Mặc Lý: Con đường nào tôi đi

Hình minh họa: 承恩 李

“Tôi đã đến và giảng về Trung Đạo, cái Đạo Giữa của Đức Phật, từ chối những Đường cực đoan.” (giáo sư Trần Ngọc Ninh)

***

Một truyện đọc thuở mới lớn ám ảnh tôi một thời gian rất dài. Đó là Người Đẹp Trong Tranh, truyện ngắn trong tập truyện Thần Tháp Rùa của Vũ Khắc Khoan. Truyện hư cấu, dựa một phần vào truyện thơ Bích Câu Kỳ Ngộ, trước 1975 được dạy trong chương trình Cổ Văn trung học. Trong truyện ngắn này, chàng Tú Uyên có sự chọn lựa giữa sống với nàng Giáng Kiều trẻ đẹp bằng xương bằng thịt rồi chết hay là chọn cái Vĩnh Cửu, vẽ nàng Giáng Kiều để lưu lại cái đẹp tuyệt đối, nhưng vẽ đến đâu thì nàng Giáng Kiêu sẽ biến thành sương khói đến đó và cuối cùng biến mất.

Và Tú Uyên đã chọn, chọn cái Tuyệt Đối. Mỗi nét vẽ, nàng Giáng Kiều tưởng như ngàn kim đâm vào da thịt, thân thể mờ đi và cuối cùng nàng chỉ còn một làn sương mỏng rồi tan biến. Chàng Tú Uyên khi đã đạt được cái Tuyệt Đối, vài hôm sau cũng đốt cả lều sách, rời nơi không còn cái tương đối nữa. Chàng đã chọn.

Cái ám ảnh của tôi là có phải là cuộc đời chứa đầy những chọn lựa gớm ghê như thế không, là những con đường đi không quay trở lại được nữa không? Khi lớn lên, tôi dần hiểu ra đây chỉ là cái hư cấu của nhà văn. Hầu hết với những chọn lựa trong cuộc đời, những đường lối cực đoan có thể tránh được. Với một người bình thường, con đường đi của riêng mình nếu có cực đoan cũng chỉ ảnh hưởng tới chính mình hay những người thân. Nhưng nếu ở vị trí người lãnh đạo quốc gia, hay kéo theo những người họ chi phối, chọn con đường cực đoan cho quốc gia và xã hội thì nhiều phần sẽ dẫn đến tai hoạ lâu dài.

Vào cuối thế kỷ 18 và sang thế kỷ 19 rồi 20, kỹ nghệ nhiều nước phát triển vượt bực, với bao nhiêu phát minh áp dụng trong sản xuất. Lúc đó có sự đấu tranh quyết liệt giữa những đường lối phát triển kinh tế quốc gia, chọn con đường phía hữu hay phía tả. Con đường phía hữu, với chủ nghiã tư bản, chính quyền không can thiệp vào quyền tư hữu, tư nhân có quyền sở hữu công cụ, phương tiện sản xuất. Nhà nước chỉ giữ vai trò trung gian, mọi tương quan giữa giới có phương tiện sản xuất, tức giới chủ nhân và giới không có, tức giới thợ thuyền làm công đều dựa trên căn bản tự nguyện, thuận mua vừa bán. Do đó mới có những chỗ thợ thuyền phải làm việc 60, 70 giờ một tuần, trẻ em vị thành niên cũng được thuê mướn và thợ thuyền không có quyền đình công. Bên kia là con đường phía tả, với hệ thống triết học lẫn kinh tế chính trị học từ Marx và Engels, dẫn đến nhà nước cộng sản Liên Xô, tước bỏ các quyền tư hữu, con người chỉ là những con ốc trong guồng máy nhà nước – từ nay sẽ đóng vai trò người chủ. Mọi công cụ, phương tiện sản xuất thuộc về nhà nước.

Ở bước đầu, cả hai đều là những con đường cực đoan. Nhưng dần dần theo thời gian, con đường phía hữu với tư bản chủ nghĩa đã có những dung hoà giữa các thành phần khác nhau trong xã hội, đặc biệt tương quan chủ thợ đã được cải thiện, với nhiều quy định về giờ làm việc, tuổi lao động tối thiểu và quyền đình công được đưa ra thành luật pháp. Ngoài ra, các tổ chức ngoài chính phủ, thiện nguyện và báo chí tự do đã biến những nguyên tắc đề cao quyền tự do cá nhân tuyệt đối ban đầu trở thành không phổ thông nữa, quyền tự do cá nhân nhường chỗ phần nào cho quyền lợi cộng động. Trong khi đó con đường phía tả, lấy chủ nghĩa cộng sản làm nòng cốt với Quốc tế Cộng sản đệ Nhị, rồi đệ Tam, đệ Tứ và nhà nước Liên Xô làm khuôn mẫu, vẫn cứng rắn chủ trương nhà cầm quyền nắm kiểm soát mọi công cụ phương tiện sản xuất, hạn chế quyền tư hữu tối đa. Kết quả của cuộc đấu tranh tả hữu này, một trở thành ôn hoà hơn còn một vẫn cực đoan thì chúng ta đã biết kết quả.

