Liễu Trương: Phê bình phân tâm học
Ngành phân tâm học cũng như phê bình phân tâm học đến nay đã có trên một thế kỷ. Văn chương và phân tâm học đi kề bên nhau. Vì tin rằng vô thức đóng một vai trò cơ bản trong sáng tạo văn chương, Freud tìm thấy trong văn chương một lĩnh vực mênh mông để thí nghiệm những lý thuyết của ông, ông rút ra từ cách đọc Sophocle và Shakespeare của ông phức cảm Œdipe và phức cảm Hamlet. Trong biên khảo Hoang tưởng và những giấc mơ trong truyện «Gradiva» của Jensen (1906), Freud cho rằng sáng tạo văn chương là giấc mơ khi tỉnh; và trong Một kỷ niệm thời thơ ấu của Goethe (1908 và 1917), Freud đưa ra tính đồng nguồn giữa tác phẩm văn chương và giấc mơ khi tỉnh. Cả hai trường hợp đều do việc xây dựng của tâm lý. Freud cũng đưa ra một lối đọc có tính báo hiệu: giải thích một văn bản hay một giấc mơ là đi từ nội dung rõ ràng đến nội dung tiềm ẩn để đoán được sự tiến hành của vô thức.
Ngay từ đầu, Freud hướng về kịch bản Œdipe-Vua của Sophocle và kịch bản Hamlet của Shakespeare, để đi đến việc thành lập một trong những khái niệm cơ bản được gọi là « phức cảm Œdipe » (phức cảm Hamlet bắt nguồn từ phức cảm Œdipe). Năm 1928, Freud thêm vào hai bi kịch trên tiểu thuyết Anh em nhà Karamazov của Dostoïevski. Lịch sử của thuyết phân tâm học không thể tách rời khỏi những huyền thoại, truyện cổ hay tác phẩm văn chương.
Những bài viết đầu tiên của Freud cho thấy việc thực hành phân tâm trên các bệnh nhân chủ yếu là một sự thí nghiệm về lời nói và về diễn ngôn. Thế nhưng trước phân tâm học đã lâu, văn chương nói hay viết đã là một thực hành của ngôn ngữ và của tưởng tượng. Vậy phân tâm học đã đảo lộn như thế nào những quan niệm về lời nói và về tưởng tượng? Phân tâm học đã có những đóng góp nào về phê bình văn học?
Trước khi đi vào lĩnh vực phê bình văn học từ góc độ phân tâm học, thiết tưởng cần nhìn lại một khám phá lớn lao: khám phá vô thức của con người. Phân tâm học đã hoàn toàn biến đổi khái niệm vô thức: vô thức không còn đơn giản là bề trái tiêu cực của ý thức. Có thể nói vô thức là khái niệm cơ bản của ngành phân tâm học, và sự đóng góp của khái niệm này vào tư tưởng của thời hiện đại rất hệ trọng.
Thông thường tâm lý con người ghi lại những dấu vết của trí nhớ và sự việc ghi lại qua nhiều chặng: nhận thức, vô thức, tiền thức.
– Nhận thức là việc ghi lại đầu tiên những liên tưởng xảy ra cùng một lúc.
– Vô thức là việc ghi lại lần thứ hai những dấu vết mà ý thức không đạt đến được.
– Tiền thức là việc ghi lại lần thứ ba, lần ghi lại dấu vết này được liên kết với những thể hiện về ngôn từ.
