Mặc Lý: Lịch sử Quan hệ Mỹ – Canada và Thương chiến hiện nay

AI Generated

Địa lý đã khiến chúng ta thành láng giềng, lịch sử đã khiến chúng ta thành bạn bè, kinh tế đã khiến chúng ta thành đối tác. Và nhu cầu đã biến chúng ta thành đồng minh (Tống thống Hoa Kỳ John F. Kennedy, ngày 17/05/1961 tại Quốc hội Canada)

Sau những lời đe dọa Canada và các nước khác từ khi đắc cử lần thứ hai, ông Trump đã áp thuế quan 25% lên hàng nhập khẩu từ Canada kể từ ngày 04/03/2025, chính thức bắt đầu chiến tranh thương mại với Canada, nước láng giềng và đồng minh thân cận nhất của Hoa Kỳ từ Thế chiến thứ hai.

Lịch sử quan hệ hai nước

Canada và Mỹ có lịch sử gắn kết sâu đậm từ khi Canada lập quốc.

Thời nội chiến Mỹ 1861-1865, một số người dân Canada giúp đỡ phe Nam quân, một số khác giúp đỡ phe Bắc quân. Sau chiến tranh, Mỹ mở rộng thêm địa giới phía Bắc qua việc mua lại Alaska từ Nga năm 1867. Khi đó, người dân Canada đã vận động thành lập một lãnh địa tự trị, hầu có một tiếng nói chung mạnh hơn trong giao tiếp với nước láng giềng phía Nam. Ngày 01 tháng 07 năm 1867, Canada từ một thuộc địa của Anh đã trở thành một lãnh địa tự trị (Dominion of Canada), có toàn quyền về nội trị, nhưng ngoại giao và quốc phòng vẫn nằm trong tay Anh Quốc. Như vậy việc thành lập Canada khởi đầu từ một ý thức tập thể muốn có đời sống văn hoá, xã hội khác với Mỹ. Sau Tuyên ngôn Balfour 1926 và Quy chế Westminster 1931, lãnh địa Canada trở thành một quốc gia thành viên ngang hàng với Anh trong khối Thịnh Vượng Chung, có quân đội riêng và có có liên lạc ngoại giao riêng với các nước khác trên thế giới.

Về quân sự, hai nước có những liên hệ khá chặt chẽ. Canada thường là đồng minh với Mỹ trong hầu hết các cuộc chiến tranh dính líu tới một trong hai nước. Trong ngày dài nhất 06/06/1944 của Thế chiến thứ hai, Anh được giao hai bãi biển, Mỹ hai và Canada một bãi biển để đổ bộ lên Normandy. Sau thế chiến, liên hệ của Mỹ và Canada càng ngày càng khắng khít. Năm 1958, Bộ Chỉ huy Phòng Không Bắc Mỹ (North American Air Defense Command – NORAD), sau 1981 đổi thành Bộ Chỉ huy Phòng Vệ Không Gian Bắc Mỹ (North American Aerospace Defense Command), được thành lập với mục đích bảo vệ bầu trời Bắc Mỹ chống các hoả tiễn hay máy bay từ các đối thủ. NORAD có tư lệnh là một đại tướng bốn sao của Mỹ và tư lệnh phó là một trung tướng ba sao của Canada. Về ngân sách và nhân lực cho NORAD thì mức đóng góp của Canada khoảng 20%-25%, còn Mỹ phần còn lại, kể ra cũng công bằng so với dân số và chính trị hai nước. Một năm sau khi NORAD thành lập. Canada đã xếp lại chương trình chế tạo phản lực cơ siêu thanh quân sự Avro Arrow của mình để mua máy bay quân sự của Mỹ.

