Lý Đợi: Ba cách thế nhìn phụ nữ
- Triển lãm nhóm “168” của Nguyễn Quốc Hùng (1950, Thanh Hóa), Lê Minh Đức (1981, Ninh Bình) và Nguyễn Thế Hùng (1981, Tuyên Quang) do Bùi Việt Bằng tổ chức, khai mạc lúc 18h30 ngày 30/5, kéo dài đến 30/6/2024, tại TTTM Mipec Long Biên (Hà Nội).
Nhìn ở khía cạnh giám tuyển – dù Bùi Việt Bằng không nhận mình là giám tuyển – triển lãm này có mấy điểm ưu trội:
THỨ NHẤT, chọn 3 họa sĩ độc lập, có cá tính riêng, nhưng vẫn ráp nối ngon ơ, tạo ra một chỉnh thể về các nhân diện nữ giới.
Muốn làm được điều này, Bùi Việt Bằng cần có đủ quá trình quan sát dài lâu về 3 họa sĩ, để chọn ra các tác phẩm phù hợp với “168”. Mỗi họa sĩ vẽ “bóp hình” và biểu hiện mỗi kiểu.
Nguyễn Quốc Hùng từ chịu ảnh hưởng, rồi biến thành lấy cảm hứng phái sinh từ cách bóp hình của 3 danh gia Picasso, Matisse, Klee mà vẽ nên nhiều chân dung trong triển lãm này. Điểm phái sinh trong tác phẩm của ông là tâm trạng buồn vương, dù nhân vật nữ đã tự lập, nhưng chơ vơ, trong họ vẫn còn “Tựa cửa nhìn xa, nghĩ ngợi gì”, còn ngơ ngác trước cuộc đời.
Bối cảnh chờ đợi thời chiến hoặc hậu chiến dù không tác động trực tiếp lên bố cục, bảng màu, nhưng tác động lên tinh thần của các nhân vật. Đôi khi họ khỏa thân, vô tư lự ngồi đó, “Trơ cái hồng nhan với nước non”. Tranh của Nguyễn Quốc Hùng thường là một liên nối giữa vẻ đẹp phồn thể và nỗi buồn vương không cần giấu giếm.
Tranh của Lê Minh Đức thì khác. Nơi hình ảnh bị bóp vò đến bấy nhầy để phô bày nội tâm, để bộc lộ nỗi cơ đơn và cô độc. Những bấn loạn, những dằn vặt tưởng chừng như thủ tiêu cả nhân diện người nữ, nhưng không, họ đã bắt đầu vượt qua, đã bước đầu viết lên những tự tại, những khinh bạc về cuộc đời.
Tranh của Lê Minh Đức có thể là ví dụ của tổn thương thế hệ (generational trauma) hoặc thế hệ bị đánh mất (lost generation) trong bối cảnh đời sống đang chuyển giao giữa mô hình truyền thống và xã hội tiêu thụ, vị kỷ. Nơi người nữ phải bước qua những bầm dập để trở nên chính mình, để được độc lập, rồi tự do. Họ không vô cảm để sống dửng dung, nhưng đủ mạnh mẽ để bước qua những dằn vặt, dù rất khó khăn, nhưng xứng đáng để hy sinh.
Tranh của Nguyễn Thế Hùng là một sự dung hòa. Những người nữ vừa như chủ động ẩn tàng, vừa như bị ẩn chìm trong thế giới đang giằng xé, phân cực, hòa trộn giữa truyền thống, thần thoại với hiện đại, kỹ thuật số. Đôi khi những người nữ đương thời ấy còn được tô vẽ, bồi đắp, mang vác những motif – hoa văn của xứ sở, của dân tộc mình.
THỨ HAI, không chỉ thuộc hai thế hệ, ba tư duy sáng tạo, mà họ còn có 4 cách diễn trình hoặc trình hiện tác phẩm khác nhau.
Nói như nhà phê bình mỹ thuật Nguyên Hưng, Nguyễn Quốc Hùng là một “mạch ngầm văn hóa thủ đô”, ông lặng lẽ sống và độc lập vẽ trong mấy chục năm, gần như không màng đến chuyện triển lãm, xưng danh. Tưởng chừng như Bùi Việt Bằng chỉ cần vào kho tranh của ông để chọn và mang ra bày, nhưng cũng không phải dễ, vì chúng quá nhiều và đa diện, dễ bị phân toán ý tưởng từ ban đầu.
Trong khi đó, Lê Minh Đức thuộc thế hệ 8X, lớn lên sau Đổi mới, đã là người của thị trường mỹ thuật từ lâu, với dòng tranh phong cảnh ngọt ngào, phóng khoáng, nịnh mắt, một quãng “bán chạy như tôm tươi”. Bên cạnh đó, là những tác phẩm đầy dằn vặt, bất cần, vẽ cho chính mình, như tại triển lãm “168” này chẳng hạn. Nói Lê Minh Đức có hai trình hiện, tưởng chừng như trái ngược nhau, nhưng không hề, vì chung sự phóng khoáng trong cách vẽ.
Còn Nguyễn Thế Hùng thì sớm trình hiện với chủ đề và bảng màu mang tính kết hợp (collage art), từ trước 2010 đã là những tác phẩm tổng hợp (mixed media), kết hợp acrylic, mực và vàng lá trên giấy dó bồi lên toan, gần đây là sơn mài trên bố, với bề mặt cũng mang tính tổng hợp. Sự trình hiện này như làm xiếc trên dây, nghiêng qua bên này một chút là thành mỹ nghệ, nghiêng qua bên kia một chút là thành trang trí, nhưng Nguyễn Thế Hùng là nghệ sĩ xiếc lành nghề, thường giữ được sự cân bằng để bước đi.
Thuyết phục được Nguyễn Quốc Hùng triển lãm chung với hai họa sĩ sinh năm 1981, đã hiện diện khá rõ nét trên thị trường, cũng cần một sự kiên nhẫn đáng kể. Thường thì nhiệm vụ chính của giám tuyển trong các triển lãm nhóm là phải làm được điều này.
THỨ BA, xét về vật liệu, “168” có sự bổ sung qua lại, giúp thay đổi và cân bằng thị giác cho người xem. Tranh của Nguyễn Quốc Hùng là sơn dầu trên toan, Nguyễn Thế Hùng là sơn mài trên bố, còn Lê Minh Đức là acrylic trên bìa. Họ đi từ bảng màu tương phản, dương tính, dứt khoát (Nguyễn Quốc Hùng) cho đến âm tính, rệu rã, buông lỏng (Lê Minh Đức) và cân đối, quân bình, nhiều lớp ánh sáng (Nguyễn Thế Hùng).
Sự bổ sung vật liệu, khác nhau về cách thức vẽ và tư duy tạo hình, làm cho “168” lấy nhiều thời gian của người xem, dù chỉ bày chưa đến 80 bức tranh. Khó mà xem lướt qua.
Lý Đợi
***