Vậy tâm lý con người là một bộ máy phân nhiều tầng, trong đó Freud đưa ra ánh sáng một sự hợp lý (logique) khác được tạo nên bởi những quá trình vô thức. Freud nghiên cứu cái động lực vô thức của sự ham muốn và của sự kìm nén. Ông đọc được cái phần của vô thức trong đời sống tâm lý. Vậy nếu nhìn nhận sự đóng góp lớn lao của phân tâm học qua việc khám phá vô thức, một khám phá vô cùng phong phú, thì không thể không nhìn nhận những tác động của phân tâm học trong ngành phê bình văn học, và nói một cách rộng lớn hơn, trong ngành phê bình nghệ thuật. Việc nghiên cứu tác phẩm văn chương cho phép ngành phân tâm học, thuở mới được thành lập, rời khỏi lĩnh vực hoàn toàn y khoa để đạt đến một lý thuyết khái quát về tâm lý và sự tiến hóa của con người. Freud khẳng định phương pháp của phân tâm học hoàn toàn không giới hạn vào lĩnh vực bệnh tâm thần, phương pháp này cũng được áp dụng cho những «giải pháp của các vấn đề nghệ thuật, triết học và tôn giáo». (L’Enseignement de la psychanalyse dans les universités, 1919). Để xây dựng phương pháp của phân tâm học, Freud tiếp cận văn chương như thế nào?
I. Freud đọc hai kịch bản Œdipe-Vua và Hamlet
Nghiên cứu của phân tâm học được xem như một kỹ thuật chú giải văn bản, tức đọc trong các văn bản sự thực hiện tưởng tượng một ham muốn bị cấm kỵ, hoặc bằng cách biểu tượng hóa những ham muốn vô thức, điều này cho thấy tính phổ cập của những tác phẩm, hoặc bằng cách giải thích những thiếu sót, những lỗ hổng, những im lặng, những điều khó hiểu. Trong việc đọc kịch bản Hamlet, Freud tìm được một sở biểu (signifié) tiềm ẩn, một hoạt động của vô thức.
Kịch bản Œdipe-Vua của Sophocle, trước công nguyên, kể rằng Œdipe là con của Vua Laïos thành Thèbes và Hoàng hậu Jocaste. Laïos được lời sấm truyền báo cho biết sẽ bị đứa con giết và nó sẽ lấy mẹ nó. Laïos bèn bỏ rơi đứa con trên núi, đứa con được những người chăn cừu cứu và được Vua thành Corinthe không có con đem về nuôi. Khi trưởng thành Œdipe đến thành Delphes cầu thần để biết điều bí ẩn về việc mình sinh ra đời, dọc đường Œdipe gây gỗ với một khách bộ hành và giết người đó, chính người đó là Laïos, cha của Œdipe, hai bên không biết nhau. Khi Œdipe đến cửa thành Thèbes, có Nhân sư (Sphinx), một thứ quái vật đầu người mình sư tử đặt một câu đố cho mọi người, những người đáp sai bị nó giết, Œdipe đoán đúng, Nhân sư thua nên tự sát. Œdipe được dân chúng thành Thèbes hoan hô, được lên ngôi Vua và được cưới Hoàng hậu Jocaste, họ có bốn người con. Khi biết được sự thật về bí ẩn sự ra đời của mình, biết mình đã giết cha và phạm tội loạn luân với mẹ, Œdipe móc mắt cho mù và sống cuộc đời lang thang, còn Jocaste thắt cổ tự tử.
Freud dựa vào truyện này để xây dựng phức cảm Œdipe.
Về kịch bản Hamlet của Shakespeare ở thế kỷ 17, thì xin nhắc sơ cốt truyện như sau: Trong vương quốc Đan Mạch, vua cha băng hà, hiện về nhiều lần với người con là hoàng tử Hamlet và tiết lộ với con rằng ông bị người em là Claudius ám sát. Vua cha yêu cầu Hamlet trả thù. Claudius cướp ngôi vua và vội cưới người chị dâu tức mẹ của Hamlet. Khi biết được sự thật, Hamlet vô cùng tức giận, quyết trả thù cho cha. Nhưng Hamlet lại do dự về việc trả thù, Hamlet vờ điên, gây nên một loạt biến cố đưa đến một cái chết thảm thương.
