Mạnh Kim: Báo chí: Tất cả đều nằm trong rọ
Không chỉ bị áp đặt với chính sách kiểm duyệt cực kỳ khắc nghiệt đối với báo chí trong nước, các nền tảng truyền thông nước ngoài hoạt động ở Việt Nam, từ Google, TikTok đến Facebook, đều bị quản lý nghiêm ngặt.
Trong bài báo ngày 19-6-2023 trên The Washington Post, tác giả Rebecca Tan, chánh văn phòng Đông Nam Á của The Washington Post, tiết lộ rằng Facebook thậm chí có một danh sách viên chức cộng sản Việt Nam “bất khả xâm phạm”, tức bất kỳ thông tin gì liên quan họ đều bị Facebook kiểm duyệt.
Meta – công ty mẹ của Facebook – đã thông qua một danh sách lưu hành nội bộ với tên các quan chức thuộc hệ thống đảng không được phép bị chỉ trích trên Facebook. Danh sách này, được giữ kín trong công ty và chưa từng được báo cáo công khai trước đây, được đưa vào phần hướng dẫn sử dụng để kiểm soát nội dung trực tuyến. Theo tiết lộ của những cựu nhân viên Facebook, đây là danh sách duy nhất ở khu vực Đông Á!
Meta không là công ty truyền thông duy nhất nhân nhượng trong việc gỡ bỏ nội dung “nhạy cảm” ở Việt Nam. Kể từ năm 2019, Google, nơi sở hữu YouTube, đã nhận được hơn 2.000 yêu cầu của chính quyền Việt Nam về việc gỡ bỏ nội dung và họ đã tuân thủ phần lớn các yêu cầu. TikTok cho biết họ cũng xóa hoặc hạn chế hơn 300 bài đăng ở Việt Nam vào năm 2022 vì vi phạm luật địa phương.
The Washington Post nhấn mạnh, dù một số chính phủ trên thế giới có thể yêu cầu Facebook gỡ bỏ nội dung nhưng những nhượng bộ mà Meta thực hiện để có thể sống khỏe tại Việt Nam – quốc gia đông dân thứ 15 trên thế giới – vượt xa những nhượng bộ mà Meta đã đưa ra ở bất kỳ nơi nào khác tại khu vực Đông Á.
Meta bắt đầu theo dõi những yêu cầu kiểm duyệt của chính phủ Việt Nam từ năm 2017. Tính đến tháng 6-2022, Facebook đã chặn hơn 8.000 bài đăng trong nước, hầu hết bị cáo buộc chứa “nội dung chống Đảng Cộng sản và Chính phủ Việt Nam” hoặc thông tin “xuyên tạc, vu khống, xúc phạm” các tổ chức hoặc cá nhân. Việc kiểm duyệt lên đến đỉnh điểm vào năm 2020 với 3.044 lượt xóa – vào thời điểm trước Đại hội Đảng 2021. Dữ liệu kiểm duyệt ít khi được tiết lộ nhưng cơ quan quản lý văn hóa thông tin cho biết từ ngày 15-4 đến ngày 15-5-2023, bộ máy kiểm duyệt Việt Nam đã xem xét hơn 400 bài đăng trên Facebook được xem là lừa đảo hoặc “chống phá nhà nước”; và Meta đã loại bỏ 91% trong số đó.
Báo chí nói chung đang rất nghẹt thở. Mạng xã hội tương tự. Tất cả đều có thể bị “giết” thẳng tay bởi hai điều luật cực kỳ mơ hồ là 331 và 117.
**
“Lịch sử” vài vụ “chôn sống”
-Ngày 1-8-2008: Nguyễn Quốc Phong (Phó Tổng biên tập Thanh Niên), Bùi Thanh (Phó Tổng biên tập Tuổi Trẻ) bị tước thẻ nhà báo.
-Ngày 5-1-2021, Phạm Chí Dũng bị xử 15 năm tù (cùng vụ án, Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn 11 năm tù). Tội danh bị quy kết: Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống phá Nhà nước, theo Điều 117 Bộ luật hình sự.
-Ngày 28-10-2021, Trương Châu Hữu Danh bị xử 4 năm 6 tháng tù. Tội: “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước; quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”, theo Điều 331 Bộ luật hình sự.
-Ngày 23-3-2022: Lê Văn Dũng (Dũng Vova) bị xử năm năm tù. Tội: Tuyên truyền chống Nhà nước, theo Điều 117 Bộ luật hình sự.
