Lê Chiều Giang: Nghề nghiệp

Sơn dầu. Tranh Nghiêu Đề

” …Phận bèo bao quản nước sa

Lênh đênh đâu nữa cũng là lênh đênh…”

KIỀU, Nguyễn Du

Khi nghe mưa rạt rào, tôi để yên cửa sổ, dù biết mưa hắt sẽ làm ướt hết ghế bàn, chăn gối.

Mưa Cali hiếm hoi, tôi thèm bước ra đường dầm mưa cho ướt hết tóc và áo, nhưng nhìn đồng hồ đã là một giờ sáng, đêm tối làm tôi phải ngại ngùng.

Tắt hết đèn đóm, mưa như tiếng ru, nhưng tôi biết mình sẽ chẳng thể nào thiếp ngủ. Tôi thức trắng chỉ vì thèm nghe tiếng mưa rơi. Mưa, như đang tỉ tê nói những lời trầm trầm, lời nho nhỏ với tôi cùng đêm tối.

Mưa đưa trí nhớ tôi trở về với ánh đèn tù mù của bến xe tỉnh nhỏ, nơi 30 năm trước tôi theo thiên hạ, lần mò cho một lần xuống ghe thuyền, ra tàu lớn. Tôi ra đi, tôi chạy trốn, tôi thèm được xa lìa khỏi quê hương.

Sống quen ở Saigon, nên cái xơ xác, cái nghèo nghèo ủ ê của nơi có vài ba chuyến xe đò chạy bằng than, có những lửa tàn bắn rơi tung toé, đã làm tôi sờ sợ. Xe lừ đừ dừng lại chờ khách lên, đợi khách xuống vội vàng với mọi thứ gồng gánh, mang theo.

Sau một đêm cùng thiên hạ vật vờ giữa thức và ngủ trong căn nhà chẳng biết của ai. Chúng tôi biết tin còn phải chờ đợi thêm hai ngày nữa. Mọi người chỉ được nói thì thào, nói nho nhỏ, đặc biệt là không ai được lấp ló ra sân…

Nhưng mưa và những luồng sét chớp tắt sáng nay, như giục giã tôi phải ra lại cái bến xe tiêu điều, để làm gì thì tôi không biết, chắc chỉ vì tôi đâu có biết đường, địa điểm nào khác hơn ngoài cái nơi hiu hắt, buồn thiu đó?

Sáng, bến xe tự nhiên trở thành một chợ nhỏ. Mưa và sấm chớp làm mọi thứ rau hành khi lóng lánh, lúc mờ mờ xám xanh. Mưa làm cho mọi thứ “hàng hóa” ướt át thêm chút phần ảo não.

Trong ánh chớp chói lòa, tôi chợt thấy em với rổ khoai đang ôm khư khư trong tay. Em không sợ ướt áo, chẳng lo ướt tóc, em sợ ướt mấy củ khoai màu nâu nhạt.

Tôi cười cười làm quen và hỏi mua hết.

Sẵn chuyện, tôi nói muốn mua giúp thêm, nếu Mẹ em cũng bán thứ gì đó quanh đây. Em nói Mẹ chưa thức dậy, Mẹ còn đang ngủ!

Thoáng trong ý nghĩ tôi là chuyện Tấm Cám, chuyện Mẹ ghẻ, con chồng, những chuyện cổ tích đôi khi vẫn có thật trong đời. Nhưng chẳng đợi tôi kết án, kết tội gì thêm, rất ngây thơ, hồn nhiên, em ngước gương mặt ướt át có dấu bớt xanh tròn vo, xinh xinh trên trán, em nói với tôi: ”Khuya, Mẹ em mắc làm việc nuôi hai chị em em”. Tôi lại cảm động, hình dung ra dáng lam lũ của một bà mẹ trẻ, dãi nắng dầm mưa, hy sinh mọi thứ mọi điều, quên ăn và mất ngủ… Tôi chưa kịp tò mò hỏi thêm, em cũng chẳng cần lửng lơ, em buông lời vội vã: “Mẹ em làm đĩ!”

Giọng em nhỏ xíu, nhưng tôi nghe như gió đang lồng lộng trong tiếng mưa lạnh ngắt rơi, và vang xa theo lằn sấm sét đâu tận mãi cuối chân trời.

Tôi trả tiền nhưng không lấy khoai. Em mừng vui, em không hiểu.

Tôi mắc nghẹn.

____________

Chợ Tết nơi quê người, một cố gắng vô cùng của người Việt, chỉ để nhớ lại những dấu yêu xưa…

Tôi không mặn mà gì với cái lác đác, cái nhàn nhạt, cái cố gắng reo hò mà chẳng thấy chút hân hoan nào cho cảm giác “Vui như tết” đó, nơi đây.

Tôi vẫn vương vấn với Tết quê nhà, nơi mà tôi hít thở đến tận cùng, mùi thơm của khói hương đêm 30. Thở hết hương thanh khiết của đất trời, tôi đã phải chờ suốt đêm tới sáng sớm, để đón chút tinh khôi của một năm mới.