Theo Freud, trong truyện Hamlet những ham muốn huyễn tưởng bị kìm nén, kịch bản được xây dựng trên những do dự của Hamlet về việc trả thù mà người cha đã giao phó. Văn bản không nói những nguyên do của do dự. Điều gì đã ngăn cản Hamlet thực hiện việc trả thù? Chính là do bản chất của việc đó. Hamlet có thể hành động. Nhưng Hamlet không thể trả thù một người đã cướp địa vị của người cha bên cạnh người mẹ, trả thù một người đã thực hiện được những ham muốn bị kìm nén của tuổi thơ của mình. Việc trả thù ghê gớm được thay thế bằng những hối hận, những đắn đo ngại ngùng của lương tâm. Hamlet có cảm tưởng mình cũng không tốt hơn gì cái người phạm tội ác mà mình phải trừng trị. Freud cho rằng những điều giải thích trên đây đều ở trong vô thức của nhân vật Hamlet. Thời kỳ Freud nghiên cứu Hamlet cũng là thời kỳ mà ông tự phân tâm mình (auto–analyse), ông có những liên tưởng đến Hamlet khi ông nhớ đến sự kiện Shakespeare đã sáng tác Hamlet sau cái chết người cha, và Freud đọc truyện Hamlet một năm sau cái chết của cha mình. Sự kiện Freud dùng trường hợp cá nhân mình trong việc diễn giải Hamlet mở ra một trong những con đường phong phú của cách đọc của phân tâm học: tác phẩm văn chương không phải là một triệu chứng của bệnh tâm thần, cũng không phải là lời nói của bệnh nhân được phân tâm, tác phẩm cho chúng ta một hình thức biểu tượng về một khía cạnh của đời sống tâm lý vô thức.
Một bi kịch xây dựng trên «sự trở lại của cái bị kìm nén», tức kịch bản Œdipe, giúp chúng ta hiểu một bi kịch khác xây dựng trên sự kìm nén, tức kịch bản Hamlet. Nếu Œdipe là cái vô thức thì Hamlet có một vô thức mà Œdipe là biểu tượng. Ngược lại Hamlet là chứng cứ của sự thật của Œdipe. Đó là phương pháp cho phép soi rọi những văn bản bởi những văn bản khác.
Thế nên Œdipe và Hamlet là những hình ảnh trung gian giữa quá khứ của Freud và những bệnh nhân của ông, theo nhà phê bình Starobinski. Và nếu những hình ảnh đó là những bảo đảm cho một ngôn ngữ chung áp đặt dần dần trong văn hóa thế giới một sự hiển nhiên chung cho mọi người, thì những hình ảnh đó trở thành những hình ảnh trung gian giữa Freud và chúng ta, giữa chúng ta và chúng ta.
Cái chức năng trung gian của văn bản là chủ yếu, văn bản chỉ thực hiện chức năng đó nếu văn bản được đọc, việc đọc phải là một đối thoại với văn bản, cho dù có những khoảng cách văn hóa, lịch sử.
II Phân tâm học sau Freud
Jacques Lacan và vai trò của năng biểu
Jacques Lacan (1901-1981) đưa vào phân tâm học cái mẫu của ngôn ngữ học cấu trúc để tạo nên một lý thuyết mới về vô thức. Còn nhớ lời khẳng định bất hủ của ông: Vô thức được cấu trúc như một ngôn ngữ.
Trong phần đóng góp của Lacan vào phân tâm học, cái công đầu tiên là đã đọc Freud và đã đưa ra một cách đọc Freud vừa mạch lạc vừa có tính sáng tạo. Có thể hiểu rõ Lacan hơn nếu ta nhận xét rằng những xây dựng của ông giải quyết những vấn đề mà Freud chưa giải quyết hoặc những vấn đề khó khăn trong việc thực hành phân tâm học. Thế nên Lacan đã nêu lên những phạm trù: điều tưởng tượng (l’Imaginaire), điều biểu tượng (le Symbolique), khái niệm hiện thực (le Réel).
Điều tưởng tượng là phạm trù tương ứng với cái cách mà cái tôi tự để mình bị xâm chiếm bởi những hình ảnh có tính đánh lừa của chính mình; phạm trù này đã có trong nghiên cứu dang dở của Freud về những chức năng của cái tôi. Phạm trù điều biểu tượng được biểu lộ và được ngôn ngữ vận dụng. Còn khái niệm về hiện thực có thể được liên kết với những khó khăn Freud từng gặp phải. Vậy việc đọc Lacan cần dựa vào việc đọc Freud.
