Lý Đợi: “Một mùa thu chưa xa” của Trần Vĩnh Thịnh

Họa sĩ Trần Vĩnh Thịnh

Xem tranh trừu tượng là xem cái gì? Vì sao đã là tranh trừu tượng mà còn ý này, tên kia? Đây có lẽ là hai câu hỏi thường gặp nhất khi đối diện với hội họa trừu tượng. Với “Một mùa thu chưa xa”, hai câu hỏi này cũng trở lại, nhất là ở cách đặt tên cho tác phẩm có ý tứ và có chất văn chương của Trần Vĩnh Thịnh.

Với trừu tượng thuần túy (pure abstraction), hai câu hỏi này có lẽ là không cần thiết thật. Nhưng trừu tượng đã rời xa tính thuần túy từ lâu rồi, để ngày nay là sự pha trộn về kỹ thuật, quan niệm, thị giác của từng địa phương mà nó trình hiện. Nói cách khác, từ cái gốc trừu tượng thuần túy là trừu tượng, cố gắng chạm đến thuần thị giác, ngày nay trừu tượng phong phú, đa diện, không chỉ khác biệt ở mức độ Đông – Tây, mà còn khác biệt ở cả ý thức hệ, ở từng vùng địa chính trị – địa văn hóa.

Tranh trừu tượng ở Việt Nam tăng trưởng về số lượng họa sĩ và được giới sưu tập yêu thích rộng rãi hơn từ khoảng năm 2010 trở lại đây. Nhưng với hành trình hơn 50 năm trước đó, manh nha từ giữa thập niên 1950, đi từ du nhập đến chuyển hóa và dần dà phân hóa vùng miền, thế hệ. Để đến nay trừu tượng Việt Nam có sự khác nhau – điều này rất đáng quan tâm – giữa Trung Nam Bắc, giữa các thế hệ.

Dù không học trực tiếp mỹ thuật ở Huế, nhưng Trần Vĩnh Thịnh chịu ảnh hưởng từ trường phái Huế, với những đặc trưng về biểu hình và bảng màu, cũng như về nội dung thường ôm đồm cả y nho lý số, thơ nhạc họa sử bất phân; bản thân anh lại yêu mến sách vở, thích chiêm nghiệm triết lý nhà Phật, rành nghề chơi chim hoa cây cảnh; nếu anh chọn vẽ tranh biểu hình, coi bộ có nhiều thuận lợi hơn. Nhưng không, anh chọn gắn bó với trừu tượng hơn 25 năm qua, quả là một điều lạ. Nhưng cũng chính vì xuất thân như vậy, nên khi đi vào ngóc ngách trừu tượng, anh không chỉ chọn trừu tượng thuần túy, cũng là điều dễ hiểu luôn. Một trừu tượng có ý tứ, chuyên chở hình ảnh, câu chuyện địa văn hóa nơi anh sinh sống.

Sự đa dạng về ngôn ngữ và phong cách trừu tượng về sau này càng cho thấy việc gắn tranh trừu tượng với một quan niệm, một triết lý nào đó, cũng không sao cả. Chưa nói, nguồn cội của trừu tượng là hướng đến tự do về hình ảnh và quan niệm, theo nghĩa rộng của hai từ này, nên ngày nay mới có trừu tượng Đông phương, trừu tượng Nam Mỹ, trừu tượng Phi châu, trừu tượng máy móc – trí tuệ nhân tạo… là vì vậy. Nói cách khách, trừu tượng có thể thuần túy, hoặc pha trộn, pha tạp, cũng không sao cả.

Đến “Một mùa thu chưa xa”, trừu tượng của Trần Vĩnh Thịnh là một cuộc tương chiếu, một liên nối giữa trừu tượng hình học (geometric abstraction) với trừu tượng thi ca (poetic abstraction), một cách thức giản lược nguyên tố (elemental reduction) từ các biểu tượng, các quan niệm đã định hình từ xa xưa. Trần Vĩnh Thịnh không né tránh truyền thống, mà bắt đầu từ đó mở ra các khả thể, bao gồm cả việc tái kể chuyện truyền thống theo tinh thần vô ý (毋意: không bỏ qua ý tưởng, mà cũng không chấp nê ý niệm). Vì vậy, mùa thu không nhất thiết chỉ chuyên chở nỗi buồn vương hoặc sự ly biệt, mà đi vào cả sự thong dong, lãng mạn của khoảnh khắc chuyển mùa, của sự háo hức trải nghiệm cùng năm tháng.

Màu vàng hoa cúc – một biểu tượng lớn của cung đình Huế – có thể gợi hứng để chúng ta nghĩ về một mùa thu chưa xa ở cố đô, cũng có thể giúp người xem lần mở cánh cửa để bước vào các biểu tượng, các tín hiệu thẩm mỹ, triết lý được tái trình hiện trên bề mặt tác phẩm một cách dụng công, với bảng màu thị giác cân đối, thu hút.

Xem “Một mùa thu chưa xa”, mỗi người còn có thể liên tưởng đến một “hồn thu thảo” của riêng mình, bởi “lối xưa”, bởi “xe ngựa” của mỗi người là không giống nhau. Vậy thì, xem tranh trừu tượng là xem cái gì? Là xem cái tâm cảnh của mình được mở ra trước các tín hiệu mà bức tranh mang lại. Mà không riêng gì tranh trừu tượng, tranh nào cũng vậy thôi, nếu cõi lòng người xem chưa sẵn sàng đón nhận và trải nghiệm, thì cũng sẽ không có gì để xem cả. Vì tranh hoặc tác phẩm nghệ thuật thường ở trạng thái vô tất (毋必: không cố gắng để hoàn tất, hoặc làm cho chắc chắc đúng), mà chỉ khơi gợi một góc nhìn riêng, một nỗi niềm riêng, thường chỉ được chia sẻ với những người cùng tâm thế. 

Lý Đợi

******

MỘT SỐ BỨC TRANH CỦA HỌA SĨ TRẦN VĨNH THỊNH TẠI TRIỂN LÃM “MỘT MÙA THU CHƯA XA”

Chiều hè
Cõi nhân gian
Địa tầng vàng
Dòng chảy 1
Mưa hạ
Nắng hoàng cung
Những cánh hoa Thu
Những gì bên trong
Thánh đường chiều
Tình say
Xóm đạo