-Ngày 25-8-2022, Tòa án Hà Nội tuyên y án Phạm Đoan Trang chín năm tù. Tội: Tuyên truyền chống nhà nước theo Điều 88 Bộ luật hình sự 1999 cũ, tức Điều 117 Bộ luật hình sự 2015.
-Ngày 12-4-2023, Nguyễn Lân Thắng bị xử sáu năm tù và hai năm quản chế, theo Điều 117 Bộ luật hình sự. Tội: Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước; xuyên tạc đường lối, chính sách Nhà nước, phỉ báng chính quyền nhân dân.
-Ngày 12-5-2023, Trần Văn Bang bị xử tám năm tù và hai năm quản chế; Ngày 6-6-2023, Đặng Đăng Phước bị xử tám năm tù và bốn năm quản chế. Tội: Làm, tàng trữ, phát tán tài liệu chống phá nhà nước, theo Điều 117 Bộ luật hình sự.
-Ngày 1-6-2024, Huy Đức bị bắt. Ngày 7-6-2024, quyết định khởi tố, bắt tạm giam Huy Đức được chính thức loan bố. Tội: Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân – theo Điều 331 Bộ luật Hình sự.
**
-Ngày 16-7-2018, báo Tuổi trẻ Online bị đình bản ba tháng, phạt 220 triệu đồng. Tội: Thông tin sai sự thật, gây ảnh hưởng “rất nghiêm trọng” trong bài viết “Chủ tịch nước đồng ý cần ban hành Luật biểu tình” đăng trên Tuổi trẻ Online ngày 19-6-2018; trong đó có chi tiết: “Tiếp xúc cử tri với vai trò đại biểu Quốc hội TPHCM, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nói ông đồng tình với kiến nghị của cử tri cần có Luật biểu tình và hứa báo cáo Quốc hội về nội dung này”.
-Ngày 7-9-2020, bốn tờ báo bị phạt.
*Dân Việt, tội “thông tin sai sự thật” trong bài “Khởi tố, bắt tạm giam ông Tất Thành Cang, cựu Phó Bí thư TP Hồ Chí Minh” (bị phạt ba triệu);
*Báo điện tử Tổ Quốc, tội “thông tin sai sự thật” trong bài “Chủ tịch HCM – Người sáng lập Nhà nước VNDCCH” (bị phạt 12 triệu);
*VNExpress, tội “thông tin sai sự thật” trong bài 90 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Ðảng (bị phạt 12 triệu);
*Báo Thanh Niên, tội “thông tin sai sự thật” trong loạt bài tháng 5-2020 về một số dự án đầu tư xây dựng theo hình thức BT tại Hải Phòng (bị phạt 45 triệu).
-Ngày 5-7-2022: Báo Pháp Luật Việt Nam bị phạt 325 triệu đồng, tước giấy phép báo điện tử trong ba tháng. Tội: “Đăng tải thông tin sai sự thật trong 13 bài viết, vi phạm quy định tại Khoản 8 Điều 9 Luật Báo chí 2016, trong đó có hai bài viết gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng”.
-Ngày 14-7-2023: Zing News bị tước giấy phép ba tháng và bị phạt 243,5 triệu đồng. Tội: “Không thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép hoạt động báo chí gây ảnh hưởng nghiêm trọng”.
-Ngày 12-3-2024, Tạp chí Diễn Đàn Doanh Nghiệp bị phạt 71,25 triệu đồng vì “những sai phạm trong hoạt động báo chí”.
**
-Điều 25 Hiến pháp năm 2013 ghi: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.
-Điều 13 Luật Báo chí năm 2016 quy định “Báo chí, nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ”.
-Điều 331 Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 quy định về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước; quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm; hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm; Phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
-Điều 117 Bộ luật hình sự quy định về tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước. Điều luật này được sửa đổi, bổ sung từ Điều 88 Bộ luật Hình sự năm 1999. Điều 117 có ba khung hình phạt chính:
–Khung 1: Tù từ 5 năm đến 12 năm, đối với người phạm tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng.
–Khung 2: Tù từ 10 năm đến 20 năm, với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.
–Khung 3: Quy định người “chuẩn bị phạm tội” thì bị phạt từ một năm đến 5 năm tù.
Hình phạt bổ sung: Người phạm tội còn có thể bị áp dụng một hoặc vài hình phạt bổ sung, quy định tại Điều 122 BLHS năm 2015. Đó là tước một số quyền công dân từ một năm đến năm năm; phạt quản chế, cấm cư trú từ một năm đến 5 năm; bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.