Lê Học Lãnh Vân: Lằn ranh đỏ gì cho tham nhũng?

Đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: VOV.

Theo báo điện tử VOV ngày 29/5/2024: “Sáng 29/5, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024; và nhiều nội dung quan trọng khác”. Những câu trong ngoặc kép và in nghiêng dưới đây được trích từ bài báo trên.

Bài viết này xin nêu ý kiến về phát biểu của ông Phạm Văn Hòa, đại biểu tỉnh Đồng Tháp.

1) LẰN RANH ĐỎ TRONG PHÒNG NGỪA TIÊU CỰC, THAM NHŨNG

“Đối với công tác phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng trong thời gian tới, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) nêu đề nghị cấp có thẩm quyền nên có “lằn ranh đỏ”.

a) Tôi nghĩ không nên vạch lằn ranh đỏ nào hết. Tham nhũng là ăn cắp và/hay ăn cướp của dân, bản chất của tham nhũng là tội phạm thì không thể thỏa hiệp, không thể cho một lằn ranh đỏ nào! Cho lằn ranh đỏ đồng nghĩa với có quyền tham nhũng bên trong lằn ranh đỏ, ra bên ngoài đường ranh đỏ mới bị pháp luật trùng phạt! Ông Hòa có nghĩ rằng hành vi vạch lằn ranh đỏ có thể có tính chất phạm tội, ít nhất là tội bao che cho Tham nhũng?

b) Tham nhũng là tôi phạm, và là tội phạm nặng vì xâm hại giá trị cốt lõi, đạo đức cốt lõi. Cho nên không nên có luật, quy định hay tập thành thói suy nghĩ rằng trả lại tiền tham nhũng làm nhẹ tội tham nhũng.

Việc trả lại tiền do tòa phán xử và người tham nhũng phải thi hành, nếu không sẽ bị cưỡng chế! Việc bị cáo tham nhũng trả lại tiền, nếu xét thấy do thành tâm cộng tác và hối hận thì việc ấy có thể xem như một yếu tố giảm khinh. Tuyệt đối không thể lấy số tiền trả lại đánh đổi cho hình phạt, bởi vì không thể đem tiền bạc mua đạo đức!

Một xã hội cho phép tiền bạc mua đạo đức, và tiền bạc đó chính do sự xâm phạm đạo đức mà có, thì xã hội ấy có bao che cho hành vi xâm hại đạo đức liêm chính không? Xã hội bao che tham nhũng làm sao chống tham nhũng hiệu quả?

Tại các quốc gia dân chủ như Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Đức, Nhật… luôn có luật lệ, quy định cấm quan chức nhận quà cáp quá mức vài chục đô-la. Các công ty đa quốc gia cũng có luật nội bộ như vậy. Người trong trách nhiệm của mình mà làm công ty thua lỗ thì được xem xét khác với khác với người phạm tội thâm lạm, ăn cắp tiền công ty. Đó là sự phân biệt hai bản chất, một bên là năng lực làm việc và một bên là đạo đức. Phạm tội có bản chất vi phạm đạo đức phải bị xử lý không khoan nhượng, không thỏa hiệp!

2) ĐÁNH KẺ CHẠY ĐI CHỨ KHÔNG ĐÁNH NGƯỜI CHẠY LẠI

Đại biểu Phạm Văn Hòa dẫn lời “tiền nhân đã nói “đánh kẻ chạy đi, chứ không đánh người chạy lại” để khuyên nên khoan hồng với người tham nhũng.

Không biết ông Hòa diễn dịch sai hay đúng ý của tiền nhân? Có thắc mắc như vậy vì tôi hiểu câu nói của tiền nhân như sau.

Ý thứ nhất của câu này nói về hai người hay hai nhóm người đi theo hai hướng khác nhau. Nhóm này thành công, nhóm kia thất bại. Nhóm thất bại, khi thấy hướng đi của mình không hữu hiệu, quay lại đi cùng với nhóm thành công. Câu “đánh kẻ chạy đi, chứ không đánh người chạy lại” cho thấy đạo lý ở đời là nhóm thành công nên bỏ qua chuyện khác hướng trước kia, mở vòng tay bạn bè thân ái cùng với nhóm thất bại tiến về tương lai.

Ý thứ hai chỉ người vi phạm luật lệ cộng đồng, đạo đức xã hội, sau một thời gian tự ăn năn hối cải, thú nhận việc sai trái và đền bù thỏa đáng. Lúc đó, cộng đồng nên nhớ câu “đánh kẻ chạy đi, chứ không đánh người chạy lại”.

Thực tế xã hội Việt là kẻ tham nhũng không ăn năn. Việc tham nhũng đang tiếp tục thì, vì một lý do nào đó, họ bị lôi ra trước công luận, công chúng. Lúc đó họ mới đem một phần nhỏ số tiền trả lại, mục tiêu là mua chuộc số ngày ở tù. Những người này tính toán để hoặc tiếp tục trò chơi tham nhũng, hoặc để yên thân “cao bay xa chạy”, không phải là người vì ăn năn!

Ông Phạm Văn Hòa cho rằng nếu dùng triết lý “đánh kẻ chạy đi, chứ không đánh người chạy lại” đối xử với người tham nhũng, để cho họ “hoạt động, công tác bình thường” thì ông “tin rằng những người này sẽ làm rất tốt để chuộc lại lỗi lầm của mình thời gian qua.”!

3) GIẶC NỘI XÂM LÀ TINH HOA? Tôi thật lòng không thể tin như ông Hòa tin. Phát biểu của ông Hòa lại khiến tôi tự hỏi ông có đau xót cho nguồn sinh lực to lớn của quốc gia bị tham nhũng phá tan nát không? Ông có thấy Việt Nam tụt hậu quá sâu so với Thái Lan, Mã Lai, với Đài Loan, Nam Hàn mà năm 1960 GDP/đầu người thấp hơn Việt Nam Cộng Hòa? Ông có biết bao thanh niên nam nữ trên mảnh đất Đồng Tháp mà ông làm đại biểu đang tìm cơ hội tự bán mình làm thuê cấp thấp cho Hàn Quốc, Đài Loan, Mã Lai?

Chỉ không thấy và không đau xót vì những điều như thế người ta mới có thể yên tâm, tin tưởng cho đám giặc nội xâm tiếp tục “hoạt động, công tác bình thường” mà không sợ họ tiếp tục tàn phá sinh lực quốc gia. Tôi tin rằng những người biết lo cho quốc gia, biết thương đồng bào không ai dám mạo hiểm như vậy!

Nhũng người tham nhũng đã gây tác hại quá khủng khiếp cho quốc gia xã hội, cho tới từng đứa bé vừa sinh ra đã chịu nợ ngập đầu. Họ vi phạm đạo đức căn bản của xã hội một cách ngang ngược, không cần giấu của nổi (bất động sản) hàng trăm tỉ, rất phản cảm và cao gấp ngàn lần tiền lương của họ, tiền thực thu nhập của công dân lương thiện.

Trong khi đại đa số dân chúng căm giận và khinh bỉ người tham nhũng, ông Phạm Văn Hòa lại cho rằng họ toàn là loại gỗ quý hiếm nên “rất xót xa” nhìn họ sa vòng tù tội! Vậy thì, ông Phạm Văn Hòa đứng trên nền tảng giá trị cốt lõi và đạo đức cốt lõi nào, để ông có thể xót xa cho “những thanh gỗ quý hiếm ấy”?

Ngày 30 tháng 6 năm 2024

Lê Học Lãnh Vân