Lý Đợi: Tranh Lê Văn Xương lên sàn Bonhams

Thế giới có hơn 7.200 nhà đấu giá, Top 5 nhà đấu giá nghệ thuật hiện nay gồm Christie’s, Sotheby’s, Phillips, Bonhams, Heritage Auctions.

Năm 2016, khi nhà sưu tập Lê Y Lan mời tôi đến tư gia xem tranh để làm sách và làm triển lãm về họa sĩ Lê Văn Xương (1917-1988), Google chỉ có 8 kết quả cho tìm kiếm “Lê Văn Xương”, nay thì khoảng 262.000.000 kết quả (0,24 giây).

Việc làm sách về một người hữu danh đã khó, làm về một người vô tình bị ẩn danh như Lê Văn Xương, thì vô cùng khó khăn, khó tránh khỏi những sai sót. Bao nhiêu chuyến bay vào Nam ra Bắc, bay qua Bangkok, hàng chục lần vào thư viện, cục lưu trữ để tìm kiếm thêm tài liệu.
Kết quả bị âm nặng tiền cát-xê, mà vẫn thấy vui, vì được song hành cùng một câu chuyện lý thú.

Khi cuốn sách “Vẽ với lòng thanh thản” và triển lãm “Điều kỳ diệu” ra mắt năm 2018, sự lý thú càng rõ ràng hơn, vì đồng nghiệp, dư luận, báo đài rất quan tâm.

Sau đó thì các nhà sưu tập, nhà đấu giá, nhà môi giới… vào cuộc. Sau đó nữa thì tranh giả/nhái Lê Văn Xương xuất hiện vài nơi. Âu cũng là một quy luật thường thấy của thị trường, nhất là tại Việt Nam, khi chế tài pháp lý và đạo đức nghề nghiệp chưa thật vững vàng.

Nay nhìn thấy hai tranh của Lê Văn Xương lên sàn đấu giá nhà Bonhams, rồi nhìn lại 5 năm hồi cố và phục dựng Lê Văn Xương, thấy cũng có chút ấm lòng.

Hai tranh này từng xuất hiện ở triển lãm cá nhân “Hà Nội 36 phố phường” của Lê Văn Xương, từ ngày 28/4 đến 10/5/1953 tại Nhà hát lớn Hà Nội, đúng 70 năm trước.

Phiên đấu có tên là Vietnamese Art, sẽ bắt đầu lúc 15h (giờ Paris) ngày 19/12/2023. Chi tiết có thể tham khảo: https://www.bonhams.com/auction/28518/vietnamese-art/

Ngoài Lê Văn Xương, phiên đấu này còn có tác phẩm của Charles Jules Duvent, Joseph Inguimberty, Louis Rollet, Lê Phổ, Nguyễn Huyến, Mai Trung Thứ, Vũ Cao Đàm, Lê Bá Đảng, Nguyễn Tư Nghiêm, Thành Lễ, Jean Volang, Nguyễn Thế Khang, Trần Lưu Hậu, Trần Duy, Hoàng Sùng, Phạm Luận, Nguyễn Văn Cường, Phạm Huy Thông…

Bức “Chùa Một Cột” tại Bonhams Cornette de Saint Cyr
Bức “Phố Hàng Da” tại Bonhams Cornette de Saint Cyr

***

Lý Đợi: Tìm và gặp Lê Văn Xương

Họa sĩ Lê Văn Xương thời trẻ.

Họa sĩ Lê Văn Xương là ai? Đến nay, câu hỏi này có lẽ vẫn còn làm nhiều người trong giới mỹ thuật bối rối. Bối rối vì có quá ít thông tin.

Năm 2008, tình cờ nghe nhà sưu tập Lê Thái Sơn (1968 – 2012) nhắc về Lê Văn Xương, một họa sĩ vẽ hàng trăm bức tranh mà tôi chưa hề biết gì. Anh nói rằng: “… 20 năm ngày mất của Văn Xương mà chẳng có mấy dòng viết về ông, tác phẩm giờ tìm xem cũng quá khó”. Vỏn vẹn chỉ có vậy. 

Một hai năm sau, lên Google gõ cụm từ “họa sĩ Lê Văn Xương” thì gần như không có một kết quả nào liên quan trực tiếp đến cuộc đời, sự nghiệp, hoặc tác phẩm của ông. Tất nhiên lỗi này không thuộc về Google, càng không thuộc về Lê Văn Xương, vì dữ liệu đôi bên chưa kết nối được với nhau.