Năng biểu và ba phạm trù của cấu trúc
Tư duy của Lacan được xây dựng xung quanh một giải thích về năng biểu, tức cái biểu đạt (signifiant) của ngôn ngữ học của Ferdinand de Saussure, và ba phạm trù của cấu trúc: điều tưởng tượng, điều biểu tượng và hiện thực.
Việc chữa bệnh của phân tâm học là cách dùng lời nói. Qua những liên tưởng tự do trong lời nói, vô thức thấp thoáng hoặc biểu lộ, chủ thể của vô thức tự nhận ra mình trong một phát biểu bất ngờ. Nhưng phân tâm học trong lĩnh vực y khoa suy nghĩ theo triệu chứng và theo việc chữa bệnh, quan tâm đến ý nghĩa của hình ảnh thể hiện. Trong khi đó ngôn ngữ học hiện đại của Saussure và Jakobson phân tích hệ thống những ký hiệu tạo nên ngôn ngữ như một giây chuyền có ý nghĩa do sự tiếp nối của những năng biểu. Cần phải quan tâm đến những việc thay thế, đến sự chuyển động của các năng biểu, đến trò chơi của những âm thanh (vì năng biểu là cái phần có tính ngữ âm của ký hiệu) trò chơi này lắm khi điều khiển sự liên tưởng, đến những năng biểu cho chủ thể một ý nghĩa qua những hình thái của tu từ như ẩn dụ, hoán dụ. Cuối cùng, vô thức được cấu trúc như một ngôn ngữ.
Khái niệm điều tưởng tượng trước tiên là một quan niệm độc đáo về tính tự si (narcissisme). Nó nảy sinh từ những khó khăn Freud gặp phải khi ông nghiên cứu những chức năng của cái tôi. Lacan tìm cách xây dựng những quan hệ giữa cái Tôi, cái Tôi Lý tưởng, Lý tưởng của cái Tôi và cái Siêu Ngã.
Khái niệm điều biểu tượng nhằm nói rõ về mối liên quan giữa tác phẩm và Quy luật. Lacan trình bày trở lại những quá trình xây dựng giấc mơ của Freud như: cô đặc hóa, dời chuyển bằng những thuật ngữ của ngôn ngữ học: ẩn dụ và hoán dụ. Lacan đã vay mượn khái niệm năng biểu của ngôn ngữ học để định nghĩa lại vô thức: vô thức được cấu trúc như một ngôn ngữ, và đưa ra quan niệm Người Kia (L’Autre).
Quan niệm của Freud về khái niệm từ chối hiện thực được Lacan dùng để phân biệt sự thiếu thốn với sự bị tước đoạt. Châm ngôn: hiện thực chính là cái không thể có được giải thích sự va chạm trong kinh nghiệm với cái chống lại sự đòi hỏi của tâm lý và không thể được trở thành biểu tượng. Lacan cho các khái niệm «cần thiết» và «ngẫu nhiên» một vị trí. Quan hệ giữa Lacan và triết học cần được sáng tỏ.
Lacan quan tâm đến những tác phẩm văn học, đặc biệt Lá thư bị mất trộm của Edgar Allan Poe; ông đưa ra một tiên đề về tính bên ngoài của chủ thể đối với ngôn ngữ và về ảnh hưởng quyết định của năng biểu đối với chủ thể.
Tác phẩm tiết lộ vô thức vì chủ thể viết chỉ có thể để sự thật lên tiếng và tự mình ra mắt như một văn bản. Vậy Lacan định nghĩa một phân tâm học của năng biểu. Tác phẩm được xem như một xây dựng có thể được phân tâm. Theo Lacan, người ta không giải thích tác phẩm. Vả chăng chính Lacan có vẻ nghi ngờ tính thích đáng của việc tiếp cận văn chương của phân tâm học. Vấn đề là xem trong văn chương một dụng cụ để lập nên và xác nhận những khái niệm cơ bản của kinh nghiệm phân tâm học. Một tác phẩm văn chương chính nó là một xây dựng có tính phân tâm. Kể từ đó phân tâm học không thể được áp dụng vào tác phẩm. Trái lại văn chương cho phép những cách thức của phân tâm học được tinh tế hơn.