Chẳng biết gì về Hà Nội, lại chưa có bao giờ về một vùng quê nơi đất Bắc. Vậy mà tôi nhớ hết bài thơ tả chân về ngày Tết thôn quê, đẹp như tranh của nhà thơ Đoàn Văn Cừ

“…Dải mây trắng đỏ dần trên đỉnh núi,

Sương hồng lam ôm ấp nóc nhà tranh

Trên con đường viền trắng mép đồi xanh

Người các xóm tưng bừng ra chợ Tết

Họ vui vẻ kéo hàng trên cỏ biếc

Những thằng cu áo đỏ chạy lon ton

Vài cụ già chống gậy bước lom khom

Cô yếm thắm che môi cười lặng lẽ

Thằng em bé nép đầu bên yếm mẹ…

“…Một Thày khóa gò lưng trên cánh phản

Tay mài nghiên hí hoáy viết thơ xuân

Cụ đồ nho dừng lại vuốt râu cằm

Miệng nhẩm đọc vài hàng câu đối đỏ…”

Tôi dạo tết cho có lệ với thiên hạ. Dừng chân trước cửa hàng có trưng nhiều hộp xanh hộp đỏ, tôi cũng chẳng nghĩ đến chuyện mua gì. Hờ hững đọc tên mứt này, bánh kia, mà tôi nghe như có chút vị ngọt thấm trên đầu môi. Sao bỗng dưng tôi lại thấy rất thèm một cái Tết đúng nghĩa của quê hương.

Chợt tôi chú ý đến cô bé có bím tóc thắt nơ hồng, xúng xính trong chiếc áo dài vàng rực rỡ. Bé bưng đại một hộp mứt đưa cho mẹ, tôi nhìn theo tầm tay và giật mình.

Bên cạnh Bé là gương mặt của Khoai, với cái bớt xanh tròn vo, khéo léo xinh xinh trên vầng trán rộng. Tôi nhớ ngay ra em, người tôi gặp ở bến xe tiêu điều trong một sáng trời mưa từ 30 năm cũ. Tôi reo: Khoai!

Dù có cố ý muốn gọi tên, tôi cũng chẳng biết em tên gi. “Khoai”, chỉ như sự nhắc nhớ về một kỷ niệm đã từ bao năm trước.

Tôi kể lại chuyện xưa, rổ khoai của em và trận mưa sớm, nơi bến xe có chợ làng bé xíu.

Tôi ôm em bồi hồi như gặp lại chính quê nhà, nhớ sáng mưa dầm và dáng em ôm chiếc rổ đứng bơ vơ ướt át. Tôi hình dung ra những lầm than trong cảnh đời của em và Mẹ…

Em cảm động khi nhận ra tôi, vui tươi và cả với thân tình, em đưa tôi hộp mứt. Nhìn ra sự trùng hợp ngẫu nhiên: Mứt khoai lang! Tôi cười và em cũng cười theo, vẫn nụ cười chân chất cũ.

Tôi mừng vì như một phép lạ, em đang ở cùng tiểu bang với mình. Tôi tưởng tượng ra sẽ có em như có một cô em nhỏ bé, từng sống bên Mẹ với một quá khứ bầm dập, không vui…

Không quên hỏi em đang ở đâu. Loay hoay rất lâu với nét chữ vòng vo, tội nghiệp, em viết cho tôi số phone, địa chỉ.

Tránh câu hỏi em đang làm gì, tôi chỉ nói khéo: Việc em làm có vui không? Và bằng giọng rất thản nhiên không ngờ, em nói đúng như lời tôi đã nghe từ 30 năm trước:

“ Dạ, em làm đĩ.”

Chữ nghĩa, tự nó đã có sự bao dung và giảm khinh triệt để, cho cách nói ngây thơ đầy hồn nhiên của em. Nghề nghiệp em nói ra, nó không mang một ý nghĩa lem luốc nào. Em nói như em đang làm kế toán, em đang làm cô giáo. Em đơn sơ, em dùng chữ vẫn rất chân quê, vẫn rất thật thà.

Không có mưa sáng nay giống mưa năm nào nơi phố chợ. Sao tôi vẫn nghe như sấm sét rớt rơi đầy mỗi bước chân đi.

“…Phận bèo bao quản nước sa

Lênh đênh đâu nữa cũng là lênh đênh…”

[Kiều, Nguyễn Du]

Tết quê hương khác, rất khác với những gắng gượng “Tết” nơi quê người.

“Nghề nghiệp” em bây giờ, sao lại giống y như của Mẹ từ những năm xưa, nơi quê nhà xa tắp?

Nhìn theo bóng em dần khuất mà tôi muốn chạy theo, tôi muốn hôn lên trán em, nơi in đậm đà một bớt tròn xanh xám.

Tôi sẽ hôn lên cái dấu ấn đó của em, của những tai ương và cả những dập vùi ghê gớm.

Tôi hiểu ra rằng, những nghiệp chướng của đời, có khi nó phải đi cho đủ, cho hết một vòng luân lưu của chính nó. Nên cho dù có muốn đến đâu, nếu chưa đúng lúc, chúng ta vẫn chẳng thể thoát thân.

Nhưng tôi tin rằng, con của em, Cô bé sẽ óng ánh như nắng, reo vui như lúa vàng trên cánh đồng bát ngát của quê hương. Gió lộng sáng chiều, sẽ thổi bay hết những trầm luân, những điều tăm tối. Bé sẽ tung tăng dưới vùng trời ngát xanh bên một bình minh rực rỡ, êm đềm và tinh khiết của đời người.

Tôi có vẻ hơi duy tâm. Riêng em, ngây thơ thật thà, hay chính những nghiệt ngã của đời, đã dậy em một cách sống khôn ngoan, tự biết chở che mình bằng cách nhìn bất sá?

Happy New Year, Em.

Lê Chiều Giang