Khi còn là thuộc địa của Anh cũng như sau này, như mọi nước láng giềng, Canada và Mỹ tuy có quan hệ khá tốt nhưng cũng có những xích mích. Chiến tranh 1812-1815 giữa thuộc địa Anh và Mỹ đã gây thiệt hại cho cả hai bên và sau đó, cả hai đều trở về địa giới cũ. Ngay sau khi trở thành một Quốc gia trong khối Thịnh Vượng Chung, trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế năm 1930 kéo dài vài năm, Mỹ đã áp thuế quan cao lên Canada và ngược lại Canada cũng thế. Cả hai nước đều bị thiệt hại trong trận thương chiến này.  Trong thế kỷ 20, Canada có nhiều hiệp ước thương mại với Mỹ. Năm 1965, Hiệp ước Sản phẩm Xe hơi Canada Mỹ (Canada US Automotive Products Agreement) được ký kết nhằm điều hoà, tiết kiệm chi phí trong việc sản xuất xe hơi của hai nước. Đổi lại Canada không được ký một thoả ước tương tự với bất kỳ một quốc gia nào khác.

Dưới thời tổng thống Mỹ Ronald Reagan và sau đó, các hiệp ước thương mại như Hiệp ước Tự do Mậu dịch Canada Mỹ (Canada–United States Free Trade Agreement – CUSFTA ) năm 1988, Hiệp ước Tự do Mậu dịch Bắc Mỹ (North American Free Trade Agreement – NAFTA) năm 1994, và cuối cùng là Hiệp ước giữa Mỹ, Mexico và Canada (Agreement between the United States of America, the United Mexican States, and Canada – USMCA) năm 2020 đã làm việc lưu thông hàng hoá giữa ba nước dễ dàng. Trong thương mại giữa Canada và Mỹ, có hai lãnh vực thường gây tranh cãi là các sản phẩm từ sữa, thịt gà và sản phẩm gỗ mềm. Cả hai trường hợp đều bắt nguồn từ việc hai nước có những chính sách điều hành đất nước khác nhau. Về sản phẩm sữa và thịt gà, Canada theo hệ thống Điều hoà Nguồn cung Sản phẩm Sữa (Dairy Supply Management System) để bảo đảm người dân luôn có giá cả sữa và thịt gà phải chăng và không lên xuống bất thường. Điều này cũng tương tự như Nhật Bản kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp như lúa gạo. Hiệp ước USMCA năm 2020 chỉ chấp nhận tự do trao đổi theo định mức về sữa và thịt gà từ Mỹ. Ngoài định mức này. Mỹ sẽ chịu mức thuế rất cao, nhưng từ khi ký kết, Mỹ chưa bao giờ bán sang Canada quá 50% định mức trao đổi nên thuế quan cao về sữa và thịt gà không bao giờ áp dụng.

Một lãnh vực khác là gỗ mềm, vốn là sản phẩm quan trọng trong xây dựng. Rừng để sản xuất gỗ của Mỹ đa số thuộc tư nhân, còn rừng Canada lại là đất công, do chính phủ quản lý. Do đó Mỹ thường kiện cáo Canada đã trợ giá. Tuy nhiên trong nhiều lần kiện cáo trước Uỷ Ban Hoà giải của hai nước hay trước Tổ Chức Thương Mại Thế giới (World Trade Organization – WTO), Canada thường đạt thắng lợi. Mức thuế quan của Mỹ áp lên gỗ mềm từ Canada hiện nay là 14.54 % và ông Trump đe dọa tăng gấp đôi mức thuế này. Theo thống kê năm 2022 từ World Bank, mức thuế quan trung bình của hàng nhập khẩu  từ Canada sang Mỹ là 1.99%, còn mức thuế quan trung bình của hàng nhập khẩu từ Mỹ sang Canada là 3.19%. Điều này cũng khá công bằng vì nhà sản suất Canada phải chịu cả thuế sản xuất.

Từ Thế chiến thứ hai, Canada thường song hành với Mỹ về chính trị và ngoại giao, tuy có lúc vẫn có những quyết định riêng. Trong vụ Iran bắt giữ con tin Mỹ, các nhà ngoại giao Canada đã liều mạng sống để cứu thoát được 6 con tin qua hộ chiếu (tức thông hành) Canada. Trong ngày 11 tháng 9 năm 2001, Canada đã đồng ý để tất cả các máy bay còn trên không phận Mỹ được đáp xuống các phi trường Canada gần nhất. Sau đó, Canada đã sát cánh với Mỹ trong chiến tranh Afghanistan, chi tiêu gần 20 tỉ và có 159 binh sĩ thiệt mạng, bằng 1/15 số binh sĩ Mỹ thiệt mạng (dân số Canada bằng 1/9 dân số Mỹ).  Tuy nhiên Canada không tham gia chiến tranh Iraq năm 2003 cùng với Mỹ vì cho là chứng cớ gây chiến không đủ.

