc ở bể khơi,

Cùng trong một lúc, góc trời soi chung.

Đêm xa ai đó sầu mong,

Thâu canh ai nhớ, mơ mòng nhớ ai?

Tắt đèn yêu bóng nga soi,

Khoác lên chiếc áo, đượm mùi sương pha,

Khôn đem ánh sáng cho mà,

Ngủ đi, trong mộng họa là gặp nhau.

Nguyễn Hữu Dụng

Bây giờ chúng ta nên điểm lại một vài Từ-ngữ :

1. Hoài viễn 懷 遠 = Chính lúc này nhớ người thân ở xa.

2. Thiên nhai 天 涯 = Ý ở đây là Góc-trời, muốn nói lên chính Tác giả và người thân tuy ở xa nhau nhưng cùng Vọng nguyệt 望 月 (Ngắm trăng)!

3. Tình nhân 情 人 = Trong lòng nhớ đến người tình.

4. Dao dạ 遙 夜 cũng có nghĩa Trường dạ 長夜 (đêm dài).

5. Cánh tịch竟 夕 cũng có nghĩa là Chung dạ 終 夜 (suốt đêm).

6. Liên cũng đọc là Lân 憐 = Ý là yêu nhớ buồn thương.

7. Phi y 披 衣 = Ý tác giả muốn tả cảnh đi ra ngoài (xuất hộ 出 户 ).

8. Lộ ti (tư) 露 滋 = Biểu thị cho đêm dài (dạ thâm 夜 深).

9. Riêng chữ Ti (tư 滋 )= Đây ta cảnh tác giả đứng ở ngoài trời lâu nên sương đêm đã thấm ướt vai!

10. Giai kỳ 佳 期 = Ước vọng một ngày đẹp trời nào đó sẽ “Gặp gỡ lại nhau!”.

Nếu người đọc chịu khó nhìn kỹ từng câu trong bài thơ Vọng Nguyệt Hoài Viễn 望 月

懷 遠 thì thấy:

Câu khởi : Hải thượng sinh minh nguyệt 海 上 生 明 月 là câu thơ nói lên “ý cảnh rất khoáng đạt, hùng hồn” mà người xưa bảo “thiên cổ giai cú 千 古 佳 句”. Đâu khác gì câu thần cú của Tạ Linh Vân: “Trì đường sinh xuân thảo 池 塘 生 春 草. 

Đến câu Thiên nhai cộng thử thì 天 涯 共 此 此 時, đây tả do cảnh mà nhập vào tình, lại chuyển vào Hoài viễn 懷 遠. Câu thơ của Trương Cửu Linh đã ảnh hưởng Tô Thức 蘇 軾 sau này viết nên câu Đản nguyện nhân trường cửu, Thiên lý cộng thuyền quyên 但 願 人 長 久, 千 里 共 嬋 娟. Hai câu này là danh cú tả Trăng!

Trong bài thơ Vọng Nguyệt Hoài Viễn của thi sĩ Trương Cửu Linh ta thấy nhân vì trăng

soi trước mắt nên không thể ngủ được, hai chữ Cánh tịch 竟 夕 là suốt đêm ngồi nhớ người ở xa, thương nhớ đến Oán 怨 mà Tương tư 相 思. Đêm dài, khí hậu mát mẻ nên tắt đèn để yêu ánh sáng chan hòa của vầng nguyệt rạng! Ra ngoài đứng lâu để nhìn trăng nhớ người yêu viễn xứ đến thẩm ướt cả áo. Hai chữ Bất kham 不 堪, ta thấy cấu tứ kỳ lạ, mang mang thoát ý của một tâm hồn yêu đương thấm đậm! 

Và hai câu cuối bài thơ:

Bất kham doanh thủ tặng 不 堪 盈 手 贈

Hoàn tẩm mộng giai kỳ. 還 寢 夣 佳 期

(Khó mà lấy tay vốc được ánh trăng để tặng nhau,

May có thể ngủ đi mới hòng gặp nhau được).

Thật là “Phiên cổ vi tân 翻 古 為 新 = Xem xưa lại thấy mới”, thấm thiết tình cảm!

Lam Nguyên 藍 源

Seattle, đêm hoài vọng người thân ở xa!