Về kịch bản Hamlet, Lacan viết: Điều làm chúng ta ưa thích chính là toàn thể tác phẩm, cách trình bày những khớp nối, những phương tiện thay đổi phối cảnh, (…) những cái chống đỡ phối cảnh đem lại cho tác phẩm cái chiều sâu, lập nên sự chồng lên nhau những lớp cảnh trong đó có cái chiều kích của tính chủ thể của con người, lập nên vấn đề của ham muốn(…). Dẫu cho có một bi kịch của Shakespeare phía sau Hamlet thì đó là điều phụ đối với những gì làm nên cấu trúc của kịch bản Hamlet. Chính cấu trúc đó bảo đảm cho tính hiệu lực của Hamlet.
Tác phẩm của nhà văn và việc nghiên cứu của nhà phân tâm học gặp gỡ nhau để tra vấn cái nền của năng biểu trong đó định mệnh của con người bị giữ lại và để khoanh lại cái điều không thể nói ra được, nơi mà ngôn ngữ ngừng lại.
Các phương pháp phê bình phân tâm học
Một trong những người đầu tiên áp dụng phân tâm học vào văn chương là Marie Bonaparte với công trình nghiên cứu nhà thơ Mỹ Edgar Allan Poe, con người và tác phẩm. Phương pháp của Marie Bonaparte là phương pháp dùng tiểu sử. Ngày nay phương pháp tiểu sử không còn được hưởng ứng nữa.
Lối đọc của phân tâm học ngày nay
Lối đọc của phân tâm học là lối đọc dấu hiệu theo đó tác phẩm là một thỏa hiệp giữa vô thức và ý thức, bởi vì dấu hiệu vừa là cái mặt nạ vừa là cái biểu lộ một sự ham muốn vô thức. Lối đọc này cho phép giải quyết những điều khó hiểu trong văn bản, như kịch bản Hamlet.
Lối đọc thứ hai của phân tâm học là lối đọc dựa vào cấu trúc: hoặc đặt văn bản trong một tương quan với những văn bản khác của cùng một tác giả để khám phá một cấu trúc tâm lý đặc biệt, như phê bình tâm lý (psychocritique) của Charles Mauron, hoặc kết hợp những văn bản có nguồn gốc khác nhau để tìm ra một cấu trúc phổ cập, như nhà phân tâm học André Green trong chuyên khảo Un œil en trop (Một con mắt dư thừa) đã nghiên cứu cái mẫu của phức cảm Œdipe trong những kịch bản từ nhà thơ Hy Lạp Eschyle, trước công nguyên, đến kịch tác gia Pháp Racine, thế kỷ 17. Lối đọc này dần dần đưa đến vô thức của văn bản được Jean Bellemin-Noël đề cao.
Phê bình tâm lý của Charles Mauron
Charles Mauron (1899-1966) dùng phân tâm học cho môn phê bình văn học. Tuy nhiên phân tâm học không bị ông dụng cụ hóa, phân tâm học được đưa vào môn phê bình như một sự cần thiết: năm 1938, Charles Mauron đọc được thơ của Mallarmé vốn có tiếng khó hiểu, bằng cách soi rọi những văn bản này với những văn bản khác; trước những mạng lưới ẩn dụ mà ông tìm ra được, chỉ có những nguyên lý của Freud về sự giải thích những giấc mơ cho phép Mauron đi xa hơn trong cách hiểu hết tác phẩm. Và chính khi Mauron mò mẫm mà ông tạo nên cái phương pháp của ông.