Trong sách Nghệ sĩ tạo hình Việt Nam hiện đại, một kỷ yếu dành cho hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, in năm 2009, có tiểu sử rất ngắn về Lê Văn Xương. Nguyên văn như sau: “Lê Văn Xương (Văn Xương). Sinh ngày 3 tháng 1 năm 1917 (đã mất). Dân tộc: Kinh. Hội viên ngành: hội họa. Năm vào hội: 1957. Địa chỉ gia đình: 346 Nguyễn Đình Chiểu, TP.HCM. Tác phẩm chính: Du kích Tây Nguyên (phấn màu), Dân chài xã Vĩnh Trà (phấn màu), Chân dung họa sĩ Tề Bạch Thạch (tượng). Khen thưởng: Huy chương Vì sự nghiệp mỹ thuật Việt Nam năm 1997”.

Cuối năm 2012, trong bản tin về triển lãm bộ sưu tập của Tira Vanichtheeranont tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, tác phẩm Kéo pháo lên đồi vẽ năm 1961 của Lê Văn Xương được giới thiệu. Đây cũng là dịp hiếm hoi mà một tác phẩm của Lê Văn Xương trưng bày, và được đề cập trên báo chí. Kể từ khi ông qua đời năm 1988 đến nay, gia đình cũng có một hai lần trưng bày tác phẩm để tưởng niệm, nhưng trong khuôn khổ của tư gia. 

Trong bài báo Một chặng đường của dân tộc và đời người công bố đầu năm 2013, nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng viết: “… Cuộc kháng chiến chống Mỹ và miền Bắc thời chiến tranh cũng đã trở thành hình ảnh sinh động cho những họa sĩ vẽ trước năm 1975, và tất nhiên sau đó là thời hậu chiến nhọc nhằn. Những ký họa của Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Lê Văn Xương, Nguyễn Văn Thiện, Phan Thông, Nguyễn Cao Thương, Nguyễn Thụ, Mai Long, Mai Văn Hiến, Phạm Viết Song, Phạm Lực… vẽ trong những giai đoạn đó. Họ đi cùng đất nước, gian khổ, đau khổ, đói nghèo, yêu thương như một người bình thường, chỉ khác mỗi việc cầm bút vẽ ra và may mắn lưu lại được phần nào công việc”.

Với tôi, sau 5 năm tìm kiếm, Lê Văn Xương cũng chỉ có vậy.

Đến năm 2015, tôi biết thêm câu chuyện Lê Văn Xương rất thích vẽ tranh tĩnh vật với hoa quả, đồ chơi trẻ em trong 3 ngày Tết. Lý do chính, một phần ông muốn giữ cái lệ khai bút đầu năm, một phần ông muốn cầu mong no ấm, vui tươi đến mọi người. Hoa quả và đồ chơi trẻ em với Lê Văn Xương là những biểu tượng tốt lành của đời sống, của thanh thản và hạnh phúc.

Tối ngày 17 tháng 12 năm 2016 là một cột mốc mới với Lê Văn Xương. Bức tranh lụa Thiếu nữ của ông đã được nhà đấu giá Lý Thị (Lythi Auction) bán thành công với giá 22.500 USD tại một phiên đấu thương mại ở Sài Gòn. Lythi Auction còn giới thiệu nhiều tác phẩm khác của Lê Văn Xương tại sự kiện này, qua đó giới mỹ thuật có dịp chiêm ngưỡng, biết nhiều hơn về một họa sĩ tài hoa, nhưng thầm lặng.

Cũng tại phiên đấu này, nhà sưu tập Lê Y Lan (1971, Sài Gòn) đã xuất hiện. Đây là nhà sưu tập đặc biệt của Việt Nam, vì cô chỉ sưu tập tác phẩm của Lê Văn Xương. Qua ước tính của Lê Y Lan, suốt đời Lê Văn Xương đã vẽ khoảng 1.000 bức tranh và làm gần 100 bức tượng. Xét riêng về số lượng, đây là một con số đáng ngưỡng mộ, nếu so với các họa sĩ Việt cùng thời.