Như vậy có thể nói Canada đã có giao tình rất mật thiết với Mỹ. Kể từ Thế chiến thứ hai, rất nhiều Tổng thống Mỹ đã chọn Canada làm nơi công du đầu tiên hay thứ nhì khi nhậm chức như các Tổng thống Dwight Eisenhower, John F. Kennedy, Lyndon Johnson, Ronald Reagan, George H. W. Bush, Bill Clinton, George W. Bush, Barack Obama…

Thương chiến

Khi đắc cử lần thứ nhì, sau những đe dọa áp thuế, hành pháp Trump đã chính thức áp thuế quan 25% lên hầu hết mặt hàng từ Canada và Mexico và 20% lên các mặt hàng từ Trung Quốc kể từ ngày 04/03/2025. Sau đó vài ngày, ông Trump hoãn áp thuế quan trong 30 ngày, trên các mặt hàng nêu trong hiệp ước USMCA năm 2020, nhưng lại áp thuế quan 25% lên các sản phẩm từ sắt và thép từ mọi Quốc gia trên thế giới kể cả Liên Âu, viện lý do an ninh Quốc gia. Canada đã phản ứng lại thuế quan này bằng cách áp thuế 25% trả đũa lên 60 tỉ mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ.

Lý do ông Trump đưa ra tháng trước đế áp thuế lên Canada là Canada đã để fentanyl và di dân bất hợp pháp tràn vào Mỹ từ biên giới Canada. Chính ông bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick cũng bảo: “Đây là chiến tranh thuốc gây nghiện chứ không phải chiến tranh thương mại”. Tuy nhiên, dữ liệu từ chính chính phủ Mỹ lại cho biết lượng fentanyl bị bắt giữ từ biên giới Canada chỉ chiếm 0.2% trong tổng số bị bắt giữ tại toàn biên giới Mỹ. Di dân bất hợp pháp cũng thế, chiếm 1% di dân bất hợp pháp vào Mỹ. Số liệu từ chính phủ Canada cho hay là lượng fentanyl và di dân bất hợp pháp vào Canada từ Mỹ còn cao hơn chiều ngược lại. Thí dụ lượng fentanyl từ Mỹ vào Canada cao gấp 16 lần từ Canada vào Mỹ. Di dân bất hợp pháp cũng thế. Những người làm việc cho ông Trump không thể kiếm một lý do hợp lý hơn cho ông Trump, và cả ông bộ trưởng Thương mại cũng nhắm mắt nói theo!

Mức 25% thuế quan của hành pháp Trump, do công ty nhập khẩu Mỹ nộp thẳng cho chính phủ Mỹ, là một đòn hết sức nặng nề đối với Canada. Hàng năm khoảng 55% hàng xuất khẩu từ Canada là sang Mỹ. Ít có ngành sản xuất và nhập khẩu nào lại có lợi nhuận trên 10% để nhượng bộ mức thuế quan này. Với mức thuế 25% thì kết quả là một tổng hợp nhiều kịch bản: chính phủ sẽ thu thêm tiền nhưng hàng hoá sẽ tăng giá, việc giao thương giữa hai nước sẽ giảm hẳn trừ những mặt hàng thiết yếu.

Với Canada, một số công nghiệp và doanh nghiệp phải tái phối trí. Canada phải tìm nguồn cung và cầu từ những Quốc gia khác trên thế giới. Đã có những ý kiến về việc Canada tham gia Liên Âu, mở rộng thương mại với Liên Âu và các Quốc gia vùng Thái Bình Dương, mở rộng giao thương giữa các tỉnh, xây cất hạ tầng cơ sở, xây đường ống dẫn dầu và khí đốt thứ hai sang vùng bờ biển phía đông Canada. Chiến tranh thương mại là một thách thức lớn nhưng cũng là một cơ hội lớn cho Canada.