Nhà văn Bernard Pingaud làm sáng tỏ cái phương pháp phê bình đó khi ông viết: Cả một trò chơi của những liên tưởng mà chúng ta không có cái chìa khóa, trò chơi đó luôn luôn lật đổ và đồng thời tổ chức văn bản mà chúng ta không hay, chúng ta tự cho mình đã kiểm soát được văn bản. (Tạp chí Nouvelle Revue française, số 214)
Năm 1948, Charles Mauron tạo ra thuật ngữ psychocritique (phê bình tâm lý) để nhấn mạnh tính độc lập của một phương pháp phải tự đặt ra những dụng cụ của riêng mình, tùy theo mục đích và phương hướng duy mỹ. Có thể nói Charles Mauron là người duy nhất đã tạo ra một phương pháp đặc thù, tương tự phương pháp phân tâm học nhưng không hoàn toàn đồng nhất. Những công trình nghiên cứu của Mauron rất đồ sộ, ông nghiên cứu các tác giả: Mallarmé, Racine, Baudelaire, Molière, Valéry, Hugo, v.v…
Trong luận án của Mauron có tựa đề: Des Métaphores obsédantes au mythe personnel (Từ những ẩn dụ có tính ám ảnh đến huyền thoại cá nhân), ông trình bày 4 giai đoạn của phương pháp ông:
– Việc «chồng lên nhau» cho phép cấu trúc hóa tác phẩm xung quanh những mạng lưới của liên tưởng. Chỉ chồng lên nhau những mạng lưới, chứ không chồng lên nhau những yếu tố đơn nhất.
– Cập nhật những gương mặt của cái tôi và những hoàn cảnh của bi kịch nối liền với sự hình thành của huyễn tưởng (nói về kịch).
– «Huyền thoại cá nhân»: phát sinh và tiến hóa, biểu tượng cho cá tính vô thức và lịch sử.
– Nghiên cứu những cứ liệu về tiểu sử, những cứ liệu này dùng để xác minh sự giải thích và chỉ có tính quan trọng và có ý nghĩa khi đọc các văn bản.
Tuy nhiên cần nói rõ thêm về cách trình bày trên:
– Việc nghiên cứu là một việc luôn luôn đi lại, qua về giữa 4 giai đoạn. Những việc chồng lên nhau và giải thích vẫn luôn luôn có trong suốt các giai đoạn nghiên cứu, đưa đến những biến đổi, những điều chỉnh.
– Phương pháp này vừa có tính dấu hiệu, tính cấu trúc (đồng đại) và có tính lịch sử (lịch đại).
– Mauron là một trong những người hiếm hoi đi vào cuộc phiêu lưu với văn bản để phát hiện sự cấu trúc hóa có tính biểu tượng của một sự xung đột tâm lý mà ông không hề biết được khi ông khởi đầu công việc nghiên cứu.
Phê bình của Mauron đi từ việc cấu trúc hóa những văn bản đến việc cấu trúc hóa cá tính vô thức. Huyền thoại cá nhân có thể ở nơi cái ranh giới giữa huyễn tưởng vô thức và cái cảnh của tiền thức sắp xếp những hư cấu có ý thức.
Ngày nay những đồ đệ của Charles Mauron đã từng trung thành với phương pháp của ông, có những hướng đi mới như Anne Clancier chẳng hạn, bà vẫn nghiên cứu về phân tích cá tính vô thức và phân tích sự biểu tượng hóa, nhưng bà nêu ra một điểm mà Mauron đã bỏ qua, đó là quan điểm của người đọc đối diện với văn bản.
Vô thức của văn bản theo Jean Bellemin-Noël
Jean Bellemin-Noël (1931-2022) là một nhà nghiên cứu và lý luận nổi tiếng về việc áp dụng phân tâm học vào văn chương. Ông phản đối việc cần thiết dựa vào cuộc đời của nhà văn và những huyễn tưởng của ông ta để giải thích một tác phẩm. Jean Bellemin-Noël đã sáng tạo một phương pháp mới gọi là textanalyse (phân tâm văn bản) tập trung vào khái niệm vô thức của văn bản về sau được gọi là việc làm vô thức của văn bản (travail inconscient du texte).
