Lê Học Lãnh Vân: Ngã nguyện vô cùng
Việc Thầy Tuệ Sỹ viên tịch làm dậy sóng trên cõi mạng. Lớp lớp sóng Tiếc thương, sóng Yêu kính, sóng Từ bi, sóng Tỉnh thức…
Vậy thì, sự ra đi của Thầy là một sự kiện văn hóa, một sự kiện văn hóa lớn. Lớn tới độ nó dằn được các ồn ào của những của dư luận xốc nổi thường xảy ra trên công luận tại Việt Nam. Và nó dẫn dắt sự cao khiết, tĩnh lặng, thâm sâu…
Vậy mà truyền thông chính thống, nhìn chung, không đưa tới công chúng tin tức đẫm tính văn hóa này.
Bài viết này tự hỏi:
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có quan tâm tới văn hóa không? Nếu có thì quan tâm tới khía cạnh văn hóa nào?
Tang lễ thầy Tuệ Sỹ gợi lên nhiều điều tốt đẹp về văn hóa lâu nay bị xã hội rẻ rúng, dập vùi!
Thí dụ về tính khiêm tốn, không gây phiền hà cho xã hội, cho những người chung quanh. Tính khiêm tốn xin lễ tang được tổ chức lặng lẽ, không chiêng trống xập xòe, không xướng tên người và chức tước các đoàn tới viếng, không yêu cầu đền tđáp…
Thí dụ về tính trí tuệ và trí huệ. Con người biết khoảng mười ngôn ngữ và đọc thiên kinh vạn quyển kia chỉ dùng năng lực ấy tận hiến cho đời, chẳng hề “khoe khoang nói chuyện trực tiếp bằng tiếng Anh!”. Con người tinh thông đạo pháp và triết học kia lúc nào cũng có nhu cầu được khiêm tốn làm việc, đọc, học…
Thí dụ về tính cao khiết, tôn trọng đạo đức, xem nhẹ vật chất trần gian…
Thí dụ về đởm lược. Bị cầm tù, bị phán xét tử hình, con người vừa qua 40 tuổi năm ấy vẫn khuôn mặt điềm nhiên cùng đôi mắt sáng, sâu… “Chỉ người có tín tâm bất hoại, đức tính dũng mãnh vô úy, luôn tu học nhìn rõ sự tướng chân ngụy mới biết mình đang ở đâu, sẽ về đâu, không nhắm mắt phóng càn theo cỗ xe lộng lẫy bên ngoài nhưng rệu rã bên trong, đang lao xuống dốc đời không định hướng…” (tóm tắt ý của thầy Tuệ Sỹ).
Một xã hội đứng trên những giá trị như trên mới phát triển lâu dài!
Tang lễ ấy khiến người ta nhìn và khẳng định lại những điều mình còn mơ hồ. Đúng rồi, những lễ tang cấp này cấp nọ, những mả xây rất hoành tráng, cầu kỳ trên diện tích đất mênh mông sao mà kệch cỡm quá!
Đúng rồi, những kiểng chùa to thật to tới phải bạt núi phá rừng mà xây, bên trong nghi ngút khói nhang mê tín, chỉ là nơi “ẩn núp cho Ma vương”, là nơi “mượn lời Phật để xu nịnh vua quan, cầu xin một chút ân huệ dư thừa của thế tục, mua danh bán chức”, lừa gạt chúng sinh gom tiền thiên hạ…
Đúng rồi, những biệt phủ xa hoa, những đại án tham những hàng ngàn tỉ, hàng chục ngàn tỉ và giờ là hàng trăm ngàn tỉ chỉ là hạt cát vô nghĩa trước bậc cao tăng vòi vọi như dáng núi dưới trăng vàng!
Đúng rồi những chức danh tót vời, những phát ngôn rổn rảng càng cho thấy mức độ trí thức và tu tập quá thấp của nhiều khuôn mặt hãnh tiến trong miếu đường!
Đúng rồi, cái dũng xốc nổi của kẻ thất phu đưa xã hội chìm sâu bể khổ, chỉ cái dũng của tri thức và đạo đức mới hướng người ta lên vời vợi trời cao…
Đúng rồi, hình như văn hóa và giáo dục Việt đang lạc đường!
Là người trí thức cầm trách nhiệm cao, lẽ ra nên thấy trong sự ra đi của thầy Tuệ Sỹ cơ hội chấn hưng văn hóa! Việc lòng người hướng về các giá trị cao quý của đời và đạo cho thấy các giá trị truyền thống và văn minh, dù trải bao vùi dập, còn ẩn mình trong xã hội Việt. Đó là “dấu hiệu của nguồn mạch ngầm vẫn luân lưu bất tuyệt trong dòng lịch sử truyền thừa của Phật giáo Việt Nam”, của anh linh tổ tiên. Đó là nguồn lực vô cùng để phát triển người Việt, quốc gia Việt Nam!
Phải chăng nguồn lực vô cùng đó cũng là bệ đứng của ước mong thầy Tuệ Sỹ để lại là NGÃ NGUYỆN VÔ CÙNG…
Lê Học Lãnh Vân.
Ngày 29 tháng 11 năm 2023
—————-
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Các đoạn để trong ngoặc kép được trích từ tài liệu dưới đây:
Thích Tuệ Sỹ: Thư gửi các tăng sinh Thừa Thiên-Huế, Sen Trắng Hoa Kỳ, September 9, 2020