Từ bộ sưu tập hơn 200 tác phẩm mà Lê Y Lan đã miệt mài sưu tập gần 20 năm, chúng tôi chọn hơn 1/3 số lượng để in trong cuốn sách Lê Văn Xương – Vẽ với lòng thanh thản này. 

Nhận định về bạn của mình, từ năm 1953, họa sĩ Hoàng Lập Ngôn (1910 – 2006) viết: “Người sao tranh vậy!”. Còn họa sĩ Nguyễn Văn Bình (1917 – 2004) thì: “Tôi thấy ở anh một năng lực vô biên, và một tiến triển không ngờ”.

Công việc sưu tập, giới thiệu Lê Văn Xương vẫn là con đường dài và nặng nhọc ở phía trước. “Tôi vẫn sẽ tiếp tục” – nhà sưu tập Lê Y Lan khẳng định. 

La Hán Phòng ngày 15 tháng 9 năm 2017

Lý Đợi

(Nhà thơ, Giám tuyển nghệ thuật)

 

***

Nguyễn Quân: Sự thanh thản cả về cảm xúc lẫn thẩm mỹ

Dọc hành trình nghệ thuật có những người tìm đường riêng độc đáo của mình, họ là những người mở đường. 

Có con đường chính/chủ đạo tấp nập “quần áo chen chân”, những kẻ hăng hái gấp gáp tiến về phía trước. Cũng có những người nhẩn nha bên lề đường râm mát, khiêm tốn yên tâm và thích thú tản bộ theo dòng thời đại. Trên con lộ chủ đạo của mỹ thuật từ Đông Dương cho tới sát cột mốc Đổi mới, Lê Văn Xương là một người như thế. 

Nhưng! Một chứng nhân thời đại ít quan trọng hơn những nhân vật thời đại ở mức nào còn tùy vào cách nhìn của mỗi người thích sử, và thích sưu tầm! 

Họa sĩ Lê Văn Xương vẽ không thay đổi từ đầu đến cuối, cùng lúc, như một ông thầy mô phạm chỉn chu và như một học trò nghiêm cẩn, cầu thị. Ông ở giữa thị hiếu thẩm mỹ bình dân dễ mến và thị hiếu thượng lưu, tân kỳ, duy mỹ. 

Phong cảnh trong tranh cân đối hài hòa, các nhân vật, hoạt cảnh đều thanh thản như “vẫn bình thường thế thôi”. Nét, màu và sắc đều ở trung dung/trung tính, không quá gắt gao, nồng nàn, cũng không âm u, sầu não. Tranh của ông có sự lạc quan cố hữu của nghệ thuật dân gian/dân quê và cái cảnh vẻ, duyên dáng thị thành.

Có thể sự thanh thản cả về cảm xúc lẫn thẩm mỹ của họa sĩ hấp dẫn người xem hôm nay về một thời đã mất.

Nguyễn Quân 

(họa sĩ – nhà phê bình mỹ thuật)

***

 

Thụy Khuê: “Phố Xương” Hà Nội

Những người đã sống và đã xa Hà Nội, dù ở tuổi nào dường như cũng giữ ít nhất một hình ảnh Hà Nội trong tâm, khó định hình, khó mô tả, nhưng khi bất chợt tìm thấy lại ở đâu đều giật mình bồi hồi cảm động.

đến với tôi, hôm nay, từ một phương trời rất xa, từ Sài Gòn, từ một người bạn văn tôi chưa hề gặp, anh gửi cho tôi mấy tấm ảnh chụp tranh Lê Văn Xương và hỏi: chị xem có viết được gì không? Viết làm sao được, nào tôi có biết Lê Văn Xương là ai và cả anh, người nhờ viết, tôi cũng chỉ biết chữ nghĩa của anh, chứ chưa biết người. 

Cuộc đời nghệ sĩ trăm mặt, họa sĩ có thể sáng tác những bức tranh hoàn toàn khác nhau, nay tôi chỉ có trước mắt vài bức Văn Xương vẽ phố Hà Nội, làm sao tiêu biểu cho một đời họa, một tính họa. Chưa kể, không ai viết về những bức tranh mà mình chưa nhìn thấy tận mắt những đường nét màu sắc, vết sơn sần sùi, hiện thân của da thịt, gân cốt, tâm hồn và họa tính của người vẽ.