Với Mỹ, thì một số doanh nghiệp có thể mở rộng để đáp ứng với giá hàng hoá nhập khẩu gia tăng. Tuy nhiên việc mở rộng này sẽ có chi phí lớn hơn chi phí hàng nhập khẩu trước đây. Cộng với việc ông Trump chuẩn bị áp thuế lên toàn thế giới, theo như ông nói tại Quốc hội tháng trước: “Mọi Quốc gia đều lợi dụng Mỹ”. Hàng nhập khẩu từ Canada, Mexico, Liên Âu và Trung Quốc chiếm khoảng 70% tổng số hàng nhập khẩu của Mỹ. Vậy viễn ảnh nước Mỹ sản xuất với giá cao, chỉ tiêu thụ được nội địa Mỹ, không giao thương với nước khác, trong khi thế giới sẽ tiếp tục buôn bán cùng nhau với chi phí sản xuất thấp là một hình ảnh không tốt đẹp cho tương lai nước Mỹ. Chuyện hàng hoá lên giá là điều sẽ xảy ra, còn chuyện chính phủ thu tiền và làm gì thì ta sẽ nói thêm bên dưới.

Vài bất ngờ do thương chiến

Chiến tranh thương mại hay thương chiến kéo dài trong bao lâu và sẽ đi về đâu? Canada không phải là nước khởi đầu thương chiến nên nhiều quyết định nằm ngoài tầm tay của Canada. Tôi chỉ đề cập đến vài việc bất ngờ xảy ra cho Canada, do thương chiến.

Đảng Tự Do liên bang (Liberal Party of Canada) đang cầm quyền tại Canada từ năm 2015. Cho đến cuối năm 2024, sự ủng hộ đảng xuống đến mức thấp nhất, kém đảng Bảo Thủ liên bang (Conservative Party of Canada) đối lập đến hơn 20%. Dân chúng không vừa lòng với nhiều chính sách của chính phủ do đảng Tự Do lãnh đạo về kinh tế, về nhà cửa, về việc làm, về lạm phát… Tuy nhiên, việc áp thuế và những lời đề nghị sáp nhập Canada thành tiểu bang thứ 51 của Mỹ từ ông Trump đã làm thay đổi hẳn bàn cờ chính trị của Canada. Đầu tháng 01, ông Trudeau loan báo sẽ từ chức Thủ tướng khi đảng Tự do có thủ lãnh mới. Ngày 09/03, ông Mark Carney một chuyên viên hàng đầu về kinh tế, từng làm Thống đốc Ngân hàng Quốc gia Canada 2008-2013 và Thống đốc Ngân hàng Anh Quốc 2013-3020, chưa từng ứng cử, được bầu làm lãnh tụ đảng Tự Do. Ngày 14/03/2025, ông trở thành Thủ tướng thứ 24 của Canada. Hiện nay các thăm dò dân ý  mới nhất của Canada đều cho thấy đảng Tự Do do ông Carney lãnh đạo đã có sự ủng hộ của dân chúng ngang hoặc hơn đảng Bảo Thủ do ông Poilièvre lãnh đạo. Các thăm do dân ý cũng cho thấy  ưu tiên cao nhất của người dân Canada là đối phó với những áp lực và chiến tranh thương mại từ Mỹ, vượt hơn cả những lo âu thông thường về việc làm, về kinh tế, về y tế, về giáo dục … Và đa số dân chúng Canada tin tưởng ông Carney hơn ông Poilievre trong khủng hoảng quan hệ với Mỹ hiện nay.