Theo Jean Bellemin-Noël, khái niệm textanalyse nói về kinh nghiệm của ông trong cách đọc văn bản. Ông viết:
… mọi tác phẩm nghệ thuật ăn sâu vào một không gian, một thời gian, một văn hóa, một tâm hồn; tác phẩm thuộc về một thể loại, một ý thức hệ, một ngôn ngữ; tác phẩm có một chiều kích xã hội, triết lý, duy mỹ, v.v… và xem xét tác phẩm từ những góc nhìn đó là chính đáng (…) Tác phẩm có thể hưởng một cái nhìn của phân tâm học tò mò muốn biết cái nền tảng vô thức của nó. Chính cái nhìn đó mà tôi muốn làm sáng tỏ, thanh khiết hóa, làm tăng cường độ.
Một văn bản là cái mà một nhà văn cho xuất bản, dù là một tổng thể rộng lớn của nhiều tiểu thuyết (như bộ tiểu thuyết Đi tìm thời gian đã mất của M. Proust), một kịch bản hay những bài thơ khác nhau (…). Mọi văn bản đều có tính đơn nhất về quan niệm sáng tạo và về soạn thảo khiến cho văn bản có tính độc lập, văn bản được viết để được đọc một cách biệt lập đối với mọi văn bản khác (…) mọi văn bản phải được đọc trong cái tính đặc biệt của nó. (La Psychanalyse du texte littéraire, tr. 75)
Sau khi định nghĩa văn bản trên đây, Jean Bellemin-Noël giải thích cách đọc của ông. Textanalyse là cách đọc văn bản theo phân tâm học, từ cái giả thuyết đầu tiên cho rằng mọi văn bản đều được nhào nặn bởi những sức mạnh của vô thức, những sức mạnh này có thể được nhận thức và miêu tả. Textanalyse được định nghĩa như sự tái tạo một diễn ngôn của ham muốn mà không dựa vào những điều mà người ta đã biết về tác giả, cũng không dựa vào những gì mà các tác phẩm khác của tác giả cho chúng ta biết. Tác giả chỉ được xem xét nếu tác giả là một yếu tố của văn bản. Về phía người đọc là người được huy động khi đọc, thì chính là người đồng-viết (co–écrit) văn bản, bằng cách làm cho văn bản có một cái nghĩa. Kể từ lúc người đọc nhận cái vai trò người phê bình muốn truyền đến kẻ khác cách đọc riêng của mình, thì người đọc tức người phê bình có bổn phận làm cho những giải thích của mình được chính đáng, mạch lạc và đáng được chấp nhận. Một người phê bình thành thạo có khả năng chia sẻ với kẻ khác cái cảm tưởng rằng mình đã đưa ra ánh sáng một sự thật của văn bản làm đẹp văn bản.
Vậy phải làm thế nào để theo phương pháp của textanalyse?
Trước hết phải lắng nghe văn bản, lắng nghe những gì mà cốt truyện không thổ lộ, những gì mà nhân vật không nói lên, lắng nghe những gì mà cảnh bài trí phủ kín, những gì bị các hình thái tu từ cải trang, những gì chữ nghĩa thì thầm. Nhờ một thứ thông đồng với văn bản, người ta nhận thức, hay tái tạo trong chính mình, dần dần người ta sống với huyễn tưởng, với tất cả những gì đã được học thuyết phân tâm học ghi vào danh mục, nhưng hiện ra ở đây dưới một hình thức độc đáo. Văn bản chìa cho tôi một chiếc gương thần diệu trong đó tôi thấy, không phải hình ảnh của tôi, mà là hình ảnh của văn bản.
Sau nữa, nếu phương pháp textanalyse muốn trở nên hợp thức do sự đồng thuận của công chúng, thì người phê bình phải ra sức thuyết phục về cái vô thức trong văn bản.
Textanalyse là một phương pháp lúc đầu gây tranh cãi, ngày nay đã được dùng một cách rộng rãi.
Liễu Trương
———————
Tài liệu tham khảo:
– Dominique Bourdin, La psychanalyse de Freud à aujourd’hui, Nxb Bréal, 2000.
– Jean Bellemin-Noël, Psychanalyse et littérature, Nxb PUF, 2002
– Jean Bellemin-Noël, La psychanalyse du texte littéraire, Nxb Nathan, 1996.