Trước khi viết mấy lời từ chối, tôi mở e-mail, xem lại những hình chụp tranh Lê Văn Xương lần nữa. Lạ thay, lần này, hiện ra: , Hà Nội của tôi, , Hà Nội chính cống, Hà Nội 100%, Hà Nội cả thể xác lẫn tâm hồn.

Tôi đã từng được xem phố Phái qua những nét gạch, vết cứa, rắn, mạnh, chắc nịch của thứ hội họa cực thực, một Hà Nội đã Phái hoá, thành một bản chất, một sự chống cự, một Hà Nội không khuất phục trước mọi lực cường. Hà Nội Phái là Hà Nội chứa tinh thần bất khuất Bùi Xuân Phái trong những con phố, những căn nhà, một Hà Nội du kích từng phố, từng nhà. Cho nên, khi có ai bắt chước tranh Bùi Xuân Phái, kẻ ấy thường không có cái khí phách ấy trong hồn bút, nên dễ bị lộ, bởi những người xem có con mắt tinh đời, nhận ra ngay, vì tranh nhại không phải là tranh thật. Chỉ Bùi Xuân Phái mới có phép phù thủy, truyền vào những nét, những màu hiền lành vô tội, chất thép, chất cương, để tạo nên những phố Phái ương ngạnh, cứng đầu; hay truyền qua những nét đỏ au, đầy nếp xếp, nỗi đớn đau, phẫn nộ trên mặt một diễn viên đóng tuồng. Tuồng thời đại.

Những hình ảnh Phố Xương hiện ra trước mắt tôi bây giờ, cũng rất hiền lành, nên tôi ngại cái hiền lành này lắm. Phố Xương nhìn qua là hiện thân của Hà Nội băm sáu phố phường, trải những thăng trầm của lịch sử, từ Thạch Lam, đến thời “đổi mới”. Phố Xương dường như không có cá tính, giống nhiều bức tranh khác, bày đầy trên đường phố, bên bờ hồ, bán rẻ cho khách du lịch. Phố Xương là Hà Nội tầm thường của người dân, chỉ biết âm thầm sống, âm thầm chết, không ai hay.

Nhưng Lê Văn Xương hay dùng màu lì (aplat), từng mảng màu đồng nhất, theo lối tranh Tàu xưa, màu lì phết trên cành lá, trên nền đường, trên những bức mành che hiên cửa hiệu, trên các tà áo dài, trên thân áo ngắn… tạo ấn tượng nhòa, của một Hà Nội hôm qua mà vẫn là hôm nay, của một Hà Nội hôm nay mà như đã chết xa trong quá khứ.

Mười hai bức tranh chụp (mà tôi được xem), trừ một bức chân dung người Bana và một bức tranh đô vật, tôi xin chia làm hai loại:

Hà Nội trước 1954, qua các bức: Hà Nội 1952; phố Hàng Đồng 1952phố Hàng Đồng 1953; phố Hàng Buồm 1953; Hà Nội 1954, mở vào một Hà Nội thanh bình, nhàn hạ, vô tư, còn thấp thoáng bóng áo dài, ánh sáng phủ trùm lên một không gian vui tươi, những gam màu sáng mang dấu vết yên bình của một thời trưởng giả, chưa biết sự đổi đời.

Hà Nội sau 1954, trên những bức Đường Gầm Cầu, Hà Nội 1960, Phố Hàng Muối… một Hà Nội đã đổi đời, đổi chủ, trong đời sống hàng ngày, trong sinh họat quần chúng.

Lê Văn Xương là họa sĩ kể chuyện, họa sĩ sử thi. Tranh ông thọat nhìn, gợi nhớ những bức tranh quê, giản dị của Anh Thơ, Bàng Bá Lân: chiều hôm hóng mát cổng làng, gió hiu hiu thổi mây vàng êm trôi, nhưng Văn Xương vẽ những bức tranh tĩnh, đôi khi không êm đềm của một Hà Nội phố.