Một việc bên lề nữa là Trung Quốc cũng vừa áp thuế lên hàng nhập khẩu của Canada nhưng ở mức độ nhỏ hơn. Từ trước đến nay, Canada có những chính sách ngoại giao gần giống với Mỹ, nên Canada luôn có những mâu thuẫn với Trung Quốc. Thí dụ trong vòng mười năm gần đây, chính phủ Canada đã lên án Trung Quốc ngược đãi người Uyghur ở Tân cương, đàn áp phong trào dân chủ tại Hong Kong. Năm 2018, Canada đã bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu (Meng Wanzhou), giám đốc tài chánh và phó chủ tịch Ban Giám đốc tập đoàn Hoa Vi (Huawei) của Trung Quốc, theohiệp định chung về dẫn độ với Mỹ, chờ giải giao về Mỹ. Tuy nhiên bà này được thả tại Canada khi Mỹ đã không truy tố bà này nữa. Năm 2023, Canada đã trục xuất Zhao Wei, một nhà ngoại giao Trung Quốc vì đã có những hoạt động đe dọa một chính trị gia Canada gốc Hong Kong, dân biểu liên bang Michael Chong. Đối lại Trung Quốc cũng trục xuất bà Jenifer Lynn Lalonde, lãnh sự Canada tại Thượng Hải. Canada cũng thương thuyết để tham gia AUKUS, gồm Úc, Anh và Mỹ. Ngày 07/03/2025, Trung Quốc tuyên bố áp thuế 25% lên một số mặt hàng nông nghiệp nhập khẩu từ Canada. Nhiều người cho đây là một thông điệp gửi tới những đồng minh chính trị hay thương mại của Mỹ trước đây.

Kết luận

Việc áp mức thuế quan 25% lên  hầu hết các mặt hàng xuất khẩu từ Canada sang Mỹ, trước hết là một vi phạm với hiệp ước USMCA mà chính tay ông Trump ký. Áp mức thuế 25% lên một đồng minh thân thiết nhất, khi Canada xuất cảng sang Mỹ khoảng 55% tổng xuất cảng là một đòn chí tử, và thay đổi cái nhìn của đa số người Canada về nước Mỹ. Người dân Canada đã nhìn nước láng giềng phía nam, dưới hành pháp Trump, như một gã khổng lồ đầu gấu, o ép bất cứ ai khi nào có thể, bất kể đạo đức hay khôn ngoan thông thường. Đây cũng là một thử thách với các cấp chính quyền Canada để dân chúng phán xét họ chống lại một đe dọa từ đồng minh truyền thông như thế nào. Và người dân Canada có đủ nghị lực để cương quyết sống trong một Quốc gia với văn hoá và xã hội khác với Mỹ, như đã tự hào từ khi lập quốc đến nay?

Tôi biết khá nhiều người Mỹ gốc Việt vẫn còn ủng hộ ông Trump trong nhiều việc, kể cả chiến tranh thương mại này với Canada. Có lẽ vì lòng ích kỷ, họ nghĩ rằng tiền thuế quan áp lên từ chính phủ Mỹ sẽ ít nhiều có phần của họ. Không, không phải như ông Trump bảo là sẽ có nhiều ngàn tỉ thu được từ thuế quan áp đặt và việc làm sẽ trở về nước Mỹ như đã nói bên trên đâu. Những thiệt hại của nước Mỹ trong chiến tranh thương mại sẽ do người tiêu thụ Mỹ gánh chịu. Cộng với việc cắt giảm tàn bạo các chương trình hiện có ở nước Mỹ, chính sách hành pháp Trump sẽ hướng việc tái phân bố tài sản dân chúng, bớt phần của người nghèo và người trung lưu hơn nữa để tăng tài sản cho giới cực giàu, những người như ông Trump. Liệu bao nhiêu người ủng hộ ông Trump nằm trong giới được hưởng lợi này?

Mặc Lý

—————

Tham khảo

[1] Bureau of Economics Analysis, US Department of Commerce, Report July 2023

[2] Mặc Lý, Áp Thuế và Áp Thuế Trả Đũa. Diễn Đàn Thế Kỷ, Feb 09, 2025

[3] North American Aerospace Defense Command

https://www.norad.mil

[4] Office of the US Trate Representative, Imports and exports

https://ustr.gov/countries-regions/americas/canada

[5] Vineet Sachdev and Anurag Rao, What happened the last time Trump imposed tariffs on steel and aluminum, Reuters. Mar 12, 2025

https://www.reuters.com/graphics/TRUMP-TARIFFS/STEEL/gdpznwgdzpw

[6] William Lewis Morton, Roger D Hall, US-Canadian relations,Britanica, Mar 20, 2025

https://www.britannica.com/place/Canada/U-S-Canadian-relations

[7] Word Integrated Trade Solution, World Bank

https://wits.worldbank.org/CountryProfile/en/Country/USA/Year/2022/TradeFlow/Import