Một thí dụ nữa là những đường lối cực đoan của nhà cầm quyền Việt Nam trong mấy chục năm qua, đặc biệt là trong giai đoạn mới nắm được quyền bính trên cả nước. Ngây ngất với chiến thắng, họ tự coi mình là “đỉnh cao trí tuệ”, là chân lý tuyệt đối. Gần một nửa nước trở thành công dân hạng hai và thấp hơn, vài trăm ngàn người bị giam giữ không thời hạn dưới các mỹ từ. Họ bỏ qua cơ hội bằng vàng để bình thường hoá quan hệ với nước Mỹ, tự tin là nước Mỹ và Tây phương sẽ sớm sụp đổ trước khối cộng sản, trong đó Việt Nam phất cao lá cờ tiên phong. Một người thiếu học thức, cực kỳ giáo điều và bảo thủ là Đỗ Mười được giao cho việc biến nền kinh tế tư bản non trẻ cúa miền Nam thành ra giống như nền kinh tế xã hội chủ nghĩa của miền Bắc. Cả guồng máy chạy theo đường lối cực đoan của một thiểu số rất nhỏ là Bộ Chính Trị, đứng đầu là Bí Thư thứ nhất Lê Duẩn. Và chúng ta đều biết những hệ luỵ của đường lối cực đoan này.

Tại nước Mỹ, thời gian cầm quyền của tổng thông Trump và sau đó, đánh dấu sự phân hoá cao độ của nước này. Nước Mỹ gần như chia ra làm hai bên, ủng hộ hay chống đối ông Trump. Cả hai bên đều có những người cực đoan. 

Bản thân ông Trump là một người cực đoan. Cực đoan trong những phát biểu về di dân, về các chính trị gia trong và ngoài nước Mỹ khi bị trái ý, cực đoan trong việc nhánh hành pháp thi hành chánh sách quốc gia và khác ý với nhánh lập pháp và tư pháp, nhất là cực đoan trong những phản ứng trước kết quả bầu cử cuối năm 2020. Rõ rệt nhất với diễn văn  đọc trước đám đông ngày 6 tháng 1, 2021 và những hành động trước và sau đó, ông là người cực đoan, đã và sẽ đầy mạnh sự chia rẽ nước Mỹ.

Nhìn về những người ủng hộ ông Trump, việc ủng hộ một lãnh đạo, một đảng phái, một chính sách trong một xã hội tư do là điều hết sức bình thường. Nhưng một số tiếp tay tung tin giả, hình ảnh hay đoạn băng nguỵ tạo, thì do cố ý hoặc do mất khả năng phán đoán. Thời gian cuối nhiệm kỳ của ông Trump, việc ủng hộ hay tham gia cuộc bạo loạn ngày 06 tháng 1 là không đếm xỉa gì đến hiến pháp nước Mỹ. Đó là cực đoan.

Với những người chống đối ông Trump, việc chống đối với những bằng cớ về lời nói, việc làm, chính sách thi hành rút từ những nguồn thông tin khả tín thì rất bình thường. Nhưng mạt sát ông Trump bằng những ngôn từ hung hãn, thì hoặc là không kềm được lý trí hoặc cũng là cực đoan. 

Trong cả hai nhóm cực đoan ủng hộ hay chống đối như vậy, đối tượng không chỉ hướng về ông Trump. Những người cực đoan ủng hộ ông thường dùng nhu74ng cụm từ như đám “dâm chủ ma quỷ”, còn những người cực đoan chống đối thì gọi bọn “cộng què hèn hạ” để chỉ những người thuộc đảng phái mà mình chống đối. Nước Mỹ hơn 200 năm lập quốc, có lên có xuống, có lúc nghiêng về tả có lúc nghiêng về hữu, nhưng có sự đóng góp của cả hai đảng Cộng hoà và Dân chủ. Chỉ xem tất cả cái mình ủng hộ là cái đúng duy nhất, xem tất cả cái khác ý mình như kẻ thù là cực đoan. Những điều cực đoan như vậy có thể được một số người cùng ý hướng hoan nghênh nhưng những người ôn hoà hay đứng giữa tránh xa hơn.

Trong bối cảnh sự đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng gay gắt, sự tập trung sức mạnh nước Mỹ để cổ võ cho một thế giới dân chủ, nhân bản đối phó lại với liên minh những quốc gia mà luật pháp tuỳ tiện hay uốn nắn theo nhà cầm quyền lại càng quan trọng hơn bao giờ hết. Nhưng con đường cực đoan chỉ gây chia rẽ, và ngăn trở sự tập trung sức mạnh này, và chúng ta cần tránh nó.

Mặc Lý