Hà Nội 1952, là một đại lộ thênh thang, hàng cây hai bên đường theo nhau chạy về nơi xa tắp, những căn nhà Tây còn nguyên vẹn hình hài, những chiếc xích lô lót đệm trắng gần như sang trọng. Có một sự “thên thang” nào đó trên con lộ lớn này: một sự thông thoáng, dễ thở, một cuộc sống tự tin, những chiếc xích lô dù dừng đợi khách hay đạp đi đón khách, đều có dáng từ tốn, người phu xe hình như không mệt mỏi. Những người bán hàng rong, dù ngồi xổm tiếp khách hay quẩy gánh trên lưng, điệu bộ cũng từ tốn không kém. Cả đến con đường cũng đầy ắp khí trời, màu xanh lơ mở rộng trên đầu mọi người như chiếc ô vĩ đại, chở niềm lạc quan hy vọng. Nếu thay y phục cho những nhân vật trong tranh, thì ta sẽ thấy như mình đứng trước một đại lộ Paris, một boulevard Saint Germain gì đó, sáng chủ nhật, mùa Xuân, con đường dậy muộn, vừa tỉnh ngủ, lác đác dăm ba xe cộ. Hà Nội yên bình được nhận diện nhờ những chiếc xích lô và ba tà áo dài nhún nhảy trên đại lộ.

Tôi lại chú ý đến bức Phố Hàng Buồm 1953: trời nắng chiếu vào những tấm mành trắng che trước hiên cửa hàng; mọi người rảo bước; hai người phu đẩy một chiếc xe ba gác chạy. Họ chạy ai? Chạy gì? Không biết. Bóng râm bao trùm lên phía quần chúng đang sinh họat bên một hè phố. Đám quần chúng đông đúc này có vẻ cũng vội vàng, không hề nhàn tản như trong các bức Hà Nội 1952 hay Hà Nội 1954. Tranh không có âm thanh, tất cả âm thanh được họa sĩ truyền trong những động tác của mỗi nhân vật. Phải biết rõ lắm về cơ thể học, mới có thể vẽ được các chuyển động và sự xốn xáo trong lòng người, như ông. Nếu bức tranh này vẽ năm 1953, thì dường như họa sĩ đã tiên đoán được tương lai. Và nếu vẽ sau 53, thì họa sĩ đã nhớ và ghi lại được những chuẩn bị tinh thần của người dân Hà Nội về chuyến di cư lịch sử, từ trước khi hiệp định chia đôi đất nước được ký kết bên trời Tây.

Nhưng sao trong bức Hà Nội 1954, vẫn còn cái không khí bình yên, từ tốn, như không hề có hiệp định, hiệp thương, không hề có cuộc di cư vĩ đại. Lạ lắm. Hay là sự từ tốn, tự tại đến từ tâm hồn người dân Hà Nội, lúc đó chưa coi biến cố lịch sử này như một dứt thoát, chia lìa mà chỉ là sự chia tay trong một thời gian ngắn, và đó là tâm tình chung của người Việt hai miền.

Sau 1954, cảnh cũ vẫn còn, chỉ người thay đổi: dân Hà Nội thay áo cộc, dân Hà Nội tan trong màu nâu, và sắc nâu rộng dần ra, tràn xuống đường, trong những bức tranh, trời đậm hơn, và các gam màu của họa sĩ cũng xuống sắc.

Nhưng đến một bức tranh không đề tên phố, vẽ năm 1987, những chiếc áo cộc đã lại được thay thế bằng áo thun, sọc xanh, sọc đỏ; dân Hà Nội lại thay màu, đổi sắc lần nữa: những chiếc quần đen đã chuyển sang quần jean, những chiếc xe đạp, xe ba gác đã được cải biến thành xe gắn máy… Gam màu của họa sĩ lại sáng ra, các nhân vật trong tranh không lạc lõng một mình mà có đôi, có con, có gia đình, báo hiệu thời kỳ đổi mới đã bắt đầu, người ta sống vui hơn, giàu hơn trong đoạn đường quá khứ.

 Hà Nội sau 1954, mở ra bằng bức tranh Đường Gầm Cầu.

Bức tranh gây xúc động mạnh cho tôi: Hà Nội của gầm cầu, của những kiếp sống đẩy xe ba gác, trên một con đường song song với gầm cầu xe lửa. Bức tranh này tôi đã “nhìn” thấy bản mẫu, cảnh thực, khi trở về Hà Nội lần đầu, năm 1984, sau 30 năm xa cách. Cũng cái màu ảm đạm ấy, cũng những con người câm nín ấy, nhưng tôi thấy họ đứng dưới chân cầu Long Biên, sắt rỉ, cố vặn lại những chiếc đanh vít, bằng sức lao động rũ liệt. Đói ăn, họ phải còng mình lấy sức nhưng không thắng nổi chiếc đanh vít, trơ trơ, thách thức, coi họ chẳng ra gì. Bởi họ là đàn bà. Hình ảnh những người đàn bà cố gắng vặn vít, vá chiếc cầu cũ thời Tây đã nát, ám ảnh tôi suốt những ngày còn ở lại Hà Nội năm ấy và nhiều năm sau. 

