Lê Học Lãnh Vân: Bài viết sau ngày 17-2-2025

Ảnh Lê Chiêu Thống đang lưu vong bên Trung Quốc

Dù lịch sử Việt nam có nhiều sự việc cần được chứng minh rõ ràng hơn nữa về mặt sử học, vua Lê Chiêu Thống đã bị chết cái tên “cõng rắn cắn gà nhà”! “Cõng rắn cắn gà nhà” nghĩa là [con gà] đưa con rắn vào nhà để nó cắn những con gà anh em ruột của mình.

Thời xưa khi người Việt chưa biết tới bốn biển năm châu, “rắn” ngụ ý Tàu còn “gà nhà” là đồng bào dòng giống Tiên Rồng. Câu này cũng liên quan tới câu khuyên răn của ông bà để lại cháu con:

“Khôn ngoan đối đáp người ngoài

Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau” 

Bởi không thương yêu nhau, tranh giành ngôi cai trị lẫn nhau nên thay vì “Khôn ngoan đối đáp người ngoài”, thì gà đồng bào lại “bôi mặt đá nhau” để rắn rình ngoài cửa sổ cắn đi một mảnh di sản ông cha và để lại rất nhiều khó khăn cho các thế hệ sau!

Người Việt oán hận vua Lê Chiêu Thống rước giặc Tàu của vua Càn Long nhà Thanh vào đất tổ, xô nghiêng xã tắc, giết hại người Việt. Tuy nhiên, vua Lê Chiêu Thống đâu chỉ là người đầu tiên “cõng rắn”!

Trước vua Lê Chiêu Thống khoảng bốn trăm năm, nhà Hồ cướp ngôi vua của nhà Trần, quan lại và người thân thích nhà Trần cầu cứu Tàu nhà Minh. Giặc Minh tràn qua cướp nước ta hai mươi năm. Trong thời gian ấy, họ gây rất nhiều tội ác với dân Việt, “nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn, vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ”. Rất nhiều tài sản văn hóa của Đại Việt bị tiêu hủy! Giặc Minh hung ác, đã đành, người Việt có gây nên “chính sự phiền hà để nhân dân trong nước oán hận không”? Hồ Nguyên Trừng, vị nguyên soái nhà Hồ mà không ai nghi ngờ khí phách chống giặc đã phải than rằng: “Thần không sợ đánh, chỉ sợ lòng dân không theo”. 

Cái tội gây nên “lòng dân không theo” do Tàu gây nên hay người Việt gây nên?

Trong hai lần kéo quân sang xâm lấn nước ta kể trên, Tàu đều ở vào thời kỳ mạnh nhất của triều đại họ. Vua Chiêu Thống cầu cứu vua Càn Long nhà Thanh, người thừa hưởng thành quả trị nước của các mInh quân Khang Hi, Ung Chính. Con cháu họ Trần cầu cứu vua Minh Thành Tổ, vị vua tàn bạo và tài ba nhất của triều Minh.

Đầu năm 1979, Tàu kéo quân xâm lược Việt Nam, tuyên bố “dạy cho Việt Nam một bài học”. Sự hung hãn và tàn ác của quân Tàu đối với người Việt ai cũng biết. Nói theo Nguyễn Trãi là “Độc ác thay, trúc rừng Nam không ghi hết tội, dơ bẩn thay nước biển Đông không rửa sạch mùi”. Việc ấy quá rõ và còn đầy đủ bằng chứng, bài này không cần nhắc tới.

Quân Trung Quốc kéo sang Việt Nam, đang di chuyển tại Cao Bằng. Đi đầu là xe bọc thép Kiểu 63 (K63). Ảnh tư liệu.

Tàu kéo quân sang Việt năm 1979 là một nước Tàu nghèo đói, chậm tiến cùng kiệt sau những sai lầm kinh hoàng dưới chế độ Trung cộng. Lúc ấy, Việt Nam là quốc gia đang dồi dào kinh nghiệm chiến tranh. Và nước Tàu, dù vẫn còn ý đồ tiến xuống Đông Nam Á của Mao Trạch Đông, đang lúc cầu cạnh sự hợp tác của thế giới để thoát đói nghèo, nước Tàu ấy có rảnh rang và đủ lực xâm lược không?

Câu hỏi tôi luôn tự vấn là, trong khi tuyên truyền trong dân chúng Việt rằng Trung Quốc là đại bá, nhưng Việt Nam có gây cho thế giới cảm nhận rằng Việt Nam là tiểu bá không? Và Trung Quốc không để lỡ thời cơ, quyết tâm cho thế giới thấy Trung Quốc vì “kiến nghĩa bất vi vô dõng giả” đã “dạy cho Việt Nam một bài học”. Tất nhiên, thế giới không tin vào “chính nghĩa” của Trung Quốc, nhưng Trung Quốc cũng cho thế giới thấy quyết tâm của họ tách rời hệ thống cộng sản chủ nghĩa để làm bạn với phương Tây, đối lập với Liên Xô. Cho nên Trung Quốc tiến hành cuộc chiến năm đó chống Việt Nam chưa chắc vì ý đồ chiếm nước Việt, mà là một hành động chiến lược nhằm mục tiêu chính là phát triển quốc gia họ về kinh tế và kỹ thuật!

Thời cuộc quốc tế lúc ấy là thời cuộc của những chuyển dịch xoay trục chính trị và kinh tế của các cường quốc định hình lại các liên minh. Sự bắt đầu thời cuộc ấy có thể được thấy rõ qua những ly sâm-banh Thượng Hải giữa Nixon và Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai năm 1972… Tiếc thay, người Việt không thấy điều đó, vẫn tiếp tục lay hoay nội chiến dưới đáy giếng trong khi mây trên trời đã vần vũ đổi thay! Việt Nam thấy điều đó cũng không làm thay đổi thời cuộc thế giới, nhưng ít ra cũng tự vệ và phát triển được chính mình!

Nếu Việt Nam thấy và thuận theo dòng thời cuộc quốc tế, ngơi dần cuộc chiến Bắc – Nam thì Trung Cộng có chiếm được Hoàng Sa của Miền Nam không?

Thì chính sách của “Bên Thắng Cuộc” đối với “Bên Thua Cuộc” có nghiệt ngã những cải tạo học tập, cải tạo công thương nghiệp để đất nước kiệt quệ không?

Thì Việt Nam có hùng hổ chống Trung Quốc, không sợ chiến tranh với Trung Quốc không? Hai cuộc chiến ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc có tránh được không? 

Ngày 17-2 người Việt chửi mắng Tàu tàn ác. Chửi Tàu cần thiết, nhưng chỉ chửi có làm Tàu chết đi không? Chỉ mong đừng đục bia đá ghi tội ác của giặc và đừng bóp méo, che dấu lịch sử là đủ.

Bài viết này tập trung phân tích học hỏi các thất bại của quá khứ. Chuyện qua là bài học gì cho Việt Nam trong tương lai?

Lê Học Lãnh Vân

Ngày 18 tháng 2 năm 2025