Mặc Lý: Bài thơ Dạ Hành của Nguyễn Du

Nguyễn Du, nhà thơ lớn của dân tộc, làm bài thơ này, khoảng năm, sáu năm trước khi vua Gia Long lên ngôi, một thời gian tao loạn của đất nước. Bài thơ là một trong 78 bài trong Thanh Hiên Thi Tập, trước tác bằng chữ Hán và được viết ra khi Nguyễn Du, tuổi ngoài ba mươi, về ẩn ở quê hương Hà Tĩnh.


宿





Dạ hành

Lão nạp an miên Hồng Lĩnh vân,
Phù âu tĩnh túc noãn sa tân.
Nam minh tàn nguyệt phù thiên lý,
Cổ mạch hàn phong cộng nhất nhân.
Hắc dạ hà kỳ mê thất hiểu,
Bạch đầu vô lại chuyết tàng thân.
Bất sầu cửu lộ triêm y duệ,
Thả hỉ tu mi bất nhiễm trần

Dịch nghĩa

  1. Vị sư già ngủ an giấc trong mây núi Hồng Lĩnh.

Lão nạp: vị sư già; an miên: ngủ ngon giấc; Hồng Lĩnh vân: mây dãy núi Hồng Lĩnh (tức dãy núi Ngàn Hống hay còn gọi là Rú Hống), Hà Tĩnh, quê hương Nguyễn Du.

2. Chim âu cũng đứng yên trên bãi cát ấm.

Phù âu: một loài chim bắt cá biển hay sông hồ; tĩnh túc: chân đứng yên; noãn sa tân: bến, bãi cát ấm.

3. Bóng trăng tàn ngoài biển nam, dập dờn xa ngàn dặm.

Nam minh: biển phía nam; tàn nguyệt: trăng tàn; phù thiên lý: dập dờn trôi nổi ngoài ngàn dặm

4. Trên lối cũ, gió lạnh dồn cả vào một người.

Cổ mạch: con đường nhỏ cũ xưa; hàn phong: gió lạnh; cộng nhất nhân: dồn lại một người

5. Đêm tối mờ mịt, sao mãi chưa sáng.

Hắc dạ hà kỳ: đêm tối như vậy; mê thất hiểu: không biết được lúc trời sáng

6. Già rồi, thân vô dụng, vụng về náu thân.

Bạch đầu: tóc bạc; vô lại: không ích lợi gì cho đời; chuyết: vụng về; tàng thân: ẩn thân, náu thân

7. Đừng buồn chuyện đi lâu dưới sương, áo ướt.

Bất sầu: không buồn; cửu lộ: ở lâu, đi lâu trên đường; triêm y duệ: ướt (tay) áo

8. Thôi thì mừng râu mày chẳng nhuốm bụi.

Thả hỉ: hãy cứ vui; tu mi: râu mày; bất nhiễm trần: không nhuốm bụi.

Bài dịch:

Đi Đêm

Thiền sư say giấc trên non Hống
Chim cũng yên mình bãi cát xa
Biển vắng trăng tàn ngoài vạn dặm
Đường khuya gió lạnh chỉ mình ta
Đêm còn tối mãi trời chưa sáng
Già đến còn mong ẩn chỗ nao
Chẳng ngại đi lâu sương xuống áo
Mà vui râu tóc bụi chưa vào

(Mặc Lý)

Tôi tò mò tìm đọc bài thơ này khi xem một đoản văn của Nguyễn Khải viết về Vũ Hồng Khanh. Nguyễn Khải, một nhà văn quân đội miền Bắc, về hưu năm 1988 với quân hàm đại tá, khi về làng Thổ Tang, Vĩnh Yên (nay là Vĩnh Phúc) chơi, có dịp gặp Vũ Hồng Khanh. Nguyễn Khải kém Vũ Hồng Khanh hơn 30 tuổi, gọi ông này là bác xưng cháu. Cán bộ trong làng trách Nguyễn Khải, bảo phải gọi họ Vũ là “thằng phản động già” như hầu hết cả làng đều gọi thế. Tuy nhiên Nguyễn Khải vẫn giữ ý mình, bảo là cách xưng hô bác cháu là theo truyền thông giáo dục gia đình.

Thế Vũ Hồng Khanh là ai? Vũ Hồng Khanh, tức Giáo Giản, là một yếu nhân của Việt Nam Quốc Dân Đảng, hơn Nguyễn Thái Học 2 tuổi là người cùng làng và cùng tham gia khởi nghĩa của Việt Nam Quốc Dân Đảng năm 1930. Việc thất bại, Nguyễn Thái Học cùng 12 đồng chí khác lên đầu đài ở Yên Bái (ngoài cả trăm người khác bị án tử hình trước và sau đó), còn Vũ Hồng Khanh và 1, 2 đồng chí nữa kịp trốn thoát sang Tàu. Năm 1945, khi Nhật đầu hàng Đồng Minh, Vũ Hông Khanh, Nguyễn Hải Thần và Nguyễn Tường Tam trở về nước, đấu tranh với đảng cộng sản để nắm chính quyền. Hiệp ước sơ bộ ngày 6 tháng 3 năm 1946 do 3 người đứng ký là Hồ chí Minh, Vũ Hồng Khanh (Việt Quốc) và Sainteny (đại diện chính phủ Pháp). Đấu tranh thất bại, Vũ Hồng Khanh và một số lãnh tụ quốc gia trốn được sang Tàu. Năm 1950, ông trở về Việt Nam cộng tác với chính phủ Bảo Đai một thời gian ngắn và sau đó sống ở Sài Gòn. Sau 1954, ông cầm đầu một hệ phái của Việt Nam Quốc Dân Đảng. Năm 1967 ông có ra tranh cử tổng thống trong cuộc bầu cử tổng thống đầu tiên của đệ nhị cộng hoà lúc đó. Năm 1975, ở tuổi 77, ông bị đưa vào trại cải tạo, đến năm 1988 ở tuổi 90 thì được tạm tha nhưng phải cư trú tại sinh quán là làng Thổ Tang, nơi ông còn một người con gái. Hầu như cả làng, dưới ảnh hưởng tuyên truyền, già cũng như trẻ, đều gọi ông là “thằng phản động già”. Chính trong môi trường thù nghịch ở tuổi gần đất xa trời này, ông gặp và nói chuyện với Nguyễn Khải. Công và tội của Vũ Hông Khanh với lịch sử khoan xét tới, nhưng đối xử với người già như thế quả hết sức nghiệt ngã.

Vũ Hồng Khanh đề cập đến bài này khi nói với Nguyễn Khải: ”Phải đến tuổi tôi, khi đọc câu Cổ Mạch Hàn Phong Cộng Nhất Nhân mới thấy thấm thía”.

Mặc Lý