Bây giờ hình ảnh ấy lại trở lại, giống hệt, trong bức Đường Gầm Cầu, của Văn Xương, với một lối bài bố khác: Những yếu tố đối nghịch trong tranh hiện ra một cách kín đáo, nhưng vô cùng hữu hiệu: chiếc cầu cao hoành tráng, kiến trúc thời Pháp thuộc, chở chiếc xe lửa đang phun khói, hùng tiến về phía truớc. Tất cả khối “kỹ thuật tân tiến” này nằm trong gam màu xanh đã ngả dần sang xám, đen, như thể màu thời gian đã “ăn” dần kỷ niệm thời Pháp thuộc. Dưới chân cầu, hay dưới gầm cầu là một thế giới bé tý của cõi nhân gian hôm nay: họ gồng gánh, đẩy xe ba gác hay đi bộ, có người bán chẳng biết cái gì, ngồi bệt xuống đất, vắng bặt người mua, ở trước cửa những căn nhà lụp xụp, bằng tuổi với cây cầu… Tất cả báo hiệu một tương lai không tươi, bằng thứ ánh sáng rất tối mà chỉ hội họa mới vẽ được. Những người trong tranh đi về phía cùng hẻm, tối hơn, chật hẹp hơn.

Văn Xương là họa sĩ tả thực, ông đã vẽ được sự lầm than của những kiếp người chưa thoát khỏi ách thống trị thực dân, đã bước vào một giai đoạn tối tăm khác, chưa biết tên, chưa biết mặt, nhưng là một chốn cùng.

Một bức tranh nữa cũng gây kinh ngạc: Hà Nội 1960, Văn Xương vẽ một một ngõ cụt, có tấm bảng đỏ cấm vào. Địa phận tranh được chia hai, bằng một bảng cấm: Từ bảng cấm trở vào, là một ngõ cụt, giới hạn không gian của giai cấp thượng tầng, có một chiếc xe hơi đậu trong ngõ, có một căn nhà dài giống như một cái cầu ở cuối ngõ, chắn ngang đường đi, hình như là cửa vào một công trường lao động, hay một trụ sở. Ở tầng trên căn nhà-cầu-đường này hình như người ta đang hội hè, đình đám, nhiều người mặc áo đỏ, ở dưới hình như là đám quần chúng được ưu đãi, đang bước vào cuộc lao động, có thể đoán là lao động cấp cao. 

Từ bảng cấm trở ra, là thế giới của những người buôn thúng bán mẹt, hình như họ là đám phó thường dân, với một vòi nước cộng cộng, có người sắp hàng đợi lấy nước. Mọi người đều mặc áo cộc. Màu đỏ trở thành màu chủ yếu: đỏ au trên các mái ngói đỏ, trên các bức mành của tòa nhà-cầu-đường, trên bảng cấm. Và họa sĩ cũng ký tên mình bằng màu đỏ. Đó là Hà Nội thời 1960, màu đỏ đã hoàn toàn chinh phục không gian.

Tôi lại đặc biệt chú ý tới bức tranh vẽ Phố Hàng Muối Hà Nội. Tranh này bị màu trắng áp chế và dùng gần như toàn màu lì. Ánh sáng trắng từ nền đường phố chiếu lên, lênh láng như một con sông muối. Cây màu xanh xám, mặt tiền các cửa nhà đóng kín, một màu nâu đất. Toàn bộ con người trong phố quay lưng lại, họ đi bộ, đạp xe, gồng gánh, cyclo, trẻ con, tất tả tiến về phía trước như muốn rảo bước mà không chạy, một người đàn bà gánh hàng rẽ sang phía ngang, tất cả đều “quay lại” mặt tiền. Không biết họ quay lại cái gì.

Bức tranh tỏa “nắng”, khác hẳn bức tranh đỏ, mà lại đưa vào một không khí tối tăm, lo hãi, bất an, mà không biết lo gì, hãi gì. Nhìn rất kỹ vào tranh và dùng cách chiếu cho hình to ra, ta thấy có hai nhóm ba người: hai người đi cạnh chế ngự một người đi giữa. Người thứ nhất bị gò đi, mặc áo màu trắng vàng cải mả, dường như bị giải về phía mấy cái cột màu đen. Người thứ nhì cũng bị gò đi, mặc áo trắng, bị kéo về phía trước đến một không gian cụt, trắng xóa. Sự bí mật gần như toàn diện của sự khủng bố trắng, được giấu dưới những mảng màu lì của họa sĩ; bí mật như con sông muối, như nền đường phố trắng phau mà họa sĩ đã dùng làm đề tài cho bức họa, ta có thể gọi là phố trắng hay như lời thơ của Trần Dần: phố treo cổ.

Văn Xương không để lộ cá tính của họa sĩ, ông tự xóa cá tính của mình đi, để chỉ bộc lộ cá tính của nhân vật và thần khí của bức tranh, và ở đây là thần khí đường phố. Ông chú ý đến mọi chi tiết, đến từng động tác của nhân vật, chính những chi tiết nhỏ nhặt ấy đã cấu tạo nên nhân vật, tạo nên hành động của nhân vật. Mỗi nhân vật dù bé, dù xa thế nào, cũng được ông khảo sát rất kỹ các cử chỉ, thái độ của họ: họ kéo xe, họ đi, họ gánh… tất cả mọi động tác của chân, tay, lưng, đầu… dù chỉ có với vài vết bút quét nhanh, phác vội, như vô tình, nhưng đều có ý nghĩa, có chủ đích, đều mang những dấu hiệu chính xác, thậm chí bước chân người đi thư thái, nhàn hạ, vô tư trong Hà Nội 1954 và trong Phố Hàng Da, khác hẳn bước chân lao lực của người vội vã, chạy trốn trong bức Đường Gầm Cầu.

Cả những con đường cũng có tiếng nói riêng của nó: nền Đường Gầm Cầu, họa sĩ dùng màu nâu pha xám, màu đất lấm, màu lầm than, màu đổ vỡ, và con đường này, một phía lề bị chận bằng cầu xe lửa, tạo thành thứ đường một chiều, bít bùng, thiếu không khí. Màu xanh xám của cây cầu xe lửa xây gạch, sừng sững, bịt kín, như bức tường một nhà tù không biên giới. Qua màu sắc, qua hình hài, tác giả kín đáo gợi những cảnh phố, thoạt nhìn hoàn toàn vô tư, nhưng nhìn lâu, có thể bị hoảng loạn tâm thần, nếu ta cứ tiếp tục suy nghĩ thêm về cái cõi mà họa sĩ muốn dẫn ta vào.

Bức Hà Nội 1960, dù chỉ với chút xíu đỏ thắm, đắc địa, vẽ trên chiếc bảng cấm của đường một chiều, và ngoằn nghèo trên chữ ký của tác giả, đã bị rớt xuống đất, nhưng vẫn còn rỏ máu. Chiếc xe hơi duy nhất đậu trong ngõ cấm, có tới ba người bao quanh. Họ làm gì? Nhìn kỹ, họ không lái, không sửa xe, mà họ lau xe, ba người lau bóng chiếc xe của một chủ nhân ông con đường một chiều và một ngõ cụt, có hình dạng hao hao như đất nước.

Văn Xương vẽ những điều không thể nói ra được, như một hình thức thổ lộ câm lặng của những kẻ yếu, kẻ biết sợ, không dám nói, không dám tuyên bố gì, họ là những người dân tầm thường như chúng ta, tất cả nơi họ đều lùi vào trong, trong tim, trong óc, và cùng họ, với họ, Văn Xương đã “vô tình” để tuôn ra những màu sắc hình hài “ngoài ý muốn” của họa sĩ.

 Yên Cơ, Les Issambres, cuối tháng 6-2017

Thụy Khuê

(nhà nghiên cứu – phê bình nghệ thuật)

***

Một số bức tranh của họa sĩ Lê Văn Xương

 

Tranh vẽ Hà Nội trước năm 1954:

 

Chân dung tự họa vẽ sau năm 1954: